Hoàng Hoa Thám - Ký ức về anh hùng Đề Thám 30 năm chống giặc

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 17, 2023
Last Updated

 Mảnh đất Hưng Yên đã khai sinh ra một người con kiệt xuất mà sau này còn được biết đến với tên gọi Hoàng Hoa Thám - Hùm Thiêng Yên Thế. Vậy cuộc đời và công lao của ông như thế nào mà lại được hậu thế ghi ơn đời đời? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay nhé!

Hoàng Hoa Thám là ai?

Hoàng Hoa Thám hay còn được gọi là Đề Thám (1858-1913) là người lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng Yên Thế, kéo dài 30 năm.

Hoàng Hoa Thám
Chân dung Hoàng Hoa Thám


Nhắc về nghĩa quân Yên Thế là chúng ta đang nhắc về một quân đội nông dân, đang chiến đấu để giữ làng, giữ đất. Những thắng lợi của họ một phần là nhờ vào tài năng lãnh đạo của 2 vị thủ lĩnh. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Hoàng Hoa Thám với biệt hiệu Hùm Thiêng Yên Thế. Dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân đã gây cho quân Pháp một số tổn thất.

Xuất thân và gia đình

Về năm sinh của Hoàng Hoa Thám vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Trong cuốn "Danh nhân Hưng Yên" viết, cụ Đề Thám sinh năm 1855. Thế nhưng nhà nghiên cứu Hoài Nam lại cho rằng, Hoàng Hoa Thám sinh năm 1856. Nhưng hầu hết các tài liệu đều nhất trí rằng ông sinh vào năm 1858, quê gốc ở xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên. Sau 2 cuộc di tán, ông mới sống ở Yên Thế, Bắc Giang.

Cụ thân sinh ra ông là Trương Văn Thận cùng với vợ là Lương Thị Minh. Cả 2 người đều gia nhập nghĩa Quân Sơn Tây của thủ lĩnh Nông Văn Vân.

Về tên gọi của ông cũng được thay đổi nhiều lần. Tên khai sinh của ông là Trương Văn Nghĩa, rồi lại đổi thành Trương Văn Thám trước khi mang cái tên Hoàng Hoa Thám. Cũng có tài liệu ghi rằng ông mang họ Đoàn chứ không phải họ Trương.

Ông đã trải qua 3 cuộc hôn nhân. Trong số đó, chỉ có người vợ thứ 3, Đặng Thị Nhu là được biết đến nhiều hơn cả. Đề Thám có cả thảy 3 người con gồm 2 trai và 1 cô con gái. Đó là Hoàng Đức Trọng, Hoàng Hoa Phồn và Hoàng Thị Thế.

Tóm tắt tiểu sử Đề Thám

Đề Thám tên khai sinh là Trương Văn Nghĩa, quê gốc ở Hưng Yên, sau chuyển về Bắc Giang.

Đề Thám gia nhập nghĩa quân của Đại Trân từ năm 16 tuổi. Năm 1884, ông tự thành lập một toán quân khởi nghĩa. Một năm sau, ông về dưới trướng Đề Nắm, trở thành một tướng tài của khởi nghĩa Yên Thế.

Năm 1892, sau sự hy sinh của Đề Nắm, ông đứng vào vị trí thủ lĩnh, lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế tiếp tục kháng chiến.

Với những chiến thuật tài tình, Hoàng Hoa Thám dẫn dắt kháng chiến qua 3 giai đoạn tiếp theo đầy cam go nhưng cũng giành được nhiều chiến thắng vẻ vang. Ông hy sinh ở Hố Nấy vào ngày 10/2/1913.

Sự nghiệp

Cuối năm 1885, Đề Thám đầu quân cho Đề Nắm, chính thức tham gia vào khởi nghĩa Yên Thế với chức danh phó tướng. Suốt thời gian này, ông đã luôn bên cạnh thủ lĩnh, chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của bản thân.

Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm hy sinh khiến nội bộ khởi nghĩa lục đục. Nghĩa quân đang đối mặt với nguy cơ thiếu chỉ huy thì Hoàng Hoa Thám đứng lên, nhận vai trò lãnh đạo tối cao. Lúc bấy giờ, cuộc chiến đã đi sang giai đoạn 2.

Trong thời gian chỉ huy cuộc khởi nghĩa, ông đã phát động nhiều trận đánh, ghi được nhiều chiến công hiển hách.

Quân Pháp đã rất cố gắng trong việc đàn áp cuộc khởi nghĩa nhưng không thành. Thất bại quá nhiều, nên đến năm 1894, thực dân Pháp phải chấp nhận hòa hoãn, cắt cho nghĩa quân 4 tổng thuộc Yên Thế. Đề Thám lúc này cần thời gian củng cố lại lực lượng nên chấp nhận giảng hòa.

Nào ngờ, chỉ vài tháng sau, kẻ địch bội ước, huy động quân sĩ cùng rất nhiều đại bác, nhắm thẳng vào vùng Yên Thế, âm mưu càn quét cuộc khởi nghĩa. Quân Pháp truy đuổi, tàn sát cả một nhóm người đang khai thác đồn điền ở đây, triệt hạ chỗ dựa của đoàn quân, đẩy Đề Thám vào thế bị động nên phải chấp nhận lời cầu hoà năm 1897.

Trong 1 thập kỷ tạm ngừng chiến đấu, cuộc khởi nghĩa mở rộng địa bàn kháng chiến ra một số vùng trung du và đồng bằng, kể cả Hà Nội.  Cuộc binh biến Hà Thành đầu độc khiến quân Pháp hoang mang và lo sợ cũng là do Hoàng Hoa Thám chỉ đạo. Thời kỳ này, vị thủ lĩnh cũng gấp rút cho xây dựng đồn Phồn Xương làm cứ điểm bí mật. Cụ Phan Bội Châu đã 2 lần tìm về Yên Thế gặp gỡ Đề Thám bàn luận chính trị. Ngoài ra, một số sĩ phu yêu nước như Phan Châu Trinh, Lê Văn Huân cũng có mặt ở đây, cùng Hoàng Hoa Thám bàn kế đánh giặc.

Năm 1909, quân Pháp xua quân tấn công Yên Thế, quyết tâm diệt tận gốc khởi nghĩa. Cuộc tấn công diễn ra dưới sự lãnh đạo của đại tá Ba Tây (Bataille), lực lượng hùng hậu gồm 15.000 quân. Lúc bấy giờ, nghĩa quân của Đề Thám đã bắt đầu suy yếu, không thể chống cự một đội quân lớn như thế. Vì vậy, ông quyết định rút quân dần xuống Thái Nguyên. Trên đường tháo lui, đoàn quân vẫn quyết liệt phản đòn, gây ra nhiều thất thoát cho quân địch. 

Từ đây, cuộc khởi nghĩa liên tiếp thất bại, nhiều tướng lĩnh bị bắt, bị đi đày. Trong đó có vợ của thủ lĩnh, bà Ba Cẩn.

Tháng 2 năm 1913, Hoàng Hoa Thám qua đời, đặt dấu chấm hết cho cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Hy sinh

Ngày nay, chúng ta có 2 giả thiết về nguyên nhân qua đời của thủ lĩnh Hùm Thiêng.

Về giả thiết đầu tiên, nhiều người cho rằng ông bị ám sát. Càng về cuối cuộc chiến, lực lượng nghĩa quân càng mỏng và yếu. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đành phải nhờ cậy đến sự viện trợ của Lương Tam Kỳ. Nhưng vị anh hùng ấy đâu biết rằng, trong toán quân kia có những kẻ phản quốc do Pháp cài cắm. Ngày 10/2/1913, nhân lúc ông say ngủ, bọn chúng dùng cuốc đánh chết rồi cắt thủ hạ đem về nộp.

Còn trong dân gian vẫn lưu truyền giả thiết ông qua đời do bệnh tật. Sức khỏe Đề Thám sau nhiều năm chiến đấu đã suy yếu ít nhiều, lại thêm cơn bạo bệnh và cảnh sống ẩn dật trong lòng dân chúng. Vào ngày 10/2/1913, Đề Thám qua đời để lại niềm thương tiếc vô hạn về một vị anh hùng dân tộc..

Di sản và ảnh hưởng

Trên khắp lãnh thổ Việt Nam, khắp các thành phố từ Bắc chí Nam, chúng ta đều có thể bắt gặp những con đường mang tên Hoàng Hoa Thám.

Ngoài ra, tên ông cũng được đặt cho rất nhiều trường học cấp phổ thông. Nổi bật có THPT Hoàng Hoa Thám ở Đà Nẵng là nơi ươm mầm cho rất nhiều tài năng, với thành tích thuộc top đầu thành phố. Năm 1987, bộ phim Hoàng Hoa Thám gồm 2 tập “Thủ lĩnh áo nâu” và “Lửa cháy đường chân trời” được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia VTV1 đã để lại tiếng vang lớn về đề tài lịch sử. Trong bộ phim, NSND Đoàn Dũng đã vào vai anh hùng Hoàng Hoa Thám. 

Phan Bội Châu cũng sáng tác ra Truyện Chân tướng quân, với nhân vật chính là Hùm Thiêng Yên Thế, được tạp chí Trung Quốc đăng tải. Trong tác phẩm, ông ca ngợi Hoàng Hoa Thám là "vị tướng quân tiếng tăm lẫy lừng."

Ngoài tác phẩm trên, cụ Phan cũng bày tỏ niềm xót thương cho sự ra đi của Hoàng Hoa Thám qua bài thơ "Khóc Chân Tướng Quân". Trích dẫn một đoạn thơ trong tác phẩm như sau:

Dị chủng sài lang mãn địa tinh

Độc tương chích thủ dữ cừu tranh.

Trấp niên thương kiếm sơn hà khí,

Bách chiến phong vân phụ tử binh.

Quốc thế dĩ trầm, quân thượng phấn,

Tướng đầu vị đoạn tặc do kinh.

Anh hùng bản sắc chung năng hiện,

Vạn lý thời văn hổ khiếu thanh.

Bản dịch của Kiều Văn:

Sói lang giống khác tanh lợm đất,

Đấu với quân thù: cánh tay đơn.

Gươm mấy chục năm, hồn sông núi,

Gió mấy trăm trận, lính cha con.

Nước dù chìm đắm, lòng chẳng nhụt,

Đầu vẫn chưa rơi, giặc kinh hồn.

Đến chót mới hay người hào kiệt,

Thẳm xa tiếng hổ vọng nước non.

Ngoài ra, tác giả Hồ Đắc Duy trong Đại Việt sử thi đã viết về Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế như sau:

Hùm Yên Thế dụng binh du kích

Đòn bất ngờ, đón địch sau lưng

Khiến cho giặc Pháp vô cùng

Hoang mang lo sợ khó lòng ngồi yên

Verlesco làm tay thuyết khách

Lên Yên Thế tìm cách nghị hoà

Thư đưa, Đề Thám xem qua

Ông ta chấp thuận, quân ta đang còn

(Trích Đại Việt Sử Thi, quyển 28)

Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám lãnh đạo bị đàn áp dã man nên không thể mang lại tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, cái tên của vị anh hùng "Hùm Thiêng Yên Thế" là đời đời bất diệt. Thế hệ bây giờ và cả tương lai về sau sẽ mãi không thể quên công lao to lớn của Đề Thám - lãnh đạo tối cao của nghĩa quân Yên Thế.

TrendingTrang chủ