Diễn biến phong trào Cần Vương - Truyền lửa chống giặc Pháp

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 24, 2022
Last Updated

Trong cảnh đất nước chịu cảnh xâm lược, phong trào Cần Vương như một đốm lửa đã thắp lên ngọn lửa yêu nước, chống giặc ngoại xâm trên cả nước. Phong trào Cần Vương đã ra đời trong hoàn cảnh nào? Diễn biến, kết quả, ý nghĩa và nhiều thông tin khác về phong trào đấu tranh này sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc qua bài viết dưới đây.

Hoàn cảnh - nguyên nhân bùng nổ

Sau khi hiệp ước Quý Mùi (tên gọi phiên âm hiệp ước Hác Măng) ký kết năm 1883 và hiệp ước Pa-tơ-nốt được ký kết năm 1884, Pháp gần như đã hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam. Khi đó, nước ta được chia thành 3 miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Trong đó, Bắc Kỳ, Trung Kỳ buộc phải chịu sự bảo hộ của Pháp.

Tại triều đình Huế, phái chủ chiến mà đứng đầu là quan phụ chính Tôn Thất Thuyết đã tiến hành phế truất các vị vua thân Pháp. Sau đó, vua Hàm Nghi chủ trương chống Pháp được Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi báu. Bên cạnh đó, phái chủ chiến cũng bí mật xây dựng các công trình quân sự, sơn phòng, tích trữ quân lương, vũ khí để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Đêm ngày 4 tháng 7 năm 1885, quân đội triều đình Huế dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết đã bất ngờ tấn công đồn Mang Cá và tòa khâm sứ Pháp. Đến sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, quân Pháp phản công dữ dội, tiến đánh vào kinh thành Huế.

Quân đội triều đình Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy trốn đến sơn phòng Tân Sở (nay thuộc làng Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ngày 13 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương lần thứ nhất, kêu gọi nhân dân cả nước chống quân xâm lược Pháp. Lúc này, phong trào Cần Vương (Cần Vương mang ý nghĩa giúp vua) chính thức bùng nổ.

Đến ngày 20 tháng 9 năm 1885, vua Hàm Nghi trốn đến sơn phòng Ấu Sơn, ban bố chiếu Cần Vương lần thứ hai. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu xảy ra phong trào Cần Vương chính bởi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước giúp vua chống giặc ngoại xâm.

Sơ đồ tư duy

Sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc sơ đồ tư duy phong trào Cần Vương. Với sơ đồ này, bạn có thể nhanh chóng hiểu được những điểm cần chính cần ghi nhớ trong sự kiện lịch sử quan trọng này.
Sơ đồ tư duy phong trào Cần Vương
Sơ đồ tư duy phong trào Cần Vương


Tóm tắt diễn biến

Phong trào Cần Vương chủ yếu được chia thành 2 giai đoạn chính gồm: giai đoạn trước và sau khi vua Hàm Nghi bị bắt. Xét cho cùng, phong trào Cần Vương là tập hợp vô số các cuộc khởi nghĩa chống Pháp diễn ra từ lúc chiếu Cần Vương được ban bố đến khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê chấm dứt.

Giai đoạn thứ nhất

Giai đoạn thứ nhất được diễn ra từ năm 1885 đến năm 1888. Trong khoảng thời gian này, hàng loạt cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp lần lượt nổ ra chủ yếu ở khu vực Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Các cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn này bao gồm:
  • Khởi nghĩa Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi - cuộc khởi nghĩa đầu tiên hưởng ứng phong trào Cần Vương.
  • Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam.
  • Khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng.
  • Khởi nghĩa Ba Đình.
  • Khởi nghĩa do Nguyễn Văn Giáp lãnh đạo.
  • Khởi nghĩa lãnh đạo bởi Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân.
  • Khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu.
  • Khởi nghĩa Trương Đình Hội.
  • Khởi nghĩa Nguyễn Văn Giáp.

Trong thời kỳ này, vô số anh hùng, chí sĩ đã đứng lên chống giặc theo chiếu Cần Vương như: toàn thể gia đình Tôn Thất Thuyết, Thân Trọng Di,... Tuy nhiên, đa phần lãnh đạo các phong trào khởi nghĩa đều là võ quan, sĩ phu từng phục vụ dưới triều Nguyễn.

Đặc biệt, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết còn trực tiếp tham gia chỉ huy binh sĩ chống lại quân Pháp. Đức vua nhiều lần gửi thư tín cho các lãnh tụ phong trào khởi nghĩa trên khắp cả nước.
Tháng 11 năm 1885, vua Hàm Nghi đến Cơ Sa - Kim Linh (huyện rẻo cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) trực tiếp chỉ đạo quân dân kháng chiến. Ở đây, cộng đồng người Nguồn, các dân tộc thiểu số khác đã dốc lòng ủng hộ nhà vua sức người lẫn sức của.

Tuy vậy, những kẻ vì lợi ích mà phản bội lại lòng tin của nhân dân và nhà vua thời nào cũng có. Tháng 9 năm 1988, suất đội Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc đầu hàng Pháp. Đêm ngày 26 tháng 9 năm 1988, hai kẻ phản bội này mang quân vây bắt thành công vua Hàm Nghi. Sau đó, vua Hàm Nghi nhất quyết không đầu hàng giặc Pháp và bị đày đi Algeria.
Kể từ khi vua Hàm Nghi bị bắt, giai đoạn thứ nhất của phong trào Cần Vương chính thức kết thúc. Dù vậy, phong trào Cần Vương vẫn phát triển sang giai đoạn thứ hai.

Giai đoạn thứ hai

Phong trào Cần Vương giai đoạn thứ hai kéo dài từ năm 1888 đến năm 1896. Đây là giai đoạn mà các cuộc khởi nghĩa đã có sự dịch chuyển địa bàn đến các vùng núi, trung du tạo thành những trung tâm kháng chiến lớn.

 Lúc này, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương đã không còn sự chỉ đạo từ triều đình Huế. Bởi lẽ, thực dân Pháp đã lần lượt đưa các vua Đồng Khánh, Khải Định lên ngôi.
Tuy vậy, phong trào Cần Vương vẫn đạt được những thắng lợi cục bộ với các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như sau:

Đến năm 1896, cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng bị dập tắt, phong trào Cần Vương đã đánh dấu sự kết thúc. Như vậy, trải qua cả 2 giai đoạn, các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào chỉ giành được những thắng lợi ban đầu nhưng đều thất bại chung cuộc.

Tính chất - Mục tiêu - Đặc điểm

Về cơ bản, mục tiêu chính của phong trào Cần Vương là đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập của nước nhà. Ngoài ra, dân chúng cũng mong mỏi bậc minh quân xuất hiện để lãnh đạo đất nước phát triển hưng thịnh.
Phong trào Cần Vương mang những tính chất sau đây:
  • Chống thực dân Pháp chi phối bởi hệ tư tưởng phong kiến.
  • Tính chất dân tộc yêu nước nồng nàn, sâu sắc.
  • Chỉ mang tính chất địa phương, chưa có sự liên kết chặt chẽ.
  • Hình thức đấu tranh vũ trang.
Ngoài ra, phong trào Cần Vương còn có những đặc điểm chính sau đây:
  • Ở giai đoạn 1, địa bàn hoạt động của phong trào lan rộng trên phạm vi cả nước. Đến giai đoạn 2, phong trào chủ yếu diễn ra ở miền núi và trung du.
  • Lãnh đạo gồm có văn thân, sĩ phu yêu nước, võ quan, tướng lĩnh. Trong giai đoạn đầu, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết là lãnh tụ chính của phong trào Cần Vương.

Ý nghĩa

Phong trào Cần Vương diễn ra trong 13 năm, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống giặc. Mặc dù phong trào không thể giành được thắng lợi cuối cùng nhưng đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho quân đội Pháp và triều đình thân Pháp.

Trước khi chiếu Cần Vương ra đời, nhiều sĩ phu yêu nước đang phải chịu sự giằng xé giữa vai trò trung với vua và chống giặc giữ nước. Bởi lẽ, trước khi vua Hàm Nghi lên ngôi, nhiều vị vua thân Pháp chưa cố gắng triệt để chống giặc mà chỉ cắt đất, bồi thường và cầu hòa.
Chiếu Cần Vương ra đời giúp tầng lớp trí thức, quan lại, phái chủ chiến "danh chính ngôn thuận" mà chiến đấu chống giặc.

Đối với nhân dân, chiếu Cần Vương ra đời đã giúp họ có điều kiện tập hợp để đánh giặc giữ nước. Dù cho vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào vẫn diễn ra sôi nổi trong gần 1 thập kỷ sau đó.
Sự thất bại của phong trào Cần Vương đánh dấu sự kết thúc của phong trào vũ trang chống Pháp theo tư tưởng phong kiến. Từ đó, xã hội đòi hỏi tư tưởng tiến bộ hơn để giải phóng đất nước.

Phong trào này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Nguyên nhân thất bại

Các nhà sử học đã đưa ra nhiều luận điểm dẫn đến thất bại của phong trào Cần Vương. Trong đó, một số luận điểm sau đây được đánh giá chính xác nhất:
  • Các cuộc khởi nghĩa diễn ra chỉ mang tính chất địa phương, chưa có sự kết nối với nhau để tạo thành sức mạnh quân sự tương xứng với quân đội Pháp. Vì thế, các lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa đa phần chỉ có uy tín ở địa phương. Khi họ bị bắt, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng kết thúc.
  • Chia rẽ sắc tộc giữa người Kinh và một số bộ phận người dân tộc thiểu số theo Pháp.
  • Một số cuộc khởi nghĩa còn cướp của dân chúng nên chưa có được lòng dân.
  • Vua Hàm Nghi bị bắt quá sớm. Vì thế, phong trào thiếu đi nhân vật có đủ uy tín để kết nối các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ với nhau.
  • Nền sản xuất yếu kém, chưa đủ sức trang bị vũ khí mạnh mẽ đủ sức để đối đầu trực diện với quân đội Pháp.
  • Thiếu tinh thần chiến đấu: Chỉ có một số lãnh tụ khởi nghĩa có tinh thần chiến đấu ngoan cường. Khi gặp phải chiến sự thất bại, nhiều phong trào đã bị dập tắt nhanh chóng.
  • Mâu thuẫn sắc tộc khi rất nhiều giáo dân Công giáo đã bị giết hại.

Đã hơn 100 năm kể từ khi phong trào Cần Vương bắt đầu và kết thúc. Tuy nhiên, tinh thần giữ nước được tô thắm bởi vô số anh hùng và quân dân đã ngã xuống sẽ luôn được Holaai.org và hậu thế ghi nhớ. Nếu bài viết này hữu ích với bạn thì đừng quên chia sẻ nhé!

Tài liệu tham khảo:
  • Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập, NBX GD Việt Nam, xuất bản năm 2009, tr.535-539.
  • Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11.
  • Sách Lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, tác giả Đào Duy Anh

TrendingTrang chủ