Nếu ai đã học qua chương trình Ngữ Văn lớp 11, chắc hẳn không còn xa lạ gì với bài thơ "khóc Dương Khuê" của thi sĩ Nguyễn Khuyến. Vậy thì Dương Khuê là ai, cuộc đời và sự nghiệp của ông như thế nào, hôm nay hãy cùng Họ là ai đi tìm hiểu nhé.
Thân thế
Năm 1839, Đô ngự sử Dương Quang sinh được một người con trai, lấy tên là Dương Khuê. Nguyên quán của ông là người làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, Hà Nội. Dòng họ Dương vốn sinh sống tại Hà Tĩnh, rồi di cư đến đây.
Chân dung Dương Khuê |
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống học hành, lại có tư chất và chuyên cần, Dương Khuê tiến bộ rất nhanh trên con đường học vấn. Ông từng đỗ Cử nhân rồi Tiến sĩ.
Ngoài ra. các hậu thế của ông nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực có thể kể đến như nhạc sĩ Dương Thụ, nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, nhà thơ Dương Tuyết Lan, nhà văn Dương Vân Mai,..
>> Có thể bạn muốn biết thêm về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước - hậu duệ xuất sắc của Dương Khuê.
Sự nghiệp
Dương Khuê tuy có tài nhưng để đỗ được Tiến sĩ cũng lận đận mất nhiều năm. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân nhưng đến kỳ thi Hội lại bị hỏng khoa đầu. Sau đó ông nán lại chờ khoa thi tiếp theo, trong lúc đó, ông về nhà dạy học cho con cháu của Tùng Thiện Vương. Hai năm sau, triều đình lại mở khoa thi, ông dự đến kỳ thi Đình và đỗ Tiến sĩ.
Sau khi đỗ đạt, Dương Khuê nhận chức Tri phủ Bình giang( Hải Dương), rồi thăng tiến đến chức Bố chính.
Ở những thập niên 70 của thế kỷ 19, trong một cuộc tranh chấp về quyền sử dụng sông Hồng với một tay lái buôn người Pháp, ông dâng sớ tâu vua. Vua Tự Đức cho rằng ông là người không biết thời cuộc nên giáng xuống làm Chính sứ sơn phòng lo việc khai khẩn đất hoang.
Năm 1873 Triều đình Huế thương lượng thành công lấy lại 4 thành ở Bắc kỳ. Dương Khuê được bổ đi làm Án sát Hải Phòng.
Từ năm 1878 trở đi, Dương Khuê lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng ở chốn quan trường như: Đốc học Nam Định, Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định Ninh Bình. Năm 1897, nhận thấy nhiều tiêu cực không thay đổi được trong chính trị, ông xin cáo quan về quê. Lúc ấy Dương Khuê 58 tuổi.
Ngày 3 tháng 6 năm Nhâm dần, tức năm 1902, Dương Khuê qua đời ở tuổi 63. Người bạn thân của ông lúc sinh thời, chính là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến quá xót xa và đau buồn trước sự ra đi của người tri kỷ mà viết nên một bài thơ vô cùng nổi tiếng” Khóc Dương Khuê”.
Tác phẩm
Trong sự nghiệp với con chữ, ông để lại cho đời sau rất nhiều thành tựu, đặc biệt là thể loại ca trù.
Về sáng tác thơ, Dương Khuê cũng có một tập thơ của riêng mình, tên là Vân Trì thi tập. Chúng tôi xin phép được trích một bài trong tập thơ này, bài "Cảnh đẹp Tây Hồ" đã được giới thiệu tham khảo trong chương trình Ngữ Văn nâng cao.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Nhìn chung, các tác phẩm của ông lấy chủ đề "thoát ly hưởng lạc". Dương Khuê buông tiếng thở dài trước thế sự đất nước rối ren, đau buồn trước sự nhũng loạn trong thời cuộc. Rồi ông tìm cách thoát ly bằng những thú vui phong nhã, lấy rượu ngọt trăng thanh làm trò giải khuây và đưa con người ấy vào trong những sáng tác của mình. Về chủ đề này, chúng ta đã từng nói đến một vị tiền nhân vô cùng trác việt, chính là cụ Hy Văn Nguyễn Công Trứ. Tuy cùng nâng việc hưởng lạc như trên trở thành triết lý, nhưng Dương Khuê lại không như cụ Trứ. Lạc thú trong những tác phẩm của Dương Khuê đôi khi được ca ngợi quá đà, trở nên hơi ích kỷ, đặc biệt khi đặt vào bối cảnh xã hội lúc đó, khi mà Nguyễn triều đang có nhiều khủng hoảng.
“Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ, Ngồi rù uống rượu với con chơi ” (May rủi).
Tiếc thay, những tác phẩm thơ của ông đa phần bị thất lạc nên số lượng không được nhiều.
Bù lại, thể loại mà Dương Khuê thành công rực rỡ nhất, thể loại nổi bật nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông là ca trù (hát nói). Loại hình này vốn đã thông dụng từ đầu thế kỷ 19 nhờ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, nay đến thời của Dương Khuê thì phát triển đến đỉnh cao. Các bài hát nói của ông đều thấm đẫm chữ "tình", một thứ tình tinh tế, nhẹ nhàng, kín đáo khác hẳn với những tiền bối như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay Chu Mạnh Trinh.
Sở dĩ , ca trù của ông hấp dẫn đến vậy vì trong sáng tác của ông có sự uyển chuyển từ tứ thơ đến ngôn từ. Những ngôn ngữ thi ca của Dương Khuê đều trong sáng, tinh tế, có sức gợi cảm và giàu nhạc điệu.
Một số bài ca trù của ông đã trở thành chuẩn mực, nổi tiếng nhất là "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết"
Tình bạn Dương Khuê và Nguyễn Khuyến
Chúng ta hẳn đã không xa lạ gì với những tình bạn cảm động trong vở chèo Lưu Bình- Dương Lễ hay ngược về tích xưa với tiếng đàn tri âm của Bá Nha Tử Kỳ. Ít ai biết rằng Dương Khuê cũng có một người tri kỷ, đó chính là Nguyễn Khuyến, Tam nguyên yên đổ của Triều Nguyễn.
Thủa sinh thời, Dương Khuê là bạn cùng học với Nguyễn Khuyến. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ giải Nguyên, ra làm quan trong triều đình. Sau đó ít năm, Dương Khuê cũng đỗ đạt cao, được bổ đi làm tri phủ. Có vẻ như sự nghiệp làm quan không mấy suôn sẻ đã khiến cho tính tình Dương Khuê đổi khác. Sau nhiều lần phân giải không thành, Nguyễn Khuyến đành cắt đứt liên lạc với người bạn thân.
Năm 1902, Dương Khuê qua đời ở tuổi 63. Nhận được hung tin, Nguyễn Khuyến buồn thương vô hạn. Ông xót xa cho người bạn tài đức nhưng đoản mệnh của mình mà viết riêng một bài thơ để đưa tiễn Dương Khuê - bài thơ “Khóc bạn”, hay còn được lưu truyền phổ biến hơn với tên gọi “ Khóc Dương Khuê”. Tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ Văn lớp 11, giảng dạy cho nhiều thế hệ học sinh.
Để hiểu rõ hơn về một tình bạn thiêng liêng chúng ta hãy cùng ngồi xuống và ngẫm về bài thơ này nhé.
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta,
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo,
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang,
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau,
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời,
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày,
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời,
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên,
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua,
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa,
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn,
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Mở đầu bài thơ là tiếng lòng xót xa, một tiếng nấc nghẹn ngào, đau đớn khi nghe hung tin quá đột ngột về sự ra đi của một người tri kỷ. Dường như cả thiên nhiên, trời mây cũng động lòng, ngậm ngùi trước sợ mất mát quá lớn lao này.
Dương Khuê và Nguyễn Khuyến, một tình bạn từ thuở nằm nôi vượt qua cả thời gian mà khắc ghi bao kỷ niệm đẹp. Họ bên nhau như hình với bóng, “ Sớm hôm tôi bác cùng nhau”. Mối lương duyên giữa hai bậc thi nhân ấy dường như là thiên định. Từ ngày cùng nhau đèn sách, hai người bạn ấy đã cùng nhau rong chơi đến nơi “tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”, cả nơi “tầng gác cheo leo” họ có phúc cùng hưởng, trải qua mọi thú vui trên đời mà chẳng thiếu bóng hình nhau.
Thế nhưng, sét đánh ngang tai, Dương Khuê “vội vàng đã mải lên tiên” mặc cho tuổi tác không còn trẻ nhưng vẫn chưa gọi là cao, và tinh thần vẫn còn chưa can. Nỗi đau lại cùng với sự bất ngờ khiến cụ Khuyến khóc thương bạn đến "chứa chan"
Những câu thơ cuối cùng, cụ Nguyễn Khuyến đau buồn xót xa khi nghĩ đến những tháng ngày sau vắng đi những người bạn hiền, những thú vui đã chẳng còn ý nghĩa.
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua,
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa”
Niềm vui thi tửu của bậc tài nhân, vắng đi người bạn tri âm đã chẳng còn giá trị. Chỉ một chi tiết nhỏ “ Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”, thi nhân so sánh tình bạn của mình với một câu chuyện xưa nổi tiếng, một tình bạn vĩ đại của Bá Nha và Tử Kỳ. Ngày Tử Kỳ đi mất, Bá Nha đau buồn đến độ phải đập vỡ đi cây đàn, niềm vui, niềm yêu thích duy nhất của ông. Ngày Dương Khuê rời xa trần thế, Nguyễn Khuyến tiếc thương cho bạn mà chẳng thiết đến rượu ngon, thơ hay.
Từng câu từng chữ như cứa vào lòng người đọc, gợi mở ra một tình bạn, tình tri kỷ đẹp đẽ nhưng buồn đau. Để đến nay đã trôi qua hơn một thế kỷ mà tác phẩm vẫn vẹn nguyên cảm xúc cho độc giả, lay động những trái tim xót xa cho tình bạn dang dở.
Khóc anh không nước mắt,
Mà lòng đau như cắt.
Gọi anh chửa thành lời.
Mà hàm răng dính chặt
( Bài thơ Viếng bạn - Hoàng Lộc)
Sở dĩ chúng tôi đi vào phân tích sâu như vậy, là để các độc giả hiểu rõ hơn về tình bạn của Dương Khuê và Nguyễn Khuyến, một tình bạn thiêng liêng và tha thiết, có thể nói là "mẫu mực"
Ảnh hưởng
Dương Khuê quả thực là một nghệ sĩ đa tài với những tác phẩm thuộc nhiều thể loại, bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.
Không là quá lời khi hậu thế đã nói rằng Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến và nhiều nhà nho tài tử cuối thế kỷ 19 là một nét gạch nối uyển chuyển nối liền mạch văn trung đại của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến những Xuân Diệu, những Tản Đà của thơ mới. Những công lao của ông để lại góp phần xây dựng nền nghệ thuật của nước nhà phát triển rực rỡ, đặc biệt là việc đặt nền móng cho loại hình ca trù.
Tên của ông được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam như:
- Đường Dương Khuê ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
- Đường Dương Khuê thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về nhà thơ đại tài Nguyễn Khuyến.
Vậy là, các bạn đã vừa tìm hiểu xong về cuộc đời cũng như công lao của Dương Khuê một tên tuổi Việt Nam lỗi lạc. Mong rằng sau bài viết này, độc giả sẽ có cái nhìn bao quát hơn về Dương Khuê, chứ không đơn thuần chỉ là một nhân vật trong bài thơ cảm động về tình bạn.