Tên đầy đủ | Nguyễn Phúc Cảnh (chữ Hán: 阮福景) |
Tên khác | Hoàng tử Cảnh, Anh duệ Hoàng Thái Tử, ông Hoàng Cả |
Năm sinh | Ngày 6 tháng 4 năm 1780 |
Năm mất | Ngày 20 tháng 3 năm 1801 (hưởng dương 20 tuổi) |
Nơi sinh | Gia Định (ngày nay là TP.Hồ Chí Minh) |
Nơi mất | Bình Định, nước Đại Việt. |
Nơi an táng | Huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Gia Định. |
Tước vị | Hoàng Thái Tử |
Năm tại vị | 1793-1801 (7 năm). |
Triều đại | Nhà Nguyễn. |
Nổi tiếng với | Con trai của vua Gia Long, học trò thân thiết của giáo sĩ Bá Đa Lộc. Hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc đã đến cầu viện nước Pháp. Từ đó, dẫn đến việc kí kết hiệp ước Versailles (1787). |
Gia đình |
Cha mẹ | Nguyễn Phúc Ánh (cha), Tống Phúc Thị Lan (mẹ) |
Vợ | Tống Thị Quyên |
Con | Nguyễn Phúc Mỹ Đường |
Anh chị em | Nguyễn Phúc Chiêu |
Hồ sơ Media |
Hồ sơ Wikipedia | https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn-Phúc_Cảnh |
Tiểu sử
Hoàng tử Cảnh tên thật là Nguyễn Phúc Cảnh, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1970. Ngoài ra, ông còn có các tên gọi khác như Anh Duệ Hoàng thái tử, Đông Cung Cảnh, ông Hoàng Cả.
Khi lên 3 tuổi, hoàng tử Cảnh đã theo giáo sĩ Bá Đa Lộc đi sứ sang triều đình Bourbon, đế quốc Pháp. Xa quê hương từ nhỏ, vị hoàng tử trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền giáo dục phương tây. Cuộc đời sóng gió, xót xa của ông bắt đầu từ đây.
Năm 1787, Bá Đa Lộc thay mặt cho Nguyễn Ánh ký kết hiệp ước Versailles với triều đình Pháp. Tuy nhiên, triều đình Pháp đã không thực hiện các cam kết hỗ trợ quân đội theo điều ước. Sau nhiều phen yết kiến triều đình Pháp nhưng không nhận được hỗ trợ cần thiết, hoàng tử Cảnh đã quyết định quay về nước.
Năm 1789, phái đoàn hoàng tử Cảnh trên chuyến tàu Méduse đã về đến quay nhà. Lúc này, Nguyễn Ánh vẫn chưa đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn. Vì vậy, hoàng tử đã cùng cha tham gia chiến trường, công tác hậu cần, nhiếp chính thay mặt cho cha.
Hoàng tử Cảnh là người nhân hậu, sùng đạo Chúa và có nhiều tư tưởng tiến bộ. Trong 8 năm trị vì, ông đã thực hiện một số cải cách được dân chúng ủng hộ.
Đến năm 1793, Nguyễn Phúc Cảnh được sắc phong Hoàng Thái Tử. Năm 1801, Nguyễn Phúc Cảnh đột ngột mắc phải căn bệnh đậu mùa và qua đời. Một thời gian ngắn sau, Nguyễn Ánh đã thành công thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Gia Long. Sau khi mất, ông được vua cha sắc phong thụy hiệu Anh Duệ Hoàng Thái Tử. Ban đầu, ông được chôn cất tại Gia Định. Đến năm 1809, mộ hoàng tử Cảnh được dời về Dương Xuân, Phú Xuân. Ngày nay, lăng hoàng tử Cảnh tọa lạc tại phường Thủy Xuân, TP.Huế, nằm gần bên lăng của vua Đồng Khánh.
Gia đình và hậu duệ
Gia đình
Nguyễn Phúc Cảnh là con trai trưởng của Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) và Tống Phúc Thị Lan (Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu). Ông sinh ngày 6 tháng 4 năm 1780 tại vùng đất Gia Định. Cha của ông là Nguyễn Phúc Ánh thuộc dòng dõi các chúa Nguyễn. Lúc này, Nguyễn Phúc Ánh đang cầm quân chiến đấu với nhà Tây Sơn nhưng thắng ít, thua nhiều.
Bà Tống Phúc Thị Lan thuộc dòng dõi họ Tống danh giá của vùng đất Thanh Hóa. Bà là người vợ chính thất của Nguyễn Phúc Ánh và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời ông.
Sau này, hoàng tử Cảnh kết hôn với Tống Thị Quyên (có tên khác là: Tống Thị Quỳnh), thuộc cùng dòng họ Tống với mẹ ông. Ông và Tống Thị Quyên có 2 con trai là Nguyễn Phúc Mỹ Đường và Nguyễn Phúc Mỹ Thùy.
Hậu duệ
Năm 1823, vua Minh Mạng ban cho dòng dõi Anh duệ Hoàng thái tử Cảnh một bài thơ nhằm đặt tên lót cho các hậu duệ:
Mỹ Lệ Tăng Cường Tráng.
Liên Huy Phát Bội Hương.
Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận.
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.
Nguyễn Phúc Mỹ Đường (tức Hoàng tôn Đán) không được kế thừa ngôi vua. Năm 1815, vua Gia Long đã chọn
Minh Mạng làm người thừa kế ngôi báu.
Vào năm 1824, có người mật tâu với vua rằng Nguyễn Phúc Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống Thị Quyên. Vì vậy, vợ Hoàng tử Cảnh bị buộc dìm nước đến chết. Con trưởng Nguyễn Phúc Mỹ Đường bị giáng làm thứ dân, tự nguyện nộp lại ấn tín. Vào năm 1826, con thứ Nguyễn Phúc Mỹ Thùy vướng phải vụ kiện của quân lính đạo Dực Chẩn. Sau đó, Nguyễn Phúc Mỹ Thùy đột ngột qua đời mà không có hậu duệ.
Vì vậy, con trưởng của Nguyễn Phúc Mỹ Đường là Nguyễn Phúc Lệ Chung được đảm nhiệm việc thờ tự cho Hoàng tử Cảnh. Trong số các hậu duệ của Nguyễn Phúc Cảnh, Ngoại Kỳ Hầu Cường Để là nhân vật nổi tiếng hơn cả.
Cường Để cùng với Phan Bội Châu đã sáng lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và phong trào Đông Du.
Giáo dục
Từ năm 1784 đến năm 1789, hoàng tử Cảnh được giáo dục bởi giáo sĩ Bá Đa Lộc. Vị giáo sĩ này có ảnh hưởng rất lớn đến vị hoàng tử trẻ. Năm 1885, Bá Đa Lộc đã gửi một bức thư cho Giám đốc Hội Truyền giáo nước ngoài mô tả tầm quan trọng của việc giáo dục hoàng tử Cảnh như sau:
Tôi cần sự giúp đỡ của quý vị trong việc giáo dục vị Hoàng tử bé nhỏ do tôi phụ trách...Tôi muốn dạy theo truyền thống đạo Thiên Chúa.... Hoàng tử mới lên sáu tuổi mà đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo...rất mến tôi chứ không nhớ gì đến cha mẹ hay các bà nhũ mẫu....
Sau khi trở về nước, Nguyễn Ánh cho con trai dựng phủ Nguyên Súy, văn võ đại thần hỗ trợ cho thái tử. Vua lệnh xây phủ Thái học, 2 thị giảng, 8 thành viên Hàn Lâm thị học, 6 thành viên Quốc Tử Giám thị học. Mỗi buổi sáng, các thành viên này chịu trách nhiệm giảng dạy kinh sử cho thái tử.
Trong số đó. Hàn Lâm Viện chế cáo Trịnh Hoài Đức và Đông cung thị giảng Lê Quang Định chịu trách nhiệm giảng dạy chính. Đến tháng 10 năm 1795, Tả quân Phạm Văn Nhân được giao thêm trách nhiệm phụ đạo cho thái tử. Vào năm 1798, Lễ Bộ kiêm Đốc Nguyễn Thái Nguyên và Ngô Tòng Chu giữ chức phụ đạo Đông Cung.
Ngoài ra, mẹ của Nguyễn Phúc Cảnh là Thừa Thiên Hoàng Hậu đã giúp con hiểu hơn về lễ nghi, phong tục nước Việt. Trước đó, hoàng tử Cảnh không chịu quỳ lạy trước bài vị tổ tiên khiến vua Gia Long rất phiền lòng. Nhờ mẹ giáo dục mà hoàng tử trẻ đã cải thiện được việc này.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về
Bá Đa Lộc - đức cha có vai trò không thể thay thế đối với việc phổ cập chữ quốc ngữ.
Cuộc đời
Chuyến đi 6 năm sang Pháp
Năm 1783, quân Tây Sơn đánh phá thành Gia Định, gia đình Nguyễn Ánh phải tạm lánh ra Phú Quốc. Lúc này, Nguyễn Ánh đưa con trai Nguyễn Phúc Cảnh cho giáo sĩ tin cẩn là Bá Đa Lộc sang triều đình Pháp cầu viện quân. Lúc này, hoàng tử Cảnh chỉ mới 3 tuổi. Bản thân Nguyễn Ánh theo thuyền sang Xiêm La.
Đến năm 1784, Hoàng tử Cảnh, Bá Đa Lộc, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm bắt đầu khởi hành sang Pháp. Tháng 2 năm 1785, đoàn sứ giả đến vùng Pondichéry (nay thuộc quận Pondichery, bang Puducherry, Ấn Độ) và nghỉ chân do nước Pháp đang có biến động chính trị.
Vào tháng 7 năm 1784, hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc lên thuyền Aréthuse tiếp tục sang Pháp, các quan Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm quay về nước. Tháng 2 năm 1785, đoàn sứ giả chính thức đặt chân đến kinh đô Paris. Vua Louis XVI đã tiếp đón hoàng tử theo nghi thức dành cho quốc vương. Trong thời gian này. hoàng tử Cảnh sống cùng Bá Đa Lộc tại Hội truyền giáo nước ngoài.
|
Tranh chân dung Nguyễn Phúc Cảnh |
Vào ngày 5 tháng 5 năm 1785, đoàn sứ giả được phép vào cung điện Versailles yết kiến. Để chuẩn bị cho buổi yết kiến, Bá Đa Lộc đã thuê người chải đầu cho hoàng hậu Marie Antoinette là Léonard để chải đầu, phụ trách trang phục cho hoàng tử.
Léonard đã thay thế khăn nhiễu truyền thống bằng khăn lĩnh (chất liệu satin), được thắt múi do chính Léonard thiết kế.
Trang phục của hoàng tử Cảnh được thiết kế kết hợp giữa Á Đông và Pháp, màu đỏ được chọn làm màu sắc chủ đạo. Bên cạnh đó, quần lụa và áo dài đã được bỏ đi. Sau đó, Bá Đa Lộc lại thuê họa sĩ vẽ lại chân dung của hoàng tử. Hiện nay, bức tranh này được trưng bày tại Hiệp hội Truyền giáo Nước ngoài Paris.
Hai chiếc mũ trong bức tranh được cho là mũ xung thiên (dành cho thiên tử) và mũ đầu hổ (dành cho quan võ tòng tam phẩm).
Hiệp ước Versailles
Trong buổi yết kiến tại cung điện Versailles, hoàng tử Cảnh được đánh giá khôi ngô, hiểu lễ nghĩa. Vào ngày 21 tháng 11 năm 1787, Bá Đa Lộc thay mặt cho Nguyễn Ánh đã ký kết hiệp ước Versailles với bộ trưởng bộ ngoại giao Pháp Armand Marc, bá tước Montmorin thay mặt cho vua Louis XVI.
Theo hiệp ước, Pháp cam kết sẽ cung cấp cho quân đội Nguyễn Ánh 4 tàu chiến frigate (tàu hộ vệ), 1200 binh lính bộ binh, 250 lính da đen, 200 pháo binh. Về phía Nguyễn Ánh chấp thuận điều khoản chính như sau:
- Cắt nhượng quần đảo Côn Lôn (ngày nay gọi Côn Đảo), cửa biển Đà Nẵng cho Pháp.
- Người Pháp được phép độc quyền mua bán với người nước ngoài ở Việt Nam. Khi có chiến tranh giữa Pháp và các nước khác ở Đông Dương, Nguyễn Ánh phải cung cấp đầy đủ lương thực, tàu thuyền, quân nhu cho quân đội Pháp.
- Mỗi năm, quân đội Nguyễn Ánh phải đóng mới 1 chiến thuyền tương đương với chiến thuyền mà Pháp đã chi viện.
Do cuộc cách mạng Pháp nổ ra, phía Pháp đã không thực hiện cam kết trong hiệp ước. Tuy nhiên, Pháp vẫn viện cớ vào hiệp ước này để xâm lược Việt Nam vào năm 1858.
Hành trình trở về
Năm 1787, Nguyễn Ánh mang quân chiếm được Gia Định, sai Trần Phước Gia và Tống Phước mang người đi đón hoàng tử Cảnh. Vào tháng 12 năm 1787, phái đoàn
hoàng tử Cảnh lên tàu Dryade trở về nước. Đến tháng 5 năm 1788, tàu Dryade cập bến Pondicherry (Ấn Độ).
Phái đoàn Nguyễn Phúc Cảnh đã ở lại Pondicherry khoảng 1 năm. Lúc này, triều đình Bourbon không có ý định thực hiện các điều khoản hiệp ước Versailles. Toàn quyền Pháp ở Pondicherry là Conway gửi thư về triều đình Pháp mong muốn ngăn cản việc thực thi hiệp ước.
Vì vậy, giáo sĩ Bá Đa Lộc đã tiến hành vận động các thương gia quyên góp được 15000 franc để mua vũ khí, chiêu mộ binh lính mang về Đại Nam.
Ngày 15 tháng 6 năm 1789, đoàn người tiếp tục lên tàu Méduse trở về nước. 6 năm bôn ba nơi xứ người, đắng cay ngọt bùi không thể tả hết, hoàng tử nhỏ cuối cùng được gặp lại gia đình.
Đến Ngày 24 tháng 6 năm 1789, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh chính thức đặt chân lên đất Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh). Trong giây phút trùng phùng, Nguyễn Ánh đã an ủi con trai như sau:
Con ta đi góc biển chân trời đã 6 năm nay, ngày nay được hội họp là sự may trời giúp cho.
Nhiếp chính và đánh Tây Sơn
Khi quay về nước, Nguyễn Phúc Cảnh sống cùng với thầy Bá Đa Lộc tại dinh Giám Mục, Gia Định (nay thuộc số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Hoàng tử Cảnh được các quan lại đề cử giữ ngôi vị Thái tử. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh cho ông còn nhỏ tuổi chưa ưng thuận.
|
Tượng Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh |
Mãi đến năm 1793, Nguyễn Phúc Cảnh được sắc phong Đông cung Thái Tử, ban cho Đông Cung ấn tín, phong làm Nguyên Súy Quận Công. Lúc này, Đông Cung Cảnh được phép lập phủ Nguyên Súy và rời khỏi dinh Giám Mục.
Mùa hè năm 1793, Thái tử Cảnh thay Nguyễn Ánh trấn thủ thành Gia Định. Tả tướng quân Nguyễn Văn Nhân và quan giám quân Tống Phước Đạm phò tá. Đến tháng 11 âm lịch năm 1793, Thái tử được vua phái đi trấn thủ thành Diên Khánh (nay thuộc xã Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Vào tháng 3 năm 1794, nhà Tây Sơn lệnh tướng Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Hưng tiến quân bao vây 3 mặt thành Diên Khánh. Trước đó, Nguyễn Văn Hưng thống lĩnh 40000 quân đánh chiếm Phú Yên, tiến đến Diên Khánh. Quan trấn thủ Phú Yên là Nguyễn Văn Nhân (hay Nguyễn Văn Nhơn) bị quân Tây Sơn truy kích. Đông cung Cảnh ra lệnh cho Trần Văn Tín mang binh tiếp ứng, đánh bại quân Tây Sơn ở Thanh Khê. Sau đó, viện quân Tây Sơn đến, Trần Văn Tín buộc phải mang binh lui về Diên Khánh.
Lúc này, trong thành Diên Khánh thiếu lương thực chỉ đủ dùng trong 1 tháng. Vì vậy, Đông cung Cảnh dâng biểu báo lên triều đình. Nguyễn Ánh hay tin bèn lệnh Nguyễn Văn Thành mang 4 vạn phương gạo tiếp tế theo đường thủy. Quan Lưu thủ Bình Thuận Nguyễn Văn Tánh vận chuyển 3000 phương gạo theo đường bộ gấp rút lên đường.
Tiếp đó, Nguyễn Ánh thân chinh giải vây cho thành Diên Khánh. Tháng 2 năm 1795, hoàng tử Cảnh được cho lui về trấn thủ thành Gia Định, chăm lo trị an, hậu cần. Mùa đông năm đó, quân Tây Sơn lại tiếp tục vây đánh thành Diên Khánh, Đông Cung Cảnh đảm bảo việc tiếp tế quân nhu.
Vào tháng 5 năm 1797, Nguyễn Ánh không trực tiếp tấn công thành Quy Nhơn, đem chiến thuyền đến Đà Nẵng. Chúa Nguyễn lệnh Đông Cung Cảnh đem tướng sĩ Tả Quân vào cửa biển Đại Chiêm (nay là Cửa Đại, Hội An). Ông chiếm được Chiêm dinh, cho quân sĩ đặt các đồn sở phòng thủ.
Tháng 6 cùng năm, hoàng tử Cảnh đem quân đánh thắng trận ở La Qua (nay là thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được thưởng 1000 quan.
Tháng 8 năm 1797, sau khi tham gia đánh trận khắp vùng Quy Nhơn, Quảng Nam, ông xin viết sách Hiền Trung Chư Thần Liệt Truyện.
Đến tháng 10 năm 1798, Đông Cung Cảnh được lệnh mang binh sĩ Tả quân, Vệ ban trực tuyển phong tiền quân Thần sách, Bá Đa Lộc và Tống Viết Phước phò tá trấn giữ thành Diên Khánh.
Vào tháng 4 năm 1799, Nguyễn Phúc Cảnh cùng các tướng sĩ, vua cha tham gia đánh Thị Nại và chiếm thành Quy Nhơn. Tháng 10 năm 1800, do binh sĩ Gia Định đều đi đánh trận, ông xin lệnh chiêu mộ thêm quân sĩ trấn thủ từ những binh sĩ bỏ trốn và dân ngoại tịch.
Sau đại thắng trận thủy chiến Thị Nại, Nguyễn Phúc Cảnh mắc phải căn bệnh đậu mùa rồi đột ngột qua đời vào ngày 20 tháng 3 năm 1801. Ông được an táng tại huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Gia Định (nay thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh).
|
Lăng mộ Anh Duệ Hoàng Thái Tử |
Năm 1805, ông được thờ ở Tả vu nhà Thái miếu, sắc phong thụy hiệu Anh Duệ Hoàng Thái Tử, nhà thờ đại mộ ở xã Vĩ Dạ, Huế. Năm Gia Long thứ 8, mộ táng của ông được dời về xã Dương Xuân.
Nghi vấn
Một số nhà sử học, học giả đã đặt ra nghi vấn hoàng tử Cảnh bị đầu độc. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để chứng minh giả thiết này.
Hoàng tử Cảnh ra đi khi tuổi còn rất trẻ, để lại nhiều tiếc nuối cho nhân dân và triều đình. Nếu như hoàng tử Cảnh không mất sớm thì có lẽ lịch sử nước ta đã không phải trải qua nhiều bi thảm đến thế. Bởi lẽ, hoàng tử có nhiều tư tưởng tiến bộ, tấm lòng nhân hậu, người thừa kế được vua Gia Long bồi dưỡng từ sớm.
Ngoài ra, các nhà sử học đương thời đều cho rằng vụ án con trai của ông là Nguyễn Phúc Mỹ Đường là một trong những vụ án oan khuất lớn nhất lúc bấy giờ.
>> Vì hoàng tử Cảnh mất sớm nên ngôi vua được trao lại cho thái Tử Đảm. Mời bạn đọc bài viết chi tiết về vua Minh Mạng.
Holaai.org vừa gửi đến bạn đọc thân thế, cuộc đời Hoàng Tử Cảnh. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những biến cố của nhân vật lịch sử này.
Nguồn tư liệu tham khảo:
- Sách Đại Nam thực lục tập 1, 2, 3, 4, 7, 9, nhà xuất bản giáo dục năm 2006.
- Sách Đại Nam Liệt Truyện tập 2.
- Đông Cung Nhựt Trình: http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/dongcungnhuttrinh.htm.