Đã nhiều lần bạn nghe nói về Lăng Cha Cả nơi chôn cất giám mục Bá Đa Lộc. Vậy thật ra bạn biết nơi đó là lăng mộ của ai và câu chuyện đằng sau như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay về Bá Đa Lộc qua bài viết này.
Bá Đa Lộc là ai?
Ảnh chân dung Bá Đa Lộc - Nguồn: Sưu tầm |
Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine hay Pigneau de Behaine (2/11/1741 – 9/10/1799) được sinh ra tại đất nước lãng mạn - Vương quốc Pháp. Ông được người Việt biết đến với cái tên Bá Đa Lộc hay Cha Cả.
Ông là một giáo sĩ Công giáo được Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long) trọng dụng trong việc lấy lại binh quyền từ nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18. Ông là giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong có tên là Adran nên cũng thường được người đời gọi là Giám mục Adran.
Ngoài ra, Bá Đa Lộc còn là thầy của hoàng tử Cảnh, đồng hành cùng vị hoàng tử sang Pháp cầu viện. Đức cha còn đóng vai trò khó có thể thay thế trong việc phổ cập chữ quốc ngữ Việt Nam.
Gia đình và xuất thân
Bá Đa Lộc được sinh vào ngày 2 tháng 11 năm 1741 tại vùng đất Origny-en-Thiérache - quê mẹ của ông. Hậu tố “de Behaine” trong tên của ông không phải nói đến ông là người thuộc giới quý tộc mà chỉ đơn thuần là tên của điền trang Behaine do cha ông làm chủ.
Khi còn trẻ, ông theo học trường dòng và được đào tạo trở thành một truyền giáo hải ngoại của Hội Thừa sai Paris mang tên Séminaire des Missions Étrangères. Tháng 12 năm 1765, ông rời khỏi đất nước Pháp từ cảng Lorient với trọng trách truyền giáo tại Đàng Trong.
Sau khoảng thời gian ở Ấn, ông lưu trú tại Ma Cao. Khi ở Ma Cao, ông có đến thăm Hà Tiên và liên lạc với những người truyền giáo đi trước tại đây. Đến tháng 3 năm 1767, ông chính thức đặt chân đến Hà Tiên và đảm nhận chức vụ giáo sư trong chủng viện của Hội Thừa Sai tại cơ sở Hòn Đất.
Sự nghiệp
Năm 1767, ông làm giáo sư tại chủng viện Hội Thừa Sai. Tuy nhiên, đến năm 1768, ông bị Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ bắt giam vì tội che chở cho kẻ thù nhà họ Mạc - người thuộc hoàng tộc Xiêm La.
Ngày 11 tháng 12 năm 1769, chủng viện Hòn Đất bị Cao Miên tấn công. Thế nên, dù đã trở thành giám đốc chủng viện, Bá Đa Lộc phải rời khỏi Đàng Trong cùng linh mục Morvan và 13 nhân viên chủng viện. Họ đi đến Malacca rồi đi xuôi về hướng nam đến Pondichery.
Năm 1770, ông thành lập chủng viện ở làng Virampatnam cách Pondichery một dặm về hướng Bắc. Tại đây, ông đã học hỏi và thông thạo tiếng Hoa và tiếng Việt. Năm 1773, Bá Đa Lộc biên soạn bộ từ điển Việt-Latinh Dictionarium Anamitico-Latinum (xuất bản năm 1838 bởi Jean-Louis Taberd).
Vào năm 1771, Bá Đa Lộc được tấn phong làm Giám mục hiệu tòa Adran đồng thời làm Giám mục Tông tòa, phụ tá cho Giám mục Guillaume Piguel. Tuy nhiên, ngày 21 tháng 6 năm 1771, Giám mục Piguel qua đời. Bá Đa Lộc thay thế chức vụ của Giám mục Piguel rồi được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa tại Madras vào ngày 24 tháng 2 năm 1774.
Vào ngày 12 tháng 3 năm 1775, Bá Đa Lộc chính thức lên đường trở lại Đông Dương với chức vụ là Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong. Khi về đến chủng viện Prambey Chhom được xây dựng từ đầu năm 1770 trên một hòn đảo của sông Mê Kông, Bá Đa Lộc ra lệnh di chuyển chủng viện từ Cao Miên về Việt Nam
Năm 1777, vương tôn Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi tuy nhiên đã thoát được đến đảo Thổ Chu và tại đây, ông đã gặp Bá Đa Lộc. Bá Đa Lộc nhìn nhận đây là thời cơ thích hợp để phát triển công cuộc truyền giáo đến nhiều người hơn, ông quyết định tìm mọi cách để tiếp cận với Nguyễn Ánh và vận động Nguyễn Ánh tìm sự giúp đỡ từ nước Pháp. Bước đi này có thể nói là nước đi vô cùng nguy hiểm đối với Bá Đa Lộc.
Cũng từ nước đi đó, Bá Đa Lộc đã tham dự các vấn đề chính trị nhiều hơn các vấn đề truyền giáo. Tháng 11 năm 1777, Nguyễn Ánh trở về Long Xuyên chiêu mộ nhân tài và bánh trướng thế lực. Đến năm 1779, Nguyễn Ánh đã biến quốc gia thành chư hầu, trong đó cũng có phần góp sức từ cố vấn của Bá Đa Lộc.
Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương. Cùng năm, Bá Đa Lộc và nhà phiêu lưu người Pháp Manuel vận động trang bị thêm cho đội quân chúa Nguyễn các loại vũ khí mới đến từ Bồ Đào Nha. Năm 1781, với đội quân hùng mạnh khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền, 3 thuyền lớn và 2 tàu lính đánh thuê Bồ Đào Nha, Chúa Nguyễn tấn công quân Tây Sơn tại Phú Yên tuy nhiên phải rút lui vì sức mạnh của bộ binh Tây Sơn.
Tháng 3 năm 1782, quân Tây Sơn nam tiến. Gặp nhau tại sông Ngã Bảy, dù lực lượng thuyền Tây Sơn yếu hơn nhưng vẫn giành thắng lợi trước thủy quân do Nguyễn Ánh làm chỉ huy. Kết thúc trận chiến, Manuel tử trận, Nguyễn Vương và Bá Đa Lộc tháo chạy đến Phú Quốc, 2 anh em Tây Sơn rút quân về Qui Nhơn.
Tháng 10 năm 1782, Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc quay trở lại Sài Gòn. Lần này, Nguyễn Ánh vừa lập quân đội vừa cho Bá Đa Lộc chuẩn bị thuyền để rời đi khi quân Tây Sơn đến. Đến tháng 2 năm 1783, quân Tây Sơn một lần nữa nam tiến và một lần nữa, chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc phải tháo chạy về Phú Quốc. Sau đó, Nguyễn Ánh đã nhờ Bá Đa Lộc mang thư cầu viện nước Pháp, tuy nhiên vì trái gió nên chưa thể xuất phát.
Tháng 11 năm 1783, Bá Đa Lộc đến Xiêm La và vận động sự giúp đỡ cho chúa Nguyễn. Tháng 2 năm 1784, Nguyễn Ánh sang Xiêm và được giúp đỡ một đội quân đánh với 3 vạn lính Tây Sơn. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh lại thất bại tại trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng 1 năm 1785 và Nguyễn Ánh phải chạy trốn sang Xiêm.
Sau thất bại, Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh tìm kiếm sự viện trợ từ phương Tây và được đồng ý. Tháng 11 năm 1784, Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh lên tàu biển rời Việt Nam và đến nhờ sự giúp đỡ của Bồ Đào Nha.
Ngày 21 tháng 11 năm 1787, Hiệp ước Versailles được ký kết. Theo 2 điều khoản chính của hiệp ước, vua Louis XVI sẽ giúp Nguyễn Ánh lấy lại ngôi vị bằng cách cung cấp quân lính và chiến hạm. Đổi lại, Nguyễn vương phải nhường hẳn đảo Côn Lôn và cho người Pháp thuê cảng Đà Nẵng với giá ưu đãi. Tuy nhiên, hiệp ước đã không được thực thi do Cách mạng Pháp diễn ra.
Tháng 7 năm 1789, Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc cảnh trở lại Việt Nam sau 4 năm 8 tháng. Bá Đa Lộc đã quyên góp về tài chính, nhân lực cũng như hỗ trợ huấn luyện binh lính theo lối châu u. Nguyễn Ánh rất quý trọng ông nên đã sai cất một ngôi nhà cho Giám mục.
Lăng Cha Cả
Ngày 9 tháng 10 năm 1799, trong khi Hoàng tử Cảnh tấn công Qui Nhơn, Bá Đa Lộc lâm bệnh và qua đời tại Thị Nại và hưởng thọ 57 tuổi. Với công lao, khổ cực mà vị giám mục đã trải qua giúp đỡ cho sự nghiệp của triều đình nhà Nguyễn, ngay khi nghe hung tin, chúa Nguyễn đã gửi ngay ra Thị Nại một chiếc quan tài lộng lẫy cùng vải lụa để khâm liệm.
Ngày 10 tháng 10, quan tài được đưa xuống chiếc tàu lớn. Đến ngày 16 tháng 10, ông về với Gia Định, quan tài được quàn trong ngôi nhà mà chúa Nguyễn đã cho xây dựng để vị giám mục ở khi ông vừa về nước.
Nguyễn Ánh chỉ định Hoàng tử Cảnh thay ông chủ trì tang lễ vì lúc này chúa đang bận với các cuộc hành quân. Ngôi nhà được quàn thêm một lớp nhà tranh thật rộng để tiếp các quan lại cũng như giáo đến viếng thăm người đã mất.
Ngày 16 tháng 12 năm 1799, chúa Nguyễn từ Qui Nhơn trở về Sài Gòn để tự mình chủ trì tang lễ của vị Giám mục Bá Đa Lộc và đây cũng là ngày an táng của vị giám mục.
Tang lễ của giám mục Bá Đa Lộc rất trang trọng và hoành tráng. Quan tài được phủ tấm vải hoa lộng lẫy đặt vào khung có hai bậc, mỗi bậc đều gắn 25 ngọn nến cháy sáng rực. Tất cả được đặt trên chiếc cáng dài 6 mét do 80 người khiêng. Một chiến tán thêu chữ vàng che phủ cáng. Đi đầu đoàn đưa tang là một chiếc thánh giá to, theo sau là 6 chiếc bàn chạm trỗ tinh vi.
Mỗi chiếc bàn bao gồm 4 người khiêng. Chiếc thứ nhất có bốn chữ vàng, chiếc thứ hai lộng hình thánh Saint - Paul, chiếc thứ ba lộng hình thánh Saint - Pierre, chiếc thứ tư lộng hình thần bổn mệnh, chiếc thứ năm lộng hình Thánh nữ đồng trinh và lá cờ vải dài 4,5m thuê chữ vàng là tước hiệu mà hoàng đế Pháp và chúa Nguyễn ban tặng cho Bá Đa Lộc, chiếc cuối cùng là cây quyền trường và chiếc mũ lễ giám mục. Theo sau đó là quan tài của giám mục Bá Đa Lộc và các thanh niên theo đạo Cơ Đốc.
Hài cốt của giám mục Bá Đa Lộc được an táng tại lăng mộ có tên là Lăng Cha Cả. Mộ phần của ông được Gia Long cho xây dựng rất bề thế. Tuy nhiên nhiều người cho rằng mộ thật của ông nằm ở Lăng Ngọc Hồi.
Hình ảnh lăng Cha Cả ngày xưa |
Năm 1980, lăng Cha Cả được giải tỏa, công cuộc cải táng kéo dài đến 1983 mới hoàn tất. Tro cốt của đức cha và những người khác chôn tại đây đã được bàn giao lại cho tòa lãnh sự nước Pháp.
Đức giám mục Bá Đa Lộc đã yên nghỉ được gần 2 thế kỷ. Tuy nhiên, câu chuyện về lăng mộ của vị giám mục Bá Đa Lộc còn nhiều thông tin khác biệt. Có người cho rằng khi khai quật không thấy xương cốt mà chỉ có cây Thánh giá bằng vàng tây lớn mà giám mục đã từng đeo khi xưa, chiếc gậy vàng biểu tượng của chức giám mục và những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng. Điều này phù hợp với một thông tin cho rằng, Nguyễn Ánh sợ bị quật mộ nên đã bí mật cho chôn nơi khác.
Bá Đa Lộc là giám mục tài ba và truyền giáo tại giáo phận đàng trong và phò Nguyễn Ánh trong suốt 24 năm. Ông soạn ra cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773 và được xuất bản năm 1838 được chú bằng chữ Latinh, chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm và chữ Nho. Nhờ đó đã giúp cho người Việt tiếp cận chữ Quốc Ngữ một cách dễ dàng. Lăng Cha Cả được xây dựng như để tưởng nhớ đến những công lao mà Bá Đa Lộc đã đóng góp, cống hiến với đất nước Việt Nam, đặc biệt là với triều đình Nhà Nguyễn.
Với bài viết trên, Họ Là Ai đã cùng bạn tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời, lăng mộ của đức giám mục Bá Đa Lộc. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cha Cả và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.