Tóm tắt tiểu sử Phan Đình Phùng - Những câu chuyện kể cực hay

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 30, 2023
Last Updated

 Phan Đình Phùng là vị anh hùng đã hy sinh cả cuộc đời để đánh đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam. Mặc dù ông chưa thể thành công nhưng công lao của ông luôn được đời sau ghi nhớ. Cùng chúng tôi đọc tóm tắt tiểu sử, những câu chuyện và giai thoại của Phan Đình Phùng qua bài viết dưới đây.

Gia đình và xuất thân

Phan Đình Phùng cất tiếng khóc chào đời vào ngày 6 tháng 6 năm 1847, tại làng Đông Thái (ngày nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyên Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình giàu truyền thống Nho học. Cha của ông là phó bảng Phan Đình Tuyển (thi đậu năm 1814).
Phan Đình Phùng
Chân dung Phan Đình Phùng



Khi dẹp giặc ở Lạng Sơn, cụ Phan Đình Tuyển làm tán lý quân vụ và tử trận. Dòng họ Phan truyền đến đời Phan Đình Phùng từ thời nhà Lê đã trải qua 12 đời, nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt, giữ chức quan lớn trong triều.
Phan Đình Phùng còn có 2 người anh trai gồm:
  • Tú tài Phan Đình Thông giữ chức phó quản đốc một đội chiến thuyền.
  • Cử nhân Phan Đình Thuật giữ chức giáo thụ nhưng đã mất sớm.
  • Phó bảng Phan Đình Vận giữ chức tri phủ.

Phan Đình Phùng có tất cả 2 người vợ. Người vợ cả là con gái của quan phủ Thọ Tường, sinh cho ông 4 người con trai. Bi kịch thay, vợ và 3 người con trai của Phan Đình đều bị điên rồi qua đời. Người vợ thứ hai của Phan Đình Phùng xuất thân danh giá, là em gái quan Lại Bộ Tham Tri Trần Trạm. Bà hết mực yêu thương và sẵn sàng đồng cam cộng khổ với chống. Cả 2 có với nhau 2 người con trai nhưng con trai đầu mất sớm.

Đời sống gia đình của cụ Phan Đình Phùng cũng lắm nỗi bi kịch. Phan Đình Phùng có một người con trai út là Phan Đình Cừ (tự Bá Ngọc) sau này xuất ngoại theo phong trào Đông Du. Tưởng chừng chàng trai trẻ sẽ nối nghiệp cha mà phụng sự cho việc giải phóng đất nước. Tuy nhiên, Phan Đình Cừ bị Pháp bắt lại phản bội mà trở thành kẻ chỉ điểm. Vì vậy, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã sai Lê Tản Anh thành công ám sát con trai Phan Đình Phùng.

Tóm tắt tiểu sử Phan Đình Phùng

Tiểu sử tóm tắt Phan Đình Phùng theo niên sử như sau:
  • Ngày 6 tháng 6 năm 1847, Phan Đình Phùng được sinh ra đời.
  • Năm 1876, Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân.
  • Năm 1877, ông thi đậu Đình Nguyên tiến sĩ, được bổ nhiệm làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình).
  • Năm Tự Đức 31 (1879), ông xử phạt linh mục Trần Lục. Vì vậy, triều đình gọi ông về kinh giữ chức Ngự Sử Đô Sát Viện.
  • Năm 1883, Phan Đình Phùng bất đồng ý kiến phế vua Dục Đức của Tôn Thất Thuyết nên bị cắt chức.
  • Năm 1884, ông được phục chức, bổ nhiệm làm Tham biện Sơn Phòng - Hà Tĩnh.
  • Năm 1885, ông hưởng ứng phong trào Cần Vương, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê.
  • Từ năm 1885 đến năm 1893, ông cùng với Cao Thắng củng cố lực lượng, rèn đúc súng ống.
  • Năm 1893, Cao Thắng mất sau cuộc tấn công vào tỉnh Nghệ An.
  • Năm 1894, Phan Đình Phùng sử dụng mưu kế "san an úng thủy" chiến thắng trận Vụ Quang. Đây là trận thắng lớn nhất của khởi nghĩa Hương Khê.
  • Ngày 28 tháng 12 năm 1895, Phan Đình Phùng bị thương nặng và qua đời. Lúc này, ông mới 49 tuổi.
  • Năm 1896, khởi nghĩa Hương Khê chấm dứt.

Chuyện kể - Giai thoại

Quyết tâm thi cử

Phan Đình Phùng từ nhỏ theo học bác ruột là Phạm Đình Tuân, nuôi chí đỗ đạt công danh. Tuy nhiên, trước khoa thi năm 1876, cụ Phạm Đình Tuân lại nhận xét về ông như sau:
Phan Đình Phùng sức học còn kém, chưa đi thi khoa này được hãy đợi khoa sau.
Nghe vậy, Phan Đình Phùng nói với em trai Phan Đình Vận rằng:
Sinh ra giữa đất trời, làm trai phải có danh phận trong xã hội. Muốn được như thế thì phải đem sức học ra mà thi thố với người đời. Nay anh không được đi thi thì sống làm gì nữa?
Tưởng chừng mọi chuyện sẽ trôi qua như thế. Thế nhưng, Phan Đình Phùng thực sự tự sát. May mắn thay, em trai ông phát hiện, hô hoán gia đình cấp cứu kịp thời. Từ đó, cả gia đình không cản ông đi thi nữa. Khoa thi năm 1876, ông xuất sắc thi đậu Cử nhân.

Thẳng thắn can gián

Khi vua Dục Đức bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất phế, cả triều đình đều im lặng. Lúc này, chỉ có Phan Đình Phùng đang giữ chức quan Ngự Sử đứng ra can gián rằng:

Tự quân chưa có tội gì mà phế lập như thế thì làm sao phải lẽ?

Vì vụ việc này mà ông bị Tôn Thất Thuyết tống giam. Sau đó, ông được trả tự do nhưng bị cắt hết chức tước, phải quay về quê nhà. Dù vậy, Phan Đình Phùng vẫn sẵn sàng bỏ qua mối hiềm khích này.

Khi cuộc phản công kinh thành Huế của triều đình thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi đến Tân Sở, giúp nhà vua ban chiếu Cần Vương. Sau đó, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi cho mời ông đảm nhiệm chức vụ Hiệp Thống quân vụ (có tài liệu ghi tán lý quân vụ) giúp thống lĩnh các đạo nghĩa quân đánh Pháp thì ông vẫn khẳng khái nhận lời.

Vì nghĩa quên thân

Khi Phan Đình Phùng dựng cờ khởi nghĩa Hương Khê hưởng ứng phong trào Cần Vương, anh trai của ông là Phan Đình Thông cũng tham gia khởi nghĩa. Thế nhưng, Phan Đình Thông bị quân địch bắt, đưa về Nghệ An. Lúc này, quan tổng đốc Nghệ An là Nguyễn Chính vốn có thù riêng với Phan Đình Phùng. Bởi lẽ, Phan Đình Phùng lúc còn làm quan quan Ngự Sử từng dâng sớ vạch tội Nguyễn Chính chậm đem binh tiếp viện thành Nam Định đang bị quân Pháp tấn công.

Vì vậy, tổng đốc Nguyễn Chính ra lệnh tra tấn Phan Đình Thông và lệnh cho Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp viết thư chiêu hàng cho Phan Đình Phùng. Trong thư có đoạn như sau:
Bác Phan! Gần đây tôi đi qua làng Đông Thái, nhìn thấy đền thờ gia tộc cùng phần mộ đức tiên quân của bác nghiêng ngả điêu tàn, không ai lo nhang khói khiến tôi bùi ngùi không sao cầm được nước mắt. Này bác Phan ơi!... Thôi thì tấm lòng của bác đối với sơn hà xã tắc thì thiên hạ đều rõ, không chê trách vào đâu được. Còn chuyện giữ hiếu với gia tộc, tổ tiên thì không ai có thể xao nhãng, huống gì là bậc khoa bảng như bác!... Tính mệnh anh bác ra sao thì cũng tùy thuộc vào sự lựa chọn của bác! Nếu bác giải binh, không chỉ làm tròn chữ hiếu mà núi Hồng sông Lam còn biết bao nơi u tịch để bác ở ẩn mà tu dưỡng khí tiết thanh tao...(Trích dẫn Sách "Kể chuyện danh nhân Việt Nam", tập 5: Danh nhân quân sự Việt Nam)
Sau khi nhận được bức thư, Phan Đình Phùng nói với ba quân tướng sĩ: 
Nay tôi chỉ có một ngôi mộ lớn cần phải gìn giữ, đó là giang sơn Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đó là mấy mươi triệu đồng bào đang đắm chìm trong nô lệ. Nếu tôi về sửa sang phần mộ của riêng gia tộc tôi thì phần mộ lớn của cả nước ai giữ? Nếu tôi về để cứu anh ruột tôi thì mấy mươi triệu anh em trong nước ai cứu? Vậy ai có giết anh tôi, xin nhớ gửi cho tôi bát nước xáo!
(Trích dẫn Sách "Kể chuyện danh nhân Việt Nam", tập 5: Danh nhân quân sự Việt Nam)
Nghe lời tuyên bố hùng hồn của Phan Đình Phùng, nghĩa quân đồng thanh hô to chiến đấu đến cùng.

Trừng trị kẻ phản bội

Giữa lúc phong trào Cần Vương trong đó có khởi nghĩa Hương Khê đang bùng nổ thì vua Hàm Nghi bị bắt. Trương Quang Ngọc vì tham tiền đã phản bội nhà vua trẻ. Sau sự kiện này, Phan Đình Phùng đã sai người đi giết kẻ phản bội Trương Quang Ngọc.

Hoàng Cao Khải gửi thư khuyên hàng

Tháng 10 năm Giáp Ngọ, Hoàng Cao Khải là quan viên triều Nguyễn thân Pháp sai Phan Văn Mân (họ hàng của Phan Đình Phùng) lên núi Vụ Quang, gửi thư chiêu hàng. Bản dịch bức thư Phan Đình Phùng hồi âm Hoàng Cao Khải như sau:
Đệ gần đây vì việc binh mã, ở lâu trong chốn suối rừng. Gia dĩ giời đông, lạnh lẽo tĩnh mịch như vẻ rất buồn. Chợt báo tin có thư của cố nhân gửi tới, tôi nghe bất giác phá tan hết cơn lạnh lẽo vội vàng mở đọc thư ngay. Trong thư bầy rõ họa phúc, nói hết thiệt hơn; biết là cố nhân không những vì đệ tính kế an toàn, mà thực cũng là muốn giữ bình yên cho cá hai nhà vậy.
Ngàn dặm tuy xa, không khác cùng ngồi đối thoại, những lời phó phủ, đệ đều vâng hiểu rõ ràng; tiếc vì riêng về phần đệ, cái cảnh ngộ cùng tâm sự, thực là muôn phần khó nói được ra.
Trộm nghĩ sự thể thiên hạ hiện nay như thế ấy, mà tài lực của đệ như thế kia, trong ý cố nhân chỉ cho lài cái thế như cánh tay bó ngựa chống với muôn cỗ xe to, nhưng nói thực ra thì lại gấp hơn thế nữa.
Tuy nhiên, ngồi mà nghĩ lại thì, nước ta trải mấy ngàn năm nay, đất vẫn không rộng, của vẫn không nhiều, binh vẫn không mạnh, nhưng cái chỗ trông cậy để lập quốc, chẳng qua chỉ do ngữ tuân quán thần phụ tử mà thôi. Trước đây Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh đã từng bao phen muốn chia nước ta ra làm quận, huyện, song rốt cuộc vẫn không sao được.
Ôi, nước Tàu so với nước ta, đất thì liền nhau, sức thì gấp bội, thế mà thủy chung không thể áp chế ta được, ấy là bởi tại lẽ gì? Phải chăng sông núi nước Nam, tiệt nhiên phận định, đức trạch thi thư, vốn sẵn nơi có nơi nương cậy?
Nay đây, người Tây dương với ta, cách xa không biết mấy ngàn vạn dặm; thế mà vượt biển tới đây, đến đâu tựa như gió lướt; nhà vua bỏ chạy, cả nước hoang mang; suốt trong thiên hạ, đắm chìm là thế, há riêng gì một nhà một quận phải chịu lầm than?
Khoảng năm Ất Dậu, xa giá tới tỉnh Hà Tĩnh, lúc đó đệ đương cư tang thân mẫu, chỉ biết đóng cửa chịu tang, có đâu dám mơ chuyện khác. Ngặt vì một cớ vốn là dòng dõi thế thần, lại thêm bao lần tuyên triệu nên bất đắc dĩ cũng phải gắng gượng ứng theo. Gần đây lại thêm nhắc lên vào hàng đặc cách, trao cho một cái đặc quyền. Mệnh lệnh của Vua như thế, túng nhiên cố nhân xử vào cảnh ấy, có thể chối từ mà tránh được chăng?
Rồi từ bấy đến nay, thắm thoát đã ngót mười năm, các người ứng theo việc nghĩa, hoặc bị giết tróc, hoặc bị trách phạt mà thủy chung, không ai nản lòng thối chí và sản xuất tái xuất lực, càng ngày theo tới cùng đông. Ôi, hà phải lòng người vui thích những sự tai họa mà làm như thế hay sao? Đó chẳng qua cũng vì tin ở lòng đệ mà thôi. Lòng người như thế, túng nhiên cố nhân xử vào cảnh đệ, hỏi có thể đành lòng gạt bỏ được chăng?
Đệ đây, mặc cho khói hương lạnh lẽo, thân thích lìa tan, không dám hoài nghĩ tới nữa. Kẻ thân còn không nhìn tới, huống chi là kẻ còn sợ nơi gần còn không đoái thiết, huống chi là ở nơi xa!
Hơn nữa, quân ta sở dĩ lầm than quá nỗi, đâu phải riêng gì cái nạn đao binh! Quân Pháp tới đâu là lũ tiểu nhân bám theo tới đó, không tội trỏ là có tội; ngày nay quở trách, ngày mai hình phạt, nếu có thể vét được của dân, thì không gì là không làm tới. Trăm tệ dở ra, người Pháp có đâu thấu hết? Như thế làng xóm tránh nào không đến xiêu tàn?
Cố nhân với đệ cùng nòi giống châu Hoan, cố nhân ở nơi xa ngoài ngàn dặm còn biết nghĩ tới cố hương, huống chi đệ lại là tai nghe mắt thấy luôn luôn? Chỉ vì cảnh thế bắt buộc, sức chẳng theo lòng, dù giúp cũng không cách gì giúp được!
Ví bằng cố nhân đã hiểu và nghĩ tới đó, lại đem cảnh ngộ của đệ rồi tự đặt thân vào mà nghĩ suy cho kỹ thì cái tâm sự của đệ, tự khắc trông thấy rõ ngay, lọa cần đệ hải nói lắm thêm rườm!
Gặp kỳ xuân tiết, xa chúc bình an…
(Trích dẫn “Văn hóa Nguyệt san” số 50 xuất bản tại Sài Gòn tháng 5/1960)

Sau khi viết thư xong, Phan Đình Phùng giao thư hồi âm cho Phan Văn Mân. Ông khuyên Phan Văn Mân lần sau đừng lãnh mệnh nữa.

Giai thoại sau khi mất

Giai thoại này đã được các nhà sử học chứng minh không chính xác. Tương truyền, sau khi Phan Đình Phùng mất, tay sai của Pháp là Nguyễn Thân đã cho quật mồ của ông, đốt xác, trộn lẫn tro cốt vào thuốc súng và bắn xuống sông La.

Công lao

Công lao của Phan Đình Phùng là đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê trở thành cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương. Phan Đình Phùng đã hiểu rõ tầm quan trọng của súng đạn, cho người dày công nghiên cứu chế tạo súng cũng như tìm kiếm con đường mua sắm vũ khí. Cao Thắng đã thành công chế tạo loại súng trường tương đương với súng trường 1874 của Pháp. Nhờ có Phan Đình Phùng mà các cuộc khởi nghĩa riêng lẻ trong khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh được thống nhất.

Tác phẩm

Phan Đình Phùng có sáng tác bài thơ "Thấy xác lính ngụy, cảm tác" để kêu gọi những người lính Việt đang phục vụ cho Pháp hối cải. Bản dịch của bài thơ này như sau:
Mày vì danh lợi chết phanh thây, 
Đến nỗi bên khe phơi xác gầy.
Vết xe trước đổ nên tỉnh ngộ,
Kẻo chết ăn năn muộn lắm thay!
Khi Cao Thắng mất, Phan Đình Phùng vô cùng thương tiếc nên đã sáng tác 2 câu đối dịch như sau:
Có chí không thành, anh hùng đã khuất;
Chưa thắng đã chết, ý trời ra sao?
Trước khi mất, Phan Đình Phùng đã sáng tác bài thơ "Lâm chung thời tác":
Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công.
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
Trách vọng dũ long ưu dũ trọng,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.
Tạm dịch như sau:
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao, lo lại nặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.

Với bài viết trên, Holaai.org hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tiểu sử, công lao, những câu chuyện về giai thoại về anh hùng Phan Đình Phùng. Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại nhau trong những bài viết tiếp theo về chủ đề lịch sử Việt Nam và thế giới.

>> Có thể bạn muốn biết thêm về anh hùng lịch sử cùng thời kỳ: Hùm Thiêng Yên Thế - Hoàng Hoa Thám.

Tài liệu tham khảo:
  • Sách "Kể chuyện danh nhân Việt Nam", tập 5: Danh nhân quân sự Việt Nam, tác giả Lê Minh Quốc.
  • https://hatinh.dcs.vn/thong-tin-tu-tuong-so-46-thang-122016/news/phan-dinh-phung-ong-nghe-ngay-thang-yeu-nuoc.html
  • https://thanhnien.vn/hoi-nghi-hoa-binh-va-vu-muu-sat-con-trai-phan-dinh-phung-1851397352.html

TrendingTrang chủ