Đề Nắm - Sự nghiệp và công lao thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 16, 2023
Last Updated

Đề Nắm - Lương Văn Nắm là người sáng lập cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ở vùng Yên Thế từ những ngày đầu. Tuy nhiên, ít người biết đến cuộc đời, công lao của vị anh hùng này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu điều đó.

Xuất thân

Tượng Đề Nắm



Người đời ngày nay ít biết về Đề Nắm bởi vì sử sách ghi chép về ông không có nhiều. Tương truyền rằng, ông sinh ra tại làng Khủa. Những thông tin này chưa có tính chính xác. Theo những điều tra và ghi chép của ông Lương Văn Niệm, người đứng đầu dòng tộc Lương Văn ở làng Gia Tiến ở Bắc Giang, gia phả dòng họ cho biết rằng:

cụ Đề Nắm, tên khai sinh là Lương Văn Nắm, được sinh ra ở khu Rừng Tràm, vốn là làng Gia Tiến xưa kia. Còn làng Khủa chỉ là quê ngoại, nơi ông và mẹ sống sau khi bố ông qua đời.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Đề Nắm sinh ra tại rừng Tràm làng Gia Tiến.

Sự nghiệp 

Khi còn thanh niên, Lương Văn Nắm nổi danh là thông minh, chính trực. Ông thường cướp của người giàu chia cho người nghèo nên bọn phú hào vừa ghét, vừa sợ. Ngược lại, người dân trong vùng rất đỗi yêu quý và thường ca ngợi ông.

Ông vốn là thủ lĩnh của cả làng để chống lại quân trộm cướp, giặc giã. Dân làng hết lòng phò tá, nên khi giặc Pháp kéo đến, họ một lần nữa suy tôn ông lên làm thủ lĩnh chống Tây.

Đề Nắm phát động cuộc khởi nghĩa bằng một lễ tế cờ vào ngày 16/3/1884. Kể từ đây, cuộc chiến chính thức bắt đầu.

Ông lãnh đạo giai đoạn đầu của khởi nghĩa Yên Thế. Dưới sự chỉ đạo tài tình của Đề Nắm, nghĩa quân đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng. Có thể kể đến như chiến thắng ở Cao Thượng, 3 lần chiến thắng sự tấn công của quân Pháp trên Hố Chuối vào tháng 12 năm 1880,...

Trong một trận đàn áp tại Hố Chuối của kẻ địch, Đề Nắm không chống cự được mà phải cho lui quân về Đồng Hom để bảo toàn quân số. Pháp nhân cơ hội này tiến quân vào Thái Nguyên nhưng bị nghĩa Quân Yên Thế chặn đánh cho cùng đường, buộc phải tháo chạy.

Mùa xuân năm 1892, quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn, nhằm diệt tận gốc khởi nghĩa Yên Thế. Trong trận chiến quyết liệt này, Đề Nắm đã ngã xuống, để Hùm Thiêng Hoàng Hoa Thám lên thay làm thủ lĩnh của toán quân.

>> Xem bài viết chi tiết khởi nghĩa Yên Thế.

Cái chết

Nhiều tài liệu đều ghi lại rằng thủ lĩnh Lương Văn Nắm mất vào ngày 28/3/1892.

Ngoài giả thiết rằng ông đã hy sinh trong trận chiến với kẻ thù như đã nói ở trên, còn một giả thiết rằng Đề Nắm bị hạ độc.

Theo người xưa truyền miệng, Đề Nắm bị hạ sát bởi người anh vợ có tên là Đề Sặt, người làng Sặt. Ngôi làng ngày vốn có hiềm khích với làng Gia Tiến của Lương Văn Nắm vì tranh chấp đất đai.

Trong một lần gặp gỡ, Đề Sặt cho mời em vợ một bát chè. Hắn âm mưu bỏ thuốc độc vào bát chè của mình, rồi lấy cớ bát của Đề Nắm sứt miệng để đổi. Ăn xong bát chè có thuốc độc, Đề Nắm có linh cảm không lành nên lên ngựa về nhà. Quả thật, ông đã chết ngay trên đường về.

Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện truyền miệng, vẫn cần được xác thực thêm.

Sau khi Lương Văn Nắm qua đời, cuộc khởi nghĩa đang bên bờ vực tan rã thì Hoàng Hoa Thám đứng lên nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy nghĩa quân tiếp tục kháng chiến.

Mối quan hệ của Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám

Chúng ta đều biết, sau khi thủ lĩnh Lương Văn Nắm hi sinh, khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn và gần như đi đến quyết định tan rã. Lúc này, một vị phó tướng tài giỏi đã đứng lên củng cố lại lực lượng, tiếp tục chỉ đạo cho nghĩa quân thực hiện sứ mệnh chống Tây. Vị phó tướng ấy chính là Đề Thám

Thế nhưng, trước khi được biết đến là thủ lĩnh thứ 2 của khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa Thám là một vị tướng giỏi dưới trướng Đề Nắm, nhiều lần đóng góp chiến lược và kề vai sát cánh cùng thủ lĩnh trong nhiều trận đánh.

Công lao

Nhắc đến những công lao của Đề Nắm, ta không thể quên rằng ông chính là thủ lĩnh của khởi nghĩa Yên Thế, là người tiên phong trong việc lập ra căn cứ Yên Thế. Quyết định của ông đã mở ra trang lịch sử 30 năm chống Pháp của những người nông dân Yên Thế.

Dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân đã đạt được chiến công vang dội. Khởi nghĩa dưới sự dẫn dắt của ông không những nhiều lần thoát được sự đàn áp dữ dội của thực dân mà còn mở rộng được địa bàn hoạt động ra một số tỉnh Bắc Kỳ.

Tưởng nhớ

Để ghi nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã đúc tượng Đề Nắm và đưa vào di tích đình Hả, xã Tân Trung. Ông được tôn thờ đầy đủ lễ nghi như một vị Thành Hoàng làng.

Vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hàng năm, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội đình Hả, thu hút một lượng lớn khách tham quan. Đình Hả đã được thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia kể từ năm 2012.

>> Hùm Thiêng Yên Thế Đề Thám là người nối nghiệp thành công của Đề Nắm. Có thể bạn muốn biết thêm về Đề Thám.

Đề Nắm - người có công đầu tiên thành lập căn cứ Yên Thế - đã đặt bước chân đầu tiên cho một phong trào đấu tranh kéo dài suốt 30 năm lịch sử. Công ơn của ông sẽ mãi mãi được lưu truyền và tôn kính bởi những người con đất Việt.


TrendingTrang chủ