Diễn biến khởi nghĩa Ba Đình - Địa bàn, kết quả, ý nghĩa

Nguyễn Minh Khánh
tháng 3 27, 2023
Last Updated

Khởi nghĩa Ba Đình là cuộc khởi nghĩa quan trọng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống lại Pháp. Không chỉ vậy, cuộc khởi nghĩa này còn sở hữu những đặc điểm chiến thuật độc đáo, gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Với bài viết sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin chi tiết về cuộc khởi nghĩa này.

Nguyên nhân bùng nổ

Khởi nghĩa Ba Đình
Lược đồ khởi nghĩa Ba Đình


Khởi nghĩa Ba Đình bùng nổ nhằm hưởng ứng phong trào Cần Vương cứu nước của vua Hàm Nghi. Sau khi 2 hiệp ước Quý Mùi và Pa-tơ-nốt được ký kết, Pháp đã hoàn tất quá trình thiết lập bộ máy cai trị trên lãnh thổ nước ta. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra từ năm 1886 đến năm 1887 nhằm chống lại ách cai trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.

Các chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Đình

Trước đó, quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết đã có thời gian làm quan tại Thanh Hóa và hiểu rõ tầm quan trọng về mặt chiến lược của vùng. Ngay sau khi phong trào Cần Vương bùng nổ, Tôn Thất Thuyết đã cử Trần Xuân Soạn về Thanh Hóa để làm tổng chỉ huy các cuộc khởi nghĩa trong vùng. Trần Xuận Soạn không trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Đình. Tuy nhiên, ông vẫn hỗ trợ chi viện cho cuộc khởi nghĩa này.

2 chỉ huy quan trọng nhất của khởi nghĩa Ba Đình là Đinh Công Tráng và Phạm Bành. Nhân dân vùng Ba Đình từng lưu lại câu thơ sau:
Đinh Công chủ tướng là quan.
Phạm Bành là tướng luận bàn mưu cơ.
(Trích dẫn: Đinh Công Tráng với khởi nghĩa Ba Đình, tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 141)
Như vậy, Đinh Công Tráng là thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông vốn xuất thân là nhà nho nghèo nhưng giàu tinh thần yêu nước. Trước đó, Đinh Công Tráng đã tham gia đánh trận chống Pháp cùng Hoàng Kế Viêm và tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến trường.
>> Xem bài viết chi tiêt về thiên tài quân sự Đinh Công Tráng.
Về Phạm Bành, ông từng giữ chức Án Sát phục vụ triều Nguyễn. Mặc dù đã cao tuổi, nhưng Phạm Bành vẫn khẳng khái tham gia khởi nghĩa với vai trò tham mưu cho Đinh Công Tráng. Ngoài ra, Phạm Bành còn được giao chỉ huy đồn Hạ (làng Mỹ Khê) cùng với đốc Khê.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bậc anh hùng tài giỏi, yêu nước đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa như:
  • Nguyễn Duy Hinh và Hoàng Bật Đạt: phụ trách chiêu mộ và đào tạo binh lính.
  • Nguyễn Đôn Tiết.
  • Ngô Thọ Du, Ngô Liên Đấu.
  • Lê Toại chỉ huy đồn Thượng (làng Thượng Thọ).
(Trích dẫn Nguyễn Duy Hinh và cuộc khởi nghĩa Ba Đình, tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 265.)

Địa bàn khởi nghĩa Ba Đình

Địa bàn khởi nghĩa Ba Đình được đặt tại 3 làng gồm: Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh. Vị trí Ba Đình nằm cách tỉnh lị Thanh Hóa 40 cây số về phía Tây Bắc. Về mặt quân sự, giao thông, căn cứ Ba Đình sở hữu những điểm quan trọng như sau:

  • Ở phía tây, cứ điểm này khống chế con đường giao thông huyết mạch từ Thanh Hóa vào Ninh Bình.
  • Về phía đông, cứ điểm Ba Đình con sông đào thông ra tỉnh Ninh Bình.
  • Liên thông với các tỉnh, huyện mà phong trào Cần Vương đang diễn ra sôi nổi gồm có: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung. Từ đó, góp phần tạo nên hậu phương vững chắc cho cuộc khởi nghĩa.
  • Ba Đình có đường xuôi ra biển, dễ dàng kết nối với thượng du đồng bằng sông Mã.
  • Thuận lợi ngăn chặn quân địch từ các đồn Tam Cao, Điền Bộ, Phú Điền.
  • Ba Đình nằm trên khu vực đồng chiêm trũng. Vì vậy, vào mùa mưa, nếu không thoát cống nước, vùng Ba Đình sẽ trở thành biển nước mênh mông. Lúc này, 3 làng như trở thành đảo nổi , cư dân phải sử dụng thuyền để đi đến các làng bên cạnh.
Tuy nhiên, nếu không có kỹ thuật xây dựng cứ điểm quân sự tài tình, Ba Đình đã không thể trở thành căn cứ lừng danh lúc bấy giờ.

Căn cứ Ba Đình được xây dựng như thế nào?

Nhắc đến căn cứ Ba Đình, người ta không thể bỏ qua câu hỏi căn cứ này được xây dựng như thế nào? Đinh Công Tráng đã tận dụng tài tình địa thế Ba Đình để tạo nên công trình phòng thủ độc đáo. Dọc theo lũy tre của ba làng, ông cho đào một con hào với chiều rộng cho phép 2 người có thể di chuyển dễ dàng. Bên trong con hào này được bố trí các công sự phòng ngự.

Đặc biệt, hình dạng con hào được thay đổi tùy theo địa hình. Ở những đoạn lũy tre có hình dạng thẳng, con hào được thiết kế theo hình chữ "chi" nhằm tránh những loạt đạn bắn thẳng. Những đoạn con hào giao phải ao, hồ, ông cho xây thêm cầu tre hoặc gỗ ván. Những chỗ hẹp được gia cố thêm cho vững chắc. Bên ngoài lũy tre được cắm chông tre dày đặc trên chiều rộng khoảng 50m.

Đất được đào lên từ con hào được sử dụng để đắp lên bờ hào thấp. Trên đó, người ta xếp đặt những sọt tre lớn. Khoảng trống giữa các sọt tre tạo thành các lỗ châu mai thuận lợi cho chiến đấu. Bên cạnh đó, những vị trí thuận lợi, nghĩa quân cho bố trí các công sự chiến đấu có nắp. Từ đình trung tâm của 3 làng Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh đều có đường hào liên thông với hào chiến đấu vòng ngoài. 

Vì vậy, lúc rảnh rỗi, binh sĩ có thể nghỉ ngơi. Khi có chiến sự, họ có thể dễ dàng di chuyển đến vị trí chiến đấu nhanh nhất. Bên cạnh đó, thiết kế công sự phòng ngự cho phép nghĩa quân chiến đấu thời gian dài mà không sợ thời tiết. Với thiết kế có thể nói vượt thời đại đó, căn cứ Ba Đình có thể giúp nghĩa quân thực hiện chiến lược "phân tán binh lực nhưng tập trung hỏa lực".

Trong tài liệu "Đinh Công Tráng với khởi nghĩa Ba Đình, tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 141", đã có phân tích chuyên sâu về hình dạng của cứ điểm Ba Đình. Trong đó, bác bỏ luận điệu hình dạng căn cứ có hình vô lăng, hình tròn, hình vuông. Trên thực tế, cứ điểm Ba Đình có hình dạng tùy biến theo địa hình nhằm hạn chế các góc chết mà quân địch có thể sử dụng để đột phá. Đa số các tài liệu lịch sử đều ghi chép cứ điểm Ba Đình chỉ mất một tháng để xây dựng.

Diễn biến khởi nghĩa Ba Đình

Vào năm 1886, căn cứ Ba Đình đã hoàn tất quá trình xây dựng. Nghĩa quân Ba Đình được xây dựng theo hướng tinh nhuệ. Vì vậy, ban đầu khởi nghĩa Ba Đình chỉ có 300 binh sĩ. Sau này, nghĩa quân Ba Đình được gia tăng thêm. Để phân biệt với quân Pháp, quân Ba Đình được gọi là Tráng.

Từ Ba Đình, nghĩa quân thường xuyên đánh chặn các đoàn xe địch đi ngang qua khu vực. Vũ khí quân khởi nghĩa sử dụng bao gồm súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ. Đặc biệt, nghĩa quân chú trọng cướp khí giới của quân giặc để bổ sung cho quân mình.

Các toán xe, quân địch di chuyển từ Ninh Bình về Thanh Hóa liên tục bị nghĩa quân Ba Đình chặn đánh và chịu nhiều thiệt hại. Vì vậy, quân Pháp quyết định dốc sức tiêu diệt cuộc khởi nghĩa. 6 giờ sáng ngày 18 tháng 12 năm 1986, 500 quân do trung tá Mét-danh-de chỉ huy với yểm trợ của pháo binh tấn công căn cứ Ba Đình.
Tuy nhiên, quân Pháp hoàn toàn thua trận, nhiều chỉ huy hung hãn bị giết. Mặc dù chịu nhiều tổn thất nhưng quân Pháp cũng chiếm được đồn tiền tiêu núi Thúc cách Thượng Thọ 200m.

Trận đầu, quân địch thua tan tác. Vì thế, chúng không tiếp tục tấn công mà bao vây cứ điểm. Đầu năm 1987, đại tá Brissand (Bờ-rít-xô) giàu kinh nghiệm được cử đến chỉ huy quân Pháp. Bên cạnh đó, quân Pháp còn được tăng viện khổng lồ 1000 ngụy binh, 4 tàu tuần tiễu, nhiều đơn vị pháo binh, binh lính Âu Phi. Tổng binh lực quân Pháp lên đến 2500 quân, 5000 dân phu được chiêu mộ để vận chuyển đồ đạc.

Tên Việt gian cha Sáu đã hiến kế cho Brissand tháo cạn nước ở Ba Đình. Sau đó, vào ngày 6 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mở đợt tấn công dữ dội vào cứ điểm với mục tiêu chính là làng Mỹ Khê. Sau một ngày đêm chiến đấu dữ dội, quân Pháp không thể đột phá nên đành lui binh.

Không thể tiếp tục tiến công, quân Pháp cho xây dựng 2 phòng tuyến bao vây nghĩa quân Ba Đình. Thế nhưng, chính phủ Pháp đã thúc giục quân đội sớm tiêu diệt Ba Đình bằng mọi giá. Ngày 20 tháng 1 năm 1887, không thể đợi thêm nữa, quân Pháp đã mở cuộc tổng tiến công vào căn cứ Ba Đình. Chúng đã bắn tới 16.000 quả đạn pháo khiến cả 3 làng chìm trong biển lửa. Trong đó, làng Thượng Thọ được quân Pháp chú trọng tấn công vì đã chiếm được đồn tiền tiêu núi Thúc trước đó.

Mặc dù nghĩa quân vẫn giữ vững được phòng tuyến. Tuy nhiên, Đinh Công Tráng đã nhận ra tình hình chiến sự đã có những chuyển biến xấu. Nghĩa quân đã xuất hiện bệnh dịch, không đủ nước uống, xác chết binh lính Pháp không được chôn cất bốc mùi hôi thối. Đêm 20 tháng 1 năm 1887, Đinh Công Tráng quyết định cho nghĩa quân rút lui khỏi căn cứ Ba Đình. Nghĩa quân Ba Đình được chia thành 2 đạo như sau:
  • Đạo quân gồm những binh sĩ còn khỏe mạnh do Đinh Công Tráng lãnh đạo phá vòng vây tiến về Mã Cao.
  • Đạo quân còn lại gồm những binh sĩ bị thương, ốm đau do Phạm Bành chỉ huy. Cánh quân này thừa lúc đạo quân thứ nhất phá vòng vây, bí mật lội qua cánh đồng lầy về Hậu Lộc.
Bên cạnh đó, Trần Xuân Soạn đã tiến hành tấn công các đồn của Pháp nhằm chia sẻ binh lực để nghĩa quân Ba Đình đột phá vòng vây. Vì vậy, cánh quân của Đinh Công Tráng thành công đột phá vòng vây về đến Mã Cao. Tuy nhiên, cứ điểm Mã Cao chỉ phòng thủ được trong thời gian ngắn rồi bị công phá.  Đến giữa năm 1887, khởi nghĩa Ba Đình hoàn toàn chấm dứt.

Kết quả

Khởi nghĩa Ba Đình kết thúc hoàn toàn thất bại. Các thủ lĩnh Ba Đình người thì tử trận, người thì bị giặc Pháp bắt rồi xử tử. 3 làng Ba Đinh bị Pháp hoàn toàn xóa sổ trên bản đồ hành chính. Mẹ, vợ, con Phạm Bành bị Pháp bắt, buộc ông phải tự sát. Đinh Công Tráng 

Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Ba Đình

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã thất bại nhưng đã thúc đẩy tinh thần phản kháng của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và đồng bào cả nước nói chung đấu tranh giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Vũ khí của quân Pháp có thể dập tắt được cuộc khởi nghĩa này những không thể dập tắt tinh thần yêu nước của người Việt.
Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa cũng giúp hiểu biết hơn về cách vận dụng địa thế, xây dựng phòng tuyến trong chiến tranh sử dụng vũ khí nóng.

Nguyên nhân thất bại

Các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khởi nghĩa này thất bại như sau:
  • Tổ chức kháng chiến chưa chu đáo, bị động phòng ngự dẫn đến dễ bị giặc bao vây.
  • Quân lực quân địch đông đảo và thế tấn công mạnh.
  • Chênh lệch về vũ khí chiến đấu.

Cảm nghĩ

Khởi nghĩa Ba Đình đã khơi dậy tình yêu quê hương, con người Việt Nam. Trong lúc vận nước nguy nan, luôn có những anh hùng sẵn sàng khởi nghĩa cứu nước. Đó là quần tài thao lược Đinh Công Tráng, vì nghĩa quên thân Phạm Bành và còn rất nhiều những vị anh hùng khác đã góp phần tạo nên một cuộc khởi nghĩa hào hùng mà bi tráng. Tiếc thay! Đất nước đã độc lập nhưng họ đã không thể tận mắt chứng kiến.

Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam  đã không còn phải đối mặt với vấn đề giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, những công tích vĩ đại của những vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa này cần tiếp tục được vinh danh. Cũng vì lẽ đó, bác Hồ đã lấy tên Ba Đình để đặt cho quảng trường Ba Đình tại Hà Nội.

Với bài viết trên, Họ Là Ai hy vọng đã giúp bạn hiểu tường tận về cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Nếu bài viết này thực sự hữu ích với bạn thì hãy chia sẻ giúp chúng tôi. Hẹn gặp bạn trong những bài viết tiếp theo.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về khởi nghĩa Bãi Sậy.

Tài liệu tham khảo:
  • Đinh Công Tráng với khởi nghĩa Ba Đình, tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 141, trang 17 đến 27 (xuất bản tháng 6 năm 1971), tác giả Phan Trọng Báu. https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/69157
  • Nguyễn Duy Hinh và cuộc khởi nghĩa Ba Đình, tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 265, trang 53 đến 55 (xuất bản tháng 6 năm 1992), tác giả Nguyễn Xuân Dương. https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/72023

TrendingTrang chủ