Vào cuối thế kỷ 19, Mai Xuân Thưởng đã hưởng ứng phong trào Cần Vương mà lãnh đạo nghĩa sĩ đứng lên chống Pháp. Ông mất khi mới 27 tuổi nhưng tấm gương hy sinh ấy sẽ còn sống mãi. Với bài viết sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc đời, cuộc khởi nghĩa mà ông đã lãnh đạo.
Tiểu sử Mai Xuân Thưởng
Mai Xuân Thưởng (1860-1887) là lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp ở Bình Định hưởng ứng phong trào Cần Vương. Ông đỗ tú tài vào năm 1877, đỗ cử nhân vào năm 1884. Năm 1885, ông cùng với Đào Doãn Địch lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Vào tháng 5 năm 1885 (tháng 7 âm lịch), khi cuộc phản công của phe chủ chiến diễn ra tại Kinh thành Huế, tại Bình Định cũng đang diễn ra kỳ thi Hương. Sau khi nghe tin Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương, nhiều sĩ tử đã bỏ thi để trở về quê hương hoạt động chống Pháp. Trong số 8 người tiếp tục thi và đều đỗ cử nhân có Mai Xuân Thưởng.
Sau khi thi đỗ, Mai Xuân Thưởng trở về quê Phú Lạc và tập hợp các nghĩa sĩ tại Hòn Sung (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) chống Pháp. Đến ngày 6 tháng 6 năm 1887, Mai Xuân Thưởng bị bắt xử chém.
Xuất thân
Mai Xuân Thưởng tên khi còn nhỏ là Phạm Văn Siêu, người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha ông là Mai Xuân Tín, quan bố chánh tỉnh Cao Bằng, sau khi qua đời được vua Tự Đức phong tặng hàm Trung Thuận Đại Phu. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Nguyệt là con gái của một gia đình quyền quý trong làng.
Thuở nhỏ ông thông minh, ham học, giỏi cả văn lẫn võ. Khi mới 6 tuổi, cha ông mất sớm. Cậu bé Mai Xuân Thưởng lớn lên được mẹ nuôi dạy và theo học tú tài Lê Duy Cung.
Cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng
Nguyên nhân
Cuộc tấn công của phe chủ chiến tại kinh thành Huế thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế và ủ mưu đánh Pháp lâu dài. Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân và sĩ phu trong cả nước cùng chống giặc. Nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng nhằm hưởng ứng phong trào Cần Vương.
Diễn biến và kết quả
Sau khi thi đỗ, Mai Xuân Thưởng trở về quê Phú Lạc để mời gia nhập các nghĩa sĩ và thành lập căn cứ ở Hòn Sưng (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn).
Trong khi đó, nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch, sau khi trở về Bình Định, đã truyền đạt về Cần Vương và đã thu hút được khoảng 600 nghĩa quân. Đại bản doanh nghĩa quân đóng quân tại thôn Tùng Giản (nay là xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).
Từ đây cho đến năm 1887, phong trào Cần Vương ở Bình Định diễn ra sôi nổi và lan rộng ra các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Phú Yên... thu hút hàng ngàn người từ mọi tầng lớp tham gia.
Vào giữa tháng 7 năm 1885, nghĩa quân tiến công chiếm đóng tỉnh lị Bình Định. Sau khi xử lý quan chức Pháp Lê Thận, họ tiếp tục tấn công và phá hủy các làng theo đạo Thiên Chúa.
Quân Pháp cũng đã tiến vào từ Quy Nhơn để đàn áp. Đoàn Doãn Địch đã tổ chức kháng cự. Trận đánh dữ dội đã diễn ra ở Trường Úc và Phong Niên. Trước sức mạnh hỏa lực, lực lượng của Đoàn Doãn Địch đã bị tiêu diệt, buộc vị lãnh đạo này phải chạy về căn cứ chính của Mai Xuân Thưởng, đang đặt tại Lộc Đổng (Đồng Hươu) thuộc thôn Phú Phong (huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định).
Vào tháng 9 cùng năm đó, Đoàn Doãn Địch qua đời do bệnh tật. Trước đây, khi Mai Xuân Thưởng tham gia phong trào Cần Vương, ông đã được Đoàn Doãn Địch bổ nhiệm làm Tán tương quân vụ. Trước khi qua đời, ông đã chỉ định Mai Xuân Thưởng làm Nguyên Soái thay mình.
Tháng 9 năm 1885, Mai Xuân Thưởng tổ chức lễ tế cờ tại Lộc Đổng và xuất quân tiến công vào quân Pháp. Lực lượng nghĩa quân chống Pháp do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo giành được một số thắng lợi các trận tại Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho... làm cho quân địch chịu nhiều thiệt hại.
Vào đầu năm 1887, Pháp đã gửi Đốc phủ sứ Trần Bá Lộc hợp tác với quân Trung tá Cherru tấn công căn cứ của nghĩa quân. Vào ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc đã vây bắt căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng, bắt được mẹ của Mai Xuân Thưởng và một số nghĩa sĩ.
Vào tháng 4 năm 1887 Trần Bá Lộc đã sử dụng các biện pháp tàn bạo để bắt giữ mẹ ông và tra tấn, tàn sát người dân trong làng. Với lòng đau xót đến cực điểm, ông đã đặt mạng sống của mình vào hiểm nguy để cứu mẹ và những người vô tội. Ngày 7 tháng 6 năm 1887, Mai Xuân Thưởng bị xử chém, cuộc khởi nghĩa cũng chấm dứt. Tháng 4 năm 2023, báo Bình Định có đưa tin về luận điểm Mai Xuân Thưởng không hề ra hàng để cứu mẹ mà chiến đấu đến khi bị giặc bắt.
Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa
Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng đã mang nghĩa cổ vũ tinh thần chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Mặc dù cuộc khởi nghĩa không thành công, nhưng đã làm Pháp gánh chịu nhiều tổn thất.
Qua đời
Theo chỉ thị của thực dân Pháp, Trần Bá Lộc đã chiêu hàng Mai Xuân Thưởng. Trước mặt kẻ thù, Mai Xuân Thưởng đã trả lời: "Mang danh hiệu bình Tây tướng quân không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có đoạn đầu tướng quân chứ không đầu hàng tướng quân...". Biết rằng không thể khuất phục được lòng yêu nước sâu đậm đó, thực dân Pháp và tay sai đã xử tử Mai Xuân Thưởng cùng các đồng đội tại Gò Chàm về phía đông thành Bình Định vào ngày 07 tháng 06 năm 1887.
Trước giờ vĩnh biệt cõi trần, Mai Xuân Thưởng đã hướng về phía Bắc lạy tạ từ giã vua Hàm Nghi, hướng về phía Tây để lạy từ giã mẹ già.
Ông đã sáng tác bài thơ tuyệt mệnh như sau:
"Không tính làm chi việc mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Đá tạc lòng trung quí mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Đỏ lòe bìa sách máu là son
Rồi đây ngọc thoi đưa xuân tới
Một nhánh Mai già nảy rậm non".
Lăng mộ Mai Xuân Thưởng
Sau khi Mai Xuân Thưởng hi sinh, thi hài của ông đã được người dân đưa về an táng tại Cây Muồng, làng Phú Lạc, Bình Thành, huyện Tây Sơn. Vào năm 1961, người dân Bình Định đã cải táng, xây dựng lăng mộ, đền thờ cho ông trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Đình.
Địa chỉ lăng mộ Mai Xuân Thưởng: WVM9+M9X, Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định.
Công trình lăng mộ được xây dựng đơn giản nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm. Lăng mộ có thiết kế đặc biệt với 6 mái, hình dạng bình đồ là hình chữ nhật, cổng chính rộng 4m. Ngói sử dụng cho mái lăng là ngói Tây, kiểu mái cong.
Hàng năm, vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, người dân Tây Sơn lễ dâng hương tại lăng mộ để tưởng nhớ ông. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1995, khu lăng mộ của Mai Xuân Thưởng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử.
>> Có thể bạn muốn biết thêm về vua Hàm Nghi.
Với bài viết trên, Họ Là Ai hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng cùng với cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đao. Hãy cám ơn chúng tôi bằng cách theo dõi những bài viết tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
- Mai Xuân Thưởng - Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên.