Yên Thế là cái nôi khai sinh ra nhiều vị nữ tướng tài ba. Trong số đó, bà Đặng Thị Nhu, còn được gọi là bà Ba Cẩn, vợ ba của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám nổi tiếng hơn cả. Bà nên duyên cùng Đề Thám như thế nào? Những đóng góp của bà đối với phong trào kháng chiến Yên Thế sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc dưới đây.
Xuất thân
Về năm sinh của bà thì hiện nay không ai biết đích xác, tài liệu sử sách cũng không thấy có ghi lại. Chỉ biết rằng, bà được sinh ra ở Yên Thế, từ hồi tấm bé đã mồ côi mẹ. Cha bà từ đó phải sống cảnh "gà trống nuôi con."
Đặng Thị Nhu và con gái |
Đến tuổi học hành, bà được người cha với vốn kiến thức uyên bác truyền nghề cho. Bà nổi tiếng là lĩnh hội được cả những thủ thuật khó mà ít người học được. Ví dụ như một phép tính trong Thái Ất thần kinh đã từng làm khó cả trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà cũng tiếp thu một cách rành mạch. Thái Ất Thần Kinh là một môn được liệt vào tam thức, quan sát tính toán chuyển động của các vì sao (trong Thái Ất Thần Kinh các vì sao được gọi là Thần). Từ đó, người giỏi Thái Ất Thần Kinh có thể dựa vào số Nhật cục và Nguyệt cục để tính số thời cục. Tương truyền, Thái Ất Thần Kinh thậm chí có thể dự đoán hưng suy của một vương triều.
Chuyện tình
Về mối duyên với Hùm Thiêng Hoàng Hoa Thám, đến nay vẫn còn 2 giả thiết được lưu truyền.
Giả thiết đầu tiên là "cọc đi tìm trâu". Đặng Thị Nhu vốn nổi tiếng khắp vùng là người con gái có tư dung xinh đẹp, lại đức hạnh giỏi giang. Tiếng lành đến tai một tên tham quan nên hắn cậy thế cậy quyền, ép gia đình bà phải để bà lấy hắn. Tức mình, bà bỏ đi lên Bố Hạ, tìm gặp người tướng trong mộng Hoàng Hoa Thám. Sau nhiều ngày đàm thoại chuyện chính trị, Đề Thám biết cô gái này là người am hiểu nên nhanh chóng hỏi cưới về.
Từ đó mới ra đời cái tên Ba Cẩn, một người vừa là vợ, vừa là đồng đội của vị thủ lĩnh Đề Thám, tham vấn cho nghĩa quân Yên Thế đạt nhiều thắng lợi hiển hách.
Còn một giả thiết khác, rằng Đề Thám và bà vô tình gặp gỡ trong một lần ông đi lánh nạn. Để che giấu thân phận, ông nói dối mình đi buôn nhưng gặp phải quân bất lương cướp sạch tiền. Vốn tính thương người, Đặng Thị Nhu đưa người khách lạ về tạm nhà mình. Tại đây, ông nhận ra người con nuôi của gia đình cô gái ấy là thuộc cấp dưới quyền chỉ huy. Kể từ đó, nhà bà Nhu trở thành căn cứ bí mật cho nghĩa quân. Sau đó một thời gian, con gái của gia đình ấy cũng trở thành vợ của thủ lĩnh. Bà theo chồng về cứ điểm Phồn Xương, bắt đầu hoạt động cách mạng.
Sự nghiệp
Từ lúc lấy chồng, bà tham gia vào hoạt động chống lại thực dân Pháp.
Bà Ba Cẩn cùng bà người nữa lập thành tổ tham mưu, cố vấn cho nghĩa quân Yên Thế trên chiến trường. Bà cũng có những lần chỉ huy toán quân tham chiến.
Vụ Hà Thành đầu độc năm 1808 là sự kiện gây chấn động trong cả nước, làm quân Pháp một phen khiếp vía. Các bồi bếp người Việt phục vụ cho Pháp đã nhận nhiệm vụ đầu độc 2000 binh sĩ của kẻ thù rồi bắn pháo hiệu để các nghĩa quân bắt đầu tiến công. Vụ binh biến này cũng là do bà đề xuất. Tuy thất bại nhưng vụ việc cũng đã khiến cho quân địch một phen kinh hoàng.
Bà còn đảm nhận những công việc hậu cần, nấu nướng, giặt giũ cho quân đội chiến đấu. Trong vụ mùa, bà cố tình giả công đăn đắt cho những người thợ gặt được bà thuê. Vì vậy, bà được mọi người hết mực yêu quý.
Bị bắt và qua đời
Ngày 17/11/1909, sau một tháng trời bị bao vây tại Vĩnh Yên, tàn quân của Đề Thám cùng vị thủ lĩnh trốn thoát được về Yên Thế. Quân đội Pháp ráo riết lùng sục, vây quanh Nhã Nam, cắt đứt tuyến đường tiếp tế. Hơn nửa tháng sau, bà Cẩn cùng con gái đầu lòng là Hoàng Thị Thế, lúc ấy mới chừng 7, 8 tuổi, bị rơi vào tay giặc. Ông Đề Thám dẫn 5 nghĩa quân đi giải cứu nhưng không thành công.
Ngày 24/2/1910, quân Pháp đưa bà cùng nhiều đồng đội ra Hà Nội, giảm giữ ở nhà tù Hoả Lò. Sau nhiều tháng canh giữ, chúng quyết định đưa bà đi đày ở Guyane. Trên hành trình đến Nam Mỹ, thừa lúc canh gác lơ là, bà nhảy xuống biển tuẫn tiết. Hôm ấy là 25/11/1910.
Nhưng theo nhiều tư liệu của Pháp, bà mất tại Algiers do căn bệnh Lao.
Tổ quốc ghi công
Nếu ghé thăm quận 1 của thành phố mang tên Bác, chúng ta có thể bắt gặp một con đường được đặt theo tên của vị nữ tướng xinh đẹp mà quả cảm này.
Để công lao của bà lưu truyền hậu thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi rằng:
Đặng Thị Nhu là người có trí dũng, từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp. Khoảng đầu năm 1909 dù binh cùn thế kiệt, bà vẫn cùng chồng oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải nể vì...Bà là một tấm gương sáng của phụ nữ nước Việt.
Hình ảnh của bà cũng đi sâu vào văn hoá đại chúng quá một bài vè dài, chúng tôi xin được lược trích:
(lời Đề Thám)... u là sinh tử nhờ trời,
Sợ mà ra thú ta thời không ra.
Cho nên nó mới đánh ta,
Bà Ba, hai Cả (Cả Trọng) định ra thế nào?
Bà Ba quỳ gối tâu vào,
Tôi xin gánh đỡ ông chồng một phen.
Bà Ba loan báo binh quyền,
Cơ nào độ ấy vững bền cho ta.
Để ta sắp lấy binh qua,
Dấn mình vào đám can qua phen này.
Bà Ba khi ấy mới hay,
Quần chân, áo chít mặc ngay vào mình.
Nhẩy lên đứng giữa Tây thành,
Gọi rằng khố đỏ, khố xanh kia là
Các anh hãy nghe lời ta,
Ta đây chính thực vợ ba Đề Hoàng.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về khởi nghĩa Yên Thế lừng danh.
Lịch sử Việt Nam cuối thời kỳ phong kiến đã được chứng kiến Đặng Thị Nhu - ba Cẩn, một người phụ nữ"giỏi việc nước, đảm việc nhà". Bà lại còn rất mực quả cảm, dám hi sinh mạng sống để bảo vệ danh dự và bí mật của tổ chức. Tấm lòng sắt son với Tổ Quốc, hy sinh cho chồng của bà xứng đáng được hậu thế vinh danh và noi theo.