Hoàng Bật Đạt là một trong những vị tướng lĩnh anh dũng của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông là một vị quan và nhà cách mạnh hăng hái, nhiệt huyết. Cùng tìm hiểu những thông tin về Hoàng Bật Đạt qua bài viết dưới đây nhé!
Tiểu sử
Hoàng Bật Đạt sinh năm 1827 và mất năm 1887, hiệu là Tắc Trai, là một vị quan nhà Nguyễn với tinh thần yêu nước đã tham gia nhiều cuộc chiến đánh giặc giành lại độc lập cho dân tộc. Một trong những cuộc chiến tiêu biểu nhất là ông tham gia là cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa cùng với các tướng sĩ lãnh đạo như: Phạm Bành, Đinh Công Tráng,...
Ông là người học rộng, tài cao, đỗ cử nhân và được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau. Ông là người có tinh thần chính nghĩa, độ lượng, yêu thương nhân dân. Ngoài ra, ông rất có “máu cách mạng” liều mình tham gia các cuộc chiến bảo vệ Việt Nam trước sự xâm lược của để quốc Pháp..
Gia đình
Hoàng Bật Đạt sinh ra trong gia đình nông thôn ở làng Bộ Đầu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã kiên trì học tập, rèn luyện bản thân để sau này làm quan, cứu giúp dân nghèo.
Thanh Hóa cũng chính là một trong những cái nôi, nuôi dưỡng rất nhiều anh hùng có công trong các cuộc chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc. Một trong những người đồng hương, đồng chí sát cánh cùng Hoàng Bật Đạt trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình là Phạm Bành - cũng là một người con Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Hoàng Bật Đạt là người anh hùng dũng mãnh, mưu trí, hết mình vì sự nghiệp cách mạng dân tộc. Ý chí của ông vẫn mạnh mẽ cho đến những hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình. Ông có người con trai là Hoàng Xuân Viện đã thừa hưởng và tiếp tục phát huy ý chí của cha tham gia vào các cuộc chiến đấu sau này để giành lại độc lập dân tộc.
Sự nghiệp
Hoàng Bật Đạt đỗ cử nhân và được bổ nhiệm giữ chức Giáo thụ huyện Phong Doanh, nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào năm 1868 tức năm Tự Đức thứ 21. Sau này, ông lại được cử tới huyện Lang Tài nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để giữ chức tri huyện.
Suốt những thời gian trên quan trường, Hoàng Bật Đạt là người thanh liêm, chính trực, luôn yêu thương dân lành. Cũng chính vì những đức tính lương thiện đó, không chịu được cảnh đất nước bị xâm lăng, Hoàng Bật Đạt đã tham gia vào nhiều cuộc chiến đấu ác liệt chống địch cứu quốc.
Vào tháng 4 năm 1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Bật Đạt khi ấy đang giữ chức tri huyện đã đề nghị tổng đốc Bắc Ninh tổ chức kháng chiến nhưng không được đồng ý. Vì quá bất mãn, ông đã tự mình chiêu binh tổ chức kháng chiến ngăn quân xâm lược. Sau khi bị quan trên biết và hạ lệnh bắt buộc giải tán lực lượng, ông bèn bỏ chức vị đang làm, trở về quê chiêu tập binh sĩ cùng người anh em đồng hương Phạm Bành dấy quân khởi nghĩa Ba Đình.
Ngay khi hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, Hoàng Bật Đạt và các vị tướng lĩnh đều là những vị quan đang làm việc dưới trướng triều đình hội quân, sáp nhập với nhau để khởi nghĩa ngay tại căn cứ Ba Đình để chống Pháp. Tại trận Ba Đình, toàn bộ nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm làm tiêu hao rất nhiều thời gian và binh lực của quân Pháp.
>> Xem bài viết chi tiết về khởi nghĩa Ba Đình.
Trong sự nghiệp chống giặc, Hoàng Bật Đạt đã có những câu thơ tỏ rõ ý chí bất khuất như:
Cố ý cứu sinh ư phục Việt
Cam tâm thệ tử bất thần Tây
Tạm dịch:
Chí cứu muôn dân nên phục Việt
Thân thà có chết chẳng hàng Tây
Ý chí của ông không bao giờ lụi tàn, cho đến khi lên đoạn đầu đài bị hành xử, ông vẫn còn ngân vang lên những vần thơ vừa hào sảng vừa giễu cợt:
“Lão Đạt hôm nay trả lại đầu
Trần gian ngoảnh lại nhắc đôi câu
Tấm thân bảy thước sao còn ngắn
Mà chí ngàn thu mãi sống lâu
Viết máu bôi hoen trò đế bá
Nét son sổ toẹt mộng công hầu
Thằng nào chém tớ chém cho đứt
Muốn lấy tiền công tớ trả sau”.
Mặc dù, những trận chiến của nghĩa quân đã chiến đấu hết sức nhưng vì chênh lệch về lực lượng và vũ khí hiện đại, sau những thắng lợi huy hoàng thì quân ta bị thất thế. Mặc dù vậy nhưng những hi sinh và tinh thần chiến đấu quả cảm đã đóng góp rất lớn vào quá trình dựng lại nền độc lập dân tộc.
Ghi công
Ngày 21-1-1887, căn cứ Ba Đình bị quân Pháp phá hủy, Hoàng Bật Đạt tạm lánh về quê, rồi tìm đường sang Trung Quốc với tùy tướng là Lãnh binh Lê Văn Cộc, với dự định củng cố lại lực lượng.
Nhưng một thuộc hạ phản bội mật báo với Pháp nên ông đã bị bắt ở Chi Nê, nay thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. sau khi bị quân Pháp bắt, Hoàng Bật Đạt bị giam và tra khảo dã man ở nhà lao Thanh Hóa. Nhưng là một người yêu nước, ông không chịu khuất phục hợp tác. Sau một thời gian tra khảo bất thành, Hoàng Bật Đạt bị quân Pháp giết vào ngày 24 tháng 2 năm 1887, lúc đó ông hưởng dương 50 tuổi.
Điều độc ác hơn cả là sau khi bị giết chúng đã lấy đầu ông cắm vào ngọn sào đưa về quê bêu riếu khắp nơi để uy hiếp tinh thần dân chúng. Quân Pháp làm vậy với mục đích đe dọa những người đang có ý chí chiến đấu, dập tắt ngọn lửa kháng chiến của nhân dân ta.
Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hi sinh hết sức đau đớn của ông đã càng làm cho tình thần căm hận và đứng lên chiến đấu của nhân dân ta hơn. Đặc biệt, ngay sau cái chết của Hoàng Bật Đạt, con trai của ông là Hoàng Xuân Viện đã tiếp tục đi theo con đường kháng chiến của cha, tham gia vào phong trào Đông Du của Phan Bội Châu khởi xướng.
Năm 1911, nhà thờ tưởng nhớ ông được con cháu xây dựng ngay trên quê hương, nay là thôn Bộ Đầu, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, con cháu của ông vẫn làm lễ giỗ cúng viếng để tỏ lòng nhớ ơn người anh hùng đã hi sinh vì nền độc lập dân tộc Hoàng Bật Đạt.
>> Bạn có biết Đinh Công Tráng là lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Ba Đình. Mời bạn đọc bài viết về Đinh Công Tráng.
Mặc dù không có quá nhiều thông tin của anh hùng Hoàng Bật Đạt được lưu truyền những những công lao, cống hiến và sự hi sinh của ông là không thể nào phai mờ hay lãng quên được. Là người văn võ song toàn, Hoàng Bật Đạt xứng đáng để đời sau chúng ta mãi khắc sâu ghi nhớ.