Chúng ta luôn luôn tự hào về nền độc lập dân tộc được xây dựng bởi vô số anh hùng cách mạng dũng cảm. Những người anh hùng đó đều không ngại hi sinh hết mình vì nhân dân chúng ta. Một trong những anh hùng vĩ đại đó là Tống Duy Tân - nhân vật mà chúng ta sẽ tìm hiểu hôm nay. Chúng ta cùng tìm hiểu về vị anh hùng lịch sử này qua bài viết dưới đây nhé!
Tống Duy Tân là ai?
Tống Duy Tân sinh năm 1837, mất ngày 23 tháng 11 năm 1892. Quê quán nơi ông được sinh ra là làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Tống Duy Tân tự là Cơ Mệnh, hiệu là Báo Tiều. Tài liệu ghi chép rằng, Tống Duy Tân vốn là người thuộc dòng họ Nguyễn ở Đông Biện, xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung. Sau khi di cư từ nơi sinh ra đến Đông Biện mới bắt đầu đổi từ họ Nguyễn sang họ Tống.
Chân dung tiến sĩ Tống Duy Tân |
Gia đình và xuất thân
Tống Duy Tân sinh ra dưới thời vua Minh Mạng trong một gia đình nghèo, thuần nông ở làng quê Đông Biện. Nơi ông sinh sống từ nhỏ vốn là một vùng quê nghèo nhưng nổi tiếng hiếu học có nhiều người tham gia khoa bảng nên ngay từ khi còn nhỏ ông đã chăm chỉ học tập, dùi mài sách vở.
Thuở còn thiếu thời, Tống Duy Tân theo học một người thầy ở làng Bồng Thượng là Lê Khắc Úy. Sau này, ông theo học với người thầy nổi tiếng thời bấy giờ là thầy Phạm Văn Nghị ở làng Tam Đăng, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nay là làng Tan Quan, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Nhờ vào tinh chất thông minh, sáng dạ, chăm chỉ học tập từ những người thầy có tiếng nên không lâu sau Tống Duy Tân đã gặt hái được quả ngọt. Năm 1875 tức năm Ất Hợi, Tống Duy Tâm đã tham gia kỳ thi Hội và đậu Tiến sĩ ngay tại hội thi đó nên được cua ban áo mũ cân đai trở về quê hương rạng rỡ “vinh quy bái tổ”. Dưới triều đại thời Nguyễn lúc bấy giờ, người đầu tiên ở Vĩnh Tân đậu tiến sĩ chính là Tống Duy Tân.
Sinh ra và làm quan trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động rối ren, nguy cơ mất nước từ giặc nội xâm và giặc ngoại xâm. Với tinh thần yêu nước và ảnh hưởng từ các phong trào phát động đứng lên chống giặc rầm rộ trên cả nước. Tống Duy Tân đã nhận được nguồn năng lượng và thổi bùng ngọn lửa yêu nước của ông.
Sự nghiệp
Tống Duy Tân là người học rộng tài cao, được nhiều người kính nể. Cùng khám phá những đóng góp của Tống Duy Tân trong sự nghiệp làm quan và tham gia cách mạng giành độc lập như thế nào nhé!
Làm quan dưới triều Nguyễn
Sau khi đậu được tiến sĩ, ông được phong làm Hàn lâm Biện tu và giữ chức Thừa biện tại Bộ Hình dưới triều đại cai trị của vua Tự Đức. Với năng lực làm việc hiệu quả, nên ông được triều đình trọng dụng. Năm 1876, Tống Duy Tân được cử tới làm phúc khảo ở trường thi Nam Định. Sau đó ông lại được bổ nhiệm chức tri phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một người học rộng tài cao, có lòng nhân hậu, yêu thương nhân dân.
Vậy nên, trong suốt thời gian làm quan ông luôn được nhân dân yêu mến và kính trọng. Bởi những nghĩa cử và tấm lòng cao đẹp đó, nhân dân đã cùng nhau viết thư đề nghị triều đình phong chức cho ông làm án sát ở tỉnh lớn. Sau khi nhận được kiến nghị đó, triều đình Huế đồng ý phê chuẩn phong chức cho ông.
Tình hình đất nước ngay lúc này thực sự sắp lâm nguy khi thực dân Pháp tiến hành đánh chiến Bắc Kì lần thứ nhất, trong khi đó triều đình Huế lại trở lên lục đục, chia làm hai phe phái là chủ chiến và chủ hòa. Nhận thấy được sự rối ren và nhu nhược của triều đình thời bấy giờ nên Tống Duy Tân đã từ chối lấy cớ về chịu tang mẹ ở quê và lui về mở trường dạy học. Ngay từ lúc này, ông đã nhìn thấy được họa xâm lăng của quân Pháp tới đồng bào ta từ sự yếu kém và bất lực của triều đình Huế lúc bấy giờ.
Tham gia phong trào Cần Vương
Trong thời gian làm quan dưới triều đình nhà Nguyễn, Tống Duy Tân được biết đến là một người có tinh thần yêu nước, hết lòng vì dân và được nhân dân kính trọng. Nhận thấy được những đức tính của một nhà cách mạng anh hùng từ Tống Duy Tân nên Tôn Thất Thuyết - người cầm đầu phái chủ chiến lúc này đã liên hệ và phong cho ông nhiều chức trọng chức quan trọng của tỉnh Thanh Hóa để chuẩn bị lực lượng chống Pháp.
Năm 1885, phong trào Cần Vương chính thức được vua Hàm Nghi ban chiều kêu gọi. Rất nhiều văn thân, sĩ phu và nhân dân yêu nước đã hưởng ứng phong trào đứng lên chống Pháp giành độc lập cho dân tộc. Cũng như các sĩ phu và nhân dân yêu nước khác, Tống Duy Tân không thể khoanh tay đứng nhìn đất nước dị dày xéo xâm lăng như vậy được. Ông tham gia phong trào kháng chiến rất hăng hái và hết mình, là một trong những mắt xích quan trọng kết hợp với nhiều nghĩa quân khác gây nhiều khó khăn cho quân Pháp.
>> Xem bài viết chi tiết tóm tắt diễn biến phong trào Cần Vương.
Khởi nghĩa Hùng Lĩnh
Nơi bùng nổ
Tống Duy Tân cũng là một trong những tướng lĩnh hăng hái đã nhanh chóng kêu gọi nhân dân ở quê ông tham gia kháng chiến. Khởi nghĩa Hùng Lĩnh diễn ra tại làng Bồng Trung, gần núi Hùng Lĩnh (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Thanh Hóa. Được sự ủng hộ của đồng bào, Tống Duy Tân đã lấy quê hương của ông làm nơi luyện tập, chiêu mộ binh sĩ, xây dựng căn cứ.
Căn cứ điểm đầu tiên của nghĩa quân được xây dựng ở làng Hồng Trung và Đa Búi. Nhân dân nghe tin, nô nức kéo đến tham dự. Lễ tế cờ nghĩa quân Hùng Lĩnh được diễn ra ở đình làng Hồng Trung.
Diễn biến
Giai đoạn từ năm 1885 đến 1886, nghĩa quân Hùng Lĩnh chủ yếu củng cố lực lượng, chống lại các trận càn quét tấn công vào căn cứ. Ngày 3 tháng 11 năm 1885, Pháp cho quân đi đường sông, bất ngờ đổ bộ tấn công căn cứ. Tuy nhiên, quân Pháp bị nghĩa quân đánh lui, phải rút về tỉnh Thanh Hóa.
Ai mà lấy được đầu Tây,Bạc thì mười lượng, chức là Lãnh Binh
Tống Duy Tân và nghĩa quân đã nghĩ ra kế hoạch rất hay. Nghĩa quân chuẩn bị sẵn trận địa. Sau đó, họ cho người đi thông báo cho Pháp. Thực hiện kế hoạch đó, nghĩa quân vừa chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận chiến, vừa giảm bớt việc Pháp hạch sách dân chúng.
Ngày 22 tháng 12 năm 1885, sau khi nhận được tin báo, thực dân Pháp kéo đến tấn công làng Bồng Trung, Đa Bút từ đường sông Mã. Nghĩa quân Hùng Lĩnh vừa đánh vừa lui. Khi đến chùa Cổ, nghĩa quân bất ngờ phản công. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Sau đó, nghĩa quân rút khỏi Đa Bút chuyển sang hoạt động ở vùng khác.
Ngày 11 tháng 3 năm 1886, nghĩa quân Hùng Lĩnh phối hợp với các đội nghĩa quân khác tấn công tỉnh lỵ Thanh Hóa. Ngày 26 tháng 3 năm 1886, nghĩa quân chặn đánh thành công một toán quân lính Pháp.
Sau những ngày tháng kêu gọi nhân dân kháng chiến, phong trào Cần Vương ngày càng lớn mạnh. Nhận thấy những điều kiện đó, Tống Duy Tân đã cho tổ chức hội nghị bàn kế đánh Pháp và xây dựng Thanh Hóa trở thành khu căn cứ vững chắc nhất cả nước trong phong trào kháng chiến.
Hội nghị đã đưa ra quyết định thành lập các căn cứ kháng chiến ở các khu vực khác nhau vừa chiến đấu vừa hỗ trợ nhau. Vậy nên các căn cứ kháng chiến nổi bật thời bấy giờ ra đời là Ba Đình, Mã Cao và Hùng Lĩnh.
Nghĩa quân Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân và Cao Bá Điển lãnh đạo vừa tích cực xây dựng chiến đấu vừa hỗ trợ cho nghĩa quân Ba Đình. Vì vậy, Tống Duy Tân đem quân đến tại Phi Lai (ngày nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) để hỗ trợ nghĩa quân Ba Đình.
Sau khi khởi nghĩa Ba Đình thất bại, Pháp lùng bắt gắt gao những người khởi nghĩa. Vì vậy, nghĩa quân Hùng Lĩnh tạm thời phân tán. Tống Duy Tân ra Hà Nội rồi lên Sơn Tây nhằm vận động sự hỗ trợ từ nhân dân và liên kết với lực lượng của các khởi nghĩa khác. Sau đó, nghĩa quân hoạt động trở lại. Từ năm 1889 đến năm 1890, hoạt động của nghĩa quân chuyển sang giai đoạn mới.
Ngày 8 và ngày 11 tháng 10 năm 1890, Pháp tấn công vào làng Vân Đồn là căn cứ mới của nghĩa quân. Trong trận này, thiếu úy Morfong, 4 linh Pháp và 8 lính tay sai bị giết chết. Vì vậy, quân Pháp phải rút lui. Sau đó, Pháp đem 120 lính tấn công Vân Đồn nhưng vẫn thất bại. Sau trận đánh ở làng Vân Đồn, nghĩa quân Hùng Lĩnh tạm rút lui về xây dựng căn cứ ở Bồng Trung, Đa Bút.
Tuy nhiên, sau những chiến công vang dội, quân Pháp cử thêm nhiều lực lượng với nhiều vũ khí có sức công phá lớn mục đích tiêu diệt nghĩa quân. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, nghĩa quân Hùng Lĩnh bị tiêu diệt.
Qua đời
Sau khi bị giặc Pháp tấn công dồn dập nhằm tiêu diệt triệt để nghĩa quân Hùng Lĩnh. Binh lính hi sinh rất nhiều, nhằm hạn chế sự hi sinh Tống Duy Tân đã cho nghĩa quân phân tán về các địa phương. Tháng 5 năm 1892, Tống Duy Tân lại tiếp tục kết hợp với lực lượng quân sông Đà đứng lên tiếp tục khởi nghĩa làm lên lịch sử vẻ vang với chiến thắng Mường Kỷ.
Sau này để tránh sự truy đuổi của quân địch, Tống Duy Tân trở về ở ẩn tại hang Niên Kỷ nay là xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Không lâu sau ông bị người vừa là học trò cũ vừa là cháu đi mật báo với quân Pháp về vị trí của ông. Ngày 4 tháng 10 năm 1892, Tống Duy Tân bị quân lính vây bắt.
Sau khi chiêu hàng ông không thành công, quân Pháp đã ra lệnh cho người bạn cũ của ông là Nguyễn Thuật xử tử ông. Ngày 23 tháng 11 năm 1892, khi ông 55 tuổi, Tống Duy Tân bị xử hình và mất tại Thanh Hóa. Khi Tống Duy Tân mất cũng là lúc cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh mà ông cùng các chiến hữu chiến đấu hết mình chính thức kết thúc.
Đền thờ Tống Duy Tân
Để tỏ lòng tưởng nhớ người anh hùng Tống Duy Tân, nhân dân đã lập đền thờ để thờ phụng và khắc ghi công ơn của ông. Đền thờ của anh hùng Tống Duy Tân được xây dựng trên vị trí đặc biệt, chính là căn nhà ngày xưa nơi ông được sinh ra ở làng Bồng Trung.
Hiện tại đền thờ được các con cháu đời sau của Tống Duy Tân chăm nom và thờ cúng. Tuy được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhưng hiện tại cơ sở vật chất đang ngày một xuống cấp dù được tu sửa nhiều lần.
Tất cả những người anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập mà ta đang được sống bây giờ đều xứng đáng được tưởng nhớ và tôn vinh. Anh hùng Tống Duy Tân là người đã có nhiều công lao trong cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp giành độc lập. Những chiến công ông mang lại không thể nào đong đếm bằng bất cứ đại lượng nào. Vậy nên chúng ta cần thừa hưởng và phát huy tinh thần dân tộc đó và tưởng nhớ những công ơn vĩ đại này.
>> Có thể bạn muốn xem thêm bài viết về Nguyễn Thiện Thuật - Thủ lĩnh khởi nghĩa Bãi Sậy.
Tài liệu tham khảo:
- Sách Việt Sử tân biên, quyển 5.
- Sách Đại cương lịch sử Việt Nam quyển 2.
- "Về cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh" tạp chí nghiên cứu lịch sử số 2, năm 1983