Dưới triều đại nhà Nguyễn, có một thi nhân Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến vô cùng xuất chúng và đã lưu danh với hậu thế qua những bài thơ nổi tiếng về mùa thu. Dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp sáng và tác phẩm của ông.
Tiểu sử
Nguyễn Khuyến (1835-1909) , hay còn được biết đến với cái tên Tam Nguyên Yên Đổ, là một nhà nho ở thế kỷ 19. Ông làm quan dưới triều Nguyễn, trong thời gian 1866 đến 1884.
Chân dung Nguyễn Khuyến |
Ngày nay ông được nhắc tới về tài thơ phú với nhiều tác phẩm bất hủ gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt hai bài thơ "Thu ẩm" và "Thu điếu" thuộc chùm thơ thu đã được đưa vào chương trình Ngữ Văn giảng dạy ở các trường phổ thông.
Gia đình và xuất thân
Nguyễn Khuyến tên khai sinh là Nguyễn Thắng, tên hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi. Ông ra đời tại quê mẹ là làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, Ý Yên, Nam Định. Cha ông là Đô ngự sử trong triều, quê tại làng Vị Hạ, xã Yên Đổ (ngày nay đổi tên thành Trung Lương), huyện Bình Lục, Hà Nam.
Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho, tài sản chẳng có gì ngoài sách vở và con chữ. Cha ông là Nguyễn Tông Khởi, quen được gọi là Mền Khởi, đỗ tú tài 3 khóa thi liên tiếp. Sau này, cha ông về quê làm nghề gõ đầu trẻ. Mẹ ông là bà Trần Thị Thoăn, con của Trần Công Trạc, một tú tài thời Lê Mạc.
Gia đình ông sống ở Nam Định từ nhỏ, ông lớn lên từ những bài học của cha. Cho đến năm ông 8 tuổi thì theo cha mẹ về định cư ở quê nội là Hà Nam.
Năm 1865, ông tham gia thi Hội nhưng không đỗ. Tức chí bấm chí, ông ở lại kinh đô, vào trường Quốc Tử Giám tiếp tục nấu sử sôi kinh. Ông cũng cải lại tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, nhằm nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn (viết Hán tự thì chữ lực trong chữ Thắng nhỏ hơn trong chữ Khuyến).
Cái danh Tam Nguyên Yên Đổ được khai sinh một năm sau, khi ông thi lại và đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên.
Sự nghiệp
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến cũng tham dự chốn quan trường. Nhưng về lĩnh vực này, thành tựu của ông không có gì nổi bật. Nguyên do là vì ông ra làm quan giữa lúc quyền tự trị của nước ta bị xâm phạm nghiêm trọng bởi quân Pháp. Cho nên dù có chí lớn là trị quốc thiên hạ, Nguyễn Khuyến đành bất lực.
Năm 1873, Nguyễn Khuyến nhậm chức Đốc Học rồi dần dần thăng tiến lên làm Án sát tỉnh Thanh Hoá.
Năm 1877, ông chuyển đến Quảng Ngãi và được bổ nhiệm làm Bố chính.
Đến năm 1878, ông bị giáng xuống làm một chức quan nhỏ ở Huế, có nhiệm vụ trông coi Quốc Sử Quán.
Mùa thu năm 1884, Nguyễn Khuyến trả áo mũ cho vua, trở về sống ở Yên Đổ đến lúc qua đời vào ngày 05/02/1909, hưởng dương 75 tuổi.
Tuy quan lộ không mấy nổi bật, bù lại ông có một sự nghiệp thơ phú vô cùng rực rỡ.
Phong cách sáng tác
Cũng như người tri kỷ Dương Khuê, Nguyễn Khuyến sáng tác điêu luyện ở cả chữ Hán và chữ Nôm. Có nhiều tác phẩm của ông được viết bằng chữ Hán rồi được chính tác giả dịch qua chữ Nôm hay ngược lại.
Điểm sáng nhất trong thơ ông là ngôn từ được sử dụng một cách chọn lọc và khéo léo. Dù là chữ Nôm hay chữ Hán, đọc thơ ông ta đều như nhìn thấy cảnh vật như hiện ra trước mắt, được miêu tả thật sinh động và quá đỗi gợi tình.
"Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu đã từng nhận định rằng "Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”. Sở dĩ như vậy vì chốn thôn quê trong thơ Nguyễn Khuyến hiện lên thật giản dị, mộc mạc nhưng chân thực và đầy tình yêu thương. Ông thành công trong việc tìm ra những xao xuyến trong đời sống rồi đưa chúng vào trong câu thơ. Tiên sinh lại chuyển những câu chữ ấy vào lòng độc giả nhờ biết cách:
đưa tiếng nói sinh hoạt dân dã, bình dị vào thơ một cách tinh tế, sâu sắc, nhiều khi hóm hỉnh, tự nhiên mà thành thơ.
Ngôn ngữ trong thơ trữ tình miêu tả đồng quê Việt Nam thì nhẹ nhàng tinh tế, còn trong những tác phẩm trào phúng, ta lại bắt gặp một Nguyễn Khuyến khác với những từ ngữ hóm hỉnh và lối chơi chữ tài tình.
Tác phẩm
Đa số những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khuyến đều ra đời trong thời gian ông từ quan lui về quê. Hiện nay, chúng ta còn lưu giữ các tập thơ và văn của ông như: Yên Đổ thi tập, Quế Sơn thi tập, Cẩm Ngữ, Bách Liêu thi văn tập. Bên cạnh đó còn những bài ca, văn tế, hát ả đào và các câu đối chữ Hán. Nguyễn Khuyến tổng cộng để lại khoảng 400 tác phẩm.
Đặc biệt nhất là "Quế Sơn thi tập" với khoảng 200 tác phẩm chữ Hán và 100 tác phẩm chữ Nôm, thể hiện được tài năng cũng như con người của tác giả.
Tựu trung lại, ta có thể chia thơ của Tam Nguyên Yên Đổ thành 3 nhóm chính, dựa theo chủ đề.
Nỗi lòng xót xa, bất lực trước cảnh nước mất nhà tan
Thực trạng xã hội là sự can thiệp quá đà của thực dân Pháp đến đời sống người dân Việt Nam đã đã ảnh hưởng không nhỏ trong nền thơ văn. Nhiều nhà nho bày tỏ lòng yêu nước và than thở u buồn vì đau xót cho vận mệnh đất nước thông qua những đứa con tinh thần của mình. Nguyễn Khuyến cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều sáng tác về chủ đề này.
Mùa thu năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo quan về quê sinh sống. Có lẽ không khí trong lành cùng cảnh vật yên bình chốn thôn dã gợi cho ông nguồn cảm hứng sâu sắc để cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng ở đề tài khắc họa đồng quê Việt Nam. Đặc biệt là chùm thơ thu, gồm 3 bài "thu ẩm", "thu điếu" và "thu vịnh" được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn.
Nguyễn Khuyến nhiều lần làm thơ trào phúng nhằm đả kích thực tế suy đồi đạo đức hoặc sự tha hóa chốn quan trường. Ông cũng có các tác phẩm tự trào để trách bản thân hoặc buông tiếng thở dài bất lực trước thời cuộc.
Dù ở đề tài nào, ta cũng có thể bắt gặp nhiều tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến đặc sắc và độc đáo về cả về nội dung và nghệ thuật.
Và để biết rõ hơn về tài năng cũng như nhân cách của Nguyễn Khuyến, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông - chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến.
Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến
Giới thiệu về chùm thơ thu
Mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong lòng người và trong hồn quê. Trong dòng chảy của thi ca từ cổ chí kim, đã có không biết bao nhiêu giai điệu, bao nhiêu câu chữ nói về thời gian này trong năm, và cũng không khó để bắt gặp một tác phẩm lay động tâm hồn. Thế nhưng, chùm thơ thu, gồm 3 bài "thu vịnh", "thu ẩm" và "thu điếu", của Nguyễn Khuyến vẫn mang một màu sắc riêng và có một vị trí riêng trong lòng độc giả.
Chùm thơ ấy được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian rời bỏ chốn kinh đô mà lui về ở ẩn, vui thú điền viên. Bởi thế nên, không gian, thời gian và tình cảm trong từng bài thơ đều thấm đẫm hơi thở của làng quê Việt Nam. Nhiều nhà phân tích, nhà sử học, nhà nghiên cứu đều đồng tình :" Đó là những bức tranh thơ bất hủ, đặc tả cảnh mùa thu làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng vẫn còn nhiều ý nghĩa, ý tứ, cái hay, cái đẹp tiềm ẩn, khiến người đời sau không ngừng dứt mực bình luận, phân tích, nghiên cứu và ca ngợi."
Thu điếu (Câu cá mùa thu)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Thu ẩm (Uống rượu mùa thu)
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.
Thu vịnh (Vịnh mùa thu)
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Cảm nhận chùm thơ thu
Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích chùm thơ tên phương diện nội dung, nghệ thuật, từ đó khái quát nên tài năng và khí tiết của nhà thơ.
Đặc trưng của mùa thu là không khí bắt đầu chuyển lạnh, một dấu gạch nối chuẩn bị cho đông đến. Nguyễn Khuyến tài tình gợi ra được cái se lạnh ấy trong từng cảnh vật được miêu tả, như ao thu, khóm trúc, ngõ nhỏ. Bằng một loạt từ láy như "lạnh lẽo", "lơ phơ" hay "hắt hiu", thi nhân vẽ nên được một bức tranh không gian thấm cả hơi thở của tiết trời. Không gian trong thơ Nguyễn Khuyến lại được chia thành nhiều tầng, nhiều lớp "trời xanh mấy tầng cao", ở giữa là lá vàng bay trong gió, cần trúc đu đưa, tầng mặt đất là "ngõ nhỏ quanh co khách vắng teo" hay "nước biếc trông như tầng khói phủ". Thi nhân sử dụng phương pháp "lấy động tả tĩnh" một cách tài tình, chiếc thuyền câu trôi rất nhẹ, nhẹ như đứng yên.
Trong khí trời như thế, lòng người hẳn thấy cô đơn. Ông khéo léo lồng vào cảnh vật nỗi trống trải, u buồn của mình. Đất trời rộng lớn là thế, tầng tầng lớp lớp là thế nhưng lại vắng đi bóng dáng của con người. Dù là ban ngày như thu điếu hay đêm tối như thu ẩm, người duy nhất mà ta thấy chỉ là tác giả. Người ấy "tựa gối buông cần", cũng chính ông uống rượu đêm thu. Ngay đến cả những con vật cũng không thấy đâu, chỉ có ánh đom đóm lập lòe. Sự hiu quạnh đã được dâng lên đến tột cùng.
Đọc cả chùm thơ, ta có thể thấy được cái tài trong nghệ thuật dùng từ, nghệ thuật gieo vần xứng đáng được ca ngợi là bậc thầy của thơ làng cảnh Việt Nam. Thế nhưng điểm đáng chú ý ở đây là nỗi lòng của nhà thơ. Dường như dù đã về quê ở ẩn, lòng ông vẫn canh cánh việc quốc gia, dù câu cá mà chẳng được ung dung, uống rượu mà chẳng dám say sưa. Lòng yêu nước, nhân cách Việt Nam của Nguyễn Khuyến làm cho ta phải cảm động.