Bột Nhi Thiếp - Từ bị bắt cóc trở thành vợ Thành Cát Tư Hãn

Nguyễn Minh Khánh
tháng 11 27, 2022
Last Updated

 Ngày nay, Mông Cổ được ví như một nền văn minh cổ xưa chứa nhiều giai thoại bí ẩn. Trong các thông tin từ sử sách lưu lại, nền văn minh của Mông Cổ không thể nào tách rời với Thành Cát Tư Hãn và vợ Bột Nhi Thiếp. Tuy nhiên, không nhiều thông tin được lưu lại về người vợ của ông - Bột Nhi Thiếp. 

Tiểu sử Bột Nhi Thiếp

Bột Nhi Thiếp còn được gọi là Borte, (sinh năm 1161 và mất năm 1230) là người vợ chính thất của nhà cầm quyền lỗi lạc Thành Cát Tư Hãn.

chân dung Bột Nhi Thiếp


Bột Nhi Thiếp là người của bộ tộc Hoằng Cát Lạt (Onggirat, Qonggirat, Chunggirat, Khunggirat). Bộ tộc Hoằng Cát Lạt có mối quan hệ hữu hảo với bộ tộc Borjigin, nơi Thành Cát Tư Hãn được sinh ra. 

Sử sách miêu tả Bột Nhi Thiếp là người con gái vô cùng xinh đẹp và thông minh. Nàng thường mặc áo choàng lụa màu trắng, trên tóc có đính những đồng tiền vàng óng ánh, tay ôm cừu trắng và cưỡi chiến mã trắng vô cùng uy nghiêm. 

Bột Nhi Thiếp ngoài là vợ, là bạn còn là cố vấn quân sự quan trọng của Thành Cát Tư Hãn. Bà là người có ảnh hưởng lớn nhất trong những quyết định quan trọng của Thành Cát Tư Hãn. 

Gia đình và tuổi thơ

Borte được sinh ra tại Olkhonud của Khongirad, gia đình bà gồm 5 thành viên. Cha đẻ của Bột Nhi Thiếp (Borte) là Dei-Sechen - nhà cai trị của Khongirad thể kỷ 12, mẹ là Tacchotan Seichen và 3 người con là Anchen, Borte và Huohu. Tuy nhiên, trong các tài liệu lịch sử không có nhiều thông tin về các thành viên trong gia đình ngoài Bột Nhi Thiếp ( Borte).

Bột Nhi Thiếp sống trong một bộ tộc du mục lâu đời. Tuổi thơ của bà vô cùng hạnh phúc với gia đình và các thành viên trong bộ tộc. Ở Đế quốc Mông Cổ, những người phụ nữ cũng có thể cưỡi ngựa và bắn cung như những người đàn ông trong bộ tộc. 

Khi Bột Nhi Thiếp lên 9 tuổi được hứa hôn với Thiết Mộc Chân, sau này là Thành Cát Tư Hãn bởi gia đình hai bên. Sau khi cha của Thiết Mộc Chân bị ám sát, ông phải trở về gia đình, rời khỏi nhà Bột Nhi Thiếp. Gần 10 năm sau biến cố, Thiết Mộc Chân đã vượt qua mọi khó khăn, đi bộ gần một nghìn dặm dọc con sông Kherlen tìm đến với ngôi làng nơi Borte sinh sống. Cha mẹ của Bột Nhi Thiếp nhận thấy tình yêu đậm sâu mà cả 2 dành cho nhau nên đồng ý cho hai người thành thân. 

Mặc dù hoàn cảnh lúc bấy giờ của Thiết Mộc Chân rất khó khăn, sau khi cha mất, gia đình ông bị ghẻ lạnh và trở nên nghèo khó, nhưng Bột Nhi Thiếp vẫn không ngần ngại mà kết hôn với Thiết Mộc Chân. 

Tuy nhiên, thành thân chưa được bao lâu Bột Nhi Thiếp bị bộ tộc của kẻ thù bắt cóc. Trong khi bị kẻ địch tấn công bất ngờ, Thành Cát Tư Hãn lựa chọn cứu mẹ già và em gái, để lại bột Nhi Thiếp bị bắt đi làm chiến lợi phẩm. Vì điều này, Thành Cát Tư Hãn rất đau khổ và quyết tâm cứu được vợ bằng mọi giá. Cuộc giải cứu này cũng là tiền đề cho những cuộc chinh chiến sau này của ông.

Sau 8 tháng bị giam giữ bà được giải cứu bởi chồng mình. Sau khi được giải cứu bà hạ sinh con trai đầu lòng là Truật Xích. Mặc kệ những lời hồ nghi về huyết thống của con trai, Thành Cát Tư Hãn vẫn yêu thương và trân trọng vợ và con trai hết mực. Bà hạ sinh cho Thành Cát Tư Hãn được 9 người con: 4 trai và 5 gái.

Thành Cát Tư Hãn có nhiều vợ, vô số thê thiếp và con cái. Tuy nhiên, chỉ các con trai được kết tinh từ mối tình giữa Bột Nhi Thiếp và Thành Cát Tư Hãn mới được quyền thừa kế ngai vàng Khả Hãn quyền lực

Danh sách các con của Bột Nhi Thiếp:

  • Truật Xích (con trai cả nhưng không được thừa kế ngôi vị Khả Hãn đế chế Mông Cổ nhưng trở thành Đại Hãn của Hãn quốc Kim Trướng).
  • Sát Hợp Đài (người con trai trở thành Hãn của Hãn quốc Sát Hợp Đài).
  • Oa Khoát Đài người kế vị Thành Cát Tư Hãn vĩ đại.
  • Đà Lôi người con trai khai sáng ra gia tộc mà sau này đã thống trị Trung Nguyên - nhà Nguyên.

Các vị công chúa con của Bột Nhi Thiếp:
  • Hỏa Thần Biệt Các (Qoǰin Beqi) phong hiệu Xương Quốc Đại Trưởng Công Chúa.
  • Đồ Đồ Can phong hiệu Duyên An Công Chúa.
  • A Lạt Hải Biệt Các phong hiệu Triệu Quốc Đại Trưởng Công Chúa.
  • Ngốc Mãn Luân phong hiệu Vận Quốc công chúa.
  • A Lặc Tháp Luân

Cuộc đời và sự nghiệp 

Đằng sau thành công của Thành Cát Tư Hãn không thể thiếu hình bóng của người vợ Bột Nhi Thiếp. Bà là nhà quân sư tài giỏi được Thành Cát Tư Hãn coi trọng nhất. Hầu hết trong tất cả các quyết định quan trọng, Thành Cát Tư Hãn luôn hỏi thăm ý kiến của Bột Nhi Thiếp. 

Vì thế, sau khi Thành Cát Tư Hãn cai trị Đế quốc Mông Cổ, bà được phong làm Quang Hiến Hoàng Hậu và càng được mọi người nể trọng hơn.

Bột Nhi Thiếp và Thiết Mộc Chân
Bột Nhi Thiếp và Thiết Mộc Chân


Khi chồng ra trận chinh chiến, Bột Nhi Thiếp ở lại làm hậu phương chăm lo tất cả các vấn đề trong bộ tộc. Ngoài việc nuôi dạy 9 người con nên người, bà làm hết tất cả mọi việc trong bộ tộc như một thủ lĩnh. 

Bột Nhi Thiếp đảm nhiệm cai trị hàng nhìn người và gia súc trong bộ tộc trong nhiều cuộc di cư. Bà quản lý tất cả mọi việc vô cùng hiệu quả và thành công. Thậm chí, với sự thông minh và nhạy bén của mình, Bột Nhi Thiếp đã chỉ huy người già, phụ nữ và trẻ nhỏ chống lại các cuộc tấn công bất ngờ của bộ tộc kẻ địch, cứu quê hương tránh khỏi hiểm nguy. 

Lịch sử ghi chép lại rằng, Thành Cát Tư Hãn có người anh em kết nghĩa là Trác Mộc Hợp. Tình cảm của hai anh em vô cùng sâu đậm, sống chết có nhau. Tuy nhiên, sau khi bộ tộc của Thành Cát Tư Hãn trở nên lớn mạnh, Trác Mộc Hợp nảy sinh ghen ghét và có ý đồ thôn tính bộ tộc của ông. May mắn có sự thông minh của vợ, Thành Cát Tư Hãn đã thoát khỏi một kiếp nạn. 

Ngoài ra, Bột Nhi Thiếp từng giúp Thành Cát Tư Hãn và em trai là Cáp Tát Nhĩ tránh khỏi mâu thuẫn xung đột tình cảm khi ông bị pháp sư của Shaman giáo thao túng. Sau khi thoát khỏi sự can thiệp của giáo sĩ vào chính trị, ông đã có những bước tiến quan trọng trong việc thống nhất đất nước.

Có thể nói, trên con đường sự nghiệp của Thành Cát Tư Hãn không thể thành công rực rỡ nếu như không có sự hỗ trợ của Bột Nhi Thiếp. Không chỉ là người vợ, người bạn, Bột Nhi Thiếp còn là một người tri kỷ luôn bên cạnh Thành Cát Tư Hãn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Cái chết của Bột Nhi Thiếp

Cuộc đời Quang Hiến Hoàng Hậu - Bột Nhi Thiếp luôn sống và hy sinh cho chồng, con và bộ tộc. Giúp chồng thống nhất đất nước, nuôi dạy 4 người con trai trở thành những nhân vật vĩ đại được sử sách lưu lại đến đời sau. Cuộc đời Bột Nhi Thiếp vừa vĩ đại vừa bi thương. Sự hi sinh của bà nhận lại được tình yêu thương và sự quý trọng trọn vẹn từ người chồng - Thành Cát Tư Hãn. 

Trong năm 1227, bà phải nhận liên tiếp 2 nỗi đau khủng khiếp khi lần lượt chứng kiến cái chết của chồng và con trai cả Truật Xích. Nhận liên tiếp 2 nỗi đau, ba năm sau bà cũng qua đời. Không có sử sách nào ghi lại cụ thể ngày mất hay bia mộ của vị Hoàng hậu vĩ đại Bột Nhi Thiếp. 

Qua hình ảnh của nhân vật lịch sử Bột Nhi Thiếp (Borte) chúng ta có thể thấy rằng, sự hi sinh của người phụ nữ trong thời đại nào cùng đều lớn lao và âm thầm. Tất cả những hi sinh đó đều xuất phát từ trái tim và không mong nhận lại đền đáp lớn lao. Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ, Thành Cát Tư Hãn cũng không ngoại lệ.

TrendingTrang chủ