Trần Ích Tắc - Sự thật Ả Trần vong quốc làm gián điệp

Nguyễn Minh Khánh
tháng 4 26, 2023
Last Updated

 Nhắc đến lịch sử thời đại nhà Trần, chúng ta không thể bỏ qua nhân vật Trần Ích Tắc. Dân gian còn gọi là Ả Trần. Ông thực sự đầu hàng quân địch hay còn có những bí mật khác?

Tiểu sử

Trần Ích Tắc (1254 -1329) còn được biết với tên gọi dân gian là Ả Trần, là hoàng tử nhà Trần nước Đại Việt. Trong thời kỳ chiến tranh Đại Việt - Mông Nguyên, ông đã quy hàng nhà Nguyên, được Hốt Tất Liệt phong làm An Nam quốc vương. Vì vậy, vua Trần đã loại ông ra khỏi tông thất nhưng vẫn cho giữ họ Trần. Ngoài ra, dân gian còn gọi ông là Ả Trần với ngụ ý hèn yếu như đàn bà.

Trần Ích Tắc


Trong suốt thời gian dài, Trần Ích Tắc bị chính sử Việt Nam phỉ nhổ vì hành động đầu hàng giặc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng Trần Ích Tắc là gián điệp mà triều đại nhà Trần cài vào nội bộ nhà Nguyên.

Gia đình và tuổi thơ

Năm 1254, Trần Ích Tắc cất tiếng khóc chào đời. Ông là con trai thứ năm của vua Trần Thái Tông. Mẹ của ông đến nay vẫn chưa làm rõ được danh tính. Anh cùng cha khác mẹ của ông là vua Trần Thánh Tông. Trần Ích Tắc còn có những người anh em cùng cha khác mẹ nổi tiếng như: Trần Nhật Duật, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, tinh thông lục nghệ, am hiểu lịch sử, văn chương, được vua cha yêu mến. 

Năm 1354, Trần Hữu Lượng thủ lĩnh khởi nghĩa khăn đỏ chống lại nhà Nguyên có gửi thư liên minh cho vua Trần Dụ Tông, tự nhận là con của Trần Ích Tắc. Tuy nhiên, Minh sử thời nhà Minh ghi chép cha của Trần Hữu Lượng là Trần Phổ Tài. Thế nhưng, các bộ chính sử Việt Nam như Đai Việt sử ký toàn thư xác nhận cha của Trần Hữu Lượng là Trần Ích Tắc.

Giai thoại

Dưới thời nhà Trần, có rất nhiều giai thoại về việc xuất sinh của các vị hoàng tử và Trần ích Tắc cũng nằm trong số đó. Chuyện kể rằng trước khi ông ra đời, vua Trần Thái Tông nằm mơ thấy một vị thần có ba con mắt nói với ông rằng:

Thần bị Thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại trở về phương Bắc

Khi ông vừa ra đời, vua Trần Thái Tông nhìn thấy tướng mạo ông hơi giống với vị thần trong mộng, ở giữa trán lại có vết mờ giống con mắt nên lấy làm lạ lắm.

Sự nghiệp

Trần Ích Tắc được ghi chép am hiểu kể cả các nghề vặt như đá cầu hay đánh cờ. Ông tự bỏ tiền mở học đường dạy học gần phủ đệ. Ngôi trường này đã chu cấp ăn mặc, đào tạo 20 học trò xuất sắc như Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Bùi Phóng,... Bản thân ông là người chịu trách nhiệm giảng dạy chính. Sau này, Trương Hán Siêu vì học giỏi nên từng được Trần Ích Tắc giao cho dạy dỗ các bạn học cùng.

Tháng 5 năm 1267, khi 14 tuổi, vua Trần Thánh Tông phong ông làm Chiêu Quốc Vương. Thông minh, tài giỏi nên ông được cho là có ý tranh đoạt ngôi vua.

Vào năm 1285, quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt. Trần Ích Tắc giữ chức Phiêu Kỵ đại tướng quân, trấn thủ đạo phòng tuyến thứ 2 ở Bạch Hạc (Việt Trì). Ngày 15 tháng 3 năm  1285, Trần Ích Tắc bất ngờ đem cả gia đình đầu hàng quân Nguyên Mông. Ông được đem về Trung Hoa, lại được Hốt Tất Liệt sắc phong làm An Nam Quốc Vương. Nhà Nguyên dự định khi thắng trận sẽ đem ông trở về nước lập làm vua. Tuy nhiên, quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi vẻ vang trước quân xâm lược.

Trần Ích Tắc đành ở lại Ngạc Châu (nay thuộc Hồ Bắc, Trung Quốc). Ông được sắc phong Hồ Quảng bình chương chính sự. Sau này, ông lại được gia phong Ngân Thanh vinh lộc đại phu, Kim tử quang lộc đại phu, Nghi đồng tam tư. Khi Đại Việt giành chiến thắng lần thứ 3 trước quân Mông Nguyên, vua Trần Thánh Tông đã xử phạt những kẻ đầu hàng giặc. Về Trần Ích Tắc được vua xử trí như sau:
 Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần. (Trích dẫn Sách Đại Việt sử Ký Toàn Thư).
Năm 1292, sứ giả nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên có gặp gỡ Trần Ích Tắc nhưng không chào hỏi. Trần Ích Tắc bèn trách cứ sử giả. Tuy nhiên, sứ giả đã chê trách việc ông đầu hàng nhà Nguyên. Từ đó, Trần Ích Tắc xấu hổ và tránh mặt các sứ thần nhà Trần. Năm 1329, Trần Ích Tắc qua đời ở Trung Quốc, hưởng thọ 76 tuổi. Năm 1330, ông được truy phong tước Trung Ý Vương. 

Giả thiết Trần Ích Tắc là gián điệp

Đã có một số giả thiết được đưa ra nhằm chứng minh Trần Ích Tắc là gián điệp mà nhà Trần đã cài cắm vào nội bộ quân địch. Bài thơ Xuất Quốc của Trần Ích Tắc cho thấy ông vì trọng nghĩa mà phải rời khỏi nước Nam.

XUẤT QUỐC

Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,

Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.

Bất vị Văn Công đào Tấn nạn,

Thử ky Vi Tử kế Ân vương (vong).

Cơ cừu vị mẫn tiên nhân chí,

Giản sách ưng lưu vạn cổ phương.

Hoàn vũ xa thư hội đồng nhật,

Cố gia tông tự Việt sơn trường.

Vũ Bình Lục dịch thơ:

Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,

Trời xanh mới biết tấm lòng son.

Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,

Mà như Vi Tử muốn Ân còn.

Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,

Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.

Một mai thống nhất giang sơn ấy,

Dòng dõi cha ông vững Việt non.

Từ khi Trần Ích Tắc sang Trung Quốc, nhà Trần không còn thua bất kỳ trận đánh nào trước quân Mông Nguyên. Theo giả thiết này, rất có thể Trần Ích Tắc đã cung cấp thông tin tình báo giúp nhà Trần đánh bại quân Mông Nguyên.

Dù Trần Ích Tắc bị coi là phản quốc nhưng vua Trần Thánh Tông không tước bỏ họ Trần của ông.

Trần Ích Tắc đã mở trường dạy dỗ nhiều học trò thành đạt. Mặc dù ông bị định tội phản quốc nhưng các học trò như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi vẫn tiếp tục được trọng dụng, làm quan lớn trong triều.

Trong thời gian chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt, lực lượng quân Đại Việt canh phòng biên giới cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Trần Ích Tắc đã vượt qua kiểm soát ở vùng biên giới để đầu hàng nhà Nguyên. Theo giả thiết này, nhà Trần đã bí mật cho phép ông vượt qua tuyến phòng thủ nơi biên thùy.

Thế nhưng, những giả thiết này có những lỗ hổng mà chúng ta cần suy xét kỹ như sau:

Sau 3 lần chiến tranh Mông Nguyên - Đại Việt, theo sách Việt Nam Sử Lược thì 2 nước đã định cuộc hòa hiếu, không còn chiến tranh nữa. Đặc biệt, sau khi Hốt Tất Liệt mất, vua Nguyên mới lên thay đã bãi binh ở vùng biên giới nước ta. Như vậy, nếu Trần Ích Tắc thật sự là gián điệp thì tại sao ông không quay trở về nước? Thậm chí, các con cháu của Trần Ích Tắc sau này vẫn không quay về nước.

Theo giả thiết đã nói ở trên, Trần Ích Tắc vượt qua lực lượng canh phòng của Đại Việt là do đã được nhà Trần bí mật cho phép. Tuy nhiên, chúng ta cần quay lại bối cảnh lịch sử thời điểm Trần Ích Tắc đầu nhập vào quân Nguyên. Lúc này, quân Đại Việt sau nhiều trận thua, phải lui binh, vua Trần chạy về Thanh Hóa. Thế nên, lý lẽ quân Đại Việt còn canh giữ nghiêm ngặt ở biên giới có lẽ không chính xác. 

Bấy giờ quân Nguyên thế lắm, đóng khắp các nơi, từ vùng Bắc Ninh, Thăng Long, Thiên Trường, chỗ nào cũng có quân đóng. Ở vùng Nghệ An lại có Toa Đô, Đường Ngột Hải, Ô Mã Nhi đánh ra. Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng ngày đêm lo sợ. Nhà nước ngất ngưỡng, nguy như trứng chồng. Bọn hoàng tộc là Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên đều ra hàng Thoát Hoan cả. (Trích dẫn sách Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim).

Như vậy, hoàng tộc nhà Trần trong đó có Trần Ích Tắc ra hàng quân Nguyên trong thời điểm mà nước Đại Việt lâm nguy.

Qua bài viết này, Holaai.org hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Trần Ích Tắc - Ả Trần trong dân gian. Dẫu rằng chưa thể xác nhận chắc chắn rằng Trần Ích Tắc là một gián điệp. Tuy nhiên, những bằng chứng trên đã cho thấy khả năng cao ông đã thực sự hoạt động với nhiệm vụ bí mật đó.

Tài liệu tham khảo:

  • Sách Việt Nam Sử Lược, tác giả Trần Trọng Kim.

TrendingTrang chủ