Quang Trung Nguyễn Huệ là một trong những nhân vật lịch sử rất được yêu thích, thường xuyên xuất hiện trong các trang sách, báo chí khi khai thác về lịch sử nước nhà. Cuộc đời, sự nghiệp của ông đầy rẫy những thăng trầm nhưng đã chứng minh tài năng xuất chúng bất chấp khó khăn.
Tiểu sử Quang Trung - Nguyễn Huệ
Quang Trung là một vị vua kiệt xuất, anh minh xuất hiện trong nhiều bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Người con trai xuất thân từ Quy Nhơn đã có những cống hiến to lớn cho sự phồn thịnh của đất nước lúc bấy giờ.
Tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ |
Nguyễn Huệ là vị vua giỏi, có công lao to lớn trong những trận chiến với quân xâm lược (Xiêm, Thanh) cũng như công cuộc loại bỏ sự thống trị của chúa Trịnh - Nguyễn, chấm dứt sự chia cắt đàng trong - đang ngoài trong một nước.
Sau này khi lên làm vua với niên hiệu là Quang Trung, ông đã cho thi hành những chính sách cải cách mới tác động trực tiếp đến nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục nước nhà, mang đến sự phồn thịnh đỉnh cao trong suốt giai đoạn trị vì của ông.
Đến cả vua Càn Long nhà Thanh lúc bấy giờ cũng quan ngại về sức mạnh, mưu trí, tài thao lược của vua Quang Trung. Sự ra đi đột ngột của ông chỉ sau chưa đầy 5 năm lên ngôi là một mất mát lớn cho nước nhà, kể từ đó triều Tây Sơn suy thoái nhanh chóng, tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh đứng lên và một lần nữa thống trị.
Gia đình và xuất thân
Nguyễn Huệ sinh năm 1789, mất năm 1792 là con trai ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng, quê ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, thường gọi là ấp Tây Sơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Cha của Nguyễn Huệ họ Hồ nhưng sau khi đi theo nhóm của chúa Nguyễn vào vùng miền Nam Trung Bộ, lập cơ nghiệp mới ở ấp Tây Sơn, huyện An Khê đã đổi sang họ Nguyễn.
Gia đình này có tất cả ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, trong đó Nguyễn Huệ là em út. Có thể bạn không biết, Nguyễn Huệ là cái tên do thầy giáo Hiến đặt cho ông khi ông phát hiện tài năng của cậu bé này, còn lúc ban đầu Nguyễn Huệ có tên là Hồ Thơm. Người ta nhắc nhiều đến thầy giáo Hiến bởi câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” (không rõ ông lấy câu sấm từ đâu).
Sự nghiệp
Nói về những chiến tích của Nguyễn Huệ thì thật sự không thể kể hết. Trong hơn 20 năm chinh chiến, Nguyễn Huệ chưa một lần chùn bước đầu hàng. Ông là vị tướng lĩnh tài ba, tin tưởng vào quần chúng nhân dân, trọng dụng nhân tài, tự tin chiến thắng. Nguyễn Huệ nổi tiếng bởi ý chí mạnh mẽ, là vị danh tướng chỉ có đánh thắng, không có chiến bại.
Khởi nghĩa Tây Sơn chống chúa Nguyễn
Nếu anh trai Nguyễn Nhạc xuất thân chỉ là một viên biện lại có nghề buôn trầu thì Nguyễn Huệ chính là nhà quân sư thiên tài. Sự bất bình đối với chính quyền của Trương Phúc Loan và chúa Nguyễn đàng trong khiến Nguyễn Nhạc nung nấu ý chí nổi dậy và sự giúp đỡ của các em đã mang đến thắng lợi cho cuộc chiến này.
Năm 1776, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, Nguyễn Huệ làm phụ chính khi ông vừa 24 tuổi. Sau đó 2 năm Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thái Đức và Nguyễn Huệ nhận chức vị Long Nhương tướng quân.
Dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long), cuộc sống của người dân trở nên khốn khổ hơn từng ngày. Ba anh em Nguyễn Huệ đã đứng lên chống lại chính quyền này và giành được chiến thắng.
Nguyễn Huệ 4 lần đánh vào Gia Định, bắt Nguyễn Ánh phải mấy phen chạy trốn ra biển.
Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm thì Nguyễn Huệ dùng kế phục binh tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền (Trận chiến tại Xoài Mút năm 1786)
Chiến thắng liên tiếp ở Thuận Hóa, Quản Trị, Quảng Bình khi ông dùng Nguyễn Hữu Chỉnh đưa đường ra Bắc năm 1786.
Nguyễn Huệ giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, thẳng tiến Thăng Long, … Những vị tướng, tá Lê Trịnh hòa toàn đại bại, chúa Trịnh Khải chết.
Trận chiến kết thúc vào ngày 21 tháng 07 năm 1786, Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Tây Sơn, quan văn quan võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tông. Khi đó ông được vua phong làm “Nguyên Soái Phù Dực Chính Dực Vũ Uy Quốc Công” và gả công chúa Ngọc Hân cho ông.
Thông qua trận chiến này có thể thấy rằng Nguyễn Huệ là vị lãnh đạo tài ba, có tài, có tâm, nhà chiến lược và quân sư thiên tài văn võ song toàn. Ông là người có công lao rất lớn trong việc đặt cơ sở lập lại nền thống nhất nước nhà giai đoạn cuối thế kỷ 18.
Cuộc chiến với triều đình nhà Lê cho đến chống giặc Thanh
Sau sự kiện trên, Nguyễn Huệ phải theo anh trai Nguyễn Nhạc trở vào trong Nam, đóng quân tại Thuận Hóa và phong làm Bắc Bình Vương. Khi ông rời khỏi miền Bắc, nơi đây lại trở nên nổi loạn khi chính Nguyễn Hữu Chỉnh có ý đồ chuyên quyền.
Lúc này, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm từ Huế ra Bắc tiêu diệt được Chỉnh, song Nhậm lại thể hiện ý đồ không tốt của mình nên ông phải giết Vũ Văn Nhậm, giao cho Ngô Văn Sở quản lĩnh Thăng Long.
Bọn vua quan nhà Lê sợ hãi và chạy sang Tàu để cầu cứu. Lấy cớ giúp triều đình nhà Lê, hơn chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu tiến vào chiếm Thăng Long, mục đích cuối cùng là mưu toan thôn tính nước ta.
Ngay lập tức, Nguyễn Huệ chọn ngày, lập đàn tế trời đất, thần sông, thần nước tại núi Bân Sơn - Huế và lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, đem quân ra bắc đích thân chinh chiến chống giặc ngoại xâm.
Ông đã tuyên bố rằng chỉ trong 10 ngày sẽ quét sạch bọn quân xâm lược và hẹn cùng ăn tết với quân sĩ và nhân dân Thăng Long vào ngày 7 tháng giêng.
Đại phá quân Thanh
Thắng lợi trận đại phá quân Thanh có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc, không những giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc mà còn một lần nữa đập tan cuồng vọng xâm lược của các đế chế quân chủ phương Bắc.
Xuân năm Kỷ Dậu (1789) là xuân rực rỡ chiến công, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ các ngõ đường thôn quê, từ miền xuôi lên miền núi, từ già đến trẻ hồ hởi, thỏa mãn tận hưởng niềm vui sướng vinh quang của chiến dịch đại phá quân Thanh với chiến thắng oanh liệt oai hùng do Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy.
Đêm 25/01/1789 (30 Tết), đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy), tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch, mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh.
Đêm 28 (mùng 3 Tết Kỷ Dậu), quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây) rồi uy hiếp buộc địch đầu hàng. Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20km mà không tốn một mũi tên, hòn đạn nào.
Mờ sáng ngày 30 (mùng 5 Tết), quân ta bước vào trận quyết chiến với địch ở đồn Ngọc Hồi. Lực lượng quân địch ở đây có khoảng ba vạn quân tinh nhuệ đặt dưới quyền chỉ huy của đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng của Tôn Sĩ Nghị.
Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tăng viện cho đồn Ngọc Hồi và thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự của mặt trận phía Nam để sẵn sàng ứng phó. Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận công đồn ác liệt này.
Đại quân Tây Sơn ào ạt xung phong vào trận địa với dũng khí áp đảo kẻ thù. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng: “Quân Tây Sơn, hợp lại đông như kiến cỏ, thế lực ào ạt như triều dâng”. Trước sức công phá như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của quân Tây Sơn, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng.
Tranh Quang Trung thắng trận Ngọc Hồi |
Hàng vạn quân giặc bị vùi xác dưới cánh đầm đó. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh và bộ chỉ huy của chúng tại cứ điểm then chốt nhất, đập tan hệ thống phòng ngự của địch và mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng thành Thăng Long.
Theo nhiều tài liệu, Tôn Sĩ Nghị khiếp sợ đến nỗi không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa, vội vàng cùng với toán kỵ binh hầu cận vượt cầu phao tháo chạy trước hết. Quân Thanh tan vỡ tranh nhau tìm đường trốn chạy.
Sáng ngày 30/01, đạo quân của đô đốc Long tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Trưa hôm đó, Quang Trung và đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành giữa sự hoan hô đón chào của nhân dân.
Chiếc áo chiến bào của người anh hùng “áo vải” hôm đó đã nhuốm đen khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Lá cờ đỏ đã từng giương cao từ những ngày đầu khởi nghĩa, tung bay theo bước đường thắng lợi của nghĩa quân, nay lại dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng kinh thành. Bại tướng Tôn Sĩ Nghị vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân. Tên quan chạy theo có nói rằng:
Tôi với Chế Hiến (tức Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt bảy ngày, bảy đêm mới đến trấn Nam Quan
Chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 30/12 - 05/01 năm Kỷ Dậu tức từ ngày 25 đến 30/01/1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng Tổ quốc.
Thắng lợi rực rỡ của chiến dịch đại phá quân Thanh là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ, sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân và tài chỉ huy quân sự tuyệt vời của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội, nắm vững thời cơ, triệt để lợi dụng mọi yếu tố bất ngờ để tấn công.
Vấn đề nội trị
Sau khi trở thành vua, nội trị là vấn đề mà Quang Trung lo lắng hàng đầu.
Ông đã chấm dứt nạn phân tranh từ thời kỳ Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn, phạm vi cai quản của ông trải dài từ Thuận Hóa trở ra, vùng Nam Trung Bộ có Nguyễn Nhạc thống lĩnh, vùng Nam Bộ có Nguyễn Lữ cai trị. Song cả 2 người anh của ông đều không có khả năng giữ vững chính quyền nên vua Quang Trung phải sắp đặt 1 kế hoạch tiến quân vào Nam để bình định vùng này, dập tắt toàn bộ thể lực họ Nguyễn.
Như vậy 2 việc quan trọng ông cần làm lúc này là bình định miền Nam và khôi phục miền Bắc sau khi bị quân Minh, Thanh chiếm cứ. Ông dự định soạn sửa việc cầu hôn công chúa nhà Thanh và đòi lại vùng Lưỡng Quảng nhưng chưa thực hiện được vì ông đã bị bệnh, qua đời vào đêm 29 tháng 7 năm Nhâm Tí (1792).
Khi đó con trai của ông là Nguyễn Quang Toản mới 9 tuổi, còn quá nhỏ, vua Quang Trung mất như rắn mất đầu, tướng tá không ai lĩnh, cơ đồ nhà Tây Sơn cũng suy thoái từ đó.
Chưa đầy 10 năm sau đó, nhà Tây Sơn hoàn toàn chấm dứt vai trò lịch sử của mình để Nguyễn Ánh lập nên đế nghiệp nhà Nguyễn.
Quang Trung là một vị vua trẻ đã phát huy cao độ bản lĩnh trẻ trung của mình. Ông đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho dân tộc. Làm tướng khi chỉ hơn 20 tuổi, trở thành vương, xưng đế trong khoảng tuổi 30, Quang Trung thật vĩ đại và là nét bút vàng son trong các trang sử sách nước nhà.
Người con trai với sức khỏe cường tráng, đồng thời hàng phục cả thú dữ và cả con người. Quang Trung với tuổi trẻ là những tháng năm tung hoành ngang dọc, ra Bắc vào Nam, lai vô ảnh khứ vô hình.
Quang Trung là người mạnh mẽ với niềm kiêu hãnh to lớn, ông có tầm nhìn xa, không bao giờ bằng lòng với những thắng lợi đã đạt được. So với người anh lớn bằng lòng với các phủ quanh đất Quy Nhơn thì đứa em út trong nhà muốn trông Bắc trông Nam, trông suốt cõi nước nhà.
Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ có nét độc đáo, nghị lực lớn lao xứng đáng cho lớp trẻ noi theo. Bởi vì xã hội ngày này có rất nhiều thứ hấp dẫn, dễ làm tha hóa một con người, đặc biệt là người còn trẻ nhưng lại đạt thành công lớn.
Nguyễn Huệ dành cả cuộc đời cho sự nghiệp, cho dân tộc, nước nhà. Bản thân ông cũng không mang một tiếng xấu nào về việc lợi dụng ai, rượu chè, cờ bạc, hoan dâm, … Ông vua trẻ nổi tiếng về sự trong sạch, đường đường chính chính nhất trong số rất nhiều ông vua từ thời Đinh Tiên Hoàng đến Bảo Đại.
Chính sách cai trị
Trong suốt thời gian làm vua của mình, Nguyễn Huệ đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm mục đích cải thiện, phát triển nền kinh tế - chính trị nước nhà.
Về kinh tế
“Chiếu khuyến nông” được ban hành lệnh cho dân phiêu tán trở về khôi phục ruộng đồng bị bỏ hoang, xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh sẽ bị trừng phạt. Nếu có người không thực hiện sẽ phải chịu những hình phạt như nộp thuế gấp đôi, ruộng tư bị sung công, …
Chưa đầy 3 năm nông nghiệp nước nhà được phục hồi, “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình” ( năm 1791).
Đối với hoạt động công thương nghiệp:
Quang Trung tập trung đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương dựa trên cơ sở phục hồi và phát triển nông nghiệp. Chủ trương này thể hiện hết sức rõ ràng trong sắc lệnh “Khoan Thư” sức dân. Năm 1789, ông bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Quang Trung còn cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo).
Đối với hoạt động giao thương với nước ngoài
Ông chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thuỷ Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), Du Thôn…
Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam. Nhờ đó, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển mạnh.
Theo nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống thời Tây Sơn từng viết: “Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”, và “rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm” (Phú Tụng Tây Hồ). Những câu thơ mô tả một thời hưng thịnh của Thăng Long dưới trướng trị vì của vua Quang Trung.
Nền ngoại thương nước ta lúc bấy giờ xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế và đời sống của nhân dân cũng như việc đẩy mạnh kinh tế hàng hóa. Đây là một trong những tư tưởng tiến bộ của Quang Trung thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
Quang Trung Nguyễn Huệ cho mở cửa ải, thông thương buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng.
Về chính trị, quốc phòng
Bên cạnh những chiến tích làm nên danh tiếng của Nguyễn Huệ như khởi nghĩa Tây Sơn, đánh bại 30 vạn quân Thanh và quân Xiêm xâm lược, chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong - Đàng ngoài, đặt cơ sở khôi phục thống nhất quốc gia, … thì những năm tháng còn làm vua của ông cũng đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của chính trị, quốc phòng đất nước.
Ông từng nói rằng:
Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa.
Quang Trung đã ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới tiến bộ, với ý thức quản lý đất nước dựa trên phạm vi rộng dưới chính quyền trung ương tập trung mạnh.
Nghĩa quân Tây Sơn |
Về lĩnh vực quốc phòng, vua Quang Trung chủ trương xây dựng một đội quân hùng mạnh: Chia quân đội làm 5 doanh Trung - Tiền - Hậu - Tả - Hữu, chưa kể bổ sung thêm các quân hiệu khác như Tả bật, Hữu bật, Kiều thanh, Thiên cán,…
Quân đội được biên chế theo đạo, cơ, đội. Quy định của nhà nước lúc bấy giờ là cứ 3 suất đinh tuyển 1 lính, và sẽ dựa vào sổ hộ tịch của mỗi người để căn cứ tuyển binh (năm 1790)
Quân đội có bộ binh, thủy binh, tượng binh, pháp binh.
Vũ khí có hỏa nổ, súng trường, đại bác, giáo mác, cung, tên, …
Chiến thuyền có loại lớn chở được cá voi, trang bị từ 50 - 60 khẩu đại bác, chở từ 500 - 700 người lính.
Về văn hóa, giáo dục
Vua Quang Trung lập Sùng Chính Viện chuyên dùng cho việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu học tập và giúp vua về mặt văn hóa. Mục đích của ông là đưa chữ Nôm trở thành chữ quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán.
Quang Trung rất chú trọng “Cầu hiền tài”: Những nho sĩ, trí thức, quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, yêu nước đều được vua thuyết phục và sử dụng trong bộ máy nhà nước mới, đặt họ vào những chức vụ cao tương xứng với tài năng. Những cái tên quen thuộc bạn có thể đã nghe như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, …
Quang Trung cũng đã ban hành chính sách “Khuyến học” mở rộng chế độ học tập, thi cử để thu hút nhân tài từ khắp mọi nơi. Nội dung học tập bỏ lối học từ chương khuông sáo, cái tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, đồ sinh ở triều đại trước phải thi lại, có sự xếp hạng thứ bậc và sẵn sàng loại bỏ những người dùng tiền mua chức.
Theo ông:
Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng thiếu thốn… Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm, mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia.
Năm 1789, ông cho mở khoa thi Hương đầu tiên ở Nghệ An, từng bước từng bước đưa khoa cử thành một phương thức đào tạo quan chức cho nhà nước phong kiến mới.
Khi mà bộ máy nhà nước được củng cố, tập trung thì chính quyền sẽ thực hiện được chức năng quan trọng, tập hợp được những lực lượng tích cực trong toàn nước, đẩy lùi cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài, ổn định tình hình chính trị, xã hội, từng bước phục hưng, phát triển văn hóa, giáo dục, kinh tế.
Ông vẫn chấp nhận Phật giáo, Thiên Chúa giáo bên cạnh Nho giáo.
Thời vua Quang Trung, chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của quốc gia, đây được coi là một thành quả quan trọng của sự đấu tranh, bảo tồn nền văn hóa dân tộc, chống lại chính sách đồng hóa của các triều đại phương Bắc đô hộ nước ta.
Những chính sách văn hóa, giáo dục dưới thời vua Quang Trung đã phần nào chứng tỏ sự hoài bão và tầm nhìn của ông trong việc xây dựng một nền học thuật, giáo dục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự cường toàn dân.
Đồng thời điều này còn giúp đưa đất nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau chiến tranh, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc đang phát triển đương thời.
Tuy nhiên, về mặt hiện thực thì cải cách của vị vua này đã gặp nhiều trở ngại khi thời gian thực hiện quá ngắn. Sự ra đi quá đỗi đột ngột của ông trong lúc những cải cách mới được bắt đầu thực hiện. Và triều đại của Nguyễn Quang Toản tiếp sau hoàn toàn bất lực vì ông còn quá nhỏ, không thể tiếp tục thực hiện được và đã bị Nguyễn Ánh lật đổ vào năm 1802.
Cái chết bất ngờ và bí ẩn
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của Nguyễn Huệ . Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có giả thuyết nào đủ thuyết phục và có chứng cứ xác thực. Ông mất năm 40 tuổi giữa lúc công cuộc tranh bá đồ vương đang lên và gặt hái nhiều chiến công vang dội.
Vua đang dự tính mở một chiến dịch lớn để tiêu diệt hoàn toàn quân của chúa Nguyễn Ánh và thống nhất đất nước, đồng thời gửi chiếu thư cho vua Càn Long nhà Thanh để đòi lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông. Nhưng tiếc thay nhà vua không được thọ.
Giả thiết bệnh chết
Trong cuốn Đại Nam liệt truyện có đề cập về cái chết của vua Quang Trung:
Một hôm về buổi chiều Huệ đương ngồi bỗng nhiên tối mắt, thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng” cha ông mày sinh ra ở đất nhà vua, đời đời làm dân nhà vua, mày sao dám phạm đến lăng tẩm, rồi lấy gậy đánh vào trán. Huệ tối sầm mắt ngã vật ra một lúc lâu mới tỉnh”.
Sau khi bị “thần nhân” đánh, vua ngã bệnh ngày càng nặng và băng hà. Nhiều người cho rằng câu chuyện này ngụ ý đề cao con cháu chúa Nguyễn đã vào Nam mở rộng lãnh thổ nước nhà, con cháu của họ mới là chân mệnh thiên tử nên ai đụng đến sẽ bị thần nhân tru diệt.
Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…".
Cũng một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là vào một buổi chiều thu năm 1792, trong lúc vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não.
Giả thuyết bị ám hại bởi vua Càn Long
Theo sử sách (Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Nam chính biên liệt truyện) có đề cập đến việc vua Quang Trung xin cưới một vị công chúa của vua Càn Long và đòi lại đất 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.
Thiết nghĩ việc này chính là một yêu sách, là thế của kẻ mạnh và nếu Càn Long không chịu thì Quang Trung sẽ dụng binh đánh sang. Nghe nói rằng vua Càn Long nhà Thanh đã đồng ý lời cầu hôn, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc liên quan đến 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, ngoài mặt ông ta đồng ý, thực tế chỉ muốn trao cho tỉnh Quảng Tây coi như “của hồi môn” cho công chúa về nhà chồng.
Tiếc tay, nhà vua của chúng ta đã ra đi quá sớm. Sau khi lên ngôi hoàng đế được 5 năm thì ông bệnh rồi mất. Trước đó, sứ nhà Thanh đã sang và ban cho vua Quang Trung chiếc áo bào có thêu 7 chữ “Xa tâm chiết trục, đa điền thử”
Sau này khi vua mất, người ta mới nghiệm ra 7 chữ:
Nghĩa đen được hiểu là: Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng. Chữ Xa và chữ Tâm hợp lại thành chữ Huệ – tên vua Quang Trung. Chuột thuộc về Tý, ý nói năm Nhâm Tý vua Quang Trung sẽ chết.
Người ta còn cho rằng vua Càn Long tẩm thuốc độc vào chiếc áo rồi ban tặng cho vua Quang Trung, lâu ngày bị chất độc ngấm vào cơ thể gây ra bệnh rồi chết.
Lăng mộ vua Quang Trung
Sau hơn 20 năm liên tục chinh chiến và hơn 3 năm trị quốc, vua Quang Trung đột ngột qua đời khi tình hình đất nước bắt đầu có chuyển biến tốt. Sự ra đi của ông làm nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng.
Cuộc đời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ được nhắc đến qua các bộ sử của nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn (chưa kể các tác phẩm văn học dân gian). Khi ông mất, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ, xây lăng, dựng tượng đài và bảo tàng để tưởng nhớ công lao của công.
Dù sau này nhà Nguyễn có tìm cách để xóa bỏ uy tín của ông (phá đền, cấm thờ cúng, truy lùng bề tôi, con cháu, …) và gọi ông là “giặc” trong nhiều tài liệu thì những chiến tích, ký ức về chiến công của ông vẫn được người mến mộ truyền tụng trong suốt 150 năm.
Trong sử sách có nói, thi hài vua Quang Trung được an táng ngay tại Phú Xuân, trong cung điện của ông tên Đan Dương. Nguyễn Quang Toản lên ngôi ( vua Cảnh Thịnh) sai người sang sứ nhà Thanh báo tang và xin tập phong. Đô đốc Vũ Văn Dũng nghe tin Quang Trung mất liền làm bài thơ viếng:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.
Vua Càn Long tặng tên hiệu cho vua Quang Trung là Trung Thuần, đích thân làm bài thơ viếng và cho 1 pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (ngôi mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì để viếng.
Tính đến ngày 15/10/2016 Bộ văn hóa - thể thao và du lịch đã cho phép thực hiện một cuộc thăm dò khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân (nơi nghi ngờ đặt lăng mộ của vua Quang Trung), đến chiều 09/01/2017 đã có báo cáo sơ bộ.
Tuy vậy, những phát hiện của đoàn thăm dò khảo cổ học vẫn chưa thể chứng minh chúng là của vua Quang Trung cũng như chắc chắn đây là nơi an táng của ông.
>> Sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh dần dần đánh bại. Xem bài viết chi tiết về vua Gia Long.
Cho dù như thế nào, sự ra đi của Nguyễn Huệ là một mất mát cực kỳ to lớn với đất nước, với dân tộc. Nguyễn Huệ là một vị anh hùng, một vị tướng, một vị vua anh minh mang vẻ đẹp trí tuệ sáng suốt, sức mạnh lớn lao, tài thao lược hơn người, khí phách hào hùng, lẫm liệt. Mỗi người trong chúng ta hôm nay vẫn sẽ luôn lưu truyền một giai thoại về người anh hùng tuyệt vời của dân tộc cho đến sau này.