Vào năm 1885, phái chủ chiến triều đình đã chủ động tổ chức cuộc phản công ở kinh thành Huế đánh đuổi quân đội Pháp. Nguyên nhân sâu xa, tóm tắt diễn biến trận chiến này sẽ được chúng tôi gửi đến bạn đọc qua bài viết sau đây.
Nguyên nhân
Năm 1884, dưới thời Hiệp Hoà, vua phê chuẩn hiệp ước Harmand, coi như xác nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp lên lãnh thổ Đại Nam. Sự chấp thuận của vua Hiệp Hoà đã gây chia rẽ nội bộ triều đình thành 2 phe: phái chủ chiến và chủ hoà.
Trong tình cảnh đó, người đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết phế truất Hiệp Hoà, đưa Kiến Phúc lên thay. Kiến Phúc băng hà, Tôn Thất Thuyết lập Hàm Nghi kế vị.
Sự thay đổi ngai vàng liên tục trong thời gian ngắn khiến Pháp bất bình. Đại tướng De Courcy của Pháp cho mời Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường đến bàn công việc, thực chất là để bắt cóc các quan Phụ chính.
Biết tỏng âm mưu đê hèn nhằm tiêu diệt phái chủ chiến của chúng, Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đi. Ông đoán được tên De Courcy sẽ giở trò, Tôn Thất Thuyết chuẩn bị quân lực để nổ súng trước, nắm thế chủ động.
Tóm tắt diễn biến
Đêm 4/7/1885, thực dân Pháp đang say sưa chén tạc chén thù thì quân ta đánh úp tại đồn Mang Cá.
Tôn Thất Thuyết cho lính chĩa 2 khẩu đại bác về phía đồn Mang Cá. Tối hôm đó, vị Phụ chính đại thần chia quân làm 3 phe tiến đánh.
Giữa lúc đang vui thú ẩm thực bị đánh úp bất ngờ, quân Pháp hoảng loạn nháo nhào. Nhờ có vũ khí tối tân, chúng đánh trả một cách cầm chừng, chờ trời sáng.
Khi mặt trời ló dạng, quân Pháp bất ngờ phản công mạnh mẽ. Sức giặc như vũ bão, chiếm luôn cả kinh thành. Tại đây chúng giết người, cướp của, lộng hành quấy phá, khiến vua Hàm Nghi cùng các quan đầu triều phải rút lên núi để kháng chiến.
Kết quả
Sáng 5/7/1885, quân giặc bắt đầu lấy lại bình tĩnh, chiếm thế chủ động và đánh trả ác liệt. Quân ta càng lùi, chúng càng đánh tới, cuối cùng lọt vào hoàng cung.
Lúc này, đoàn xa giá của nhà vua đã rút về Quảng Trị nên chúng coi hoàng cung như chốn không người, mặc nhiên cướp bóc nhiều đồ vật có giá trị như kim cương, các phục sức bằng vàng, sách vở nạm vàng và trang sức đính kim cương của bà Từ Dũ,... Số của cải chiếm được nhiều đến mức có ghi chép của Pháp rằng một nhóm lính phải làm việc suốt 5 ngày mới sắp xếp lại được.
Ngoài thiệt hại về của, chúng ta còn mất 1500-2000 người, trong khi phía kẻ thù chỉ hy sinh chưa đến 20 lính. Quân đội phái chủ chiến nhà Nguyễn đã nhận lấy tổn thất quá sức nặng nề.
Nguyên nhân thất bại
Thảo luận về vấn đề này, các nhà sử học đưa ra 3 nguyên nhân:
- Tuy ở thế chủ động trong thời gian đầu nhưng vũ khí của chúng ta quá thô sơ, không thể đọ lại với các vũ khí tối tân, hiện đại của địch.
- Lực lượng quân Pháp lúc này vẫn rất dồi dào và thiện chiến.
- Thời gian lên kế hoạch gấp rút, chưa chuẩn bị kỹ mà hành động hấp tấp.
Ý nghĩa
Cuộc phản công ở kinh thành Huế năm 1885 đã khẳng định được tinh thần chiến đấu của quân dân Việt Nam trước giặc ngoại xâm là Pháp.
>> Sau trận kinh thành Huế 1885, quân dân Việt Nam đã cùng đứng lên dưới phong trào Cần Vương chống lại ách đô hộ của Pháp.
Cuộc phản công ở kinh thành Huế đã cho thấy sự phản kháng mãnh liệt của phái chủ chiến trước quân đội Pháp đang chiếm ưu thế quân sự.