Uesugi Kenshin là nhân vật vô cùng nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Nhật Bản. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và những di sản mà ông đã để lại cho hậu thế.
Uesugi Kenshin là ai?
Uesugi Kenshin (18/2/1530 - 19/4/1578) là trưởng tộc gia tộc Uesugi, nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại trong thời kỳ Chiến Quốc Nhật Bản. Kenshin nổi tiếng với tài năng, lòng dũng cảm và các trận chiến chống lại Takeda Shingen, gia tộc Hōjō và Oda Nobunaga.
Tranh vẽ chân dung Uesugi Kenshin |
Kenshin là một bậc thầy về chiến thuật quân sự, được coi như hiện thân của "vị thần chiến tranh". Sau khi qua đời, di sản của ông trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản và được tôn vinh đến tận ngày nay.
Tên gọi và biệt hiệu
Uesugi Kenshin (上杉 謙信) có tên ban đầu là Nagao Kagetora. Khi thừa kế gia tộc, ông đã đổi tên thành Uesugi Masatora. Tuy nhiên, Kenshin lại đổi tên thành Uesugi Terutora để tưởng nhớ Shogun thứ 13 là Ashikaga Yoshiteru. Sau khi trở thành phật tử, ông lại đổi tên thành Uesugi Kenshin.
Đặc biệt, Uesugi Kenshin còn được biết đến với 2 biệt hiệu vô cùng mạnh mẽ gồm: "con hổ xứ Echigo" và "Rồng của xứ Echigo". Sau này, ông còn được nhiều người đặt biệt hiệu "vị thần chiến tranh" vì cho rằng ông là hóa thân của Tỳ Sa Môn Thiên Vương (vị thần chiến tranh trong Phật giáo Nhật Bản).
Gia đình và tuổi thơ
Uesugi Kenshin sinh ngày 18 tháng 2 năm 1530 tại tỉnh Echigo, là con trai thứ ba hoặc thứ tư của chiến binh Nagao Tamekage - lãnh tụ của gia tộc Nagao. Tuy nhiên, gia tộc của ông lại là thuộc hạ của chi nhánh Yamanouchi của gia tộc Uesugi. Sinh thời, cha của ông từng giành được chiến thắng vẻ vang trước những lãnh chúa hùng mạnh như: Uesugi Akisada, Uesugi Sadanori và Uesugi Funayoshi.
Lúc này, Nagao Tamekage đối địch với phong trào đòi quyền tự trị Ikkō-ikki ở vùng Hokuriku. Vào năm 1536, cha của Kenshin dẫn đầu một đạo quân trên đường hành quân về phía tây. Tuy nhiên, ông bất ngờ bị quân đội của Enami Kazuyori phục kích và giết chết. Sau đó, anh trai của ông là Nagao Harukage giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực và trở thành người lãnh đạo của gia tộc. Từ năm 7 tuổi đến 14 tuổi, Kenshin được gửi đến chùa Rinsen-ji để học tập, rèn luyện võ thuật và phật pháp.
Sự nghiệp của Uesugi Kenshin
Giành quyền lãnh đạo
Uesugi Kenshin từng phải trải qua đấu tranh để giành quyền lãnh đạo gia tộc. Khi 14 tuổi, Usami Sadamitsu và một số thuộc hạ của cha ông đã liên lạc với Uesugi Kenshin để khuyên ông quay về tỉnh Echigo để tranh giành quyền lãnh đạo gia tộc. Lúc này, anh trai của ông là Harukage không thể lãnh đạo tốt gia tộc. Bên cạnh đó, Harukage không nhận được sự ủng hộ của các quý tộc địa phương.
Ban đầu, Uesugi Kenshin do dự khi phải đối đầu với anh trai. Tuy nhiên, ông đã bị thuyết phục rằng việc này cần thiết để giúp tỉnh Echigo tiếp tục tồn tại và phát triển. Vào năm 19 tuổi, Uesugi Kenshin trở thành tộc trưởng của gia tộc Nagao. Sau đó, ông đến sinh sống tại lâu đài Kasugayama. Tuy vậy, gia tộc Nagao vẫn tiếp tục phục vụ cho gia tộc Uesugi.
Vào năm 1551, lãnh chúa Uesugi Norimasa bị Hōjō Ujiyasu đánh bại và phải chạy trốn đến nương tựa Kenshin. Kenshin đồng ý cứu giúp với điều kiện Uesugi Norimasa nhận ộng làm con nuôi và chỉ định ông làm lãnh chúa của Echigo và Kantō Kanrei. Rơi vào đường cùng, Uesugi Norimasa đồng ý. Sau đó, Nagao Kagetora chính thức đổi sang họ Uesugi. Trong khoảng thời gian này, ông tập trung củng cố quyền lực và đưa ra một số chính sách cai trị. Năm 1559, ông với 5000 người thực hiện chuyến đi đến Kyoto để tôn vinh Shogun lúc bấy giờ.
Các trận chiến với gia tộc Hojo
Trước đó, cha nuôi của ông là Uesugi Norimasa nhiều lần thúc giục ông chiếm lại vùng Kanto đang nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Hojo. Từ mùa thu năm 1560 đến mùa hè năm 1561, Uesugi Kenshin lãnh đạo quân đội đánh chiếm thành công các lâu đài chiến lược như Numata, lâu đài Kamakura và lâu đài Umayabashi. Ông cho quân bao vây lâu đài Odawara nhưng không thể chiếm được lâu đài này.
Sau đó, ông lần lượt cứu giúp đồng minh Ōta Sukemasa và Ujiyasu khi bị liên minh Takeda - Hojo tấn công. Vào năm 1566, gia tộc Yura về phe gia tộc Hojo. Vì vậy, Kenshin và gia tộc Satake đã tấn công lâu đài Kanayama. Tuy nhiên, gia tộc Yura đã bảo vệ được lâu đài trước sự tấn công dữ dội của Kenshin.
Các trận chiến với Takeda Shingen
Trong thời kỳ chiến quốc Sengoku, những trận quyết chiến giữ Kenshin và Takeda Shingen đã trở thành huyền thoại. Họ đụng độ nhau trong tất cả 5 lần tại cùng một địa điểm là Kawanakajima. Trong những lần đối đầu đầu tiên, cả hai đều rất thận trọng điều bình và không hề có ý định dốc hết binh lực. Vì vậy, những trận chiến này không phải là trận chiến lớn. Tuy nhiên, trận Kawanakajima lần thứ tư vào năm 1561 là trận chiến lớn nhất. Trong trận chiến này, Uesugi Kenshin đã bất ngờ tiến đến chém Take Shingen. Trong khi đó, Shingen đỡ đòn bằng chiếc quạt sắt. Sau đó, cả hai chiến đấu nảy lửa và bất phân thất bại.
Kawanakajima |
Kết quả trận Kawanakajima lần thứ tư cả hai bên đều thiệt hại nặng nhưng sử sách vẫn chưa thể làm rõ bên chiến thắng thật sự. Vì vậy, trận chiến này được xem như hai bên hòa nhau. Vào năm 1563, gia tộc Takeda liên minh với gia tộc Hōjō chống lại Uesugi. Vào năm 1565, Takeda Shingen lần lượt đánh chiếm lâu đài Kuragano và Minowa. Đến năm 1571, Uesugi Kenshin đem quân tấn công lâu đài Ishikura của Takeda Shingen. Cả 2 đụng độ nhau trong trận Tonegawa. Tuy nhiên, cả hai đều không trực tiếp chiến đấu với nhau.
Khi Shingen qua đời, Kenshin đã khóc và than rằng "Tôi đã mất đối thủ tốt nhất của mình. Chúng ta sẽ không có một anh hùng như vậy nữa!". Có thể nhận thấy Kenshin và Shingen tuy là kẻ địch nhưng cả hai đều tôn trọng và nể phục tài năng của nhau. Khi liên minh giữa Takeda Shingen và nhà Hojo chấm dứt, gia tộc Hojo đã tìm cách chặn nguồn cung cấp muối đến tỉnh Kai (lãnh địa chính của nhà Takeda). Chính Kenshin đã chủ động gửi muối đến cho Takeda Shingen. Ông còn chia sẻ thêm "Tôi không chiến đấu bằng muối mà bằng thanh kiếm".
>> Có thể bạn muốn biết thêm về Takeda Shingen.
Uesugi và Oda Obunaga
Trong thời kỳ chiến quốc, Oda Nobunaga đánh chiếm gần 1/3 lãnh thổ Nhật Bản. Vì vậy, quyền lực của Oda Nobunaga trở ngại cho sự thống trị của Kenshin. Đến năm 1576, Uesugi Kenshin hủy bỏ liên minh với Nobunaga. Lúc này, cả Takeda Shingen và Hōjō Ujiyasu đều đã qua đời. Tận dụng cơ hội khi lãnh chúa Hatakeyama Yoshitaka qua đời, Uesugi Kenshin nhanh chóng đem quân đội bao vây lâu đài Nanao.
Năm 1577, Nobunaga nhận thấy lãnh địa bị đe dọa nên đã ra lệnh cho 2 tướng quân thân cận là Shibata Katsuie và Maeda Toshiie đem binh đối đầu với quân đội Uesugi Kenshin trong trận Tedorigawa. Trong trận chiến này, 30.000 quân của Uesugi Kenshin đối đầu với 50.000 quân của Shibata Katsuie. Bất chấp chênh lệch về quân số, Uesugi Kenshin đã giành được chiến thắng. Kết quả, Kenshin chiếm được tỉnh Noto từ tay gia tộc Oda.
Cái chết
Tháng 10 năm 1577, Uesugi Kenshin cho quân đội chuẩn bị tiến công vào lãnh địa Oda Nobunaga. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của ông thường xuyên chuyển biến xấu. Đầu năm 1578, ông hoàn tất liên minh với Take Katsuyori. Đến ngày 19 tháng 4 năm 1578, Uesugi Kenshin đột ngột qua đời tại lâu đài Kasugayama ở tỉnh Echigo. Về nguyên nhân cái chết của ông, đã có rất nhiều giả thiết khác nhau được đưa ra bao gồm: bị ninja của Nobunaga ám sát, bị bệnh nặng, tai biến. Trong đó, giả thiết ông bị bệnh mất được nhiều người ủng hộ hơn cả.
Tứ thập cửu niên, nhất thụy chi mộng, nhất kỳ chi hoa, nhất bôi chi tửu
Bốn mươi chín năm, một giấc mộng, một đời vinh quang, một chén rượu Sake.
Lý thuyết về giới tính nữ
- Bản báo cáo về Nhật Bản thế kỷ 16 lưu giữ tại tu viện Toledo (Tây Ban Nha) cho thấy người phương Tây biết đến Uesugi Kenshin là phái nữ.
- Uesugi Kenshin thường xuyên đau bụng vào ngày 10 hàng tháng.
- Các bức chân dung thời kỳ Sengoku đặc tả ông có vẻ ngoài nữ tính.
- Không có thông tin về vợ, con ruột của ông.
- Kenshin được phép vào khu vực dành cho phái nữ trong hoàng cung Kyoto.
Di sản và tầm ảnh hưởng
Uesugi Kenshin đã để lại nhiều di sản và tầm ảnh hưởng đến lịch sử Nhật Bản. Ông nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học và phim ảnh. Trong hội họa, hình ảnh của Kenshin thường được tái hiện với những bức tranh vẽ chiến trường hay các trận đánh. Trong các bộ phim truyền hình và phim điện ảnh, câu chuyện về cuộc đối đầu giữa Kenshin và Takeda Shingen đã trở thành đề tài hấp dẫn được công chúng yêu thích.
Đền thờ Uesugi-jinja là nơi thờ tự và tôn vinh Uesugi Kenshin. Bên trong ngôi đền, bảo tàng Uesugi được xây dựng là nơi lưu giữ các hiện vật của ông. Vào tháng 2 hằng năm, lễ hội đèn lồng được tổ chức tại ngôi đền này nhằm tưởng nhớ về chiến binh samurai vĩ đại Uesugi Kenshin.