Hội Duy Tân là một tổ chức bí mật vừa đóng vai trò tổ chức phong trào Đông Du, vừa chủ trương bạo động chống Pháp. Mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1904 đến 1919 nhưng hội đã khơi dậy tinh thần cách mạng tư sản, học tập theo lối phương Tây ở Việt Nam.
Quá trình thành lập và lãnh đạo của Hội Duy Tân
Nhắc đến Hội Duy Tân, không thể bỏ qua Tăng Bạt Hổ. Tuy là người Việt nhưng Tăng Bạt Hổ lại phục vụ trong quân đội Nhật, có thể liên hệ với giới chính trị Nhật Bản. Sau khi về nước, ông gặp Nguyễn Tiểu La tức Tiểu La Nguyễn Thành và được giới thiệu với Phan Bội Châu.
Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), Phan Bội Châu đã cùng với Cường Để và hơn 20 đồng chí khác họp tại nhà riêng của Tiểu La Nguyễn Thành để lập ra một tổ chức bí mật và lấy tên là hội Duy Tân. Hội Duy Tân còn có tên gọi là Ám xã với chủ trương bạo động chống Pháp khác với Minh Xã của Phan Châu Trinh.
Đội ngũ nhân sự của hội cũng được phân định rõ ràng cụ thể:
- Tất cả đều nhất trí chọn Cường Để (thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn) đảm nhận vị trí Hội chủ.
- Phan Bội Châu là người lãnh đạo và phát ngôn chính
- Tiểu La Nguyễn Thành và Đặng Thái Thân phụ trách làm nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thực hiện vận động và tổ chức các hoạt động của Hội phù hợp với nhiệm vụ đã đề ra.
Đặc biệt, Hội Duy Tân được thành lập và hoạt động một cách bí mật tuyệt đối, không lập sổ sách, không ghi chép họ tên, các chương trình kế hoạch chỉ miệng trao lòng nhớ. Ngoài ra khi xưng hô chỉ được phép gọi là ông chủ, anh em, không được nhắc đến từ “Hội”.
Mục đích thành lập của hội Duy Tân
Vào năm 1858, Pháp nổ súng chính thức xâm lược Việt Nam. Đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù nhà Nguyễn đã từng bước đưa ra các chính sách đầu hàng và thỏa hiệp nhưng nhân dân vẫn quyết tâm đứng lên kháng chiến. Sau phong trào Cần Vương, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đều bị dập tắt. Đến đầu thế kỷ XX, khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản mà khởi xướng là cuộc Duy Tân Minh Trị ở Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng ở các nước châu Á.
Từ đó, các nước châu Á đã noi theo đường lối cách mạng tư sản đã thành công ở Nhật trong đó có Việt Nam. Đến ngày 8/04/1904, Phan Bội Châu đã cùng các sĩ phu yêu nước có cùng chí hướng thành lập ra hội Duy Tân với mục đích lập ra nước Việt Nam độc lập. Ngoài ra, hội Duy Tân còn có các mục đích phát động phong trào Đông Du gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập.
Chủ trương của Hội Duy Tân
Chủ trương của Duy Tân Hội chính là sử dụng bạo động vũ trang để đánh đuổi giặc Pháp. Từ đó, thiết lập chế độ Quân chủ lập hiến ở Việt Nam. Ngay khi thành lập, Hội cũng đã xác định được cương lĩnh và mục tiêu hành động đó là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập”, đồng thời cũng đề ra ba nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện:
- Phát triển nhân lực và tài lực.
- Xúc tiến chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc bạo động vũ trang cũng như các công việc sau khi phát lệnh bạo động.
- Lên kế hoạch xuất dương cầu viện, xác định được mục đích và định hướng thực hiện.
Nhiệm vụ thứ ba được xem là quan trọng nhất nên được giao cho Phan Bội Châu và Nguyễn Tiểu La. Hội Duy Tân phản ánh cho tư tưởng cách mạng tư sản không triệt để vì vẫn tôn thờ minh chủ là Cường Để (cháu 5 đời của hoàng tử Cảnh) và sử dụng bạo động vũ trang chống Pháp.
Những hoạt động nổi bật của hội Duy Tân
Đây là một trong những tổ chức có tư duy đổi mới, được xem là cột mốc quan trọng trong nền Cách mạng Việt Nam với nhiều hoạt động nổi bật:
Phong trào Đông Du
Là phong trào được Phan Bội Châu khởi xướng từ những năm 1905, phong trào Đông Du được hình thành và lan rộng trong sự điều chỉnh về tư duy làm Cách mạng của Phan Bội Châu. Mục tiêu lớn nhất của phong trào Đông Du chính là đào tạo thanh niên yêu nước Việt Nam có đủ trình độ văn hóa và quân sự để sẵn sàng cho công cuộc đánh Pháp và kiến thiết đất nước trong tương lai.
Đến giữa năm 1908, hội Duy Tân đã đưa 200 thanh niên sang Nhật Bản. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 1909, toàn bộ thanh niên Việt Nam và Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản.
Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng phong trào Đông Du được xem là chiếc nôi đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ cho các phong trào Cách mạng tiếp theo trong công cuộc giải phóng dân tộc.
>> Xem bài viết chi tiết phong trào Đông Du.
Ngoài phong trào Đông Du, Duy Tân Hội còn thực hiện song song nhiều hoạt động nổi bật khác như:
Phát triển nhân lực và tài lực
Để công cuộc đánh Pháp thành công, bắt buộc phải có sự lớn mạnh cả về nhân lực lẫn tài lực. Chính vì vậy mà Hội đã ra sức tuyên truyền, vận động các sĩ phu yêu nước, các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân đứng ra lập các Hội Nông, Hội buôn, Hội học,... Việc làm này vừa để tập hợp lực lượng, vừa tạo ra kinh phí hoạt động.
Chuẩn bị vũ khí tiến tới bạo động vũ trang
Đây là vấn đề khó nhất đối với Hội Duy Tân. Nếu trong thời đại Phong kiến, vũ khí chiến đấu có thể được tạo ra một cách nhanh chóng thì giai đoạn bấy giờ để có một món vũ khí đáp ứng mục tiêu đánh đuổi Pháp vô cùng khó. Pháp là đất nước giàu mạnh và vũ khí của chúng tinh nhuệ hơn nước ta môn ngàn lần. Vì vậy con đường tìm kiếm vũ khí rơi vào bế tắc. Đến cuối cùng phương án tốt nhất chỉ có xuất dương cầu viện từ Nhật Bản.
Liên kết với Phan Châu Trinh và Hoàng Hoa Thám
Vào năm 1906, tranh thủ nhận được sự đồng tình của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu đã có ý định muốn liên kết với phong trào Duy Tân nhưng không thành công. Bởi lẽ Phan Châu Trinh không đồng ý với chủ trương Cách mạng theo hướng bạo động vũ trang, chủ trương duy trì nền quân chủ và mưu cầu ngoại viện. Phan Châu Trinh cho rằng việc giải phóng nước nhà phải đi theo con được dân chủ và cải cách xã hội, nâng cao dân trí. Do đó Phan Chu Trinh vẫn rất hoan nghênh và đồng tình việc hội Duy Tân thực hiện phong trào Đông Du, vận động thanh niên sang Nhật Bản học tập cũng như phổ biến thơ ca tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước.
Cùng trong giai đoạn này, Phan Bội Châu quay trở về nước, sau đó đến gặp Hoàng Hoa Thám ở Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang). Sau hơn mười ngày bàn bạc trao đổi, Hoàng Hoa Thám đã đồng ý gia nhập Hội Duy Tân và sẵn sàng ứng viện khi Trung Kỳ khởi nghĩa, nhận giúp đỡ và hỗ trợ cho các nghĩa sĩ.
Vì sao Hội Duy Tân tan rã?
Tháng 3 năm 1908, phong trào Chống sưu thuế Trung Kỳ (Cự sưu khất thuế) được nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên thực dân Pháp đã nhanh chóng đưa quân đàn áp và bắt nhiều thành viên, trong số đó có các thành viên quan trọng thuộc Hội Duy Tân. Nguyễn Tiểu La là người chịu trách nhiệm vận động kinh phí cho hội cũng bị bắt và đày ra Côn Đảo.
Lúc này, hai đặc phái viên của phong trào Đông Du là Đặng Bỉnh Thành và Hoàng Quang Thanh khi đang từ Nhật trở về Sài Gòn để nhận tiền quyên góp cho phong trào Đông Du cũng bị Pháp bắt giữ. Sau đó, cha mẹ của các thanh niên đang học tập tại Nhật bị buộc phải gọi quay về, các hội buôn có liên quan đến Hội Duy Tân đều bị tra hỏi, khám xét thậm chí là bắt giam.
Bên cạnh đó, để tận diệt được phong trào Đông Du cũng như Duy Tân Hội, Pháp còn ký hiệp ước với Nhật vào tháng 9 năm 1908. Theo đó, Nhật sẽ được cho phép vào Việt Nam giao thương, đổi lại Nhật sẽ cam kết không cho bất cứ nhà Cách mạng hay thanh niên Việt Nam nào được ở lại Nhật. Đến năm 1909, Phan Bội Châu và toàn bộ thanh niên Việt Nam đều bị trục xuất khỏi nước Nhật. Đến đây, phong trào Đông Du tan rã, kết thúc hoạt động trọng yếu nhất của Hội. Có thể nói Hội Duy Tân lúc này chỉ còn là tên gọi.
Nắm bắt tình hình đó, thực dân Pháp tiếp tục đàn áp mọi hoạt động quyên góp tài sản hoặc chuẩn bị vũ trang bạo động. Tất cả những thành viên còn sống sót sau nhiều đợt càn quét truy bắt của Pháp đều phải án binh bất động hoặc vượt biên sang Trung Quốc, Xiêm La, Lào để mưu tính kế sách lâu dài. Đến cuối năm 1910, Phan Bội Châu đã chuyển đại đa số hội viên tại Quảng Đông về căn cứ địa ở Xiêm La để cùng nhau cày cấy, học tập và rèn luyện võ thuật để chuẩn bị cho kế hoạch phục quốc.
Tháng 6 năm 1912, Phan Bội Châu đã tổ chức một buổi “Đại hội nghị” tại nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông gồm đầy đủ các đại biểu và tuyên bố giải tán Hội Duy Tân để thành lập Việt Nam Quang phục hội. Điều này có nghĩa Phan Bội Châu đã thay đổi tôn chỉ từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục lại nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc kiến lập Việt Nam.
Một số tư tưởng tiến bộ
Thứ nhất, đối với việc thành lập Duy Tân Hội ngay từ đầu chỉ là “làm thế nào để khôi phục được Việt Nam, lập ra chính phủ mới” cũng như không có bất cứ một chủ trương đường lối nào, hoạt động theo nhóm và mang tính chất cá nhân. Đến đầu năm 1906, sau khi đã có cương lĩnh rõ ràng “Khôi phục Việt Nam, thành lập nước Quân chủ lập hiến” và năm 1912, với sự ra đời của “Việt Nam Quang phục hội”, chúng ta có thể thấy rằng Phan Bội Châu đã tiến tới gần một chính đảng thật sự. Đây là một lý luận và thực tế của việc lập Đảng Cách mạng hiện đại.
Thứ hai, đối với phong trào Đông Du, đây chính là hoạt động chủ chốt và cột mốc quan trọng trong quá trình cứu nước của Phan Bội Châu. Có thể thấy rằng Phan Bội Châu là người đầu tiên có tư duy Cách mạng hiện đại, không mang bản chất Phong kiến. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân nên các phong trào của Hội Duy Tân đều bị thất bại, trong đó nguyên nhân tất yếu đó là yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về Phan Bội Châu.
Dù thất bại nhưng Phan Bội Châu và Hội Duy Tân đã thực sự trở thành “đòn bẩy” xây dựng nền tảng Cách mạng hiện đại để Nguyễn Ái Quốc có thể tiếp thu và phát triển lên tầm cao vào những năm 20 của thế kỷ XX. Hơn thế nữa, nhiều thanh niên tham gia học tập tại Nhật Bản sau này đã trở thành đội quân tinh nhuệ, lực lượng Cách mạng nòng cốt trong nhiều phong trào khác tại Việt Nam sau này.