Tác giả Nguyễn Trãi - Tóm tắt, thuyết minh và góc nhìn mới

Nguyễn Minh Khánh
tháng 6 05, 2023
Last Updated

 Tác giả Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng. Cuộc đời của ông gắn liền với câu chuyện đời tư gây tranh cãi, tác phẩm được xem như bản tuyên ngôn thứ hai của Việt Nam. Sau đây, chúng tôi sẽ thuyết minh về Nguyễn Trãi, đưa ra những nhận định về ông từ góc nhìn thời đại mới.

Tóm tắt tiểu sử

chân dung tác giả Nguyễn Trãi


Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, là một danh nhân văn hóa lỗi lạc của Việt Nam. Ông đã có đóng góp rất lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đứng lên thoát khỏi ách đô hộ nhà Minh phương Bắc. Sau khi giành được thắng lợi, ông là một vị công thần đắc lực của triều đình Hậu Lê. Nguyễn Trãi là người viết nên bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam với bài thơ "Bình Ngô đại cáo". UNESCO ghi nhận ông là "Danh nhân văn hóa của thế giới". Tại Việt Nam, tên tuổi của ông được biết đến như một vị đại thi hào kiệt xuất.

Gia đình và xuất thân

Nguyễn Trãi không phải sinh ra trong cảnh nghèo khó. Nguyên quán của ông ở kinh thành Thăng Long. Mẹ ông là bà Trần Thị Thái, con gái của một vị quan Đại tư đồ tên Trần Nguyên Đán. Còn thân phụ ông chính là Nguyễn Phi Khanh, làm quan cùng thời với con trai và giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư, đảm nhiệm luôn việc Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, sau đó ít lâu ông ngoại cũng qua đời. Nguyễn Phi Khanh đành đưa con trai về nuôi nấng ở quê nội, là làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc (ngày nay là Thường Tín, Hà Nội)

Lúc bấy giờ, nhà Trần nói riêng và chế độ phong kiến nói chung đã đến hồi mục rỗng. Để rồi Hồ Quý Ly lật đổ Trần triều, lập nên nhà nước Đại Ngu. Trong những chính sách của Hồ vương, có rất nhiều chính sách tiến bộ và đúng đắn, trong đó có việc duy trì tuyển chọn người tài bằng hình thức thi cử. Ngay trong khoa thi đầu tiên của nhà Hồ, được mở ra sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Nguyễn Trãi đã đỗ tiến sĩ, còn cha ông đỗ Bảng nhãn. Vậy là chỉ mới 20 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm Ngự sử đài chánh chưởng.

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi

Trước khi chủ tịch Hồ Chí Minh đáng kính đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, đất nước ta cũng đã có một lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền dân tộc. Đó chính là "Bình Ngô đại cáo", một tác phẩm bất diệt của Nguyễn Trãi. Bên cạnh việc là một nhà quân sự, nhà thơ xuất chúng, ông còn được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. 

Nguyễn Trãi ra đời năm 1380 trong một gia đình có truyền thống học hành, cha ông là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Đại tư đồ. Tuy vắng bàn tay chăm sóc yêu thương của mẹ từ nhỏ, nhưng ông đã cùng cha nấu sử sôi kinh vô cùng chăm chỉ. Cha ông vốn đã đỗ Thái học sinh, nay vừa ôn luyện chờ thời, lại dìu dắt con trai trên con đường học thức. 

Trời chẳng phụ lòng người, năm 1400, sau khi lật đổ nhà Trần, Hồ Quý Ly tức tốc mở khoa thi tuyển chọn người tài. Ông cùng phụ thân tham gia và đều đỗ đạt cao. Cả 2 được vua Hồ trọng dụng và tin tưởng giao phó nhiều chức vụ quan trọng.

Đại Việt chưa bao giờ thoát khỏi lòng tham muốn thuộc địa của Trung Hoa, và năm 1406, đạo quân hùng mạnh của nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly lên ngôi bất chính nên đổ bộ vào nước ta cướp phá, chém giết. Vua Hồ cùng quan quân nổi dậy khởi nghĩa nhưng bị đàn áp và tan rã. Chính trong vụ việc lần này mà Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi muôn vàn xót thương, xin được đi theo để hầu hạ cha. Nhưng ông Khanh khuyên con ở lại, tìm cơ hội mà báo thù cho cha mới là tận hiếu, chứ khóc lóc ỉ ôi phỏng có được gì. Nguyễn Trãi đành vâng lời, ngậm ngùi nói lời từ biệt tại ải Nam Quan mà đâu biết rằng, đó là lần cuối cùng ông được nhìn mặt cha.

Suốt 10 năm dài đằng đẵng, Nguyễn Trãi trải qua nhiều biến cố suýt mất mạng, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ nước thương nòi. Khi nghĩa quân Lam Sơn nổi lên như vũ bão, ông trốn khỏi nhà giam lỏng của quân bạo tàn mà về dưới trướng Lê Lợi. Nguyễn Trãi tin tưởng trao cho chủ tướng Lê Lợi Bình Ngô sách, mưu lược đánh dẹp quân Minh xâm lược. Nhìn thấy được cái đức cái tài của ông, Lê Lợi giữ ông lại bên mình làm quân sư, và từ đó, như hổ mọc thêm cánh, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi oanh liệt. 

Cuối năm 1427 đầu năm 1428, đất nước yên bóng giặc Mình, một triều đại mới được lập nên - triều Hậu Lê. Thừa lệnh vua, Nguyễn Trãi soạn Bình Ngô Đại cáo, một tuyệt tác được lưu truyền ngàn đời, mang trong mình ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa chính trị to lớn. Ngày nay, chúng ta vẫn trân trọng gọi đó là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước Việt Nam.

Tiếc thay, nhà Hậu Lê được dựng nên không lâu thì thiên tử băng hà. Triều đình vì đó mà nhũng loạn sâu sắc, các vị lập quốc bị nghi ngờ và thất sủng. Nguyễn Trãi cũng không được trọng dụng đúng mực nên đâm ra chán nản, xin trả mũ áo về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm ấy là 1438, trong thời gian này ông sáng tác "Côn Sơn ca".

Tài năng của ông không chỉ trên chiến trường quân sự, mà còn ở nhiều lĩnh vực xã hội khác nữa. Ông là nhà sử lược viết nên "Lam Sơn thực lục", nhà địa lý với "Dư địa chí". "Quốc trung từ mệnh tập " là tổng hợp những lá thư mà Nguyễn Trãi cùng chủ tướng Lê Lợi gửi cho nhà 

Minh, qua đó chứng tỏ tài ngoại giao khôn khéo. Đặc biệt, thành tựu của ông trên thi đàn là nổi tiếng nhất. "Quốc  m thi tập" và "Ức Trai thi tập" do Nguyễn Trãi sáng tác là những ngôi sao sáng trên bầu trời ca văn Việt Nam. "Quốc  m thi tập" được sáng tác bằng chữ Nôm, một mốc son chói lọi cho thứ ngôn ngữ được xem là mới mẻ lúc bấy giờ trong hàng ngàn dặm văn chương chữ Hán đương thời. 

Văn chương cũng như chiến lược quân sự của ông đều toát lên rất rõ tư tưởng nhân nghĩa. Ông lấy dân làm gốc, muốn đánh được giặc thì phải đánh vào lòng người. Từ đó có thể thấy Nguyễn Trãi là người cấp tiến với những tư tưởng tiến bộ đúng đắn.

Chính vì những đóng góp to lớn ấy, Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, một danh hiệu cao quý tầm cỡ quốc tế.

Hỡi ôi, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, thảm án Lệ Chi Viên bỗng từ đâu rơi xuống, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đầy thăng trầm của Ức Trai.

Năm 1440, quân vương Lê Thái Tông có ý mời ông quay về phục vụ triều đình. Một lần nữa được tin dùng, Nguyễn Trãi mừng lắm. Ông vào hoàng cung, nhậm chức Thừa Chỉ, còn người vợ thứ 3 là Nguyễn Thị Lộ vì tư dung xinh đẹp, lại có tài văn chương nên được giữ chức Lễ nghi học sĩ. Cả 2 đều được vua yêu quý, tin tưởng.

Năm 1442, đức vua đi tuần tra và duyệt quân ở Hải Dương. Đêm hôm ấy, Nguyễn Trãi mời vua về tư gia của mình thời còn ở ẩn nghỉ ngơi. Rồi ông cho bà Lộ ở lại hầu hạ đấng minh quân. Đêm 5 canh, Lê Thánh Tông mải vui vẻ cùng vợ Nguyễn Trãi mà chẳng chợp mắt, đến sáng ra thì băng hà.

Trăm quan nén nỗi xót thương, bí mật đưa vừa về cung an táng. Thái tử Lê Bang Cơ, lúc ấy mới 2 tuổi, nối ngôi và lấy hiệu là Lê Nhân Tông. Nguyễn Thị Lộ bị khép tội giết vua, cùng chồng là Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Ba đời nhà Nguyễn Trãi chẳng còn thấy ánh sáng, nhiều thơ văn, sáng tác của ông bị quan quân Hậu Lê tiêu hủy. Vua qua đời ở tại vườn vải (lệ chi), nên hậu thế gọi đó là vụ án Lệ Chi viên.

Nỗi oan thấu trời xanh ấy đã không được giải quyết. Và có lẽ Nguyễn Trãi trong mắt hậu thế sẽ mãi là kẻ tội đồ nếu năm 1464, Lê Thánh Tông không rửa oan cho ông. Vị minh quân còn truy tặng ông tước Tán Trù bá, phong người con trai duy nhất còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ làm chức Đồng Tri châu. Không chỉ có thế, Lê Thánh Tông còn cho tìm kiếm, sưu tầm lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi lúc sinh thời. Nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có đầy đủ tư liệu về vị danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc.

Với vô vàn thành tựu trên rất nhiều lĩnh vực, quả thật không sai khi hậu thế ca ngợi Nguyễn Trãi là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc kiệt xuất của nước nhà. Một tấm lòng yêu nước sâu nặng, một tư tưởng nhân nghĩa cấp tiến và rất nhiều di sản cho dân tộc, không lý nào Nguyễn Trãi lại không xứng đáng được tôn vinh.

( Phần thuyết minh này đã bao gồm cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Nguyễn Trãi )

>> Xem bài viết chi tiết về vụ án Lệ Chi Viên.

Góc nhìn của thời đại

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói về Nguyễn Trãi rằng:

Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu"; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, "yếu đánh mạnh ít địch nhiều... thắng hung tàn bằng đại nghĩa"; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao... Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta. 

Hay những bộ chính sử của Việt Nam cũng đã hết lời khen ngợi cho tài đức vẹn toàn.

Bên cạnh con người, sự ra đi của ông đến tận ngày nay vẫn còn là một uẩn khúc gây tranh cãi.

Vua Tự Đức gay gắt phê bình: 

Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. Trãi nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón trước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền?

Hậu thế lại có cái nhìn đa chiều hơn, chia làm 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến, xuất phát từ tác phẩm "Nhìn lại lịch sử" cho rằng vợ thứ của vua, bà Nguyễn Thị Ánh, mới chính là hung thủ thật sự. Các tác giả suy đoán từ các chứng cứ lịch sử rằng Thái tử Bang Cơ không phải con vua. Mẹ của ông sợ bí mật bại lộ, ngôi vàng sẽ không giữ được nên ra sức che giấu. Và một trong những nỗ lực đó là hạ sát vua. Do có tư thù trước đó mà vợ chồng Nguyễn Trãi trở thành con tốt thí trong ván cờ chính trị này.

Giả thiết này đối với nhà sử học Vũ Thị Thường là không thuyết phục. Bà đưa ra nhiều lập luận sắc bén, rằng vị thế của Thái tử Bang Cơ đang vô cùng vững chắc khi mẹ của Tư Thành chỉ là một Tiệp dư nhỏ bé, còn vợ chồng Nguyễn Trãi cũng chẳng có tiếng nói trong triều. Vì thế, Nguyễn Thị Anh chẳng có động cơ gì để gây án. Vả lại, giết vua đâu phải chuyện dễ, nhất là với một minh quân tự mình cai trị của quốc gia từ khi 11 tuổi. Vua Lê Thái Tông chẳng qua là đột ngột từ trần và Nguyễn Trãi không may mà chịu án oan.

Chúng tôi chẳng dám lậm bàn rằng ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai, chỉ tiếc là y học lúc đó quá non nớt, không thể xét nghiệm tử thi mà đưa ra một kết luận xác đáng. Để người đời sau mỗi lần nhắc đến cứ phải nhỏ lệ xót thương.

Đến lúc này, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ, thảm án Lệ Chi viên đã, đang và sẽ là một câu hỏi chưa có lời giải.

Tưởng nhớ 

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có 2 đền thờ chính:

  • Một đền ở tại quê nội của ông là Nhị Khê, Hà Nội, được khởi công sau khi vua Lê Thánh Tông minh oan cho ông. Trong đền cất giữ nhiều vật quý, trong đó có bức tranh lụa chân dung Nguyễn Trãi và nhiều bức hoành phi vẽ lại công trạng của ông. Sinh nhật lần thứ 600 của ông, đền được tu sửa, xuất hiện thêm phòng trưng bày và tượng đài Nguyễn Trãi. Tháng 1 năm 1964, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
  • Đền thờ thứ 2 ở Côn Sơn, Hải Dương, khánh thành năm 2002. Chỉ một năm sau, nơi đây được ghi nhận là Di tích nghệ thuật kiến trúc nhờ vào lối trang trí mô phỏng phong cách Lê và Nguyễn. 

Ngoài những đền thờ lớn đó, 2 nạn nhân oan ức của vụ án trong vườn vải cũng được thờ tự ở làng Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai và ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Nhà nước Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, đã tổ chức nhiều lễ hội vinh danh Nguyễn Trãi.

Trong văn hóa đại chúng

Văn hóa nói chung được chia ra làm 3 lĩnh vực chính, đó là đời sống, giáo dục và nghệ thuật. Và ở cả 3 lĩnh vực này, hậu thế đều có những sản phẩm tôn vinh Nguyễn Trãi.

Trong đời sống, chúng ta có thể bắt gặp các con đường mang tên vị anh hùng dân tộc này ở khắp các địa phương trên mọi miền tổ quốc. Hay các công trình kiến trúc khác như trường học,... cũng mang tên Nguyễn Trãi.

Về giáo dục, tất cả học sinh trong chương trình Ngữ văn và Lịch sử phổ thông đều được giảng dạy về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Các tác phẩm bất hủ của ông như "Côn Sơn ca" hay "Bình Ngô Đại cáo" được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn cho thế hệ sau học tập.

Nhưng lĩnh vực nhiều tác phẩm về danh nhân Nguyễn Trãi nhiều hơn cả phải kể đến lĩnh vực nghệ thuật. 

Về kịch, chúng ta có "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" của Nguyễn Đình Thi hay "Bí mật vườn Lệ Chi do NSƯT Hữu Châu thủ vai Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó còn có bộ phim "Thiên mệnh anh hùng" được đạo diễn bởi bàn tay của Victor Vũ.

Trên văn đàn chúng ta có tiểu thuyết Vạn xuân của tác giả Yveline Feray hay bài thơ Đêm Côn Sơn của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đặc biệt phải kể đến bộ tiểu thuyết Nguyễn Trãi của Bùi Anh Tấn.

>> Bạn có muốn biết thêm về tác giả Nguyễn Du với những tác phẩm bất hủ không? Xem bài viết tác giả Nguyễn Du.

Vậy là, chúng tôi đã giới thiệu đến độc giả một vị danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc, tác giả Nguyễn Trãi. Một con người toàn tài và thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa. Hy vọng rằng, quý độc giả có thể rút ra cho mình một cái nhìn riêng về ông.

TrendingTrang chủ