Tả quân Lê Văn Duyệt - Từ thái giám đến tổng trấn Gia Định

Nguyễn Minh Khánh
tháng 9 13, 2021
Last Updated

Tả quân Lê Văn Duyệt là nhà quân sự, chính trị, công thần lập quốc dưới triều đại Nguyễn Ánh. Ngoài ra, ông từng đảm nhiệm tổng trấn Gia Định góp phần đưa thành phố này trở nên phồn vinh.

Bảng tóm tắt thông tin Lê Văn Duyệt

Tên đầy đủ

Lê Văn Duyệt

Tên gọi khác

Tả quân Lê Văn Duyệt

Biệt danh

Cọp gấm Đồng Nai.

Năm sinh và năm mất

1763 - 30 tháng 7 (âm lịch) năm 1832.

Triều đại

Nhà Nguyễn. Ông phục vụ dưới 2 triều vua Gia Long và Minh Mạng. 

Nơi sinh

Cù lao Hổ, vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Nơi mất

Thành Gia Định nay là TP.Hồ Chí Minh

Chức vụ

Thái giám, Chưởng Tả Quân Đại tướng quân.

Nguyên nhân cái chết

Bệnh.

Nổi tiếng với

Phò trợ Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lập nên nhà Nguyễn. Ông 2 lần làm tổng trấn Gia Định, huy động quân và dân hỗ trợ đào kênh Vĩnh Tế, góp phần giúp miền Nam trở nên giàu có. Sau khi mất, Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng kết tội. 

Sở thích

Đá gà, đấu hổ, đấu voi, tập trận.

Gia đình

Cha mẹ

Lê Văn Toại (cha), Phúc Thị Hào (mẹ).

Vợ

Đỗ Thị Phẫn

Em trai

Lê Văn Oai, Lê Văn Đến, Lê Văn Phong

Em gái

Lê Thị Năm, Lê Thị Hổ

Con nuôi

Lê Văn Khôi

Con thừa tự

Lê Văn Yến

Hồ sơ Media

Hồ sơ Wikipedia

https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Văn_Duyệt

Tiểu sử Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) còn có tên gọi khác là Tả quân Lê Văn Duyệt, là danh tướng nằm trong “Gia Định ngũ hổ tướng”, vị quan lớn, công thần lập quốc của triều Nguyễn. Bẩm sinh Lê Văn Duyệt đã khiếm khuyết bộ phận sinh dục (giám sinh).

Tả quân Lê Văn Duyệt
Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt

Năm 1781, Tả quân Lê Văn Duyệt 17 tuổi, ông được Nguyễn Ánh đã triệu vào cung làm thái giám. Không phụ lòng chúa Nguyễn, ông quản lý rất tốt việc cung đình, được phong làm Thuộc nội cai đội.

Sau đó, ông đã bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực quân sự. Từ năm 1871, ông trở thành một trong những tướng lĩnh của Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn. Những năm phò tá chúa Nguyễn, ông bôn ba khắp nơi, chịu đủ đắng cay nhưng vẫn một mực trung thành, lập nhiều chiến công.

Đến năm 1801, Lê Văn Duyệt lập công lớn trong trận thủy chiến với quân Tây Sơn tại cửa biển Thị Nại, quét sạch thủy quân Tây Sơn. Năm 1802, nhờ những chiến tích hiển hách, ông được phong Chưởng cơ Tả quân. Từ đó, nhân dân thường gọi ông là Tả quân Lê Văn Duyệt tương ứng với đội quân do ông lãnh đạo.

Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ông lại được vua tin dùng, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, 2 lần được giữ chức Tổng trấn Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế Gia Định nói riêng và miền Nam nói chung phát triển thần tốc, dân cư giàu có, kỷ cương nghiêm minh. Tả quân Lê Văn Duyệt có nhiều tư tưởng tiến bộ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị như mở rộng giao thương với các nước, không kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, liêm chính, công bằng.

Ngoài ra, Tả quân Lê Văn Duyệt còn có công lao lớn khi huy động 39000 dân quân hỗ trợ Thoại Ngọc Hầu đào Kinh Vĩnh Tế. Trong thời gian đảm nhiệm Tổng trấn Gia Định, ông còn cho xây dựng thành Bát Quái - một công trình quân sự phòng thủ kiên cố.

Ngày 30 tháng 7 năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt bệnh nặng rồi qua đời. Sau đó, vua Minh Mạng bí mật lệnh Bạch Xuân Nguyên điều tra, vạch tội ông và bắt giam người nhà. Sự việc này là nguyên nhân chính khiến con nuôi của ông là Lê Văn Khôi nổi dậy khởi nghĩa.


>> Có lẽ bạn muốn biết thêm Cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi.


Mặc dù đã mất nhưng mồ mả Lê Văn Duyệt vẫn không được yên ổn. Ông bị kết án 7 tội đáng chém, 2 tội phải chịu treo cổ. Tuy nhiên, do ông đã mất nên vua Minh Mạng ra lệnh san phẳng mộ Lê Văn Duyệt, cho khắc chữ:

“Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ".

Tạm dịch:

“Đây là nơi hoạn Lê Văn Duyệt phải chịu phạt”.

Mãi đến năm 1841, các thân quyến của Lê Văn Duyệt mới được vua Thiệu Trị tha tội. Đến năm 1849, ông được vua Tự Đức rửa sạch tội trạng, mộ Lê Văn Duyệt được trao trả về gia thuộc trông nom. Vào tháng 4 năm 1868, ông được vua phục chức Chưởng Tả Quân Đại tướng quân, cho phép thờ tự tại miếu Trung hưng công thần.

Thân thế và gia đình

Tả quân Lê Văn Duyệt là con trai trưởng trong gia đình nông dân có 4 người con trai, tại cù lao Hổ, vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường. Tuy nhiên, nguyên quán của gia đình vốn từ nơi khác đến định cư.

Ông nội của Lê Văn Duyệt tên Lê Văn Hiếu vốn là người làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) di cư đến đây.
Sau khi ông Lê Văn Hiếu qua đời, cha ông là Lê Văn Toại đã mang gia đình đến cư ngụ ở khu vực Rạch Gầm, thuộc làng Long Hưng, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.

Hiện nay, khu vực này thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang.Trong số các anh em, Lê Văn Phong là con trai út của gia đình cũng tham gia vào quân đội phục vụ triều Nguyễn. Lê Văn Phong là một vị tướng tài giỏi, lập nhiều công lao, giữ chức Tả dinh Đô Thống chế. Sau khi Lê Văn Phong qua đời, ông được vua Gia Long sắc phong Thiếu bảo, thụy là tráng Nghị.

Bởi vì Lê Văn Duyệt vốn không thể có con cái đời sau, vua Gia Long đã sắc phong người con đầu tiên của Lê Văn Phong là Lê Văn Yến làm “con thừa tự” của Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau này, Lê Văn Yến lại được vua Gia Long gả công chúa Ngọc Ngôn và trở thành phò mã. Sau cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, Lê Văn Yến bị xử chém. Tuy nhiên, con trai của Lê Văn Yến là Lê Văn Diễn trốn thoát. Đến đời vua Tự Đức, dòng họ Lê Văn được tha tội, Lê Văn Diễn được phục chức cai đội.

Vợ Lê Văn Duyệt là bà Đỗ Thị Phẫn, một cung nhân được vua Gia Long ra chiếu chỉ gả cho ông. Ngoài ra, Tả quân Lê Văn Duyệt còn có 2 cô hầu chưa rõ tính danh.Năm 1819, Lê Văn Duyệt phụng lệnh mang binh đến trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay thuộc tỉnh Bình Định), trấn áp bọn thổ phỉ. Bế Khôi mang tư quân đến phụ thuộc, lập nhiều công lao. Lê Văn Duyệt nhận Bế Khôi làm con nuôi, đổi tên Lê Văn Khôi, mang về Gia Định, phong chức phó vệ úy.

Tuổi thơ

Ngay khi vừa mới ra đời, Lê Văn Duyệt đã bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (ngọc hoàn). Vì mặc cảm nên ông không đi học, thường tụ tập đá gà, đánh cá, bắt chim. Ngoài ra, ông còn đam mê các giai thoại về các vị danh tướng, cùng lũ trẻ trong làng thường xuyên tập đánh trận giả. Mặc dù ông có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có sức khỏe hơn người, can đảm, mưu trí thâm sâu.

Ông từng thể hiện khát vọng lĩnh quân lập công danh như sau:

“Ta sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu.”

Vào năm 1781, Nguyễn Ánh thua trận, bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến vàm Trà Lọt. Lúc này, thuyền của Nguyễn Ánh gặp phải sóng dữ, chúa Nguyễn rơi xuống nước. Lê Văn Duyệt tình cờ gặp được bèn nhảy xuống sông cứu người, mang Nguyễn Ánh về chứa chấp tại nhà. Trước khi rời đi, Nguyễn Ánh hứa hẹn sẽ quay lại báo ơn gia đình Lê Văn Duyệt. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh này đã thay đổi cả cuộc đời Lê Văn Duyệt.

Phò chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn

Tháng 11 năm 1784, Nguyễn Ánh gặp lại Lê Văn Duyệt, phong ông làm thái giám trông coi nội sự cung đình. Ông không phụ lòng chúa, quản lý công việc nơi cung cấm rõ ràng, trật tự, được phong Thuộc nội cai đội.

Sau đó, Nguyễn Ánh nhiều lần thua trước quân Tây Sơn, 2 lần phải lưu lạc sang tận Xiêm La (Thái Lan). Lê Văn Duyệt vẫn hết lòng đi theo bảo vệ chúa, lại có nghề mộc làm kế mưu sinh, giúp Nguyễn Ánh vượt qua những ngày tháng gian khó nơi xứ người.

Đến năm 1793, Nguyễn Ánh ngỏ ý muốn ông thử sức với việc quân sự, sắc phong giữ chức thuộc nội vệ úy. Từ đây, ông được phép tham gia vào việc quân và nhanh chóng trở thành một trong những tướng lĩnh hàng đầu của Nguyễn Phúc Ánh.

Vào năm 1795, ông mang đại quân chi viện thành Diên Khánh, rồi hạ được cả đồn Trung Hội. Sau đó, Duyệt được lệnh trấn giữ thành Diên Khánh, sắc phong Chánh thống Tả đồn trực thuộc đạo quân Thần sách.

Đến năm 1799, sau nhiều năm chinh chiến ông được phong hàm Khâm sai Chưởng tả quân Đô thống. Cũng trong năm này, Lê Văn Duyệt và Võ Tánh thống lĩnh một trong 3 đạo quân tiến đánh thành Quy Nhơn. Đạo quân của ông được lệnh chặn đánh các đạo quân chi viện cho thành Quy Nhơn. Sau đó, thành Quy Nhơn bị quân đội triều Nguyễn công phá thành công, Võ Tánhđược lệnh mang binh giữ thành.

Đến năm 1800, quân đội Tây Sơn kéo đến vây hãm Bình Định. Quân đội chúa Nguyễn nhiều lần cứu viện, phá vây nhưng không thành.

Vì vậy, Nguyễn Ánh đã quyết định mang quân tiến đánh cửa biển Thị Nại gần Phú Xuân, nơi tập trung gần như toàn bộ thủy quân của Tây Sơn. Đêm rằm tháng giêng (tức ngày 27 tháng 2) năm 1801, trận thủy chiến ác liệt nhất của nước ta thế kỷ 19 chính thức diễn ra.

Trận Thị Nại

Tướng Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Trương được lệnh mang chiến thuyền nhỏ đến Hổ Cơ tiêu diệt các đồn lũy. Võ Di Nguy chủ tướng và Lê Văn Duyệt đốc quân mang quân tấn công cửa biển Thị Nại.

Trên đường tiến công, Võ Di Nguy bị trúng đạn chết ngay tại trận, quân Nguyễn phải dừng lại. Tuy nhiên, Lê Văn Duyệt vẫn dũng mãnh đi đầu, ra lệnh quân sĩ lao lên dùng hỏa công đốt thuyền. Lúc này, trời lại nổi gió Đông Nam rất lớn, lửa cháy lan khắp các chiến thuyền của quân Tây Sơn. Trận thủy chiến này bắt đầu từ 10h30 đêm đến tận 4h sáng mới kết thúc với kết quả quân Tây Sơn đại bại. Sau trận Thị Nại, Tả quân Lê Văn Duyệt được coi là “võ công đệ nhất”, toàn bộ thủy quân Tây Sơn bị dẹp tan.

>> Trận Thị Nại được biết đến như trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Xem thêm bài viết Đầm Thị Nại - Từ 2 trận thủy chiến đến danh thắng hiện đại.

Đến tháng 5 âm lịch, ông cùng với danh tướng Lê Chất công phá quân Tây Sơn cố thủ ở Quy Sơn, bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sơn. Sau đó, cánh quân của ông cùng với cánh quân Nguyễn Ánh tiến đánh kinh thành Phú Xuân, quân Tây Sơn thua to, vua Cảnh Thịnh phải bỏ thành chạy trốn ra Bắc.

Ngày 31 tháng 4 năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua tại Phú Xuân, niên hiệu Gia Long. Sau đó, Lê Văn Duyệt được vua sắc phong “Khâm sai chưởng Tả Quân dinh Bình Tây tướng quân”, tước vị quận công. Ông cùng với các tướng Lê Chất, Nguyễn Văn Trương mang quân dẹp tàn quân Tây Sơn ở miền Bắc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến đây, triều đại nhà Tây Sơn chính thức kết thúc.

Sự nghiệp dưới thời vua Gia Long

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách thu thuế lâm sản. Ngoài ra, nạn tham nhũng của các quan lại khiến dân tộc thiểu số miền núi hết sức bất mãn. Đến năm 1803, dân tộc thiểu số Đá Vách vùng Quảng Ngãi lại đấu tranh chống lại triều đình nhà Nguyễn.Cùng năm đó, Tả quân Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Hiếu mang binh đến đàn áp, quân nổi loạn phải trốn chạy. Quân đội của triều đình tiến đến khe Tử Khê thì không thể tiến thêm do thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở khiến binh lính đau ốm rất nhiều.

Đến năm 1807, người dân Đá Vách lại tiếp tục gây biến loạn. Vua Gia Long lại cử Lê Văn Duyệt mang binh đến trấn áp. Tuy nhiên, vua căn dặn ông nên sử dụng biện pháp chiêu hàng. Vào năm 1808, Lê Văn Duyệt lại tiếp tục mang binh đến vùng Đá Vách. Ông cho quân lính bí mật giả dạng thành tàn quân Tây Sơn thâm nhập vào các làng xóm điều tra.

Kết quả, Lê Văn Duyệt hay tin Phó quản cơ Lê Quốc Huy nhũng nhiễu dân chúng, cai trị hà khắc khiến dân nổi loạn. Vì vậy, ông ra lệnh bắt Lê Quốc Huy chém đầu, làm yên lòng dân chúng.Tuy nhiên, cuộc nổi dậy Đá Vách chỉ tạm lắng được ít lâu. Đến năm 1810, dân Đá Vách lại nổi dậy giết chết Thủ Ngự, tràn xuống đốt phá thôn Bồ Đề - nguyên quán của Lê Văn Duyệt.

Từ năm 1812 đến năm 1815, Tả quân Duyệt được cử làm tổng trấn Gia Định thay thế Nguyễn Văn Nhơn, tướng Trương Tấn Bửu làm phó tổng trấn.

Cũng trong năm này, Lê Văn Duyệt điều 6 binh sĩ thuộc 6 cơ Quảng Ngãi đến đóng giữ, lại chia khu vực các xã miền núi Đá Vách thành 27 xóm, cắt cử người lãnh đạo đứng đầu. Nhờ đó, cuộc nổi dậy Đá Vách một lần nữa tạm lắng lại.

Vào năm 1813, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt và Ngô Nhận Tịnh đem 13000 quân hộ tống quốc vương Chân Lạp (Campuchia) là Nặc Ông Chăn (Ang Chan II) về nước. Lúc này, Ang Chan II đã chấp thuận sự bảo hộ của Việt Nam, triều cống hằng năm. Sau khi đến Chân Lạp, Tả quân Lê Văn Duyệt dâng tấu sớ lên triều đình xây dựng thành Nam Vang (Phnom Pênh) cho vua ở và thành La Yêm.

Năm 1815, việc xây dựng thành trì ở Chân Lạp đã xong, ông được triệu về kinh đô Phú Xuân để bàn việc nối ngôi của thái tử. Trong thời gian này, tướng Nguyễn Huỳnh Đức thay ông đảm nhiệm tổng trấn Gia Định.

Trước kia, tiền quân Lê Văn Thành và tả quân Lê Văn Duyệt vốn có hiềm khích với nhau. Lê Văn Duyệt cho rằng một bài thơ của Nguyễn Văn Tuyên (con trai Lê Văn Thành) ngầm có ý mưu phản. Vào tháng 4 năm 1816, Lê Văn Thành bị tước ấn quan rồi bị buộc uống thuốc độc tự vẫn. Nguyễn Văn Tuyên bị bắt giam lại và xử chém.

Tháng 5 âm lịch năm 1816, quân nổi dậy Đá Vách lại đốt phá, quan trấn thủ Phan Tiến Hoàng không đánh lại. Tả quân Lê Văn Duyệt một lần nữa được lệnh mang binh đến trấn áp.

Năm 1819, ông dâng sớ xin triều đình đắp lũy Bình Man (dài 200km) phòng thủ các dân tộc thiểu số nổi dậy.

Cùng năm đó, Tả quân Lê Văn Duyệt được lệnh mang quân binh đi kinh lược khắp các vùng Thanh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Ông hiểu rõ nỗi khổ của dân chúng nghèo khổ, bị buộc đến con đường phải trộm cướp. Vì vậy, ông đã dâng sớ tâu lên triều đình những nỗi khổ của dân chúng, xin cắt giảm thuế, chọn lựa quan lại thích hợp để quản lý. Sau khi hoàn tất kinh lược, ông được quay về kinh đô, vua Gia Long lúc này đã lâm trọng bệnh.

Tháng 12 âm lịch năm 1819, Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt được Gia Long triệu vào cung lãnh di chiếu triều ngôi cho Nguyễn Phúc Đảm nối ngôi hoàng đế (vua Minh Mạng). Về việc quân, Tả quân Duyệt được vua tin tưởng giao cho quản lý quân 5 dinh Thần sách.

Sự nghiệp dưới thời vua Minh Mạng

Đến năm 1820, Lê Văn Duyệt phụng lệnh vua Minh Mạng đảm nhiệm chức tổng trấn Gia Định, Huỳnh Công Lý làm phó tổng trấn. Ở Chân Lạp, sư Kế nổi dậy cướp phá sang tận trấn Phiên An, bao vây kinh đô Nam Vang.

Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý mang binh đánh dẹp khiến quân nổi loạn sư Kế phải rút về Chân Lạp. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt lại lệnh cho thống chế Nguyễn Văn Trí đem quân cứu viện Nam Vang đánh tan quân nổi dậy, giết được sư Kế.

Cũng trong năm đó, quân dân tố cáo phó tổng trấn Huỳnh Công Lý tham nhũng đến tả quân Lê Văn Duyệt. Ông sưu tập đầy đủ chứng cứ, khởi tố lên triều đình. Huỳnh Công Lý phải chịu tội chém. Đây là một trong những án tham nhũng lớn nhất lúc bấy giờ.

Năm 1822, Lê Văn Duyệt đã dốc sức huy động 39000 người, đa phần là quân và dân Khơ me. Sau đó, ông lại lệnh Trương Tấn Bửu mang số người này hỗ trợ Thoại Ngọc Hầu xây dựng công trình kênh Vĩnh Tế.

Tháng 8 năm 1823, ông được triệu về kinh chầu rồi về Gia Định sống đến cuối đời.

Năm 1824, có tin đồn Lê Văn Duyệt đã mật tâu vụ án Nguyễn Phúc Mỹ Đường (con trai trưởng Hoàng tử Cảnh) thông dâm với mẹ ruột là Tống Thị Quyên.

Ngày 28 tháng 8 năm 1832, tả quân Lê Văn Duyệt mất tại Gia Định, hưởng thọ 69 tuổi. Sau đó, ông được truy tặng “Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân, Tả Quân đô thống phủ chưởng phủ sự, tước vị Thái bảo Quận Công”.


>> Có thể bạn muốn biết thêm về vua Minh Mạng.

Tưởng nhớ công lao

Khi Lê Văn Duyệt mất, ông được chôn cất và thờ tại lăng Ông. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (đặc biệt là người Hoa), ông được tôn thờ như một vị phúc thần.

Tượng tả quân Lê Văn Duyệt

Ngày nay, lăng Ông tọa lạc tại số 126 đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây, đã trải qua nhiều lần trùng tu, gồm có 3 khu vực chính gồm: khu bia mộ, lăng mộ, miếu thờ. Lăng Ông Bà Chiểu là nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Phan Thanh Giản. Trong chính điện, một bức tượng đồng uy nghi của Lê Văn Duyệt đã được nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tạo nên. Bức tượng này cao 2.65m, nặng hơn 3 tấn.

Ngày 16 tháng 9 năm 2020,đoạn đường Đinh Tiên Hoàng dài 947m từ cầu Bông đến giao lộ đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh đã được chính phủ chấp thuận đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt.

Holaai.org vừa gửi đến bạn những thông tin chi tiết về tả quân Lê Văn Duyệt. Qua đó, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu thêm về tiểu sử, cũng như những công lao của vị danh tướng này đối với nước Việt.

Nguồn tư liệu tham khảo:

  • Họ tộc Lê Văn cuộc chia ly gần 2 thế kỷ: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16518
  • Sách “Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến lăng Ông”, tác giả Hoàng Lại Giang.
  • Sách “Đại Nam thực lục” tập 1, trang 440.
  • Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Sơ tập, Quyển 2.

TrendingTrang chủ