Nước ta đã là thuộc địa của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ 19. Nền văn chương, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống, cũng phải chịu xích xiềng nô lệ. Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỉ 20 đến cách mạng tháng tám năm 1945 sẽ được chúng tôi trình bày dưới đây.
Công cuộc hiện đại hóa dân tộc
Hoàn cảnh lịch sử
Năm 1858, sau một thời gian âm mưu, thực dân Pháp nổ súng tại bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng, bắt đầu xâm lược nước ta.
Ngoài lá cờ bình đẳng, bác ái xảo trá cùng những âm mưu tàn bạo, không thể phủ nhận chúng đã đưa vào nước ta hơi thở Tây học. Cơ cấu xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các giai cấp mới xuất hiện đưa đến những nhu cầu văn hóa và thẩm mỹ mới. Và văn chương như vậy cũng sẽ phải làm mới mình theo thị hiếu.
Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến cách mạng tháng tám năm 1945 |
Xét về khía cạnh thương mại, có cầu ắt hẳn có cung. Theo sự phát triển của văn học, nghề in, nghề xuất bản, nghề làm báo theo kĩ thuật hiện đại cũng được chú trọng và phát triển khá mạnh. Nền văn học từ đó mà sôi động hơn, rộn rã hơn.
Hơi thở Tây học mà thực dân Pháp đem đến và được tầng lớp trí thức tiếp thu một cách có chọn lọc đã đưa nền văn học Việt đổi mới theo văn học phương Tây, còn gọi là nền văn học hiện đại hóa.
Quá trình hiện đại hoá từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945
Quá trình trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (từ đầu thế kỷ cho đến năm 1920): Ở giai đoạn này, chữ quốc ngữ trở nên phổ biến, đi kèm với đó là sự phát triển của báo chí và dịch thuật, khiến cho câu văn quốc ngữ cứng cáp và thuần thục. Những điều kiện cần đang dần hình thành, vì thế đây được gọi là giai đoạn chuẩn bị.
Giai đoạn thứ hai ( từ năm 1920 đến năm 1930): Hiện đại hoá văn học bước đầu đã có những thành tựu nhất định như tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách ; truyện ngắn Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học,... ; thơ Tản Đà ; kịch của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Nam Xương.... Tuy nhiên, văn học giai đoạn này vẫn còn tồn đọng nhiều dấu vết của thời kỳ cũ trong hình thức lẫn nội dung. Vì thế, đây được xem là giai đoạn quá độ.
Giai đoạn thứ ba (từ năm 1930 đến năm 1945): Về cơ bản, văn học giai đoạn này đã thực sự trở thành văn học hiện đại. Khi mà văn học đã có nhiều cuộc cách tân sâu sắc trên các thể loại vốn có, cùng với sự ra đời của 2 thể loại mới là phóng sự và phê bình văn học, nền văn hóa của chúng ta đã thực sự chuyển mình.
Văn học phát triển mau chóng
Nguyên nhân
Sự chuyển biến xã hội đòi hỏi văn chương phải cải biến, yêu cầu của thời đại hối thúc văn chương.
Tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc ta cùng truyền thống nhân đạo là tiền đề, tạo cảm hứng cho văn học phát triển.
Bộ phận trí thức Tây học đã thức tỉnh và mong muốn đóng góp cho đất nước. Với khả năng, họ hoạt động mạnh mẽ ở địa hạt văn chương, gìn giữ và phát triển tiếng Việt để bày tỏ lòng biết ơn với di sản cha ông ta để lại.
Viết lách ở thời kỳ này đã có thể coi là một nghề kiếm sống tuy chật vật. Chính điều đó kích thích sự đóng góp của các tác giả.
Kết quả
Văn học thời kỳ đầu thế kỷ 20 đến 1945, đặc biệt là giai đoạn 3 (1930-1945) có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng. Sự ra đời của các thể loại văn học mới, sự xuất hiện của tác giả mới kéo theo các tác phẩm mới, phá bỏ thành công những lối mòn cũ trong các thể loại văn học trước đây. Đặc biệt là sự khởi phát của phong trào Thơ Mới với những cái tên nổi bật, đề cao cái tôi cá nhân.
Văn học phân hóa thành nhiều bộ phận
Văn học bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan là quan điểm nghệ thuật, khuynh hướng thẩm mỹ của tác giả và độc giả và yếu tố khách quan, mà cụ thể ở thời kỳ này là yếu tố chính trị. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể về các bộ phận văn học qua sơ đồ dưới đây:
Về đặc điểm:
Văn học công khai: Là bộ phận văn học được lưu hành rộng rãi mà không bị thực dân cấm đoán. Bộ phận này dễ tiếp cận với đọc giả, tuy nhiên không thể trực tiếp đả kích thực dân Pháp và thể hiện lòng yêu nước. Gồm 2 xu hướng với các thể loại khác nhau. Xu hướng lãng mạn chủ nghĩa đề cao cái tôi cá nhân, thể hiện nỗi chán nản với thời cuộc, phù hợp với văn xuôi và thơ trữ tình. Xu hướng hiện thực chủ nghĩa phơi bày mặt tối của xã hội, soi vào cái thực tiễn khách quan để lột tả, phù hợp với tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự.
Văn học không công khai: Đây là sản phẩm của các nhà văn-chiến sĩ. Với họ, thơ văn là một thứ vũ khí chiến đấu, phương tiện biểu đạt trực tiếp lòng yêu nước và kêu gọi cứu nước. Gồm văn học phát triển bất hợp pháp và nửa hợp pháp. Vì không được phát triển công khai, bộ phận văn học này không có cơ hội gọt dũa nhiều về mặt hình thức. Về nội dung chủ đạo, các tác phẩm xây dựng nên một hình tượng người lính cao đẹp, kiêu hùng, bày tỏ lòng căm thù bọn cướp nước và tôn vinh lý tưởng cộng sản.
Thành tựu nổi bật
Về nội dung, tư tưởng
Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 chắt lọc, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc,đồng thời mang theo hơi thở của thời đại: tinh thần dân chủ
Về tinh thần yêu nước, ái quốc đã không còn gắn liền với trung quân nữa, thay vào đó là lấy dân làm gốc, chủ nghĩa yêu nước đi liền với chủ nghĩa xã hội. Trong bộ phận văn học hợp pháp, tinh thần yêu nước không thể hiện trực tiếp và mạnh mẽ mà được bao hàm trong tình yêu "hồn Việt". Nghĩa là tiếng Việt, phong tục tập quán, truyền thống của người Việt,...
Về tinh thần nhân đạo, văn học đã có một cái nhìn bao quát hơn, hướng ngòi bút về phía những mảnh đời bất hạnh, tối tăm. Chủ nghĩa nhân đạo dựa trên tinh thần dân chủ, cái tôi cá nhân được nhận thức đúng đắn.
Về ngôn ngữ, thể loại
Văn học thời kỳ này trải qua nhiều cuộc cách tân về phương diện thể loại và ngôn ngữ.
Tiểu thuyết:
Phát triển thần tốc cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ..
Loại bỏ hoàn toàn lối vay mượn cốt truyện từ Trung Quốc, hình thức thì cách tân so với tiểu thuyết chương hồi.
Chú trọng về miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật thay vì xây dựng cốt truyện ly kỳ.
Sự xuất hiện của Tự lực văn đoàn là một bước tiến cho thể loại này. Tính cách nhân vật là trung tâm, thời gian, không gian được khai thác khá triệt để. Tuy nhiên lại có phần sáo rỗng và xa rời thực tế.
Các tiểu thuyết gia tiêu biểu là Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng,...
Truyện ngắn:
Đây là thể loại được đẩy đến trình độ nghệ thuật cao với sự phát triển mạnh mẽ.
Tiệm cận với các thành tựu truyện ngắn của thế giới.
Làm sống dậy một hồn quê đậm nét Việt Nam, chất thơ thấm đẫm trong văn xuôi; cũng có những truyện ngắn để lại giá trị sâu sắc, tính khái quát cao.
Các tác giả tiêu biểu là Thạch Lam, Tô Hoài, Kim Lân, Nam Cao,...
Phóng sự: Đây là thể loại mới, ra đời vào đầu những năm 1930. Phóng sự là một thể loại báo chí, mang tính tư liệu và xã hội. Tiêu biểu là "Ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng. Bên cạnh đó còn có Tam Lang, Ngô Tất Tố, Lê Văn Hiển,...
Bút ký, tùy bút: Đây là thể loại phát triển và là dấu ấn của nhà văn Nguyễn Tuân. Ngoài ra còn một số nhà văn không chuyên nhưng cũng để lại một số tác phẩm nổi bật như Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Cuộc sống của Nguyên Hồng,...
Kịch nói: Sinh sau đẻ muộn, thể loại này chưa có đột phá về cả số lượng lẫn chất lượng.
Thơ ca: Đây có thể xem là thể loại phát triển rực rỡ nhất với một phong trào Thơ Mới nổi tiếng. Ở thời kỳ này, thơ ca đã bỏ đi gần như hoàn toàn tính quy phạm, ước lệ của thời kỳ cũ.
Phong trào Thơ Mới đã xuất hiện những tên tuổi lớn như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ.
Ngoài ra, khía cạnh thơ trong tù, thơ ca cách mạng cũng là dấu ấn của thời kỳ này. Tiêu biểu nhất là tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh và tập thơ Từ ấy của Tố Hữu.
>> Có thể bạn muốn biết thêm bài viết liên quan Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ 20.
Vậy là chúng ta đã đi qua một thời kỳ lịch sử của văn học với những đặc điểm vô cùng nổi bật và đặc trưng. Hy vọng bài viết có thể cung cấp tư liệu có ích cho các em học sinh nói riêng và những người có niềm yêu thích văn học nói chung.