Trần Hiến Tông - Khám phá cuộc đời vị vua tài hoa bạc mệnh

Nguyễn Minh Khánh
tháng 12 21, 2022
Last Updated

 Trần Hiến Tông là vị vua như thế nào? Cuộc sống nhân dân thời bấy giờ dưới thời đại của ông ra sao? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vị vua Trần Hiến Tông này như thế nào nhé!

Tiểu sử Trần Hiến Tông 

Trần Hiến Tông (17 tháng 5 năm 1319 – 11 tháng 6 năm 1341) là vị vua thứ 6 của triều đại nhà Trần cai trị Đại Việt. Ông lên ngôi khi mới 10 tuổi, thời gian trị vì từ năm 1329 đến năm 1341, kéo dài 13 năm.

Tượng Trần Hiến Tông
Tượng thờ Trần Hiến Tông

Vì còn nhỏ tuổi nên các công việc triều chính dưới thời vua Trần Hiến Tông đều được Thái thượng hoàng Trần Minh Tông xử lý. 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại rằng, Trần Hiến Tông là một người tinh anh, sáng suốt, thông minh, độ lượng. Sách Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim lại có đoạn chép:

Hiến Tông chỉ làm vua lấy vì mà thôi, quyền chính ở cả tay Minh Tông Thượng Hoàng, cho nên tuy ngài có làm vua được non 13 năm, nhưng không được tự chủ việc gì. 

Gia đình và tuổi thơ Trần Hiến Tông

Trần Hiến Tông tên thật là Trần Vượng, là con trưởng của Minh Tông Duệ Hiếu hoàng đế, mẹ là Minh Từ Quý phi Lê thị. Tuy là ông con đầu lòng của Minh Tông, nhưng do mẹ của ông chỉ là phi tần trong nội cung nên xét về chính danh ông vẫn chỉ là con thứ.

Người vợ duy nhất được sử sách ghi chép của Trần Hiến Tông là Hiển Trinh Công chúa. Bà là con gái của Bình chương Huệ Túc vương Trần Đại Niên.

Trần Hiến Tông được sinh ra trong gia đình hoàng tộc nên từ nhỏ đã được học hành đầy đủ. Ông được dạy học bởi vị thầy giáo nổi tiếng nhất bấy giờ là Chu Văn An. Nhờ đó, ông được mệnh danh là người học rộng tài cao, tinh anh, độ lượng. Anh em ruột cùng mẹ với ông còn có Trần Phủ, tức Trần Nghệ Tông. 

Vào tháng 7 năm 1337 âm lịch, Trần Hiến Tông lập công chúa Hiển Trinh làm Thần Phi, hai người chỉ có với nhau một người con gái, không có con trai. Sau khi lập phi 4 năm, Trần Hiến Tông qua đời không có con nối dõi, kể từ đây bà không còn được sử sách nhắc đến.

Trần Hiến Tông được phong ngai vàng khi chỉ mới 10 tuổi, trị vì 13 năm. Tuy nhiên, con đường lên ngôi của ông cũng gặp nhiều sóng gió, cạnh tranh trong hoàng tộc. 

Bởi vì là con của quý phi nên dù là con trưởng ông cũng không được công nhận làm Thái tử. Bởi vì Hoàng hậu bấy giờ chưa sinh được con trai nên khi vua Minh Tông muốn lập Trần Vượng làm Hoàng thái tử đã bị cha của Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu là Quốc phụ Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn phản đối.

Bấy giờ các thế lực phe phái đấu đá với nhau vì chuyện phong làm Thái tử. Lợi dụng tình hình đó, con của Tá thánh Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật là Cương Đông Văn Hiến Hầu đem của đút cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Nhạc khoảng 100 lạng vàng, để Trần Nhạc vu cáo cho Quốc Chẩn có âm mưu làm phản. Hơn 100 người đã bị cuốn vào vụ án đầy oan khuất này.

Sau đó, Trần Quốc Chẩn bị bắt giam và bị buộc phải tự sát. Ngày 7 tháng 2 năm 1329, Hoàng đế Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử.

Sự nghiệp

Ngày 15 tháng 2 năm 1329, vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Vượng và lui về làm Thái thượng hoàng. Ông lên ngôi, tự xưng Triết Hoàng, đặt niên hiệu là Khai Hựu. Do khi lên ngôi còn nhỏ, mọi quyền hành đều nằm trong tay của Thượng hoàng nên ông được ví như là hoàng đế bù nhìn. Tuy ngự trị ngai vàng 13 năm nhưng ông không làm được gì cho đất nước cả. 

Bởi có Thượng hoàng Trần Minh Tông giúp đỡ nên đất nước nhà Trần dưới thời Trần Hiến Tông biên giới Bắc, Nam tương đối ổn định. Dưới thời Trần Hiến Tông có giặc Ngưu Hống và Ai Lao xâm phạm bờ cõi. Thượng hoàng Trần Minh Tông phải đích thân đem binh dẹp giặc.

>> Xem thêm bài viết về  vua Trần Minh Tông.

Nhà Trần dưới thời Trần Hiến Tông không tổ chức khoa thi nào để chọn nhân tài. Vào năm Đinh Sửu (1337), vua ban xuống chiếu cho phép các quan trong triều cũng như ngoài các lộ, hàng năm xét những thuộc viên do mình quản lý, người nào siêng năng cẩn thận thì giữ lại, còn người nào không làm được thì truất bỏ.

Từ năm Quý Dậu (1333) đến năm Mậu Dần (1338) chỉ trong vòng 6 năm, đã có nhiều thiên tai lớn xảy ra như lũ lụt, bão gió, động đất. Vì vậy Trần Hiến Tông hạ lệnh cho các nơi lập kho lượng chứa thóc thuế để kịp thời cấp cho dân đói.

Vào thời kỳ này, về văn hoá và một số ngành khoa học như thiên văn, lịch pháp, y học cũng có những thành tựu đáng kể. Dưới triều Trần Hiến Tông có Hậu nghi đài lang, Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ người huyện Sơn Minh (Ứng Hoà, Hà Nội) đã chế ra một dụng cụ xét nghiệm khí tượng gọi là Lung Linh nghi, khi khảo nghiệm không việc gì là không đúng.

Cái chết và lăng mộ vua Trần Hiến Tông 

Lên ngôi khi mới 10 tuổi, trị vì 13 năm, chưa có cơ hội làm gì cho đất nước nhưng Trần Hiến Tông qua đời khi còn quá trẻ. Năm Khai Hựu thứ 13 tức năm 1341, ngày 11 tháng 6, ông qua đời hưởng thọ 22 tuổi. Miếu hiệu là Hiến Tông, thụy hiệu là Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế. Lăng của ông là An lăng.

Ngô Sĩ Liên từng bình luận về cuộc đời của ông như sau:

 Hoàng đế tư trời tinh anh, sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng hưởng thọ không dài, chưa thấy làm được gì, đáng tiếc thay!

Sau khi ông qua đời, Thượng hoàng Minh Tông chọn người con thứ của Hiến Từ hoàng hậu - Trần Hạo, làm người kế vị, được gọi là vua Trần Dụ Tông. Dù vậy, cái chết của Trần Hiến Tông đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ nghiệp nhà Trần. Điều này sẽ được chúng tôi phân tích kỹ hơn trong podcast bên dưới.



>> Bạn có muốn biết thêm về vị vua nối ngôi sau khi vua Trần Hiến Tông băng hà. Xem thêm bài viết Trần Dụ Tông.

Hiện nay, nhiều công trình khai quật lăng mộ của các vị vua thời đại trước đây để điều tra sâu về những vết tích, văn hóa của lịch sử thời xưa. Trước đây, các nhà khảo cố đã tiến hành khai quật lăng Ngải Sơn - lăng mộ vua Trần Hiến Tông tại khu vực Ao Bèo, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, Thị Xã Đông Triều, Quảng Ninh. 

Theo sách sử, nhằm tránh giặc Chiêm Thành đốt phá, các lăng mộ vua thời Trần đã được dời về vùng đất này.

Lăng mộ Trần Hiến Tông

Trong lăng mộ, phát hiện nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử như quan đứng hầu, bộ thú, rùa bằng đá.  Hiện nay, việc khai quật đã hoàn tất. Công ty Than Mạo Khê đã cho tu bổ lại công trình lăng Ngải Sơn. Đến năm 2013, khu vực lăng Ngải Sơn đã được công nhận trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngải Sơn lăng là lăng tẩm có quy mô rộng lớn, các hiện vật còn tìm thấy khá phong phú về gạch, ngói, mô hình tháp đất nung. Tại di tích hiện còn các tượng quan hầu đứng chầu, tượng linh thú phủ phục, tượng rùa đá , bia đá... vốn được đặt trên đường “thần đạo” của lăng theo từng cặp đối xứng nhau. Chúng đều được đánh giá là những di vật quý của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 14.

Nhà Trần là một trong những triều đại đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng và được hậu thế đánh giá như một triều đại hưng thịnh trong lịch sử. Mỗi một triều đại sẽ có những cái tốt và cái hạn chế nhưng đó đều là những dấu ấn lịch sử của dân tộc ta. Mặc dù vua Trần Hiến Tông trong thời gian trị vì không hoàn toàn nắm quyền hành cai trị đất nước. Tuy nhiên, dưới triều đại cai trị của ông nhân dân vẫn được ấm no bình an là một điều đáng được chúng ta ghi lòng tạc dạ. 


TrendingTrang chủ