Cuộc Duy Tân Minh Trị - Bước chuyển mình ngoạn mục của Nhật Bản

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 16, 2023
Last Updated

 Cuộc Duy Tân Minh Trị là sự kiện lịch sử ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt chuyển mình một cách ngoạn mục đưa Nhật Bản từng bước trở thành một quốc gia hùng mạnh, độc lập và hiện đại. Vậy Duy Tân Minh Trị ra đời trong bối cảnh nào? Những cải cách nổi bật được Thiên hoàng áp dụng là gì? Cuộc Duy Tân này có ý nghĩa ra sao đối với Nhật Bản? 

Bối cảnh lịch sử

Có thể nói cuộc Duy tân Minh Trị tại Nhật Bản được diễn ra trong giai đoạn xã hội phong kiến Nhật Bản lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng. Vào giữa thế kỉ XIX, Nhật Bản vẫn còn là một quốc gia Phong Kiến. Tuy nhà vua được tôn làm Thiên hoàng và có địa vị tối cao nhưng quyền hành vẫn nằm trong tay tướng quân Shogun ở Mạc phủ.

Năm 1603, dòng họ Tokugawa nắm giữ chức vụ tướng quân nắm mọi quyền lực. Thiên hoàng chỉ còn cai trị trên danh nghĩa. Chính vì vậy Nhật Bản đã gọi đây là thời kỳ Mạc phủ Tokugawa. Sau hơn 200 năm cầm quyền, chế độ phong kiến của Nhật Bản rơi vào tình trạng lạc hậu, suy thoái , xã hội xuống cấp, không đủ sức để chống lại sự lăm le dòm ngó của các nước đế quốc Âu - Mĩ.

Cuộc Duy Tân Minh Trị
Cuộc Duy Tân Minh Trị


Đến năm 1853, Mỹ đã cử một hạm đội do Đô đốc Pe-ri chỉ huy để uy hiếp vào vùng ven biển Nhật Bản. Đến năm 1854, Mạc phủ buộc phải ký hiệp ước vì không chịu nổi áp lực của Mỹ. Theo đó, hiệp ước quy định sẽ mở 2 cửa biển là Si-mô-đa và Ha-kô-đa-tê cho người Mỹ tự do buôn bán. Nắm bắt thời cơ đó, các nước Anh, Pháp, Nga, Đức đều tranh thủ nhảy vào và đạt được những hiệp ước tương tự. 

Sau khi các hiệp ước bất bình đẳng được ký kết đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội. Hàng loạt các phong trào đấu tranh chống Mạc phủ được diễn ra và phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 1/1868, Sô-gun bị lật đổ. Thiên hoàng Minh Trị trở lại nắm quyền và thực hiện một loạt cải cách tiến bộ nhằm đưa đất nước Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu. 

Nguyên nhân ra đời và nội dung của cuộc Duy Tân Minh Trị

Giai đoạn này, Nhật Bản là một đất nước Phong kiến suy thoái, có sự mâu thuẫn ở tất cả các lĩnh vực như: 

  • Kinh tế: Nền nông nghiệp lạc hậu, nhân dân phải chịu tô thuế nặng nề, mất mùa đói kém xảy ra thường xuyên.
  • Xã hội: Hàng loạt các mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân, tư sản thị dân với chế độ Phong kiến lạc hậu nổ ra. 
  • Chính trị: Mâu thuẫn giữa Thiên hoàng Minh Trị với Tướng quân Shogun. Nhật Bản khủng hoảng nặng nề và rơi vào tình trạng suy yếu, là con mồi ngon của các nước tư bản Âu - Mỹ. 

Trước tình hình mâu thuẫn gia cấp, mất đoàn kết, chế độ Mạc phủ khủng hoảng thì Mỹ đã dùng áp lực quân sự để ép Nhật Bản phải mở cửa. Lúc này Nhật Bản buộc phải chọn một trong hai con đường: 

  • Thứ nhất: Tiếp tục duy trì chế độ phong kiến lạc hậu suy thoái để các nước phương Tây xâu xé
  • Thứ hai: Đấu tranh lật đổ chế độ cũ, thực hiện công cuộc Duy Tân Minh Trị để đưa đất nước Nhật Bản phát triển theo con đường các nước tư bản phương Tây. 

Cuối cùng Nhật hoàng Minh Trị đã lựa chọn con đường thứ hai. Sau khi lên ngôi, Thiên Hoàng đã thực hiện hàng loạt các cải cách nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi chế độ Phong kiến lạc hậu, phát triển theo con đường Tư bản chủ nghĩa. 

Các nhân vật quan trọng trong cuộc Duy Tân Minh Trị

Đây không chỉ là một sự kiện lật đổ chính quyền Mạc phủ lạc hậu, thiết lập nên chính quyền Minh Trị mà còn là một chuỗi cải cách kéo dài gần 30 năm. Tất cả các cải cách đã tác động tích cực đến nền Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của đất nước Nhật Bản, đưa đất nước này trở thành một phú quốc cường binh. Tuy nhiên, để có được thành công như vậy không thể thiếu được sự đóng góp to lớn của các nhân vật quan trọng phải kể đến như: 

Thiên hoàng Minh Trị

Minh Trị tên thật là Mutsuhito, ông được xem là vị minh quân có công lớn nhất lịch sử đất nước Hoa Anh Đào khi đặt nền móng cho sự phát triển “thần kỳ Nhật Bản” bằng cuộc Duy Tân Minh Trị. Người đã đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu, suy thoái trở thành một quốc gia hiện đại, cường quốc đứng đầu châu Á thời điểm lúc bấy giờ. 

Ông đã quyết định cho dời đô từ cố đô Kyoto về Tokyo, cải cách đất nước theo con đường Tư bản chủ nghĩa. Hàng loạt các cải cách tiên tiến như: bãi bỏ chế độ Thái chính quan cũ và xây dựng chế độ Nội các, ban hành Hiến pháp đầu tiên của đất nước Nhật Bản, cải cách Giáo dục, Kinh tế, Chính trị,...

>> Xem thêm bài viết Thiên Hoàng Minh Trị.

Duy Tân tam kiệt

Duy Tân tam kiệt dùng để chỉ nhóm lãnh đạo cuộc Duy Tân Minh Trị bao gồm ba nhân vật chủ chốt: Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi. Đây cũng là nhóm lãnh đạo tài giỏi đã có công cùng Thiên hoàng Minh Trị thực hiện hàng loạt cuộc cải cách. Họ không chỉ là người đi đầu trong phong trào lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa mà còn nắm giữ các chức vụ quan trọng giúp Thiên hoàng Minh Trị thực hiện hàng loạt các chính sách cải cách tiên tiến. 

Fukuzawa Yukichi

Fukuzawa là người Nhật Bản duy nhất trong thời kỳ Mạc phủ có ba chuyến đi sang các nước phương Tây. Nhờ vậy, ông nhìn nhận và thấy rõ những thành tựu rực rỡ của nền văn minh phương Tây. Ông đã chủ trương rằng cần nhanh chóng tiếp thu tinh hoa của nền văn minh thế giới nhằm đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc. Chủ trương này của ông rất phù hợp với tư tưởng của các nhà cầm quyền trong cuộc Duy Tân Minh Trị. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Fukuzawa Yukichi trở thành cầu nối giữa nền văn minh phương Tây với Nhật Bản.

Chân dung Fukuzawa Yukichi


>> Có thể bạn muốn biết thêm về Fukuzawa Yukichi - nhà giáo dục bậc thầy đã khai sáng giáo dục theo lối phương Tây ở Nhật.

Nội dung chính của cuộc Duy Tân Minh Trị

Vào tháng 1/1868, sau khi lật đổ được Tướng quân Sôgun và lên ngôi, đứng trước tình hình yếu kém của đất nước lúc bấy giờ, Thiên hoàng Minh Trị đã thực hiện hàng loạt các cải cách tiến bộ nhằm cải tổ và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng lạc hậu, thoát khỏi sự nhòm ngó của các nước phương Tây. Cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ trên mọi lĩnh vực, cụ thể:

Về Chính trị

Sau khi lật đổ tướng Sôgun, Thiên hoàng Minh Trị đã tuyên bố thủ tiêu mọi tàn dư của chế độ Mạc phủ, lập ra chính quyền mới, ban bố quyền tự do dân chủ, đưa các quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm quyền. Đến năm 1889, Nhật hoàng đã ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. 

Về Kinh tế

Trong cuộc Duy Tân Minh Trị, đứng trước tình trạng thị trường mua bán còn nhiều lạc hậu, Nhật hoàng đã ra sắc lệnh thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường và đẩy mạnh quá trình mua bán. Bên cạnh đó, Nhật hoàng còn cho phép người dân mua bán ruộng đất, tăng cường phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. 

Tuy nhiên, một vấn đề cần được giải quyết lúc này đó là cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng đã bị xuống cấp vì chế độ Phong kiến lạc hậu. Vì vậy, Nhật Hoàng đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu đường phục vụ giao thông liên lạc, mở rộng thị trường mua bán.

Về quân sự

Trong cuộc Duy Tân Minh Trị, các vấn đề về quân sự cũng được Nhật hoàng thực hiện triệt để. Ông đã thực hiện chính sách cải cách quân sự theo kiểu phương Tây, cụ thể là trong công tác huấn luyện. 

Thay vì huấn luyện theo chế độ trưng binh như giai đoạn phong kiến, Thiên hoàng Minh Trị đưa ra chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự, chiêu mộ các công dân có đủ điều kiện phải nhập ngũ để được huấn luyện. Song song với đó còn chú trọng đóng tàu chiến, sản xuất vũ khí quân sự.

Về Giáo dục

Cuộc Duy Tân Minh Trị cũng đã có nhiều cải cách đối với nền giáo dục Nhật Bản lúc bấy giờ. Các chính sách giáo dục bắt buộc được ban hành. Điều này góp phần đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với tri thức ở các chương trình bắt buộc tối thiểu.

Ngoài ra, Minh Trị còn chú trọng đến chất lượng đào tạo. Cụ thể là tiếp nhận những kiến thức hiện đại của phương Tây, áp dụng Khoa học - Kỹ thuật. Đặc biệt, Nhật Bản còn học sinh giỏi đi du học tại các nước phương Tây  để tiếp thu thêm nhiều kiến thức sâu rộng, phục vụ cho đất nước Nhật Bản trong tương lai. 

Tính chất, kết quả

Nhờ vào những cải cách hiện đại, đúng thời điểm, Thiên hoàng Minh Trị đã thành công giúp Nhật Bản trở mình ngoạn mục, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, thoát khỏi sự đe dọa của các nước thực dân phương Tây và trở thành một đất nước giàu mạnh.

Tính chất của cuộc Duy Tân Minh Trị

Duy Tân Minh Trị mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản không triệt để, được diễn ra dưới hình thức đổi mới, canh tân đất nước. Bản chất nó là một cuộc cách mạng tư sản bởi vì do giai cấp tư sản lãnh đạo và thực hiện lật đổ chế độ phong kiến, do giai cấp tư sản thống trị, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, Thiên hoàng đại diện cho giai cấp phong kiến vẫn tồn tại nên đây được xem là cuộc cách mạng tư sản không triệt để.

Kết quả của cuộc Duy Tân Minh Trị

Cuộc Duy tân vào năm 1868 của Thiên Hoàng Minh trị nổ ra giữa lúc đất nước bị suy yếu bởi chế độ Mạc phủ và đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Nhờ vào cuộc Duy Tân này mà Nhật Bản giành lại quyền độc lập, xóa bỏ chế độ Phong kiến lỗi thời lạc hậu, đưa kinh tế, văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Khả năng sản xuất của nước Nhật tăng trưởng nhanh chóng góp phần đưa Nhật Bản trở thành cường quốc. 

Ý nghĩa lịch sử

Đối với Nhật Bản

Mang đến sự biến đổi tích cực trong xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Mang ý nghĩa như một cuộc Cách mạng tư sản.

Đưa Nhật Bản phát triển theo chủ nghĩa tư bản, trở thành một cường quốc lớn mạnh tại Châu Á.

Trở thành đất nước duy nhất trong khu vực Châu Á không bị xâm lược bởi các cường quốc phương Tây. 

Đối với quốc tế

Cuộc Duy Tân Minh Trị thành công đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân bởi vì cuộc duy tân này là một trong những yếu tố góp phần hình thành con đường cứu nước theo chế độ dân chủ tư sản. Ở Việt Nam, Phan Bội Châu cũng đã áp dụng con đường này trong phong trào Đông Du.

Hạn chế của cuộc Duy Tân Minh Trị

Bên cạnh những thành tựu to lớn trong công cuộc kiến thiết đất nước, Duy Tân Minh Trị vẫn còn tông tại một số hạn chế nhất định như: 

  • Chưa thể thủ tiêu được các thế lực phong kiến một cách triệt để do thế lực này tồn tại lâu đời, có sức mạnh lớn.
  • Tầng lớp quý tộc, samurai bị thủ tiêu nhưng vẫn duy trì được lợi ích về quyền lực, kinh tế. Nhiều bộ phận người dân vẫn còn bị áp bức, chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi. 

Qua một số nội dung đã phân tích phía trên về cuộc Duy Tân Minh Trị, có thể thấy rằng Nhật Bản đã được trở mình về mọi mặt, đạt được vô số thành tựu nổi bật trong quá trình cải tạo đất nước. Cuộc Duy Tân được thực hiện đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Đây được xem như một cuộc Cách mạng mang tính chất canh tân đất nước, đem đến kết quả thành công vượt bậc cho Nhật Bản.

TrendingTrang chủ