Công thần lập quốc Nguyễn Trãi thời Lê nổi danh bới những công lao oanh liệt. Thế nhưng, vụ án Lệ Chi viên đã kết thúc với kết quả gia tộc danh nhân Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giải mã nhưng bí ẩn, tình tiết bí ẩn xoay quanh vụ án oan mang tầm cỡ thế kỷ này.
Lệ Chi viên là gì? Ở đâu?
Lệ Chi Viên là tên một vụ án oan xảy ra trong vườn vải trong thế kỷ 15 đã dẫn đến cái chết của vua Lê Thái Tông. Sau đó, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng vợ lẻ là Nguyễn Thị Lộ bị kết tội giết vua.
Vụ án Lệ Chi Viên |
Lệ Chi Viên ở đâu? Hiện nay, Lệ Chi Viên nằm trong khu di tích Lệ Chi Viên thuộc thôn Đại Lai, xã Gia Bình, cách Bắc Ninh 30 km.
Tóm tắt vụ án Lệ Chi Viên
Năm 1440, sau một thời gian ở ẩn, Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông mời về lại hoàng cung. Một lần nữa được tin tưởng và phục vụ triều đình, Nguyễn Trãi vội vã đồng ý, nhậm chức Thừa chỉ. Người vợ lẽ của ông, bà Nguyễn Thị Lộ nhờ xinh đẹp giỏi giang mà cũng được vua yêu quý, cho giữ chức Lễ nghi nữ học sĩ, tự do ra vào cung cấm dạy dỗ cung nhân. Vua đặc biệt yêu quý bà Lộ, để bà hầu hạ đêm ngày.
Tháng 8 năm 1442, đức vua đi tuần tra và duyệt quân ở Chí Linh, Hải Dương, sau đó vãn cảnh ở Côn Sơn - nơi Thừa chỉ Nguyễn Trãi sinh sống một thời gian. Đêm ấy, ông mời vừa dừng chân nghỉ ngơi tại tư gia. Ông còn cho bà Nguyễn Thị Lộ vào hầu hạ hoàng đế. Sáng hôm sau vua Lê Thái Tông băng hà, đoàn hộ giá đưa ngài về kinh đô an táng.
Thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi lúc mới 2 tuổi, nên thân mẫu Nguyễn Thị Anh nắm chính sự. Bà bắt tội vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua, kết án 'tru di tam tộc'.
Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư có chép:
Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem và cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua…
Chi tiết vụ án
Đầu năm 1440, Hoàng tử Nghi Dân lên ngôi Thái tử, mẹ của ông, Vương Thị Bí được phong làm Thần phi. Đến cuối năm, bà Nguyễn Thị Anh thụ thai. Điều đó khiến nội bộ hậu cung rối loạn, xung đột xảy ra giữa các phi tần và cả cung nữ. Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ tâu lên vua giải quyết vấn đề này bằng cách thay thế và bắt giam những cung nhân gây rối nhưng không thành.
Tháng 6 năm 1441, Lê Bang Cơ ra đời. Cuối năm đó, ngôi vị Thái tử về tay hoàng nam của Nguyễn Thị Anh, Nghi Dân bị phế xuống làm Lạng Sơn vương. Đồng thời, Vương Thị Bí bị giáng xuống làm thứ phụ, chức Thần phi được thay thế bởi thân mẫu Thái tử.
Vừa được sủng ái chưa bao lâu, ngôi vị của mẹ con Thần phi đã lung lay. Một cung phi khác tên là Ngô Thị Ngọc Dao nằm mộng thấy Tiên Đồng hạ phàm làm con trai mình. Tin đồn lan nhanh hơn lửa cháy, chẳng mấy chốc mối hoạ đến tai Nguyễn Thị Anh. Bà ta gièm pha với đấng minh quân, hòng tìm cách đưa Ngọc Dao phi tần đi đày thật xa. Thừa chỉ Nguyễn Trãi can thiệp, khuyên ngăn phải trái khiến vua đồng tình, chỉ trục xuất bà Ngọc Dao đến sống ở một ngôi chùa ngoài hoàng thành. Nguyễn Trãi vẫn âm thầm giúp đỡ, đưa bà đến vùng Thái Bình lánh nạn.
Từ 2 vụ việc trong lúc tranh chấp ngôi Thái tử, bà Nguyễn Thị Anh bắt đầu có tư thù với vợ chồng Nguyễn Trãi.
Tháng 7 năm 1442, Ngô Thị Ngọc Dao hạ sinh hoàng tử Lê Tư Thành. Vua mừng rỡ, cho đón 2 mẹ con về cung trong sự lo lắng của Thần phi Nguyễn Thị Anh. Bà ta lại càng căm hờn Nguyễn Trãi hơn nữa.
Ngày 4 tháng 8 âm lịch năm đó, vua đi duyệt binh về qua đêm tại nhà Thừa chỉ thì băng hà.
Tất cả mọi người đều tin rằng Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi thông đồng giết vua, xử tội tru di cả họ. Người kế vị lúc đó chỉ mới 2 tuổi, Tuyên Từ thái hậu (Nguyễn Thị Anh) buông rèm nhiếp chính càng khiến bản án được thúc tiến.
Kết cục đẫm máu
Vụ án Lệ Chi viên, một âm mưu tàn độc vì tranh giành ngôi vị chốn cung đình, đã để lại hậu quả gì ?
Tru di tam tộc là một bản án nhẫn tâm và nặng nề bậc nhất thời phong kiến, chỉ áp dụng cho những tội nhân đặc biệt nghiêm trọng. Bản án đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trong gia tộc Nguyễn Trãi. Những người còn sống sót phải trốn chui trốn lủi suốt đời. Gia phả họ Nguyễn đã thấm máu của hơn 400 người, trong đó có Nguyễn Trãi. Có thể nói, vì Nguyễn Trãi lấy Nguyễn Thị Lộ mà cả gia tộc diệt vong.
Tượng Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi |
Vậy còn Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ? Bà cũng không thoát khỏi cái chết, nhưng là một cái chết từ từ và đau đớn hơn. Người phụ nữ chịu tiếng 'rắn thành tinh' ấy bị dìm chết ở sông Hồng.
Còn vua Lê Thái Tông tuy không phải là nạn nhân trực tiếp của vụ án vườn vải, thế nhưng cũng đã băng hà dẫn đến thảm kịch này. Vì thế có thể coi như ngài cũng là một nạn nhân của chuyện chính trị.
Những bí ẩn chưa có lời giải
Bí ẩn to lớn nhất trong sự việc này là nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông. Liệu đấng minh quân có thật sự qua đời vì bị bà Nguyễn Thị Lộ hạ sát ?
Thủa ấy, có một câu chuyện được truyền miệng như sau: Ông Nguyễn Phi Khanh đêm nọ nằm mộng thấy một người đàn bà, dắt díu theo 3 đứa con nhỏ đến quỳ trước mặt, khẩn khoản xin: "Xin ông thư thả cho ít hôm, chờ đám con tôi cứng cáp rồi sẽ tự khắc chuyển nhà đi nơi khác." Ông mủi lòng xót thương mà đồng ý.
Tỉnh giấc, ông chả hiểu chuyện gì nên cũng quên đi giấc mơ ấy. Ngờ đâu đến chiều, đám học trò làm cỏ khoe rằng giết được 3 con rắn con, rắn mẹ bò đi mất. Ông Khanh hiểu ra thì đã muộn, lời hứa cứu giúp mẹ con nhà rắn đã không giữ được.
Một hôm ông đọc sách, có con rắn bò lên xà nhà nhỏ xuống một giọt máu đen, thấm ngay chữ tộc, qua 3 trang giấy. Đó là điềm báo không lành cho kết cục của dòng họ ông.
Ít lâu sau, con rắn đầu thai làm ái nữ của một thầy thuốc, lấy tên là Nguyễn Thị Lộ. Điềm báo từ đời trước sắp thành sự thật.
Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là câu chuyện truyền miệng không đáng tin. Nó chỉ được dựng lên để làm tăng tính huyền sử và đổ tội cho bà Nguyễn Thị Lộ mà thôi.
Thế kỷ 19, các nhà sử học triều Nguyễn qua tác phẩm "Khâm định Việt Sử thông giám cương mục" đã chỉ ra rằng vua Lê Thái Tông băng hà do bạo bệnh. Và nhiều nguồn chúng tôi tiếp cận được đều thống nhất đó là bệnh sốt rét. Trước khi vua băng hà, bên cạnh ngài còn có Thiếu úy Trịnh Khả hầu thuốc suốt đêm, nghi vấn về Nguyễn Thị Lộ được dẹp bỏ.
Vậy Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ có thật sự bị oan ?
Chính vua Lê Nhân Tông (Bang Cơ lúc lớn) sau khi đọc sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng đã công nhận tài năng và khí tiết của ông, than rằng ông vì một người đàn bà mà phải chịu oan ức. Vua Lê Thánh Tông năm 1464 cũng đã rửa oan cho ông , truy tặng tước hiệu cho con cháu còn sống sót.
Nhưng có một nhân vật nữa chưa được đề cập đến, đó là bà Nguyễn Thị Lộ. Vậy thật sự có phải bà đã giết vua ? Chúng ta hãy cùng đi tìm hung thủ của án oan vườn vải nhé.
Hành trình truy tìm hung thủ
Về vụ án Lệ Chi viên, có 3 bộ chính sử nổi tiếng đề cập đến. Đó là Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí.
Hai bộ chính sử đầu tiên đều đồng ý với giả thuyết vua mắc bệnh nặng, tuy đã tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Chỉ riêng Lịch triều hiến chương loại chí viết:
Năm 1442, Nguyễn Trãi 63 tuổi, vợ Nguyễn Trãi là Thị Lộ, vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ.
Thế nhưng việc kết tội đó rất thiếu cơ sở khi không chỉ ra được động cơ gây án của Lễ nghi học sĩ.
Vào năm 1980, UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới. Từ đó, các nghiên cứu về ông và vợ có điều kiện để được công bố. Trong "Hội thảo khoa học về lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ” tổ chức năm 2002 tại Hà Nội, kết luận cuối cùng là bà Nguyễn Thị Lộ vô tội, cái chết của bà cũng oan ức không kém chồng. Kết luận của triều đình lúc đó bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tư duy phong kiến, vốn đầy rẫy định kiến với người phụ nữ và lý thuyết dòng tộc thịnh trị, dẫn đến bản án vô lý "một người làm, cả họ phải chịu."
Ai là thủ phạm trong vụ án lệ chi viên?
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thủ phạm thật sự là bà Thần phi Nguyễn Thị Anh. Bà ta vốn đã nuôi lòng căm ghét vợ chồng Thừa chỉ Nguyễn Trãi nên luôn chờ thời cơ để tiêu diệt.
Vả lại lúc bấy giờ, xuất thân của Thái tử Bang Cơ đang là một nghi vấn. Có nhiều đồn đoán rằng Nguyễn Thị Anh đã mang thai trước khi tiến cung, Bang Cơ là con của một người khác không phải vua. Nhất là khi Thần phi mang thai 6 tháng đã sinh quý tử, làn sóng nghi ngờ càng mạnh mẽ.
Để dập tắt ngọn sóng, nhân lúc Lê Bang Cơ còn làm Thái tử, bà ta ra tay giết vua để con trai lên ngôi. Sau đó, bà ta đổ hết tội trạng cho vợ chồng Nguyễn Trãi, thế là một mũi tên trúng 2 đích.
Chúng tôi không dám lậm bàn về việc giết vua, chỉ dám suy đoán bà Nguyễn Thị Anh đã lợi dụng việc vua băng hà, có thể là do nguyên nhân khách quan, để đổ tội cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Trong văn hóa đại chúng
Một tấn bi kịch nổi danh như vậy, ắt hẳn đã trở thành đề tài hấp dẫn trong các tác phẩm nghệ thuật
Ngoài lĩnh vực văn học, có thể kể đến sân khấu cải lương Rạng ngọc Côn Sơn hay sân khấu chèo Oan khuất một thời lấy cảm hứng từ sự việc này.
Đặc biệt phải kể đến vở kịch Bí mật Lệ Chi viên của sân khấu kịch IDECAF đã đem về 3 giải Mai vàng cho NSƯT Thành Lộc (đạo diễn sân khấu), NSƯT Hữu Châu (vai Nguyễn Trãi) và NSƯT Thanh Thủy (vai Nguyễn Thị Anh).
>> Có thể bạn muốn biết thêm về bài viết liên quan về tác giả Nguyễn Trãi.
Họ Là Ai vừa gửi đến bạn thông tin vụ án Lệ Chi Viên và những tình tiết thú vị xoay quanh vụ án này. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn và mong rằng bạn sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi bằng cách đón xem các bài viết tiếp theo trong chủ đề lịch sử.
Tài liệu tham khảo:
- Sách Lịch triều hiến chương loại chí.
- Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư.