Trong lịch sử chiến tranh giữa Đại Việt và Nguyên Mông, tướng quân Ô Mã Nhi là một trong những vị tướng nổi danh nhất. Xuất thân, cuộc đời và sự nghiệp của Ô Mã Nhi sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc sau đây.
Ô Mã Nhi là ai?
Ô Mã Nhi (? - 1289) là tướng quân thiện chiến trong quân đội Nguyên Mông (nhà Nguyên Trung Quốc). Ô Mã Nhi theo quân đội tham chiến trong chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Trong cuộc đời cầm binh, Ô Mã Nhi từng lập nhiều chiến công nhưng cũng vấp phải vô số thất bại. Ông từng mang binh truy đuổi 2 vua nhà Trần là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, ra lệnh phá bỏ lăng miếu thờ các đời vua nhà Trần.
Có thể nói Ô Mã Nhi là một trong những vị tướng tài giỏi nhất mà Hưng Đạo Vương từng đánh bại. Tuy nhiên, Ô Mã Nhi có vai trò quan trọng trong trận Vân Đồn dẫn đến quân lương của quân đội Nguyên Mông mất sạch. Sau trận Bạch Đằng Giang, Ô Mã Nhi bị bắt và giết chết. Về cái chết của ông được xem là một trong những chủ đề tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Xuất thân
Ô Mã Nhi tên thật là Omar (tên tiếng Ả Rập: عمر), năm sinh chưa rõ, có nguồn gốc dòng họ từ đế quốc Khwarezm. Đế quốc này đã bị Thành Cát Tư Hãn dẫn quân chinh phạt, thảm sát và sát nhập vào lãnh thổ đế quốc Mông Cổ (tiền thân của triều đại nhà Nguyên).
Ông nội của Ô Mã Nhi là Sayyid Ajal Shams al-Din Omar đã đầu hàng quân Mông Cổ. Sau này, Shams al-Din trở thành quan Tổng Đốc tỉnh Vân Nam. Nhờ đó, dòng họ ông trở thành hàng danh giá, ba đời đều làm đến chức quan Tổng Đốc. Ô Mã Nhi xuất sắc nhận được danh hiệu Bạt Đô (Batur: dũng sĩ Mông cổ)
Sự nghiệp
Tham gia chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 1
Ngày 11 tháng 2 năm 1285, Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân đánh vào Vạn Kiếp. Quân Đại Việt tử thủ liên tục trong 3 ngày. Trần Hưng Đạo thấy thế giặc đang mạnh nên cho lui quân.
Theo sách Việt Nam Sử Lược, Ô Mã Nhi đã dẫn binh tiếp ứng cho đạo quân của Toa Đô. Trước đó, cánh quân do Toa Đô chỉ huy theo đường biển đánh Chiêm Thành nhưng không thành. Vì vậy, Toa Đô được lệnh kéo quân về Nghệ An hội quân với Thoát Hoan. Sau đó, các chiến thuyền Nguyên Mông đóng quân dọc theo sông Hồng đến khúc sông Đại Hoàng (ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam).
Đạo quân Nguyên này đánh chiếm thành công vùng Nghệ An. Tuy nhiên, Trần Quang Khải vẫn giữ vững được các con đường hiểm yếu khiến quân đội Nguyên Mông không thể tiến sâu hơn. Vì vậy, Toa Đô và Ô Mã Nhi quyết định vượt biển để hợp quân với Thoát Hoan.
Trần Quang Khải hay tin, cho người báo tin với triều đình nhà Trần đang ở Thanh Hóa. Trần Hưng Đạo đã hiến mưu:
Toa Đô tự Chiêm Thành trở ra, qua vùng Ô Lý (Thuận Hóa), Hoan (Nghệ An), Ái ( Thanh Hóa), đường xá gập ghềnh, quân sĩ vất vả, nay lại vượt bể ra Bắc, thì sức lực cũng đã mỏi mệt. Vậy nay nên sai một tướng nên ra đón đường mà đánh thì chắc phá được.
(Trích dẫn sách Việt Nam Sử Lược)
Vì vậy, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân đánh bại cánh quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi trong trận Hàm Tử. Sau trận đại bại, Toa Đô và Ô Mã Nhi đem binh lùi về bãi Thiên Trường.
Trong trận Tây Kết, đích thân Trần Hưng Đạo cầm quân đánh tan đạo quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi. Quân Nguyên theo đường bộ chạy ra biển, gặp phải quân Đại Việt vây đánh.
Tướng Toa Đô trúng tên mà chết, Ô Mã Nhi tìm cách về Thanh Hóa nhưng bị truy bắt gắt gao. Vì vậy, Ô Mã Nhi đã một mình lẻn lên một chiếc thuyền nhỏ thành công chạy trốn về nước.
Khởi binh phục thù
Mùa xuân năm 1287, nhà Nguyên lấy cớ đưa Trần Ích Tắc về nước làm vua, đem 30 vạn quân sang tấn công Đại Việt. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp được cử làm tham tri Chính sự đem thủy quân theo đường biến tiến vào Đại Việt. Cánh quân của Ô Mã Nhi được giao trọng trách mở đường cho các thuyền vận chuyển quân lương do Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn chỉ huy.
Mặc dù quân Đại Việt đã chia quân phòng giữ các đồn trại nhưng chưa thể cản được bước tiến của quân Nguyên. Quân Đại Việt rút về Vạn Kiếp rồi lại tiếp tục rút lui về kinh thành Thăng Long.
Đuổi bắt hai vua nhà Trần
Tháng 1 năm 1288, Thoát Hoan lãnh đạo quân đội Nguyên Mông xây dựng căn cứ Vạn Kiếp. Thoát Hoan lệnh cho quân đội tấn công kinh thành Thăng Long. Tiếp đến, lực lượng thủy quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi theo sông Phú Lương (ngày nay gọi là sông Hồng) tiến quân truy đuổi 2 vua Trần. Lúc này, Trần Hưng Đạo đem quân thủ thành Thăng Long. Xa giá 2 vua Trần về tỉnh Kiến An (ngày nay đã sát nhập vào TP.Hải Phòng).
Nghe tin giặc đến, vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông đi theo đường biển lùi về Thanh Hóa. Tuy nhiên, đích thân Ô Mã Nhi vẫn tiếp tục dẫn quân đuổi bắt 2 vua nhà Trần nhưng không thu được kết quả. Ô Mã Nhi cho quân quay về, đi ngang qua phủ Thiên Hưng tỉnh Thái Bình, được biết nơi đây có Thiên lăng là nơi thờ tự các đời vua Trần nên cho người phá bỏ.
Chiến bại trận Vân Đồn
Thoát Hoan ra lệnh cho Ô Mã Nhi ra Hải Dương đón thuyền quân lương của Trương Văn Hổ. Quân đội do Ô Mã Nhi lãnh đạo đi đến Vân Đồn đụng độ quân Đại Việt chỉ huy là tướng Trần Khánh Dư chặn đánh. Hai quân đụng độ quyết liệt trong trận Vân Đồn, quân Đại Việt thua phải bỏ chạy. Mặc dù thua trận nhưng Trần Khánh Dư vẫn nung nấu ý định lập công chuộc tội.
Sau đó, đội chiến thuyền của Ô Mã Nhi gặp đội vận chuyển lương của Trương Văn Hổ. Đội chiến thuyền của Ô Mã Nhi mở đường đi trước, đội thuyền vận lương theo sau. Lúc này, tướng Trần Khánh Dư nhận ra cơ hội hiếm có, ông cho rằng Ô Mã Nhi vừa mới thắng trận, cho rằng không còn ai ngăn trở cho nên mới khinh thường đem quân đi trước.
Trần Khánh Dư lập phục binh chặn đánh đội thuyền vận lương Trương Văn Hổ tại vịnh cửa Lục (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Quân Đại Việt thắng trận, quân lương, khí giới của quân Nguyên đều bị mất sạch cả. Trương Văn Hổ phải xuống thuyền nhỏ, chạy trốn về nước.
Bị bắt trong trận Bạch Đằng Giang
Sau trận Vân Đồn, quân Nguyên Mông lâm vào tình cảnh lương thực ngày càng cạn dần. Thoát Hoan cho người về nước cầu viện và quân lương. Tuy nhiên, Trần Hưng Đạo đã cho quân tướng canh giữ vùng biên giới, ngăn chặn tin tức cầu viện truyền về nước Nguyên.
Thoát Hoan nhận thấy quân lương cạn dần mà chưa thể công phá quân Đại Việt ngay được. Vì vậy, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn quân theo đường sông Bạch Đằng quay về nước trước. Còn Thoát Hoan chỉ huy cánh quân còn lại theo đường bộ quay về nước sau.
Bãi cọc trên sông Bạch Đằng |
Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt xây dựng trận cọc ngầm trên sông Bạch Đằng, sắp đặt phục binh chờ Ô Mã Nhi tiến đến. Khi nước thủy triều lên, quân Đại Việt ra khiêu chiến, giả vờ thua nhằm dụ địch vào trận địa cọc ngầm đã bố trí sẵn.
Lúc thủy triều xuống, Nguyễn Khoái xuất lĩnh Thánh Dực quân là đạo quân cấm vệ thiện chiến nhất bất ngờ quay lại đánh. Đích thân Trần Hưng Đạo cũng đem quân đánh xuống. Ô Mã Nhi thấy thế bèn cho đội chiến thuyền quay đầu trở lại thì thủy triều đã rút, bãi cọc ngầm lộ ra đâm hỏng vô số chiến thuyền. Thế quân Nguyên binh bại như núi đổ. Sau trận Bạch Đằng, các tướng lĩnh quân Nguyên Mông như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều bị bắt.
Ô Mã Nhi chết như thế nào?
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, nhà Trần cử sứ giả sang nhà Nguyên Trung Quốc cầu hòa và được chấp thuận. Vì vậy, hầu hết các đầu mục, thủ lĩnh của quân đội nhà Nguyên đều được tha cho về nước. Tuy nhiên, kết cục của Ô Mã Nhi lại bị chết đuối trên biển. Có nhiều giả thiết khác nhau về cái chết của vị tướng quân này. Tuy nhiên, giả thiết được ủng hộ nhất chính là Trần Hưng Đạo đã lệnh cho Yết Kiêu đem quân đục thủng thuyền chở Ô Mã Nhi.
Sách Việt Nam Sử Lược có đoạn chép lại như sau:
Duy có Ô Mã Nhi giết hại nhiều người, vua căm tức vô cùng, không muốn tha về, nhưng lại ngại đường hòa hiếu, bèn dùng mưu của Hưng Đạo Vương, sai người đưa đi đến giữa bể, đánh đắm thuyền, cho chết đuối, mà Nguyên triều cũng không trách vào đâu được.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về tổng chỉ huy quân Nguyên là Thoát Hoan.
Họ Là Ai vừa gửi đến bạn cuộc đời, sự nghiệp và bí ẩn cái chết của danh tướng Ô Mã Nhi. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin bổ ích và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết về chủ đề lịch sử tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
- Sách Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim.