Phong trào Đông Du - Lực lượng lãnh đạo - Vì sao thất bại?

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 10, 2023
Last Updated

Phong trào Đông Du tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn nhưng được xem là một trong những dấu mốc quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Không chỉ thổi lên tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm mà còn góp phần làm biến chuyển tư tưởng, từ bỏ tư duy giáo điều sang tư duy thực tiễn. Vậy vì sao lại có sự xuất hiện của phong trào này? Mục đích cũng như diễn biến và kết quả ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Nguyên nhân và hoàn cảnh ra đời

Phong trào Đông Du
Phong trào Đông Du


Để có thể hiểu sâu những giá trị lịch sử, trước tiên cần khai thác và nắm rõ được nguyên nhân lịch sử và hoàn cảnh ra đời của phong trào này.

Nguyên nhân lịch sử

  • Nhật Bản là nước Châu Á cải cách thành công

Nhật Bản đã thực hiện công cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị đưa đất nước phát triển thần tốc, tiến bộ vượt bậc sánh ngang với các cường quốc phương Tây. Thắng lợi của Nhật Bản trong chiến tranh Nga - Nhật có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần đấu tranh giành độc lập của các quốc gia thuộc địa trong đó có Việt Nam. Từ đó, việc muốn nương nhờ vào Nhật Bản là tâm lý chung của các nước châu Á đang chịu cảnh xâm lược từ phương Tây vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, trong đó có Việt Nam.

  • Đồng chủng, đồng văn

Nhật bản là đất nước duy nhất tại châu Á da vàng theo con đường tư bản chủ nghĩa và thoát khỏi ách thống trị của tư bản Âu - Mỹ. Ngoài ra còn có sự tương đồng với Việt Nam về màu da và Văn hóa Hán học.

  • Nhật hứa đào tạo miễn phí

Chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ là một sĩ quan trong quân đội Nhật Bản. Trong buổi lễ mừng chiến thắng Nga - Nhật, Thiên Hoàng Minh Trị đích thân rót rượu mừng công cho quần thần trong đó có Tăng Bạt Hổ. Vì vậy, Tăng Bạt Hổ đã xin cầu viện từ phía chính phủ Nhật và nhận được lời hứa miễn phí đào tạo cho du học sinh Việt Nam.

Hoàn cảnh ra đời của phong trào Đông Du

Trong giai đoạn này, thực dân Pháp đang tăng cường sự xâm chiếm, đàn áp nhân dân trên khắp cả nước. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của quân và dân ta được nổ ra nhưng không thể giành được thắng lợi vì nguồn lực còn non yếu. Đứng trước tình hình đó, Tăng Bạt Hổ về nước gặp gỡ Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước thành lập hội Duy Tân. Trong cuộc họp, hội Duy Tân đã thống nhất cử Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ sang Nhật cầu viện.

Đến năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật Bản nhờ viện trợ khí giới, tiền bạc để đánh Pháp. Tuy nhiên Nhật Bản chỉ hứa đào tạo cán bộ cho cuộc bạo động vũ trang chứ không đồng ý viện trợ. Từ đó, Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du, cử các thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập.

Lực lượng lãnh đạo và mục đích

Lãnh đạo

Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu đứng đầu lãnh đạo và được khởi xướng vào đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn có hơn 20 đồng chí nòng cốt trong hội Duy Tân đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác như Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Nguyễn Tiểu La, Trình Hiền, Lê Võ, Đặng Tử Kính,...

Sau khi thành lập, Hội Duy Tân đã đề ra ba nhiệm vụ chính cần thực hiện, đó là: 

  • Phát triển thế lực của hội cả về con người lẫn tài chính
  • Xúc tiến chuẩn bị các chiến dịch bạo động và một số công việc liên quan sau khi khởi phát bạo động
  • Xác định phương án ra nước ngoài cầu viện và đưa ra phương án thực hiện

Nhiệm vụ 1, 2 do các thành viên của Hội đảm nhận còn nhiệm vụ thứ 3 do đích thân Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành bàn bạc, thực hiện trong bí mật. 

Mục đích cơ bản 

Phan Bội Châu vẫn giữ vững niềm tin rằng “có thể dựa vào Nhật Bản để kháng chiến chống Pháp”. Vậy nên mới có sự ra đời của phong trào Đông Du. Mục đích lớn nhất của phong trào này là đưa thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật học tập các kiến thức khoa học kỹ thuật, chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ đánh bại Thực dân Pháp. 

Diễn biến lịch sử - Khát vọng bình định non sông

Giai đoạn năm 1904

Sau khi từ Nam Kỳ trở về, Phan Bội Châu đã tổ chức cuộc họp tại nhà riêng của Nguyễn Tiểu La (Tiểu La Nguyễn Thành) tại Nam Thịnh sơn trang. Cuộc họp đã thống nhất thành lập tổ chức bí mật hoạt động có tên là hội Duy Tân. 

Giai đoạn 1905 - 1907

Phan Bội Châu bắt đầu hành trình vượt biển qua Nhật Bản để “cầu viện”. Tuy nhiên việc không thành, Phan Bội Châu ngay lập tức chuyển sang “cầu học” và phát động phong trào tuyển chọn thanh niên yêu nước sang Nhật Bản học tập. Tất cả đều được đào tạo để chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành lại đất nước và xây dựng một “Việt Nam mới”. 

Tháng 1/1905, ba thanh niên đầu tiên được Phan Bội Châu đưa sang Nhật trong phong trào Đông Du đó là: Lê Khiết, Nguyễn Điển và Nguyễn Thức Canh. Tiếp sau đó là nhóm năm người trong đó có anh em Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh (con của cụ Lương Văn Can) 

Các vị lãnh đạo đã có buổi gặp gỡ với những nhà yêu nước, ủng hộ trận đánh của Việt Nam như: Kashiwabara Buntarou, Okumura, bác sĩ Asaba Sakitaro. Tuy nhiên, họ không hứa dùng sức mạnh quân đội của mình để hỗ trợ nước ta, thay vào đó sẽ dùng danh nghĩa của Đảng Nhật để dạy kiến thức cho đội ngũ của ta. 

Trong suốt quá trình hoạt động, Phan Bội Châu đã thành lập ra một cơ quan nhỏ gọi là “Việt Nam thương đoàn Công hội” tại Hương Cảng, đây cũng là căn cứ liên lạc giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Giai đoạn 1908 - 1909

Đến năm 1908, tổng số thanh niên yêu nước Việt Nam trên mọi miền tổ quốc đang học tập tại Nhật lên đến 200 người.  

Tháng 10 năm 1907, Phan Bội Châu và các đồng chí của phong trào Đông Du  đã lập ra Hội Việt Nam Công Hiến (Công Hiến Hội) nhằm hỗ trợ thanh niên Việt Nam.

Du học sinh phong trào Đông Du

Cũng chính trong giai đoạn này, thực dân Pháp đã phát hiện ra nhiều manh mối cũng như thông tin về phong trào. Pháp và bọn phong kiến tay sai lo ngại trước sự phát triển của phong trào nên đã lên kế hoạch bắt tay với Nhật để “bóp chết” phong trào. Pháp đã ký với nhật hiệp ước: Pháp đồng ý cho Nhật bản vào buôn bán ở Việt Nam, về phía Nhật sẽ cam kết không cho các nhà yêu nước của Việt Nam học tập và hoạt động trên đất Nhật. 

Đến tháng 9/1908. Bộ Nội vụ Nhật Bản hạ lệnh giải tán việc đào tạo các thanh niên Việt Nam, tịch thu văn kiện, đuổi toàn bộ ra khỏi nước Nhật. 

Tháng 3/1909, Phan Bội Châu và Cường Để cũng bị trục xuất ra khỏi nước Nhật. Phong trào kết thúc và hội Duy Tân ngừng hoạt động. Ở trong nước, các thành viên quan trọng của hội Duy Tân bị bắt và kết tội.

Kết quả và ý nghĩa lịch sử

Kết quả

Tuy chỉ duy trì và tồn tại trong khoảng 4 năm nhưng phong trào Đông Du được xem là thành tích lớn trong sự nghiệp Cách mạng của Phan Bội Châu và Duy Tân Hội. Phong trào đã đào tạo được lực lượng cán bộ cách mạng giỏi. Một trong số họ đã trở thành lực lượng nòng cốt cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. 

Ý nghĩa lịch sử

  • Đào tạo được một đội ngũ chính trị có tư tưởng tiến bộ

Nhờ vào việc chuyển biến từ mục tiêu “cầu viện” sang “cầu học” của Phan Bội Châu, hàng trăm thanh niên Việt Nam yêu nước đã được đào tạo cả về chuyên môn lẫn kỹ năng quân sự. Tuy phong trào nhanh chóng kết thúc nhưng đã tạo ra được một đội ngũ chính trị có tư tưởng tiến bộ. 

  • Thức tỉnh lòng yêu nước trong bộ phận nhân dân

Có thể nói phong trào Đông Du đã góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc trong một bộ phận nhân dẫn về con đường lẫn tư tưởng tham gia chống giặc cứu nước đầu thế kỷ XX. Bài học quý giá được nhận lại đó là muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải dựa vào sức mạnh nội lực và tập hợp được lực lượng của toàn dân tộc. 

  • Khuyến khích tinh thần hiếu học, mở rộng quan hệ ngoại giao

Phong trào Đông du đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập và canh tân trong nước. Tạo tiền đề cho tinh thần hợp tác quốc tế, hữu nghị, ngoại giao giữa các dân tộc trên thế giới. Từ đó góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực tinh nhuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này. 

Nhờ đó, Việt Nam càng thêm tự hào về tinh thần hiếu học, lòng nhiệt thành yêu nước của dân tộc ta. 

Vì sao phong trào Đông Du thất bại?

Dưới đây là ba lý do chính dẫn đến việc phong trào bị thất bại:

  • Thứ nhất: Ngay từ đầu Phan Bội Châu đã sai lầm về mặt tư tưởng

Việc dựa vào Nhật để kháng Pháp là điểm sai trọng yếu đầu tiên khi bắt đầu phong trào. Bản chất Nhật là đế quốc theo chế độ tư bản chủ nghĩa, vì vậy Nhật sẵn sàng bất chấp cả tinh thần châu Á. Cũng giống như Pháp, điều mà Nhật muốn lúc bấy giờ là bành trướng và mở rộng lãnh thổ hơn là mối quan hệ bang giao với các nước lạc hậu. Kết quả là Nhật chấp thuận trục xuất toàn bộ thanh niên về nước, không chấp nhận bất cứ thỉnh cầu nào từ Phan Bội Châu. Vấn đề này đã được các chí sĩ Lương Khải Siêu, Phan Châu Trinh nhìn thấu nhưng Phan Bội Châu lại bị hào quang chiến thắng của Nhật Bản làm lu mờ. 

  • Thứ hai: Phan Bội Châu chủ trương cứu nước bằng con đường bạo động

Tình hình của nước ta lúc bấy giờ sau cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào chốn lầm than, đói nghèo, dốt nát. Phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu đề ra lại là con đường bạo động vũ trang, đây là điều hoàn toàn sai lầm bởi chính việc thu phục nhân tâm, khai dân trí, chấn hưng đất nước mới là điều cần làm trước. Chỉ khi tập hợp được lực lượng dân quân nòng cốt và tinh thần dân tộc, trên dưới đồng lòng thì con đường bạo động vũ trang mới có chỗ dựa vững chắc. 

Ngoài ra, những cuộc bạo động trong phong trào Đông Du chỉ được xảy ra nhỏ lẻ ở vài nơi, lực lượng mỏng, số lượng ít nên đã nhanh chóng bị dập tắt. Tiêu biểu là sự đàn áp của Pháp vào những chiến sĩ làm nhiệm vụ ám sát trong hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội. 

  • Thứ ba: Chủ trương cứu nước bằng con đường Dân chủ Tư sản 

Trong giai đoạn đó, hàng loạt các cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đã tạo ra sự phân biệt giai cấp. Giai cấp đông đảo nhất trong xã hội lúc bấy giờ là nông dân và công nhân. Trong khi đó phong trào này lại đem về quyền lợi cho giai cấp tư sản. Về cơ bản, phong trào này chỉ đang tiếp tục thay thế sự bóc lột từ giai cấp phong kiến sang giai cấp tư sản. Từ đó gây ra làn sóng phẫn nộ, u uất và không đồng lòng giữa các giai cấp trong nước. 

>> Có thể bạn muốn biết thêm về hội Duy Tân - tổ chức đã khởi xướng phong trào Đông Du.

Con đường cứu nước của Phan Bội Châu bằng phong trào Đông Du bởi vì những sai lầm mà kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm tiến bộ đó là tinh thần dân chủ, nhìn ra sự lạc hậu và bảo thủ của chế độ phong kiến. Ngoài ra Phan Bội Châu đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ chiến sĩ tinh nhuệ và để lại cho thế hệ hậu bối nhiều bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

TrendingTrang chủ