Nông Văn Vân là thổ ty châu Bảo Lạc, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn. Tìm hiểu tiểu sử của ông và thông tin cuộc khởi nghĩa.
Bảng tóm tắt thông tin Nông Văn Vân
Nông Văn Vân là ai
Nông Văn Vân (? - 1835) là người dân tộc Tày, giữ chức vụ thổ ty châu Bảo Lạc dưới triều đại vua Minh Mạng. Vào năm 1833, Nông Văn Vân tự xưng là ‘Tiết chế thượng tướng quân”, tập hợp các dân tộc thiểu số ở vùng núi Việt Bắc dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình.
Khởi nghĩa Nông Văn Vân bùng nổ đã thu hút đông đảo các tù trưởng, dân chúng tham gia tiến đánh các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Sau đó, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh miền núi Việt Bắc. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra trên khắp vùng núi phía Bắc.
Nông Văn Vân được sử sách đánh giá là một thủ lĩnh tài ba. Ông đã kêu gọi được rất đông dân chúng, tù trưởng, khéo léo sử dụng lợi thế địa hình hiểm trở khiến quân triều đình gặp nhiều tổn thất nặng nề.
Hình ảnh Nông Văn Vân trong một bộ phim hoạt hình lịch sử |
Dưới sự lãnh đạo của Nông Văn Vân, nghĩa quân đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, số lượng người tham gia ngày càng đông. Tuy nhiên, quân triều đình liên tục bổ sung lực lượng và dần chiếm lại các tỉnh thành đã mất.
Cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân kéo dài từ tháng 7 năm 1833 đến tháng 3 năm 1835 thì kết thúc. Sau cuộc vây quét ở vùng núi Tuyên Quang, quân triều đình đã đốt cháy núi Thẩm Pát và tuyên bố Nông Văn Vân đã chết cháy.
Thân thế và gia đình
Nông Văn Vân là con trai thứ của Nông Văn Liêm - tri châu người dân tộc Tày, châu Bảo Lạc. Ngày xưa, chức quan tri châu các tỉnh miền núi thường được vua giao cho thủ lĩnh dân tộc thiểu số, theo hình thức cha truyền con nối.
Dòng họ của ông đã nhiều đời giữ chức tri châu vùng Bảo Lạc, uy tín cao trong dân chúng. Ngoài ra, Nông Văn Liêm có một người anh trai là Nông Văn Trang, em vợ là Lê Văn Khôi. Sau khi cha và anh trai mất, ông được thừa kế chức vụ tri châu Bảo Lạc.
Cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân
Nguyên nhân
- Bên cạnh chức quan tri châu do người dân tộc thiểu số đảm nhiệm, triều đình còn cử chức lưu quan là người Kinh. Tuy nhiên, những quan lại người Kinh này thường hay tham nhũng, ức hiếp dân chúng. Vì vậy, người dân rất căm ghét chỉ chờ ngày nổi dậy.
- Triều đình nhà Nguyễn không thể khắc phục được nạn tham quan, đưa ra nhiều chính sách cai trị hà khắc khiến dân chúng khổ cực. Trong vòng 50 năm, hơn 400 cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn trên khắp đất nước.
- Em vợ của Nông Văn Vân là Lê Văn Khôi đã đấu tranh chống lại triều Nguyễn và chiếm lấy thành Phiên An, Gia Định. Nhà vua đã lệnh cho bắt tất cả người thân, họ hàng của Lê Văn Khôi, trong đó có cả Nông Văn Vân. Thời xưa, người mưu phản chống lại vua sẽ phải chịu tội “tru di cửu tộc”. Lúc này, nếu Nông Văn Vân bị bắt thì ông rất khó thoát khỏi cái chết.
Sử sách ghi chép Phạm Đình Trạc nghe lệnh vua, đã bắt lấy 14 người thân, 2 người con, 1 người em của Lê Văn Khôi. Phạm Đình Trạc còn cho đào mồ mả ông nội và cha của Lê Văn Khôi, đem hài cốt đốt thành tro.
Dưới triều Nguyễn, nhiều chính sách khiến dân chúng chịu cảnh khổ cực. Vì vậy, Nông Văn Vân đã sáng tác bài hịch cho thấy chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn và kêu gọi nhân dân khởi nghĩa:
Mười lăm năm đức chính có chiKho hình luật vẽ nên hùm có cánhBa mươi tỉnh nhân dân đều oánTiếng oan hào kêu dậy đất không lung.
>> Đón đọc bài viết Lê Văn Khôi và cuộc khởi nghĩa thành Phiên An.
Tương quan lực lượng
Căn cứ chính của quân khởi nghĩa tại Vân Trung, Ngọc Mạo, thuộc châu Bảo Lạc. Ban đầu, lực lượng nghĩa quân có khoảng sáu nghìn người. Ngoài Nông Văn Vân, những tướng lĩnh khác tham gia cuộc khởi nghĩa gồm có: Bế Văn Cẩn, Bế Văn Huyền là em vợ Lê Văn Khôi, Nông Văn Sĩ.
Về phía triều đình, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Lê Văn Đức được cử làm Tổng tiễu bộ Tuyên Quang thổ phỉ quân vụ, Nguyễn Công Trứ được cử làm tham tán, đem quân đánh lên khu vực Tuyên Quang.
Ngoài ra, vua Minh Mạng cử Tổng đốc Ninh Thái Nguyễn Đình Phổ mang đội quân có súng thần công và đội lính cơ đến Thái Nguyên để hỗ trợ đánh dẹp quân khởi nghĩa.
An Tĩnh Tổng đốc Tạ Quang Cự được cử làm Tổng thống Lạng Bình quân vụ đại thần mang hàng ngàn quân đánh lên Cao Bằng, Lạng Sơn.
Diễn biến khởi nghĩa Nông Văn Vân
Những trận đánh đầu tiên
Ngày 25 tháng 8 năm 1833, nghĩa quân đã tiến công vào xã Lương Trà, chiếm đóng đồn Gia Bằng và Cồ Lân. Đến ngày 1 tháng 9 năm 1833, nghĩa quân kéo đến tấn công tỉnh Cao Bằng.
Đến ngày 4 tháng 9, vua Minh Mạng nghe tin 1000 nghĩa quân vây đánh đồn Thổ Sơn. Quan tuần phủ Lạng Sơn là Hoàng Văn Quyền được lệnh mang binh đến tiếp viện. Tuy nhiên, cánh quân tiếp viện của Hoàng Văn Quyền đã bị nghĩa quân đánh chặn tại đồn Tiêm Lĩnh. Trận đánh này, quân triều đình bại trận, phải bỏ chạy đến nỗi mất cả ấn đồng.
Hoàng Văn Quyền sau khi thua trận Tiêm Lĩnh phải chạy về Thất Tuyền. Một cánh nghĩa quân tiếp tục chặn đánh khiến Hoàng Văn Tuyền phải rút về cố thủ ở Lạng Sơn. Sau trận chiến ở thành Lạng Sơn, Hoàng Văn Tuyền bị bắt, Lạng Sơn chính thức lọt vào tay nghĩa quân Nông Văn Vân.
Đánh chiếm Cao Bằng
Trong thời gian này, nghĩa quân Nông Văn Vân đã vây thành Cao Bằng trong suốt 1 tháng. Để chi viện cho Cao Bằng, vua Minh Mạng cử tổng đốc An Tỉnh là Tạ Quang Cự đem quân lên Cao Bằng chi viện. Tuy nhiên, cánh quân do Tạ Quang Cự dẫn đầu tiến quân rất chậm, nhiều lần bị chặn đánh phục kích ở xã Chi Lăng, đồn Quang Lang, xã Yên Bái.
Đến ngày 2 tháng 9 năm 1833, Cao Bằng thất thủ, lãnh binh Vũ Văn Lợi đầu hàng, Phạm Đình Trạc, Bùi Tăng Huy, lãnh binh Phạm Văn Lưu đều tự sát.
Mãi đến tháng 11 năm 1833, quân của Tạ Quang Cự mới đến Cao Bằng. Lúc này, nghĩa quân Nông Văn Vân đã bỏ thành chạy trốn sang Trung Quốc.
Đánh chiếm Cao Bằng lần hai
Đầu năm 1834, Nông Văn Vân mang quân từ Trung Quốc trở về hội quân tại Cao Bằng. Kế đến, tướng Nông Văn Sĩ mang hơn 1000 Nghĩa quân tiến đánh đồn Trung Thảng. Tổng đốc đạo Tuyên Quang là Lê Văn Đức, Tham tán Nguyễn Công Trứ mang đại quân triều đình đánh vào căn cứ Vân Trung.
Đến tháng 2 năm 1834, đạo quân Cao Bằng do Tạ Quang Cự và Võ Văn Từ chỉ huy thua trận ở Đinh Lãm, cả hai đều bị cách chức. Tuy nhiên, Tạ Quang Cự và Võ Văn Từ lại mang binh đánh lên núi Công Lãnh khiến nghĩa quân thiệt hại.
Tháng 6 năm 1834, Nông Văn Vân mang 6000 quân sĩ, cùng với các tướng Bế Văn Cẩn, Bế Văn Huyền tiến đánh tỉnh Cao Bằng lần thứ hai. Trên đường đi, nghĩa quân còn tiêu diệt đồn Nhượng Bạn, châu Thạch Liêm.
Lúc này, 2 tướng của triều đình là Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Tình Lộc mang voi chiến chi viện cho Cao Bằng. Tuy nhiên, đội quân này đã bị chặn đánh tại Lạng Chỉ, tướng chỉ huy Nguyễn Tình Lộc chết trận, tàn quân phải lui về đồn Lạc Dương.
Cùng thời điểm này, cánh quân do Tạ Quang Cự chỉ huy tiến đến chi viện cho tỉnh Cao Bằng. Nghĩa quân Nông Văn Vân đã lập hơn 20 cứ điểm quyết chiến đến cùng với quân triều đình. Tuy nhiên, tướng Tạ Quang Cự đã điều thêm quân chi viện từ xã Hoa Sơn. Trước sự áp đảo về quân số, các cứ điểm của nghĩa quân Nông Văn Vân đều bị công phá. Nông Văn Vân nhận thấy không thể giữ được thành Cao Bằng nên cho quân rút lui để bảo toàn lực lượng.
Quản cơ Nguyễn Hựu Đĩnh chính là người đã mang quân chiếm lại thành Cao Bằng. Nguyễn Hựu Đĩnh dự đoán được tướng Bế Văn Cận sẽ lui quân, bèn cho quân mai phục ở đồn Ninh Lạc. Đội quân của Bế Văn Cận lọt vào trùng vây. Bế Văn Cận bị thổ dũng Hà Đình Bảo chém đầu.
Căn cứ bị đánh chiếm
Những tháng cuối năm 1834, cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân đã bước vào giai đoạn cuối. Tại mặt trận Tuyên Quang, tướng Lê Văn Đức đã giành chiến thắng tại khu rừng Bạch Đích, phá vỡ phòng tuyến phía tây của châu Bảo Lạc. Hơn nữa, các căn cứ, đồn trại của nghĩa quân như Bằng Thành, Bộc Bố, Nhạn Môn, Bắc Niệm,... đều lần lượt thất thủ.
Đến ngày 14 tháng 11 năm 1834, cánh quân do tướng Lê Văn Đức chính thức đến căn cứ ở Vân Trung. Ngoài ra, danh tướng Tạ Quang Cự đem 2500 quân tấn công Cạm Bẻ, phá vỡ phòng tuyến phía đông của căn cứ Ngọc Mạo. Đạo quân do tham tán Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Đình Phổ cũng tiến đến Ngọc Mạo, Vân Trung. Cả 3 đạo quân của triều đình hội quân tại căn cứ nghĩa quân Vân Trung, Ngọc Mạo.
Trận địa nghĩa quân Nông Văn Vân đã tan vỡ, ông phải mang vợ con lần thứ hai chạy trốn sang Trung Quốc.
Khi sang đến Trung Quốc, Nông Văn Vân bị quân lính nhà Thanh truy đuổi, phải chạy về Bảo Lạc. Lúc này, 3 đạo quân của triều đình lại tiếp tục truy đuổi gắt gao, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân đều bị bắt, đầu hàng.
Chánh quản lữ Nông Tịnh Hòa đầu hàng triều đình, bí mật cung khai nơi ở của Nông Văn Vân tại xã n Quang. Quân triều đình tiến hành vây bắt nhưng ông đã thoát khỏi vòng vây, trốn vào núi Thẩm Pát. Vào ngày 11 tháng 3 năm 1835, quân triều đình đốt cháy núi và tuyên bố tìm thấy xác Nông Văn Vân bị thiêu cháy. Đến đây, cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân chính thức kết thúc.
Kết quả và ý nghĩa
Khởi nghĩa Nông Văn Vân đã tập hợp đông đảo nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi, họ hàng của Lê Văn Khôi, các thủ lĩnh người Hoa đấu tranh và gây ra nhiều thiệt hại cho quân đội triều Nguyễn. Nghĩa quân đã giành được nhiều trận đánh quan trọng nhờ vào việc tận dụng ưu thế địa hình hiểm trở.
Cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân đã cho thấy sự đoàn kết của các dân tộc miền núi chống lại chính sách cai trị hà khắc của triều đình nhà Nguyễn. Thế kỷ 19, đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chống lại nhà Nguyễn.
>> Bạn có biết danh sĩ Cao Bá Quát đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều Nguyễn. Xem thêm tiểu sử Cao Bá Quát.