Trần Quang Diệu là một trong Tây Sơn Thất Hổ tướng phục vụ triều đại nhà Tây Sơn, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam. Cùng với vợ là Bùi Thị Xuân, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng triều đại Tây Sơn, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng tài ba này.
Tiểu sử Trần Quang Diệu
Trần Quang Diệu (1746 - 1802) là một trong Tây Sơn Thất Hổ tướng của nhà Tây Sơn nổi tiếng với tài cầm quân đánh trận. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã tham gia nhiều trận chiến đánh giặc ngoại xâm và bảo vệ vương triều Tây Sơn. Đặc biệt, trong trận chiến thành Quy Nhơn, ông đã tha chết cho binh lính dưới trướng Võ Tánh, được người đời sau đánh giá là chính trực, nhân nghĩa. Dưới triều vua Cảnh Thịnh, Trần Quang Diệu từng giữ đến chức Thái Phó.
Tượng Trần Quang Diệu |
Năm 1802, ông bị vua Gia Long bắt và xử tử lột da sống, vợ con bị voi giày chết. Dòng họ thân tộc phải đổi sang họ Nguyễn để tránh tội. Sinh thời, Trần Quang Diệu và Thoại Ngọc Hầu là đôi bạn thân. Sau khi mất, mộ ông được đặt bên trong lăng Thoại Ngọc Hầu. Điều đặc biệt là Thoại Ngọc Hầu lại phục vụ chúa Nguyễn Ánh, kẻ thù không đội trời chung đã hủy diệt nhà Tây Sơn.
Gia đình và tuổi thơ
Trần Quang Diệu tên thật là Trần Văn Đạt, sinh ra ở làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), con trai của ông Trần Tấn và bà Phan Thị Hy. Lúc còn nhỏ, Trần Quang Diệu học văn võ từ nhiều vị sư phụ khác nhau. Trần Quang Diệu gặp ông lão Diệp Đình Tòng trên núi Kim Sơn, học được môn võ sử dụng đại đao. Theo học thầy được năm năm thì sư phụ mất.
Lúc này, Trần Quang Diệu nghe danh tiếng Nguyễn Nhạc mở sòng bạc ở Kiên Mỹ là người có chí lớn bèn đến nương nhờ. Tương truyền, trên đường đến tìm Nguyễn Nhạc, Trần Quang Diệu bị cọp dữ tấn công. Trong thời khắc hiểm nguy, ông được bà Bùi Thị Xuân cứu. Sau này, cả hai nên duyên vợ chồng, được Nguyễn Nhạc đích thân làm chủ hôn, có một cô con gái tên là Trần Thị Cúc (Bích Xuân).
Sự nghiệp Trần Quang Diệu
Tham gia phong trào Tây Sơn
Vào thời điểm này, đất nước Việt Nam đang trong cảnh chiến tranh liên miên giữa 2 tập đoàn quân phiệt lớn, lịch sử gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong bối cảnh đó, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ phất cờ khởi nghĩa gọi là phong trào Tây Sơn. Vì đã có mối liên hệ từ sớm với Nguyễn Nhạc nên Trần Quang Diệu tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm.
Năm 1773, Trần Quang Diệu có công tham gia đánh hạ thành Quy Nhơn. Năm 1778, ông được phong là Thiếu phó dưới triều Nguyễn Nhạc, bắt đầu cho một chuỗi thành công trong sự nghiệp cầm quân của mình. Năm 1785, Trần Quang Diệu đã góp công lớn vào chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, tiêu diệt 4 vạn quân Xiêm. Đây là một trong những trận đánh chống giặc ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Vào năm 1789, ông đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của quân Tây Sơn trước quân đội nhà Thanh, giải phóng Thăng Long. Trong đoàn quân Tây Sơn, Trần Quang Diệu được chỉ huy đạo trung quân. Sau khi đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lập nên triều đại nhà Tây Sơn. Về phần Trần Quang Diệu, ông được phong làm Đốc trấn Nghệ An, trông coi việc xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô.
Tấn công Vạn Tượng - Dẹp loạn Lê Duy Chỉ
Đầu năm 1791, vua Quang Trung sai người đi sứ sang Vạn Tượng. Thế nhưng, vua Vạn Tượng là Chao Nan lại ra lệnh bắt đoàn sứ giả đem sang Xiêm La. Nước Xiêm vốn thù địch với Tây Sơn nên tước cờ biển sứ thần và đưa sang cho Nguyễn Ánh. Hành động này đã khiến vua Quang Trung tức giận ra lệnh cho Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Uyển đem 1 vạn quân đánh Trấn Ninh, Trịnh Cao, Quỳ Hợp rồi tiến sang tấn công Vạn Tượng.
Vào tháng 6 năm 1791, Trần Quang Diệu đã công phá thành Trấn Ninh. Sau đó, vào tháng 8 cùng năm, ông đã công hạ thành Trịnh Cao và Quỳ Hợp.
Tháng 10 năm 1791, ông tiến quân vào nước Vạn Tượng, vua Chao Nan phải bỏ trốn đến tận biên giới Xiêm La. Năm 1792, ông rút quân về Nghệ An, có công khai thông đường từ Tây Nghệ An đến biên giới ba nước Việt - Vạn Tượng - Xiêm.
Cũng trong năm này, Trần Quang Diệu cũng thành công dẹp loạn Lê Duy Chỉ (em ruột vua Lê Chiêu Thống đã đầu hàng nhà Thanh) ở Tuyên Quang. Lê Duy Chỉ cũng bị giết chết.
Phục vụ dưới thời vua Cảnh Thịnh
Tháng 7 năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, con trai là Quang Toản lên ngôi, được gọi là vua Cảnh Thịnh. Sau đó, vào năm 1793, Trần Quang Diệu được phong làm Thái phó. Trong khoảng thời gian 9 năm từ 1794 đến 1802, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã chiến đấu chống lại quân đội của chúa Nguyễn Ánh.
Vào tháng 1 năm 1800, Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng đã đem quân tiến công vào cửa biển Thị Nại. Tướng của chúa Nguyễn là Võ Tánh và Nguyễn Văn Biện lui vào thành Bình Định. Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng bao vây thành Bình Định hơn 1 năm. Không có cứu viện, lương thực đã cạn, Võ Tánh tự thiêu mà chết, Tùng Châu uống thuốc độc tự sát để cầu Trần Quang Diệu tha mạng cho binh sĩ. Sau khi hạ được thành, Trần Quang Diệu giữ lời hứa thả ngay binh sĩ nhà Nguyễn.
Quân Tây Sơn đã chiếm lại Quy Nhơn, nhưng việc giữ vững thành này trở nên khó khăn vì kẻ địch xuất hiện từ nhiều phía.
Vào tháng 3 năm 1802, khi nghe tin Trấn Ninh bị đánh bại, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng rời bỏ Quy Nhơn, đi sang Lào rồi dự định hội quân với vua Cảnh Thịnh tại Nghệ An.
Khi đến Hương Sơn, họ nghe tin Nghệ An cũng đã thất thủ. Do đó Trần Quang Diệu đã dẫn gia đình trở về lại Thanh Chương. Chỉ vài ngày sau, các tướng sĩ đã bỏ chạy và toàn bộ gia đình ông bị bắt giữ.
Cái chết và ngôi mộ
Nguyễn Ánh tức vua Gia Long mến tài, có ý khuyên ông quy hàng. Thế nhưng, Trần Quang Diệu trả lời rằng:
Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu.
Thấy không thuyết phục được ông, vua Gia Long ra lệnh xử tử ông. Có nhiều giả thuyết khác nhau về hình thức bị xử tử của ông. Trong đó, Trần Quang Diệu bị xử lột da sống được đại đa số các nhà sử học ủng hộ.
Sau khi ông mất, Thoại Ngọc Hầu phục vụ dưới trướng Nguyễn Ánh lại là bạn cùng quê với ông. Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, trích kinh phí lo hương hỏa cho mộ phần người bạn Trần Quang Diệu. Trước đây, mộ Trần Quang Diệu khá nhỏ vẫn nằm tại làng An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Đến năm 2002, mộ ông được di dời về nhà thờ tiền hiền làng An Hải, được thờ phụng bên cạnh người bạn Thoại Ngọc Hầu.
Trần Quang Diệu là một trong những nhân vật lịch sử vĩ đại của Việt Nam. Với tài năng quân sự, ông đã có những đóng góp to lớn cho phong trào Tây Sơn và giữ vững bờ cõi đất nước trước giặc ngoại xâm. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về danh tướng này và đừng quên ủng hộ chúng tôi bằng cách theo dõi những bài viết tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
- Đại Nam Thực Lục, trang 532, 533.
- Sách Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim.
- Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr.881, 882