Tất cả chúng ta từ khi còn tấm bé, có lẽ không còn xa lạ gì với bài vè " chu chi rành rành/ cái đanh nổ lửa/ con ngựa đứt cương/ tam vương cấp kế…" "Tam vương" ở đây chính là ba vị vua Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc. Tôn Thất Thuyết là người trực tiếp tham dự vào những cuộc đổi ngôi này. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp, tài năng của ông nhé.
Xuất thân
Chân dung Tôn Thất Thuyết |
Tôn Thất Thuyết hạ sinh ngày 12/5/1839 tại Phú Mộng, xã Xuân Long thuộc thành phố Huế.
Thân phụ ông là Đề đốc Tôn Thất Đính còn thân mẫu là bà Văn Thị Thu. Cụ tổ 5 đời của Tôn Thất Thuyết là chúa Nguyễn Phúc Tần.
Sau này ông nên duyên với bà Lê Thị Thanh, cả 2 có với nhau nhiều người con. Nhưng nổi tiếng trong sử sách Việt Nam nhất có lẽ là con trai trưởng Tôn Thất Đạm và người em trai Tôn Thất Thiệp, 2 anh em đều hy sinh vì công cuộc hộ giá vua Hàm Nghi.
Sự nghiệp
Thời vua Tự Đức
Cuốn "Đại Nam thực lục chính biên" có chép về Tôn Thất Thuyết dưới góc nhìn của vua Tự Đức là người "...ít học, không thông, lại có tính nóng nảy nói càn…vốn có tính kiêu căng, hẹp hòi hay nghi ngờ…" nhưng đồng thời cũng là "tướng có uy vũ…tài trí đáng khen."
Nhờ tài năng chính trị, lại sinh ra trong gia đình quyền quý, Tôn Thất Thuyết có nhiều cơ hội thăng tiến.
Năm 1869, cụ chỉ vừa 30 tuổi đã nhậm chức Án sát tỉnh Hải Dương. Vừa bước sang tuổi 31, Tôn Thất Thuyết được sung làm Biện lý Bộ hộ.
Tháng 11 năm đó (1870), ở các tỉnh phía Bắc có bạo loạn. Ông được chuyển sang làm Tán tương, hỗ trợ Tổng thống quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm cầm quân. Bắt đầu từ chiến dịch này, ông chuyển sang hoạt động quân sự và tạo được tiếng vang nhờ tài thao lược.
Lập được nhiều công lớn với triều đình, Tôn Thất Thuyết được vua Tự Đức trọng dụng và thăng chức nhanh chóng. Ông hoạt động quân sự đến năm 1876, sức khỏe không cho phép nên xin phép được đi từ nhưng vua không đồng ý.
Ngày 19/7/1883, các đại thần tụ họp để chứng kiến ngai vàng đổi chủ. Trước khi thoái vị, Tự Đức phong cho Tôn Thất Thuyết làm Đệ tam Phụ chính đại thần để phò tá tân vương cai trị đất nước.
Thời vua Dục Đức, Hiệp Hoà
Tháng 7/1883, vua Tự Đức trước khi băng hà đã nhường ngôi lại cho hoàng tử Ưng Chân. Trong di chiếu, có một đoạn viết về thói hư tật xấu của tân quân. Quan Phụ chính Trần Tiễn Thành đã xin lên vua bỏ đoạn ấy đi nhưng không được chấp thuận. Vì thế, hoàng tử Ưng Chân mới bàn kế lúc đăng cơ thì đọc lướt đi để không ai nghe thấy.
Cũng vì kế đó mà 2 vị quan Phụ chính còn lại, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, có cớ để phế một vị hôn quân. Thế là chỉ 3 ngày sau khi ngự ngai vàng, vua Dục Đức bị giam vào ngục tối đến lúc qua đời.
Ngai vàng không thể một ngày để trống, và người được cụ Tôn chọn kế nhiệm là vua Hiệp Hoà.
Dù đã khóc lóc van xin rằng tuổi còn nhỏ, không dám nhận ngôi vị, nhưng cuối cùng vua Hiệp Hoà vẫn bị ép nằm võng thiết triều, trở thành vị vua mới của Việt Nam.
Nhưng có ngờ đâu, người đứng đầu thiên hạ kia lại là một vị vua hèn nhát. Hiệp Hoà năm lần bảy lượt nhượng bộ bọn Pháp, thoả mãn mọi yêu sách của chúng mặc kệ giang sơn xã tắc.
Sáng 20/3/1883, Thuận An thất thủ, địch nổ súng tàn phá. Vua Hiệp Hoà run sợ cử người đến xin đình chiến, cam kết sẽ rút quân khỏi sông Hương. Quyết định nghị hoà đã khiến Tôn Thất Thuyết, vốn thuộc phái chủ chiến, bất mãn, đem cờ và ngự bài binh sự trao lại rồi hậm hực lui quân.
Vua Hiệp Hoà còn phê chuẩn hiệp ước Harmand, công nhận quyền bảo hộ của kẻ thù, còn cho chúng nhúng tay vào hoạt động ngoại giao của triều đình. Đến đây, triều đình nhà Nguyễn, được điều hành bởi một tên vua hèn nhát,coi như đã đầu hàng quân xâm lược. Hành động đó đã chạm đến giới hạn của phe chủ chiến, họ quyết định trái lệnh vua để cùng nhân dân chống Pháp.
Tôn Thất Thuyết chống lại hiệp ước Harmand, lập Phấn nghĩa đội, Đoàn kiệt hội chuẩn bị chống Pháp.
Ông cùng Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường phế truất và bức tử vua Hiệp Hoà rồi đưa Kiến Phúc lên ngôi. Lúc này, phái chủ chiến như hổ mọc thêm cánh, trừ khử hết những quan lại có tư tưởng thân Phát. Vua Kiến Phúc tại vị được 9 tháng thì băng hà. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên thay.
Thời vua Hàm Nghi
Dưới thời Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã thực sự làm chủ triều chính. Ông quyết liệt đối phó với những yêu sách của Pháp, càng khiến chúng gai mắt và tìm mọi cách tiêu diệt.
Phụ Chính đại thần trái lời của viên khâm sứ De Country khi y cho đòi ông đến bàn bạc. Ông cáo bệnh nhưng đến lúc De Country sai y sĩ đến thăm thì ông không tiếp, viện cớ là không quen dùng thuốc tây.
Trong lúc đó, Tôn Thất Thuyết cho xây dựng thêm sơn phòng Tân Sở, Quảng Trị, gấp rút xây dựng lực lượng đánh Pháp trong âm thầm.
Đêm 4/7/1885, Tôn Thất Thuyết bí mật cho quân tấn công đồn Mang Cá trong lúc quân địch đang mở tiệc Liên hoan. Bị bất ngờ, chúng lúng túng như gà mắc tóc, bối rối chạy thoát thân.
Nhưng hỡi ôi, đến lúc mặt trời lên thì chúng lại chiếm thế chủ động, phản công như vũ bão. Và cuối cùng, phần thắng lại thuộc về quân địch, chúng chiếm được Hoàng thành.
Cụ Tôn hộ giá Thái hậu Từ Dũ, vua Hàm Nghi cùng hoàng thân quốc thích đi bỏ trốn.
Đến Sơn Phòng Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua ra chiếu Cần Vương, dựng lên ngọn cờ"phò vua cứu nước".
Gia đình của ông trở thành những người tiên phong, 2 con trai Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp của ông làm chỉ huy phong trào.
Tiếc thay, đến cuối năm 1888, tên phản bội Trương Quang Ngọc vì tham tiền, nghiện thuốc phiện nên đã giao nộp Hàm Nghi cho Pháp lấy 500 lượng vàng. Lúc này, Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh nhưng bất thành, ông đành tìm các đồng hương đang lưu vong rồi cố gắng liên lạc với phong trào trong nước.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về vua Hàm Nghi.
Qua đời
Nhận ra được lực lượng hạn chế của quân ta khó lòng địch nổi đội quân hùng hậu của thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết lên đường sang Trung Quốc cầu cứu. Nhưng lúc bấy giờ, nhà Thanh đã ký hiệp ước Fournier rằng sẽ không can thiệp vào tiến trình thôn tính Việt Nam của Pháp nên cũng chẳng thể giúp gì.
Dưới sức ép của Pháp, nhà Thanh trở mặt đưa ông đến Lòng Châu, rồi Thiều Châu mà không được về nước. Vì đau đớn và hiu quạnh, cụ Tôn tái giá với một bà goá bản xứ, ngày ngày ra sông chém vào đá cho hả giận.
Đến 22/9/1913, vào một đêm sương giá rét mướt tại Quảng Đông, Tôn Thất Thuyết từ trần mà không được nhắm mắt vì chưa trả được hận mất nước.
Nhân sĩ ở Quảng Châu vì thương xót và khâm phục nên viết tặng ông đôi câu đối:
Thù Tây bất cộng đái thiên, vạn cổ anh hồn quy Tượng Quận
Hộ giá biệt tầm tỉnh địa, thiên niên tàn cốt kí Long Châu
Có nghĩa là:
Thù ngoài chẳng đội trời chung, muôn thuở tiếng thơm ghi Tượng Quận;
Giúp chúa riêng tìm cõi khác, ngàn năm xương trắng gửi Long Châu.
Chuyện kể
Tam vương cấp kế
Giữa năm 1883, vua Tự Đức băng hà, Dục Đức nối ngôi. Trong lễ đăng cơ, tân vương xúi giục Phụ chính đại thần đọc lướt một đoạn kể tật xấu của mình cho không ai nghe thấy. Bị phát giác, Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường phế vua, giam vào ngục tối.
Vua Hiệp Hoà vừa lên ngôi thì tỏ ra là một bậc quân vương hèn nhát. Vì thế, ông cũng bị Tôn Thất Thuyết phế truất và bức tử.
Đời vua tiếp theo là Kiến Phúc, tạo điều kiện cho phe chủ chiến nắm chính quyền. Nhưng tại vị chưa đầy năm thì vua băng hà.
Vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, ngai vàng đổi chủ đã 3 lần. Mà trong đó 2 vị vua là do Tôn Thất Thuyết phế truất.
Cáo bệnh
Kiến Phúc băng hà, Hàm Nghi lên thay. Đại tướng Thống đốc quân sự vụ Bắc và Trung Kỳ De Country cho đòi ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đến bàn bạc về việc yết kiến vua Hàm Nghi.
Đoán biết đây chỉ là âm mưu hòng bắt giữ mình, cụ Tôn lấy cớ bị ốm không đi.
De County giận lắm, bắt ông phải nằm võng mà đến. Dù mọi cách dọa nạt quát tháo, Tôn Thất Thuyết vẫn ở nhà. Đại tướng sai y sĩ Mangin đến kiểm tra thực hư. Nhưng đến cổng thì người nhà cụ mời về, bảo rằng cụ không quen dùng thuốc Tây.
Công lao
Hoạt động quân sự
- Tháng 11 năm 1870 Tôn Thất Thuyết được bổ nhiệm làm tán dương, cùng với tổng thống quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm cầm quân đi dẹp loạn ở các tỉnh phía Bắc. Ông thể hiện tài năng quân sự vô cùng khôn khéo và nổi tiếng dần.
- Tháng 12 năm 1870, Ông đánh thắng nhóm quân phản loạn Đặng chí Hùng ở Thái Nguyên.
- Tháng 2 năm 1872 cùng với Trương Văn Bể, Tôn Thất Thuyết dẹp yên quân tàu ô ở Hải Dương
- Tháng 8 cùng năm giặc Khách ở quảng yên bị ông đánh bại
- Tháng 12 năm 1873 Tôn Thất Thuyết cùng Hoàng Tá Viêm đánh úp tại cầu giấy hà nội, giết chết Francis Garnier, tên chỉ huy quân sự của pháp.
- Tháng 7 năm 1874 ông cùng Hoàng Tá Viêm dập tắt hai cuộc nội phản của Trần Tuấn và Đặng Như Mai
- Tháng 3 năm 1875, ông đàn áp cuộc khởi nghĩa ở cổ loa đông anh.
- Tháng 9 cùng năm tại Thái Nguyên, Tôn Thất Thuyết bắt sống Hoàng Sùng Anh thủ lĩnh quân Cờ vàng
Phong trào Cần Vương
Tháng 7/1885, thực dân Pháp chiếm được kinh thành. Chúng đổ bộ vào hoàng cung cướp phá, chém giết. Hoàng thân quốc thích hoảng loạn chạy trốn dưới sự hộ giá của Tôn Thất Thuyết và anh, em ruột.
Đến Quảng Trị, Tôn Thất Thuyết trợ giúp vua Hàm Nghi soạn chiếu Cần Vương. Ông làm mọi công tác chuẩn bị, cho xây dựng sơn phòng, tích trữ quân lương, rèn đúc trang bị sẵn sàng cho cuộc chiến trường kỳ. Các quan lại thực tài được ông phân bố đến các nơi chuẩn bị khởi nghĩa. VD: Phan Đình Phùng trước kia bị đuổi về quê, nay cũng được phục hồi chức tước phong làm tán lý quân vụ, thủ lĩnh khởi nghĩa 4 tỉnh.
>> Xem bài viết chi tiết về phong trào Cần Vương.
Hàm oan
Hiện nay vẫn còn lưu truyền tích phế vua Dục Đức của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Người đời từ đó mà nhận định một cách phiến diện rằng 2 ông dùng mưu hèn kế bẩn giăng bẫy vua. Đây là một mối oan thấu trời của Tôn Thất Thuyết.
Để giải oan cho ông, GS Nguyễn Quốc Trị tìm được nhiều tài liệu, rồi nói rằng:
Ngay Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ cũng đã không được hoàn toàn trung thực khi nói rằng cả ba ông Phụ chánh đều tán thành việc bỏ bớt các câu nói không tốt về ông Dục Đức trong di chiếu khi ông này hỏi ý kiến họ. Thật vậy, ở một chỗ, sử quan nói rằng vua nối ngôi “triệu các Phụ chính đại thần, cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần Tiễn Thành bảo thế cũng ổn, còn ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đều thưa rằng: xin nhà vua quyết định. Vua nối ngôi tin là cùng bằng lòng, bèn sai sao tờ di chiếu, tự tay xóa bỏ đoạn ấy đi. Dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm.
Những tài liệu này được duyệt in dưới đời Thành Thái, con trai vua Dục Đức, nên việc lấp liếm sự thật là lẽ thường.
Vậy là ta đã rõ, cụ Tôn không hề chủ ý giăng bẫy nhà vua, mà chỉ nói vô thưởng vô phạt. Chỉ tại nhà vua hiểu lầm mà thôi.
Tưởng nhớ
Năm Tự Đức thứ 19 ( 1866), Tôn Thất Thuyết cho khởi công xây dựng phủ thờ dòng họ Tôn Thất. Sau khi ông qua đời, dòng họ lấy phủ này làm nơi thờ cúng ông. Phủ thờ này đã được nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc theo quyết định số 2754/QĐ-B.
Ngoài ra, để ghi nhớ công ơn một vị đại thần kiên cường kháng chiến, có hàng trăm đường phố trên khắp các tỉnh thành Việt Nam đã đặt theo tên của ông.
>> Có thể bạn muốn biết về Phan Đình Phùng là thủ lĩnh nổi tiếng với khởi nghĩa Hương Khê.
Tôn Thất Thuyết đã hai lần phế vua trong bốn tháng, bị coi là bất trung với triều đình. Nhưng ở thời hiện tại chúng ta đều biết đó là bất trung với vua nhưng tận trung với nước. Có lẽ bởi với ông, chỉ tồn tại một vị " vua" quyền lực hơn cả, chính là an nguy của giang sơn xã tắc, thái bình của nhân dân nước Nam.