Truyện Thạch Sanh Lý Thông - Kể tóm tắt, câu chuyện và ý nghĩa sâu sắc

Nguyễn Minh Khánh
tháng 1 25, 2024
Last Updated

Truyện Thạch Sanh Lý Thông là một câu chuyện cổ tích có nhiều yếu tố kì ảo, ca ngợi lòng dũng cảm, đức độ và tài năng của nhân vật chính. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tóm tắt nội dung, kể lại câu chuyện và bài học ý nghĩa.

Tóm tắt

truyện Thạch Sanh Lý Thông


Tóm tắt ngắn gọn câu chuyện Thạch Sanh như sau:

Ngày xưa, có một cặp vợ chồng già sinh sống bằng nghề chặt củi. Họ có cuộc sống khó khăn, tuổi đã cao nhưng vẫn mong có một đứa con.

Do những việc làm lương thiện cứu giúp làng xóm, họ được Ngọc Hoàng ban phúc, gửi Thái tử xuống trần làm con trai. Người đó tên gọi là Thạch Sanh. Sau khi cha mẹ qua đời, Thạch Sanh sống côi cút gần cây đa.

Lớn lên, chàng được Ngọc Hoàng phái vị tiên xuống trần giáo dục võ nghệ và phép thuật. Thạch Sanh kết nghĩa với kẻ hiểm độc Lý Thông. Ngày đó, chằn tinh hung ác đến làng ăn thịt người. Mỗi năm, dân làng phải hiến tế một người đến miếu thờ để nó ăn thịt. Năm nay đến lượt Lý Thông. Do bị Lý Thông lừa, Thạch Sanh đã đến miếu thờ thay cho Lý Thông. Nhưng may mắn, nhờ tài năng và lòng dũng cảm chàng đã đánh bại quái vật.

Sau đó, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh rằng chằn tinh là do vua nuôi, giết nó phải chịu tội và khuyên Thạch Sanh trốn đi. Nghe lời anh, Thạch Sanh về sống dưới túp lều tranh gần cây đa. Còn Lý Thông đem đầu chằn tinh đến nhận phong thưởng, được làm quan.

Ngày đó, công chúa kén rể bị đại bàng tinh bắt mất. Vua lệnh cho Lý Thông tìm công chúa về. Vì vậy, Lý Thông lại tìm đến Thạch Sanh để giải cứu công chúa. Sau khi Thạch Sanh dùng mưu chuốc mê đại bàng tinh giải cứu được công chúa, Lý Thông không kéo Thạch Sanh khỏi hang của đại bàng mà cho người lấp hang nhốt Thạch Sang trong hang. Đại bàng tinh tỉnh giấc đại chiến với Thạch Sanh nhưng bị chàng đánh bại. Sau đó, Thạch Sanh tìm được Thái Tử con vua Thủy Tề cũng bị đại bàng giam giữ. Sau khi giải cứu Thái Tử, chàng được mời xuống thủy cung và được vua thủy Tề tặng cho một cây đàn.

Tiếp đó, linh hồn của chằn tinh và đại bàng tinh gặp nhau cùng bày mưu hãm hại Thạch Sanh bị tống vào ngục giam. Lý Thông biết được Thạch Sanh vẫn còn sống, e sợ việc bại lộ nên phán chàng tội chết. Khi ở trong ngục giam, Thạch Sanh lấy đàn mà vua Thủy Tề ban cho đánh để bày tỏ nỗi oan khuất.

Về phần công chúa, sau khi được giải cứu, nàng không nói không cười. Nhà vua và Lý Thông tìm cách chữa trị nhưng đều thất bại. Lúc này, công chúa nghe thấy tiếng đàn bèn mỉm cười, xin vua cha cho người đánh đàn vào cung.

Sau khi vào cung, Thạch Sanh kể lại câu chuyện cuộc đời mình khiến nhà vua vô cùng cảm động. Sau cuộc phiêu lưu, bị Lý Thông hãm hại, cuối cùng sự thật được phơi bày. Thạch Sanh trở thành anh hùng, được vua cho thừa kế ngai vàng và cưới công chúa. Thê nhưng, 18 vị vương tử từng bị công chúa khước từ lời cầu hôn nghe tin, bèn đem quân đến hỏi tội. Thạch Sanh lại lấy đàn thần ra đàn khiến tinh thần quân địch suy sụp, chẳng còn ý chí chiến đấu. Sau cùng, nhờ tài đức, Thạch Sanh đã đẩy lùi liên quân 18 nước. Sau khi lên ngôi vua, chàng ban hành nhiều chính sách giúp cuộc sống nhân dân được cải thiện.

Câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông

Xưa kia, tại huyện Cao Bình, có một cặp vợ chồng già làm nghề chặt củi mưu sinh, người chồng tên là Thạch Nghĩa. Họ sống trong cảnh túng thiếu. Đã vậy, tuổi đã già mà họ chẳng có lấy một đứa con. Hàng ngày, cả 2 vợ chồng phải vào rừng chặt củi đổi lấy gạo để mưu sinh. Dù cuộc sống đầy vất vả, cả hai vợ chồng vẫn không quản ngại giúp đỡ làng xóm bằng những việc làm lương thiện như thông cống, đắp đê, đào mương và sẵn lòng nấu nước cho khách bộ hành. Họ mong ngóng từng ngày trời cao sẽ ban phúc cho mình một đứa con.

Sự lương thiện của 2 vợ chồng đã lay động trái tim Ngọc Hoàng. Thế rồi, Ngài đã sai thái tử của mình xuống trần gian để đầu thai làm con họ. Chẳng bao lâu, người phụ nữ trong gia đình ấy mang thai. Thế nhiều năm trôi qua, bà vẫn không thể sinh nở. Trong lúc đó, người chồng của bà lại qua đời. Cuối cùng, bà cũng sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh, đặt tên là Thạch Sanh.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, vài năm sau người mẹ cũng bỏ thế gian. Thạch Sanh sống một mình trong căn lều dựng dưới gốc đa cổ thụ. Vật dụng đáng giá chỉ có chiếc búa chặt củi mà người cha đã để lại. Khi Thạch Sanh lớn lên, Ngọc Hoàng đã phái tiên ông xuống trần dạy cho chàng tất cả các môn võ nghệ và phép thần thông.

Một ngày kia, có người bán rượu tên là Lý Thông ghé qua cây đa, thấy Thạch Sanh mạnh mẽ và thật thà, liền mời chàng về nhà và kết nghĩa làm anh em. Đúng lúc đó, vùng đất này đang bị một con chằn tinh làm hại. Con quái vật này vô cung hung dữ, còn bắt người ăn thịt. Thế nhưng, không ai có thể tiêu diệt nó được. Vua quyết định lập miếu thờ và mỗi năm đành phải hiến tế cho nó một mạng người. Lý Thông chính là người năm đó phải hiến tế. Thế nhưng, vốn nhiều mưu mô, hắn đã lừa Thạch Sanh để chàng thay thế cho mình.

Thạch Sanh chém chết chằn tinh
Thạch Sanh chém chết chằn tinh


Hôm đó, khi Thạch Sanh vừa đi đốn củi về, Lý Thông mời rượu và bảo rằng:

Hôm nay, đến lượt anh phải canh miếu thờ. Nhưng mà anh đang làm dở mẻ rượu, em hãy đi thay giúp anh.

Tin lời Lý Thông, nên đêm đó Thạch Sanh đến ngủ ở miếu thờ. Trong đêm tĩnh mịch, khi Thạch Sanh đang chìm vào giấc ngủ mơ màng, bỗng chằn tinh hiện hình với móng vuốt sắc nhọn, hàm răng sắc bén,  xông vào miếu tấn công Thạch Sanh. Nhưng Thạch Sanh không hề hoảng sợ, anh bình tĩnh chiến đấu với chằn tinh. Sau trận chiến cam go, cuối cùng Thạch Sanh đã chém đứt đầu quái vật, thiêu rụi nó ra tro. Sau đó, Thạch Sanh phát hiện ra một bộ cung tên lấp lánh vàng ròng bên trong miếu. Thạch Sanh vô cùng vui mừng vì nhặt được vật quý rồi mang theo đầu chằn tinh trở về nhà.

Khi Thạch Sanh về đến, anh gõ cửa nhà. Lý Thông cùng mẹ trông thấy Thạch Sanh thì vô cùng sợ hãi và hoảng loạn. Cả hai mẹ con lầm tưởng rằng Thạch Sanh đã bị chằn tinh ăn thịt, hồn ma của anh quay về đòi mạng. Thế là, cả hai liền quỳ xuống cầu xin tha mạng:

Xin em hãy bỏ qua cho chúng tôi. Ngày mai, mẹ con tôi sẽ chuẩn bị lễ vật, cúng bái đầy đủ cho em mà.

Thạch Sanh bước vào nhà và kể lại hành trình đánh bại chằn tinh. Cuối cùng, Lý Thông cùng mẹ mình mới thực sự yên tâm. Nhưng ngay sau đó, Lý Thông đã nghĩ ra một kế hoạch hiểm độc khác. Hắn ta nói với Thạch Sanh rằng:

Con trăn kia là thú cưng của nhà vua nuôi nấng đã lâu. Bây giờ em đã giết nó, chắc chắn không tránh khỏi tội chết. Thôi, bây giờ em hãy mau mau mà trốn đi trong đêm. Những chuyện còn lại, ta sẽ lo liệu.

Tin lời Lý Thông, Thạch Sanh đã rời đi, về lại nhà xưa ẩn náu dưới gốc đa cũ. Trong khi đó, Lý Thông mang thủ cấp của chằn tinh đến triều đình và tâu với vua rằng mình là người đã tiêu diệt quái vật. Vua hết lời khen ngợi và phong cho Lý Thông chức Đô đốc quận công.

Khi đó, công chúa Quỳnh Nga là con gái của vua đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn chưa vừa ý ai. Dù nhiều hoàng tử đến từ các quốc gia khác đều đem lòng muốn cầu hôn công chúa. Thế nhưng nàng vẫn chưa vừa ý một ai. Vì vậy, vua quyết định sẽ tổ chức  lễ hội chọn rể hoành tráng, mở cửa cho mọi người, từ hoàng tử cho đến hạng bình dân. Trong lễ hội đó, công chúa sẽ ném một quả cầu vàng xuống đám đông, người nào đón được quả cầu đó sẽ được lấy nàng làm vợ.

Nhưng đúng lúc công chúa chuẩn bị ném quả cầu, một con đại bàng to lớn bay ngang qua đã phát hiện ra nàng. Con đại bàng này hóa ra là một yêu tinh sống trên núi. Bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của công chúa, đại bàng đột ngột lao xuống và bắt cóc công chúa đi mất.

Thạch Sanh, người đang ngồi dưới gốc đa, tình cờ nhìn thấy cảnh tượng đó và nhanh chóng bắn một mũi tên trúng vào cánh của đại bàng. Đau đớn, con quái vật buộc phải hạ cánh. Nó nhổ mũi tên ra và tiếp tục mang công chúa về hang. Còn về phần Thạch Sanh, chàng lần theo dấu vết máu mà tìm ra nơi ẩn náu của đại bàng tinh.

Tin tức về việc công chúa Quỳnh Nga bị mất tích truyền đến tai nhà vua khiến ông lo lắng vô cùng. Thế là, ông vội vã sai Đô đốc Lý Thông đi tìm kiếm và hứa rằng người tìm được công chúa sẽ được gả công chúa và kế vị ngai vàng. Lý Thông vừa mừng vừa lo sợ nhưng không biết phải làm thế nào mới tìm được công chúa. Cuối cùng, hắn nghĩ rằng chỉ có Thạch Sanh mới đủ bản lĩnh giải cứu công chúa

Lý Thông vừa sai binh lính đi khắp nơi để tìm tin tức, vừa tổ chức hội hát xướng kéo dài mười ngày để dò la thông tin về Thạch Sanh. Sau nhiều ngày tìm kiếm mà không có kết quả, đến ngày thứ mười, Lý Thông cuối cùng cũng tìm thấy Thạch Sanh trong đám đông người xem hội.

Khi Lý Thông đề cập đến việc tìm kiếm công chúa, Thạch Sanh ngây ngô mà kể lại sự việc mình đã bắn trúng Đại bàng. Lý Thông cảm thấy vui mừng và ngay lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường cho quân lính tiến đến gần hang đá. Trước cửa hang sâu thẳm, không ai dám liều mình bước vào. Chỉ có chàng Thạch Sanh dũng cảm tự nguyện tiến vào hang động để giải cứu công chúa.

Kể từ ngày đại bàng bị thương, nó nằm bất động một chỗ và bắt ép công chúa phải phục vụ. Sau khi vào hang, Thạch Sanh âm thầm ẩn mình chờ đợi cơ hội. Một lúc sau, công chúa đi ngang qua gần nơi mà Thạch Sang đang ẩn mình. Lúc này, Thạch Sanh mới lộ diện và nói với nàng:

Ta là dũng sĩ được phái đến để cứu nàng. Bây giờ, nàng hãy cầm lấy bình thuốc mê này, cho đại bàng uống. Ta chắn chắn sẽ cứu nàng ra khỏi nơi đây.

Đối với hành động dũng cảm, công chúa không giấu nổi sự ngạc nhiên và cảm kích sâu sắc chàng Thạch Sanh đã không quản nguy khó đến cứu mình. Sau đó, công chúa làm theo chỉ dẫn của Thạch Sanh, cho đại bàng tinh uống thuốc mê. Thế là, đại bàng khổng lồ chìm vào giấc ngủ say.

Sau đó, Thạch Sanh nhanh chóng buộc công chúa vào dây thừng và tín hiệu cho đội quân của Lý Thông kéo lên. Trong khi chờ đợi đến lượt mình được kéo lên, Thạch Sanh không ngờ rằng Lý Thông gian ác đã ra lệnh cho binh lính lấp kín lối vào hang động bằng những tảng đá to rồi dẫn quân trở về.

Vì vậy, Thạch Sanh mắc kẹt bên trong hang cùng với con quái vật có thể thức dậy bất cứ khi nào. Cảm giác tức giận vì bị Lý Thông phản bội dâng trào, Thạch Sanh gắng sức phá hủy tảng đá chắn cửa để tìm lối thoát. Chính vào lúc ấy, đại bàng tỉnh giấc. Khi thấy trong hang có người lạ và không thấy công chúa đâu, đại bàng tức giận vô cùng , liền lao ra tấn công Thạch Sanh. Nhưng Thạch Sanh đã dùng phép màu của mình để phản kháng quyết liệt.

Vì đã bị thương từ trước, đại bàng không thể chống đỡ lâu và sớm bị Thạch Sanh đánh bại. Sau khi chiến thắng đại bàng, Thạch Sanh đã lùng sục xung quanh và bắt gặp một thái tử bị nhốt trong lồng sắt. Anh tìm kiếm và biết rằng đó là thái tử của vua Thuỷ Tề, hoàng tử đã bị nhà vua giam giữ từ khoảng một năm trước trong một lần đi săn bắn.

Thạch Sanh đã sử dụng cây cung vàng phá hủy lồng sắt và giải cứu thái tử. Thái tử cảm động vô cùng, bèn đưa Thạch Sanh về thăm hoàng cung dưới biển của mình. Khi sum họp với con mình, Vua Thuỷ Tề mừng rỡ vô cùng, gửi lời cảm ơn chân thành đến Thạch Sanh. Khi Thạch Sanh sắp lên đường trở về, vua Thủy Tề đã gửi tặng anh vô số châu báu.

Tuy nhiên, Thạch Sanh từ chối và chỉ nhận một chiếc đàn. Thể rồi anh lại tiếp tục cuộc sống bình dị dưới gốc đa với công việc tiều phu. Vong hồn của Chằn tinh và đại bàng sau khi chết không còn ai thờ phụng nên lưu lạc khắp nơi. Một ngày nọ, chúng tình cờ gặp nhau và bày tỏ chia sẻ về những số phận truân chuyên của mình. Thế rồi, cả hai cùng nhau bắt tay vào âm mưu hãm hại Thạch Sanh. Chúng đã lẻn vào kho của vua để ăn cắp của cải và chôn giấu nó dưới gốc đa với âm mưu vu khống cho anh. Kết quả là, Thạch Sanh đã bị bắt giữ.

Về phần công chúa, sau khi được Lý Thông mang về hoàng cung, nàng đã trở nên trầm lặng, chỉ ngồi một nơi, không khóc không cười. Vì vậy, nhà vua buộc lòng phải trì hoãn lễ cưới xin và nhờ Lý Thông làm lễ cầu nguyện giúp nàng. Mặc dù đã gọi các pháp sư tài giỏi về giúp đỡ, tuy nhiên cuối cùng mọi cố gắng của Lý Thông vẫn chẳng thể khiến công chúa mỉm cười. 

Khi ấy, Thạch Sanh bị bắt và lọt vào tay Lý Thông. Hắn không thể ngờ rằng người em kết nghĩa mà hắn muốn hãm hại lại vẫn sống sót. Lo sợ Thạch Sanh sẽ vạch trần việc chiếm lấy công trạng của mình, Lý Thông đã quyết định kết án Thạch Sanh tử hình. Trong tù, Thạch Sanh cảm thấy buồn bã nên lấy đàn của vua Thủy Tề ra đánh. Chàng chẳng ngờ rằng cây đàn này lại là cây đàn thần. Âm thanh vọng ra từ cây đàn lúc bấy giờ đầy oán trách, đau khổ và bức xúc, phản ánh công lao của chàng mà công chúa đã quên và bóc trần những âm mưu hiểm ác của Lý Thông.

Âm nhạc từ chiếc đàn đã vượt qua ngục tối, lan tỏa khắp nơi. Khi tiếng đàn vang lên, công chúa đang ở trên lầu cao cũng không thể ngồi yên. Nàng bỗng nhiên đứng dậy, nở nụ cười  vui vẻ, ngỏ ý muốn cha mình mời người nghệ sĩ tài hoa đó đến cung điện.

Vừa ngạc nhiên xen lẫn vui mừng, nhà vua đã triệu tập Thạch Sanh. Trước toàn bộ hoàng cung, chàng đã trải nỗi lòng ra, kể lại câu chuyện từ khi mồ côi bố mẹ cho đến những ngày tháng làm quen với Lý Thông. Từ khi chàng chiến thắng Chân tinh, tiêu diệt Đại bàng đã bắt cóc công chúa, bị Lý Thông hãm hại nhốt vô hang sâu, rồi cả khi giải cứu con của vua Thuỷ Tề và cuối cùng bị vu oan tống giam.

Vua cùng hoàng gia xúc động sâu xa trước từng hành động trượng nghĩa của Thạch Sanh. Nhà vua hạ lệnh tống giam Lý Thông cùng mẹ, nhưng trao toàn quyền xử lý cho Thạch Sanh. Với tấm lòng độ lượng, chàng đã thả cho họ quay trở lại quê quán. Nhưng trên đường về, hai mẹ con đã bị sét đánh tử vong.

Tiếp đó, nhà vua đã giữ lời hứa mà gả công chúa cho Thạch Sanh. Tin tức được lan truyền rộng rãi khắp thiên ha, đến cả các quốc gia láng giềng. Các hoàng tử của mười tám vương quốc xung quanh đã từng bị công chúa từ chối cầu hôn nay cũng vô cùng tức giận khi nàng lại quyết định thành hôn với dân đen. Thế là, họ đã điều động binh lính tấn công để đòi công bằng.

Nhà vua đã phái Thạch Sanh đi tiêu diệt lực lượng đối phương. Trong trận chiến, Thạch Sanh lại sử dụng chiếc đàn của mình. Tiếng đàn ngân nga điệu nhạc, trầm bổng đầy cảm xúc, làm lay động lòng người. Quân địch không khỏi xao xuyến, nhớ nhung gia đình, quê hương và không còn muốn chiến đấu.

Chứng kiến điều này, thái tử của mười tám quốc gia chư hầu liền kinh hoàng và nhanh chóng xin hàng. Thạch Sanh đã chuẩn bị một bữa cơm thiết đãi các hoàng tử. Thế nhưng, chiếc niêu cơm mà chàng sử dụng là có phép thần kỳ. Com trong chiếc niêu ăn mãi mà vẫn luôn đầy. Các hoàng tử vô cùng kính nể Thạch Sanh rồi lui bình trở về.

Cuối cùng, nhà vua đã quyết định nhượng ngôi cho Thạch Sanh. Khi lên nắm quyền, việc đầu tiên của Thạch Sanh là bãi bỏ thuế khóa, thả tự do cho những người bị giam cầm, khích lệ mọi người dân chăm chỉ làm nông nghiệp. Nhờ vậy, từ đó mọi nhà đều sống trong bình yên, ấm no hạnh phúc.

Bài học ý nghĩa

Truyện Thạch Sanh Lý Thông mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về bản chất con người cũng như các giá trị sống. Cốt truyện phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa Thạch Sanh và Lý Thông. Đây là hai nhân vật đối lập nhau về tính cách lẫn hành động.

Thạch Sanh là người có lòng nhân ái, dũng cảm và luôn sẵn sàng hy sinh bản thân vì cộng đồng. Trong khi đó, Lý Thông lại vụ lợi, ích kỷ, thậm chí còn lợi dụng tình anh em kết nghĩa để lợi dụng Thạch Sanh. Sự đối lập này giúp người đọc rút ra bài học quý giá về tình bạn và sự hy sinh cho những điều cao đẹp.

Bên cạnh đó, truyện còn ca ngợi những phẩm chất cao quý của anh hùng Thạch Sanh như gan dạ, dũng cảm trước hiểm nguy. Chính nhờ những phẩm chất ấy mà Thạch Sanh đã lập nên nhiều chiến công và giúp được nhiều người.

Tóm lại, truyện Thạch Sanh Lý Thông không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà còn truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc về những giá trị nhân văn cao cả.

>> Bạn có muốn xem thêm những câu chuyện về anh hùng khác không? Xem truyền thuyết Thánh Gióng.

Khép lại truyện Thạch Sanh Lý Thông, chúng ta không khỏi cảm phục tinh thần trượng nghĩa, tài năng của chàng Thạch Sanh. Cuối cùng, sau bao nhiêu gian khó Thạch Sanh cũng có được hạnh phúc. Hy vọng bạn đọc sẽ ủng hộ chúng tôi bằng cách theo dõi thêm các câu chuyện cổ tích khác.

TrendingTrang chủ