Trong lịch sử Việt Nam, tên tuổi Lê Lợi đã trở thành huyền thoại nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về cuộc đời của ông. Con đường giải phóng Đại Việt mà Lê Lợi đã đi qua là bài học quý giá về lòng dũng cảm, kiên nhẫn. Hãy cùng chúng tôi khám phá cuộc đời, công lao của vua Lê Thái Tổ qua bài viết sau đây.
Bài viết này có sẵn ngôn ngữ tiếng Anh.
Tóm tắt tiểu sử Lê Lợi
Dưới đây, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc bản tóm tắt tiểu sử Lê Lợi theo niên sử:
- Năm 1385, Lê Lợi sinh ra tại làng Lam Giang (Lam Sơn), nay là Thanh Hóa, trong một gia đình hào trưởng.
- Năm 1416, Lê Lợi mở hội thề Lũng Nhai tuyên bố cùng các anh hùng hào kiệt đánh quân Minh cứu nước.
- Ngày 2 tháng 1 năm 1418, Lê Lợi và các hào kiệt chính thức phất cờ khởi nghĩa chống lại quân Minh. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra.
- Từ năm 1418 -1423, quân Lam Sơn hoạt động chủ yếu ở vùng núi Thanh Hóa. Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn gặp nhiều khó khăn về lương thực và thường xuyên bị quân Minh đánh bại.
- Năm 1424, Lê Lợi mở cuộc tấn công đánh vào Nghệ An, Thuận Hóa và giành chiến thắng, Sau đó, nghĩa quân tiến đến giải phóng Thanh Hóa.
- Năm 1426, quân Lam Sơn làm chủ vùng đất từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa. Quân Minh phải co cụm phòng thủ.
- Năm 1427, nhà Minh cử 10 vạn quân sang đánh nước ta nhưng bị nghĩa quân đánh bại. Nhà Minh giảng hòa và được ông chấp nhận. Lê Lợi cung cấp lương thực, tàu thuyền để bại binh nhà Minh về nước.
- Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên tức vua Lê Thái Tổ, thành lập nhà Hậu Lê và xây dựng lại đất nước.
- Những năm sau đó, Lê Lợi tái thiết đất nước, xây dựng chế độ khoa cử, luật lệ, kinh tế và trường học. Ông đem quân dẹp yên các thổ tù làm loạn và đánh bại quân đội Ai Lao ở phía Bắc..
- Ngày 7 tháng 9 năm 1433, Lê Lợi mất tại Đông Kinh, Đại Việt (nay là Hà Nội). Sau khi mất, con trai của Lê Lợi là Lê Nguyên Long lên ngôi vua, tức vua Lê Thái Tông.
Xuất thân và gia đình
Lê Lợi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm quân trưởng ở vùng Lam Sơn. Cha ông là Lê Khoáng, mẹ là bà Trịnh Thị Ngọc Hương con gái của một vị tướng quân thời Trần. Ông còn có hai người anh trai là Lê Học và Lê Trư. Khi lớn lên, Lê Lợi theo nghiệp cha trở thành chúa trại Lam Sơn, biệt danh Lam Sơn Động Chủ. Ngoài ra, Lê Lợi còn có các chị em gái khác bao gồm: công chúa Ngọc Vĩnh, công chúa Ngọc Tiên, công chúa Ngọc Tá. Khi còn nhỏ, ông được anh trai Lê Học tận tình chăm sóc.
Công lao của Lê Lợi
Tên tuổi của Lê Lợi mãi vang vọng trong lịch sử. Ông đã dẫn dắt đội quân áo vải Lam Sơn giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống lại nhà Minh, mang đến độc lập cho nước nhà.
Sau chiến thắng, Lê Lợi đã đảm nhận trọng trách xây dựng và tái thiết đất nước Đại Việt. Ông đã lập các chế độ hành chính, cải cách kinh tế, khôi phục giáo dục và văn hóa. Từ đó, Lê Thái Tổ đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Nhà vua cũng thực hiện các chiến dịch đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân đội Ai Lao, tạo ra một thời kỳ bình yên, thịnh trị cho Đại Việt.
Lê Lợi đã trở thành biểu tượng cho lòng can đảm, yêu nước và khát vọng độc lập. Ông đã để lại cho con cháu bài học về lòng quyết tâm, sự kiên trì để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Những câu nói nổi tiếng của Lê Lợi
"Quân giặc nhiều, quân ta ít. Nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn."
“Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?"
"Thắng thua là ở người tướng, chứ không phải ở quân nhiều hay ít."
“Bao giờ thấy vợ con ta nghèo thiếu thì vợ con các ngươi mới nghèo thiếu”
“Ta không có tài dũng trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề sợ làm không nổi. Vì thế phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ cùng mưu việc lớn, để cứu giúp dân. Ai tiến cử được người mưu dũng hơn người hoặc tự tiến cử mình, đều cho làm thượng khanh , thượng tước.”
"Nếu ai thấy điều lệnh của trẫm không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cố, hoặc là thuế má nặng nề, hoặc là việc tà dâm bạo ngược, thì lập tức ta sẽ sửa lại."
“Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược.”
Khi quân Minh đầu hàng, có người khuyên nhà vua nên giết chúng đi. Vua Lê Thái Tổ nói:
“Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?”.
>>Có thể bạn muốn xem thêm Khởi nghĩa Lam Sơn.
Như vậy, Họ Là Ai vừa gửi đến bạn đọc tóm tắt tiểu sử Lê Lợi, công lao và những câu nói hay. Mong rằng bài viết hữu ích với bạn và hẹn gặp trong những bài viết tiếp theo.