Tăng Bạt Hổ là ai? Giai thoại gặp hổ và chuyện làm lính Nhật

Nguyễn Minh Khánh
tháng 5 07, 2023
Last Updated

 Tăng Bạt Hổ là một chí sĩ yêu nước đã có những đóng góp to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cuộc hành trình cứu quốc và giai thoại về ông.

Giai thoại gặp hổ

Tượng Tăng Bạt Hổ
Tượng Tăng Bạt Hổ


Giai thoại này được lưu truyền nơi quê hương Tăng Bạt Hổ ở Bình Định. Tương truyền, tháng giêng năm 1887, Tăng Bạt Hổ tìm đường sang Thái Lan cầu viện cứu nước. Khi đoàn người đến đèo Dốc Đót giáp với huyện An Khê, Bình Định thì bắt gặp một con hổ chặn đường. Những người đi theo ông đều sợ hãi. Thế nhưng, Tăng Bạt Hổ không hề sợ hãi, bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt con cọp mà nói rằng:

Ông đi đây là vì đại nghĩa chứ không phải vì việc riêng tư nào khác. Xin chúa sơn lâm tránh sang một bên để ông và các bạn đi cùng lên đường cho sớm.

Vậy mà con hổ như hiểu được lời ông, cảm thông nghĩa cử vì nước mà tránh sang một bên để đoàn người đi tiếp. Kể từ đó, mọi người thường gọi ông với cái tên Tăng Bạt Hổ.

Xuất thân và tuổi thơ

Tăng Bạt Hổ sinh ngày 19 tháng 7 năm 1858, tại làng An Thường, xã  n Thạnh, huyện Hoài  n, tỉnh Bình Định. Tên thật của ông là Tăng Doãn Văn, tên tự là Sư Triệu, tên hiệu là Điền Bát.

Tăng Bạt Hổ nổi tiếng giỏi võ, dũng cảm. Năm 14 tuổi, ông tham gia chống thực dân Pháp xâm lược dưới ngọn cờ của tướng Lưu Vĩnh Phúc (thủ lĩnh quân cờ đen). Đến năm 18 tuổi (1876), ông thay anh trai gia nhập quân đội triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức.

Tham gia Cần Vương

Đến năm 1884, ông được thăng chức Cai Cơ tại cửa biển An Dũ, huyện Hoài Đức với trách nhiệm canh phòng bờ biển. Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi nghĩa sĩ đánh Pháp giúp nước, phong trào Cần Vương bùng nổ ở nhiều nơi.

Nghe tin này, Tăng Bạt Hổ, Phạm Toàn cùng với đồng đội kéo lên núi Kim Sơn (Hoài  n) xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp.

Căn cứ chính của nghĩa quân được đặt tại núi Tổng Dinh thuộc dãy Kim Sơn. Ngoài ra, nghĩa quân Tăng Bạt Hổ còn liên lạc với Bùi Điền (thủ lĩnh nghĩa quân đang xây dựng chiến khu ở vùng núi Chóp Chài) để cùng nhau phối hợp đánh Pháp.

Dưới sự lãnh đạo của ông, lực lượng nghĩa quân ngày càng phát triển mở rộng. Năm 1886, tay sai của Pháp là Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc đem binh đóng tại đồn Lại Giang âm mưu tiến công tiêu diệt nghĩa quân.

Bùi Điền, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Sách đem quân tấn công đồn Lại Giang và Lộc Giang nhưng thất bại. Trong trận chiến này, lực lượng nghĩa quân bị thương vong nặng nề. Tay sai giặc Pháp cho người chiêu hàng Tăng Bạt Hổ nhưng không thành. 

Đến đầu năm 1887, Nguyễn Thân đem binh san bằng căn cứ Kim Sơn. May mắn thay, Tăng Bạt Hổ trốn thoát được. Sau đó, ông về phục vụ dưới trướng nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng cũng bị đánh cho tan rã.

Sang nước ngoài

Năm 1887, Tăng Bạt Hổ vượt biên giới sang Lào rồi đến Thái Lan. Ông đến 2 tỉnh Udon Thani và Korat vận động bà con Việt kiều yêu nước góp sức cứu nước. Chuyến đi sang Thái Lan của ông thành công mỹ mãn. Cơ sở cách mạng ở hai tỉnh này được củng cố và phát triển.

Sau vài tháng ở Thái Lan, Tăng Bạt Hổ tiếp tục lên đường sang Trung Quốc. Cuối năm 1887, ông hay tin Lưu Vĩnh Phúc đã về nước. Vì vậy, Tăng Bạt Hổ đã tìm gặp Lưu Vĩnh Phúc để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không thành. Lúc này, triều đình nhà Thanh suy yếu và bị ngoại bang xâu xé nên rất khó để giúp đỡ nước ta. Ngoài ra, ông cũng gặp gỡ nhân sĩ Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi của Trung Quốc. Một số sách có ghi Tăng Bạt Hổ sang Nga và phục vụ trong quân đội.

Sau đó, ông quay về nước, sống tại Hải Phòng. Ông xin làm công việc thủy thủ tàu buôn đến Nhật Bản. Lúc này, nước Nhật dưới thời kỳ Minh Trị đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, quân sự, kinh tế. Tăng Bạt Hổ học tiếng Nhật và gia nhập vào hải quân Nhật Bản.

Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, ông lập chiến công trong trận Đại Liên và Lữ Thuận. Trong buổi tiệc mừng công, đích thân thiên hoàng Minh Trị đã rót cho ông một chén rượu. Tăng Bạt Hổ nhận lấy chén rượu uống cạn và rơi lệ. Khi thiên hoàng hỏi nguyên cớ, ông đáp rằng:

Tôi vốn không phải là người Nhật mà là một người vong mạng Việt Nam. Sau khi thất bại trong việc chống Pháp, tôi trốn qua Xiêm, qua Trung Hoa rồi tới đây, may được Bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc thắng Nga, làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi mà không cầm được giọt lệ.

Bao giờ dân nước tôi mới được một bữa yến như bữa này của quý quốc.

Những chính khách Nhật Bản cảm động trước tấm lòng yêu nước của ông và hứa sẽ đào tạo nhân tài cho Việt Nam.

Quay trở về nước

Cuối năm 1904, Tăng Bạt Hổ quay trở về nước. Ông được Tiểu La Nguyễn Thành giới thiệu với Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Ông là người đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào Đông Du. Đầu năm 1905, Tăng Bạt Hổ đưa Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính sang Nhật cầu viện. 

Năm 1905, chí sĩ Tăng Bạt Hổ về nước đem theo bức thư “Khuyên thanh niên du học” của Phan Bội Châu. Từ đây, ông đi khắp nơi gặp gỡ các chí sĩ yêu nước để liên lạc và phổ biến phong trào này. Ông từng gặp gỡ Nguyễn Quyền - nhà sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Sau cuộc gặp gỡ giữa Tăng Bạt Hổ và chí sĩ Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh chính thức trở thành 2 sinh viên đầu tiên của phong trào Đông Du.

Năm 1906, chí sĩ Tăng Bạt Hổ bệnh nặng rồi qua đời trên một chiếc thuyền trên sông Hương tại Huế. Ban đầu, mộ của ông được đặt tại một gò cao ở ấp Thế Lại Thượng. Đến năm 1956, Lê Ngọc Nghị và một số hậu duệ đã cải táng di cốt Tăng Bạt Hổ tại khuôn viên khu lăng mộ của Phan Bội Châu.

Di sản và tầm ảnh hưởng

Ngày nay, nhiều con đường và trường học ở Việt Nam đã được đặt theo tên Tăng Bạt Hổ nhằm tưởng nhớ công lao của ông. Năm 2001, đền thờ Tăng Bạt Hổ được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 5.200m2, tại thôn An Thường 2, xã  n Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ đã giành cả cuộc đời để thực hiện mong muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Họ Là Ai hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông và hẹn gặp lại bạn trong những bài viết về chủ đề lịch sử tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

  • Sách “Những người con trung hiếu của quê hương đất nước”, NXB Tổng Hợp, tác giả Hải Ngọc Thái Nhân Hòa.
  • Sách "Đông Kinh Nghĩa Thục", tác giả Nguyễn Hiến Lê

TrendingTrang chủ