Cuộc cải cách của vua Minh Mạng được thực hiện trong giai đoạn từ năm 1820 đến năm 1840, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, hành chính, kinh tế, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, giáo dục. Trước khi trả lời câu hỏi, dựa theo SGK Lịch sử 11 Chân Trời Sáng Tạo, chúng tôi sẽ giảng giải cho bạn nội dung chính của cuộc cải cách này.
Nội dung cải cách chính trị - xã hội
Ở trung ương:
- Cải tổ Hội đồng đình thần
Năm 1820, vua Minh Mạng cải tổ Hội đồng đình thần đã được lập dưới thời Gia Long thành Chế độ đình nghị, mở rộng thành phần tham dự nghị bàn đến chức Tham hiệp (trật Chánh tứ phẩm) trở lên. Với chế định này, Hội đồng giống như một chính phủ mở rộng, tư vấn cho nhà vua. Các phiên đình nghị được ấn định vào các ngày chẵn 2, 8, 16 và 24 âm lịch hằng tháng để nghị bàn về các công việc liên quan đến chính trị, hành chính.
- Kiện toàn các cơ quan văn phòng và chuyên trách
Từ năm 1820, vua Minh Mạng tiến hành kiện toàn các cơ quan văn phòng trực tiếp giúp việc cho nhà vua (Văn thư phòng, Hàn lâm viện, Cơ mật viện).
Các cơ quan chuyên trách đứng đầu là lục bộ, được quy định chặt chẽ, rõ ràng về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ. Thượng thư lục bộ hợp cùng trưởng quan của Đô sát viện, Đại lý tự và Thông chính sứ ty hợp thành Cửu khanh của triều đình.
- Chế độ Kinh lược đại sứ
Công tác kiểm tra, giám sát được đặc biệt coi trọng. Chế độ Kinh lược đại sứ được lập ra để thay mặt vua thanh tra các địa phương có tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội.
Tại địa phương:
- Cải cách hành chính địa phương
Năm 1831 – 1832, vua Minh Mạng triển khai cải cách hành chính địa phương quy mô lớn trên cả nước. Theo đó, Bắc thành và Gia Định thành bị bãi bỏ, đổi các dinh, trấn thành tỉnh. Cả nước được chia làm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (Kinh sư). Hệ thống hành chính phân cấp theo mô hình từ trên xuống, gồm: tỉnh, phủ, huyện/châu, tổng, xã. Cơ quan quản lí cấp tỉnh gồm hai ty là Bố chánh sứ ty (phụ trách đinh, điền, hộ tịch) và Án sát sứ ty (coi về hình án).
- Xóa bỏ chế độ thổ quan
Ở khu vực miền núi, các vùng dân tộc ít người, nhà Nguyễn thiết lập cấp tổng, xoá bỏ chế độ thổ quan, lựa chọn những thổ hào thanh liêm ở địa phương, tài năng, cần cán được dân tin phục làm Thổ tri các châu, huyện và đặt thêm quan lại người Việt (lưu quan) để quản lí.
- Chế độ hồi tị
Kế thừa tư tưởng của vua Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng đã ban nhiều lệnh, dụ quy định về chế độ hồi tị để ngăn chặn tình trạng quan lại cấu kết bè phái ở địa phương.
Nội dung cải cách kinh tế
- Trên lĩnh vực nông nghiệp:
Việc đo đạc lại ruộng đất giúp nhà nước nắm được tình hình sử dụng đất đai, chống thất thu thuế, và quản lý ruộng đất công một cách hiệu quả. Sổ địa bạ được lập theo mẫu thống nhất, ghi rõ diện tích, loại đất, chủ sở hữu, thuế suất..., giúp nhà nước dễ dàng quản lý và thu thuế.
- Trên lĩnh vực công thương:
Để kiểm soát hoạt động thương mại và an ninh, vua Minh Mạng quy định lại chính sách thuế đối với thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán ở Việt Nam.
Nội dung cải cách quốc phòng, an ninh
- Tổ chức quân đội:
Quân đội được tổ chức theo phương châm “tinh nhuệ”, học hỏi mô hình tổ chức và phiên chế của phương Tây.
- Phát triển lực lượng thuỷ quân:
Vua Minh Mạng đặc biệt coi trọng phát triển lực lượng thuỷ quân. Ông cho xây dựng nhiều hải cảng, tàu thuyền, và cử người sang phương Tây học tập về kỹ thuật đóng tàu.
- Tăng cường các hoạt động xây dựng pháo đài, tuần soát trên biển:
Vua Minh Mạng cho xây dựng nhiều pháo đài ven biển để bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược từ biển. Đồng thời, ông cũng tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển.
Nội dung cải cách văn hóa - giáo dục
Xuất phát từ tư tưởng độc tôn Nho giáo, vua Minh Mạng hạn chế Phật giáo và cấm đoán Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, Phật giáo cùng với tín ngưỡng dân gian vẫn có sức sống mạnh mẽ, nhất là ở nông thôn.
Vua Minh Mạng là một nhà vua có tư tưởng Nho giáo sâu sắc. Ông coi Nho giáo là nền tảng tư tưởng của nhà nước nên đã thực hiện nhiều chính sách nhằm duy trì và phát triển Nho giáo. Một trong những chính sách đó là hạn chế Phật giáo và cấm đoán Thiên Chúa giáo. Về Thiên Chúa giáo, ông cho răng đây tôn giáo ngoại lai, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến xã hội.
Về giáo dục khoa cử, năm 1822, vua Minh Mạng cho mở lại các kì thi Hội, thi Đình, khuyến khích hoạt động giáo dục Nho học nhằm tạo ra đội ngũ trí thức thực học giúp việc cho triều đình.
Trình bày nội dung chính của cuộc cải cách của vua Minh Mạng
Cuộc cải cách của vua Minh Mạng được thực hiện trong giai đoạn từ năm 1820 đến năm 1840, được chia thành 4 phần như sau:
- Trên trung ương:
Cải tổ Hội đồng đình thần thành chế độ đình nghị, mở rộng thành phần tham dự nghị bàn đến chức Tham hiệp (trật Chánh tứ phẩm) trở lên.
Kiện toàn các cơ quan văn phòng, chuyên trách.
Chế độ Kinh lược đại sứ được lập ra để thay mặt vua thanh tra các địa phương có tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội.
- Tại địa phương:
Chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (Kinh sư).
Xóa bỏ chế độ thổ quan, lựa chọn những thổ hào thanh liêm ở địa phương, tài năng, cần cán được dân tin phục làm Thổ tri các châu, huyện và đặt thêm quan lại người Việt (lưu quan) để quản lí.
Ban hành thêm lệnh dụ về chế độ Hội Tị.
- Trên lĩnh vực nông nghiệp:
Năm 1836, vua Minh Mạng cho triển khai đo đạc lại ruộng đất ở Nam Bộ, lập sổ địa bạ để quản lý.
Khôi phục chế độ ruộng đất công để nông dân làng xã có ruộng cày cấy.
- Trên lĩnh vực công thương:
Quy định lại chính sách thuế đối với thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán nhằm kiểm soát hoạt động thương mại và an ninh.
- Tổ chức quân đội:
Quân đội được tổ chức theo phương châm “tinh nhuệ”, học hỏi mô hình tổ chức và phiên chế của phương Tây.
Đặc biệt coi trọng phát triển lực lượng thuỷ quân và tăng cường các hoạt động xây dựng pháo đài, tuần soát trên biển.
- Tư tưởng độc tôn Nho giáo.
- Hạn chế Phật giáo và cấm đoán Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, Phật giáo cùng với tín ngưỡng dân gian vẫn có sức sống mạnh mẽ, nhất là ở nông thôn.
- Năm 1820, vua Minh Mạng cho lập Quốc sử quán.
- Về giáo dục khoa cử, năm 1822, vua Minh Mạng cho mở lại các kì thi Hội, thi Đình, khuyến khích hoạt động giáo dục Nho học nhằm tạo ra đội ngũ trí thức thực học giúp việc cho triều đình.
>> Có thể bạn muốn xem bài học nêu kết quả ý nghĩa của cuộc cải cách thời Minh Mạng.
>> Bài viết liên quan: Bối cảnh lịch sử dẫn đến cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nội dung cải cách của vua Minh Mạng. Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích chi tiết kết quả và ý nghĩa của cuộc cải cách này.
- Sách giáo khoa Lịch sử 11 - Chân Trời Sáng tạo.